Một năm đã khép lại với những thành quả đạt được trên nhiều mặt kinh tế xã hội.
Tượng Di Lặc trên núi Cấm, An Giang
Tuy nhiên, vẫn còn đó những thách thức với tất cả chúng ta trên bước đường hội nhập khi sự cạnh tranh ngày một khốc liệt với những quốc gia lân cận, khi tình trạng xóa đói giảm nghèo có nơi có lúc chưa thực sự hiệu quả. Chưa kể đến tình trạng biến đổi khí hậu hay dịch bệnh gây khó khăn cho nông dân và những nhà hoạch định chính sách vĩ mô. Không phải ngẫu nhiên mà Oxford lại chọn “climate emergency” (tình trạng khẩn cấp về khí hậu) làm từ của năm 2019. Oxford giải thích đó là một tình huống tiêu cực của khí hậu trong đó con người cần hành động nhanh chóng nhằm hạn chế hay ngăn chặn những biến đổi gây thiệt hại môi trường không thể khắc phục về sau.
Chúng ta không phải là ngoại lệ trong 150 nước đưa ra lời cảnh báo trên. Chúng ta đang sống những ngày cuối mùa đông với những bất trắc của thời tiết, có cả thiên tai và nhân tai, khi bao con người trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang vật lộn với những trận cháy rừng, dòng lũ và những cơn mưa khốc liệt, đã có người chết, đã tổn hại biết bao hoa màu và cây trái như ở miền Trung cuối tháng qua. Còn những vùng khác trên cả nước, dù không gặp tai ương về thời tiết, vẫn đang phải đối phó với những tai họa khác: thực phẩm độc hại, không khí, nước sử dụng bị ô nhiễm từ đầu nguồn, kẹt xe tắc đường... Chưa kể những bất trắc rình rập quanh ta, sụp hố, cây đổ, cháy nhà, cháy chợ...
Chân dung xã hội hôm nay?
Nhìn chung, chúng ta cảm thấy bất an khi xã hội đắm chìm trong ngũ trược: bao nhiêu kẻ theo tà bỏ chính, chạy theo vật chất (kiến trược); kèm theo đó là thói vô cảm, sự băng hoại lý tưởng, tính thực dụng lạnh lùng, sự trống vắng niềm tin, sẵn sàng phạm tội ác vì mê muội (phiền não trược) trong kinh doanh và tình trạng này còn lan sang cả hàng ngũ viên chức công quyền (mạng trược).
Với một xã hội đang cạnh tranh ráo riết kể cả sử dụng những phương thức không lành mạnh thì làm sao xây dựng sự hài hòa? Phải xem lại định chế văn hóa vốn là mạch sống, là rường cột trong việc kiến thiết xã hội. Có lần chúng tôi đã viết “văn hóa là hoa của đạo lý” vì văn hóa phải sinh sôi từ mầm đạo lý, như là cội nguồn cho mọi phẩm tính tốt đẹp tăng trưởng... Những nhà lãnh đạo đất nước từ ngày xưa đến nay đều muốn xây dựng một xã hội có văn hóa với tinh thần độc lập tự cường, một nền đạo đức biết hy sinh cái lợi của riêng mình khi cần thiết vì lợi ích cộng đồng, muốn phúc lợi của nhân dân đều được trân trọng cũng như phát huy dân chủ về mặt chính trị. Xây dựng kinh tế cũng nhằm xây dựng và phát triển văn hóa. Cuộc cách mạng văn hóa mà trước đây chúng ta chủ trương, hô hào, đến nay còn dang dở, nếu không muốn nói thụt lùi so với kỳ vọng, trong việc bồi dưỡng những phẩm chất tốt đẹp, những phong cách lành mạnh, luôn hướng con người vươn tới chân-thiện-mỹ để không ngừng hoàn thiện bản thân mình.
