Thiền được coi là cái gốc của đạo Phật. Chính Đức