Đạo lý xã hội đang xuống cấp khi người ta mưu quyền đoạt lợi, từ chuyện lớn đến chuyện bé, từ chuyện xếp hàng cho đến văn hóa giao thông, ứng xử nơi công cộng đang không được tôn trọng. Người ta coi thường nguyên lý “ở hiền gặp lành”, “gieo nhân nào gặt quả nấy”, và không còn ai e sợ vì họ không tin vào “địa ngục” dù “địa ngục” có lúc xâm lấn tâm hồn họ! Người dân Việt qua bao thế hệ đã dạy nhau những nguyên lý ấy từ trong gia đình ra ngoài xã hội, giờ đây chểnh mảng, thiếu quan tâm. Xu hướng thực dụng trong thanh niên giữ vai trò chính trong định hướng hành động. Chúng tôi đã từng đề cập việc phải ươm mầm “thiện” từ tấm bé (đọc bài “Gieo lại hạt từ tâm” trong NSGN) vì nếu trẻ thơ không được huân tập, tưới tẩm tâm yêu thương thì những ngộ nhận về thành công hay về quyền lực hay thế lực gia đình có thể khiến cậu bé ấy trở thành kẻ chỉ biết dựa vào sức mạnh để khống chế và vượt lên trên kẻ khác. Hiện nay chúng ta đang chứng kiến tinh thần cạnh tranh quyết liệt ở mọi tổ chức, mọi địa phương. Con người bảo vệ quyền lợi cá nhân hay tập thể của mình bằng mọi phương tiện, kể cả triệt hạ nhằm thỏa mãn tham vọng của mình.
Đi tìm mùa xuân Di Lặc
Đức Phật Thích Ca dạy rằng tiếp theo thời Tượng pháp là thời Mạt pháp, thời giáo pháp suy đồi và mai một. Khi đó một Đức Phật khác sẽ ra đời để khai mở cho nhân loại một kỷ nguyên Chánh pháp mới: đó là Đức Phật Di Lặc. Thiền sư Nhất Hạnh gọi Ngài là “một nhà văn hóa có đầy đủ chánh biến trí, có đủ đại hùng, đại bi, đại nguyện, như thế, con người cấp thiết của thế kỷ chúng ta.” (Thích Nhất Hạnh - Đạo Phật đi vào cuộc đời, Lá Bối, 1964). Di Lặc, tiếng Phạn là Maitreya, dịch là Từ Thị (người có lòng từ). Theo Đại Nhật kinh sớ, quyển 1, chữ Từ là lòng từ, là chi đầu tiên trong Tứ vô lượng tâm (từ, bi, hỷ, xả). Lòng từ này có trong chủng tánh của Như Lai, bao gồm cả: Chúng sanh duyên từ, Pháp giới duyên từ và Vô duyên từ. Từ trong nghĩa Từ Thị là Vô duyên từ. Tức lòng từ không đợi có một ngoại duyên nào tác động làm cho lòng từ phát khởi. Mà tâm từ đó đã có sẵn một cách tự nhiên, rộng rãi, bao dung, bình đẳng, vô phân biệt.
Kinh điển ghi Di Lặc là vị Phật của hạnh hỷ xả. Hỷ xả là chất gắn kết mọi người trong tình thương yêu, cùng hóa giải những oán kết, hận thù gây khổ đau triền miên, mang lại an lạc, hạnh phúc cho cộng đồng. Nếu trên con đường tu tập, chúng ta không có tâm hỷ xả thì khó tháo gỡ những vướng mắc cố chấp dẫn đến kiến thủ và giới cấm thủ. Đây là trở ngại lớn nhất đối với Thánh đạo giải thoát. Bản chất tâm thức của mọi loài chúng sanh là chấp thủ. Do vậy, khổ đau là điều không tránh khỏi. Chỉ khi nào trong chúng ta luôn có sự hiện hữu của tâm hỷ xả, biết buông bỏ những cố chấp hẹp hòi, vị kỷ, xóa bớt những hận thù oan trái thì lúc ấy chúng ta mới cảm nhận được niềm an lạc hạnh phúc thật sự. Xây dựng một cộng đồng trong tinh thần hỷ xả và từ bi. Ngoài sự tương trợ và giáo dục yêu thương, phải kéo gần hố ngăn cách giàu nghèo. Theo những nhà kinh tế đoạt giải Nobel 2019, Abhijit Banerjee, Esther Duflo và Michael Kremer, thì những nghịch lý mà người nghèo thường rơi vào là cái bẫy của sự thiếu thông tin, mê tín, và sự trì hoãn. Những gì ngăn trở sự phát triển là ba chữ I: sự ngu dốt (ignorance), ý thức hệ, (ideology) và sự trì trệ (inertia). Cải thiện việc quản trị công quyền và chính sách mà không thay đổi cơ cấu xã hội hiện hữu. Cứ chấp nhận thì chúng ta không bao giờ có được hạnh phúc. Đức Phật không phải là không để ý việc tạo dựng một xã hội sung túc. Trong kinh Kutadanta (Cứu-la-đàn-đầu, Trường bộ), Ðức Phật chủ trương phát triển kinh tế, thay vì dùng quyền lực, để xóa giảm tội phạm. Triều đình phải biết sử dụng các nguồn tài nguyên để cải thiện điều kiện kinh tế trong nước. Họ phải biết phát triển nông nghiệp ở thôn quê, trợ giúp giới buôn bán, cung cấp lương bổng đầy đủ cho công nhân để bảo đảm một đời sống tốt có nhân phẩm. Phát triển là một quá trình nhanh nhưng hết sức phức tạp, vì vậy cần phải làm từng bước và phải lắng nghe người nghèo tâm sự về cuộc sống của họ, cần phải khẩn cấp sửa chữa những sai lầm trong viện trợ: trước tiên là những con đập lớn, sau đó là giáo dục rồi đến những khoản tín dụng nhỏ.
Lời dạy của Ðức Phật về các bổn phận đạo đức của vua chúa để sử dụng công quyền, bảo đảm an sinh người dân, đã giúp cho vua A Dục (Asoka), vào thế kỷ III trước Tây lịch, cai trị đất nước. Ông đã sống và thực hành Chánh pháp cùng với tất cả mọi người dân trong triều đại của ông. Ông cổ võ sự ứng dụng của các nguyên tắc đạo đức trong xã hội, như chân thật, từ bi, bác ái, bất bạo động, nhân từ, không hoang phí, không chiếm đoạt, và không gây sát hại cho mọi loài vật. Ông thiết lập các công trình công cộng như bệnh xá, cung cấp thuốc men, trồng cây gây rừng, đào giếng, các công trình thủy lợi và nhà tạm trú. Ông cũng đặc biệt ngăn cấm việc đối xử tàn ác với các loài thú vật.
Phải chăng cũng vì mục tiêu nhân bản mà Chủ nghĩa tư bản (CNTB) hôm nay trên thế giới đã chuyển mình. Họ quan niệm “do well by doing good” (muốn được tiếng hay hãy làm việc thiện), biến CNTB phiên bản 3.0 thành CNTB tận tâm (Compassionate Capitalism ) hay Tư bản chu đáo (Caring Capitalism); ngay cả phương thức tiếp thị cũng được gọi là Social Cause Marketing (Marketing vì chính nghĩa xã hội), Mission-Based Marketing (Marketing trên nền tảng sứ mệnh), mong muốn nhìn doanh nghiệp như một thực thể có nhân tính (Bosom Company hay Noble Hearted Company) dù vẫn hướng đến lợi nhuận nhưng là những tổ chức có tính người chứ không phải những cỗ máy vô hồn vô tâm chỉ biết đầu tiên và cuối cùng là “tiền đâu?” - như trong thời CNTB hoang dã (Wild Capitalism) mà một số doanh nghiệp của chúng ta đang mắc vào hiện nay vì chạy theo lợi nhuận. Thế nên chúng ta cần xây dựng một nền kinh tế “biết chia sẻ” mà nói theo ngôn ngữ nhà Phật là “trung đạo”.
Thiền sư Nhất Hạnh nói rằng: “Chúng ta không nên chờ đợi Đức Di Lặc một cách quá ngây thơ. Chúng ta phải sửa soạn đón tiếp Ngài.
Sửa soạn như thế nào? Sửa soạn một khung cảnh nhân tâm hướng thiện, một khung cảnh thực chất của đạo pháp, xứng đáng làm nơi ngự tọa của một Đức Phật. Khung cảnh ấy được xây bằng cộng nghiệp hướng thượng của chúng ta, của tâm linh chúng ta. Đừng than phiền đời này là đời mạt pháp. Hãy buông bỏ hình thức Hãy phủi sạch hai tay. Hãy đứng lên gạt qua những mối tơ vò của thế kỷ. Hãy để tâm hồn trong sạch lắng đọng. Và hãy tiếp nhận hình bóng tròn đầy của mặt trăng đêm rằm xuất hiện trong biển tâm thức của mình.
Những giai đoạn u trầm nhất trong lịch sử Phật giáo là những giai đoạn mà trong đó sự cố gắng tu chứng và hành đạo không được biểu lộ. Không có trí tuệ thực chứng, mọi sinh hoạt đạo pháp đi dần đến hình thức, đến cố chấp, đến mê tín dị đoan, làm cho đạo Phật đi đến những hình thức sinh hoạt phản lại với Đức Phật, làm cho đạo Phật bị lấm láp, bị lợi dụng làm cho quần chúng trí thức ruồng bỏ.” (TNH - sđd)
Tự bao giờ mà đạo Phật vốn khi ra đời nhằm lo cho sự sống của nhân loại nhưng trong thế kỷ gần đây đã suy đồi đến nỗi chỉ biết phục vụ cho cái chết của nhân loại. Chùa nào cũng tổ chức đi đám ma, nhập liệm, làm tuần, làm thất cúng thí thực cô hồn, cúng linh; có chùa còn cầu vong, đốt vàng mã, cúng sao giải hạn… làm lệch lạc Chánh pháp. Đạo Phật thành tôn giáo dành cho những kẻ tránh đời, thất tình, u uẩn tâm hồn?
Hướng về xuân Di Lặc, chúng ta phải đem Phật giáo trở lại phục vụ sự sống, phục hoạt một đạo Phật trẻ trung, tràn trề sinh lực.
TS Nhất Hạnh nhấn mạnh: “Đạo Phật phải hiện hữu để giải quyết những vấn đề thực tại. Đừng biến Đạo Phật thành một tổ chức có uy quyền thế lực, có giáo đường vàng son, có điện ngọc thâm u”. (TNH - sđd)
Người Phật tử lý tưởng là con người tự nguyện sống vì lý tưởng nhân loại, đồng lao cộng khổ giữa xã hội, biết mang tâm thế của vị Bồ-tát mà đi vào cuộc đời để làm vơi đi những niềm đau khổ, khai mở những chân trời đạo pháp. Chừng nào xã hội gồm phần lớn những con người biết sống với nhau, cùng nhau và cho nhau thì ngày ấy thế giới quanh ta hóa thành Tịnh độ.
Nguyễn Thế Đăng có lần viết: “Chúng ta hẳn phải suy diễn ra trong một xã hội mà ai ai cũng nhìn nhau như là hoa sen, dầu đã nở dầu chưa nở thì xã hội ấy có đủ mọi điều tốt đẹp, có tất cả nhân đức, có tất cả giới định huệ, và xã hội đó biến thành một Tịnh độ nhân gian, một quốc độ thanh tịnh của Phật. Bởi vì một trong những mục tiêu cao cả của Đại thừa là biến đất nước mình thành một quốc độ thanh tịnh của Phật, thực Tịnh độ ngay ở nơi mình sống, như câu nói được lặp đi lặp lại trong kinh Đại thừa “Tịnh Phật quốc độ, thành tựu chúng sanh” (làm thanh tịnh và trang nghiêm cõi Phật, thành tựu chúng sanh bằng cách làm cho mỗi con người thanh tịnh và trang nghiêm) (NTĐ - Cái nhìn mùa xuân)
Muốn như vậy, phải cách tân nền kinh tế vì “Có thực mới vực được đạo”. Nói cách khác, xã hội Phật giáo là xã hội theo nguyên lý trung đạo. Nền kinh tế trong xã hội đó buộc mỗi người làm việc theo chí hướng và khả năng, và đóng góp việc làm vào sự lợi ích chung, nhưng ngược lại nhà nước phải đảm bảo được cơm áo và những điều kiện cần thiết để sinh hoạt một cách đồng đều cho toàn thể. Trung đạo là con đường hướng đến một xã hội có một mức sống tối thiểu mà xã hội văn minh phải thực hiện cho toàn dân. Trong cùng một nước, người dân ở một mảnh đất hoang lại cũng có quyền có một mức sống tối thiểu ngang với người dân ở miền châu thổ phì nhiêu vì cả hai đều làm việc. Nguyên tắc một người vì mọi người và ngược lại mà chúng ta thường nói nằm trong nguyên tắc “lợi hòa đồng quân” một trong lục hòa của nhà Phật. Làm được điều ấy chúng ta sẽ biến nơi ở, cộng đồng của mình trở nên đáng sống, “cõi Tịnh độ giữa nhân gian”. Phải chăng đó là điều mọi người đang mơ ước. Đó là ngày Di Lặc ra đời, nói theo ngôn ngữ Bùi Giáng:
Người về thảng hoặc mai sau
Diệu Hoa lầu các đêm nào hóa sinh.
Khi ấy ta nhìn thấy toàn bộ cuộc đời và tất cả chúng sanh là một hồ sen vô tận với vô lượng đóa sen là mỗi một chúng sanh, hay Pháp giới hoa tạng nói theo kinh Hoa nghiêm.
“Khi nhìn thấy mỗi một người là một đóa hoa sen thì chính tự thân ta cũng là một đóa hoa sen đang nở”. (NTĐ - sđd)
Và mùa xuân Di Lặc bắt đầu!
Nguyên Cẩn
Theo giacngo.vn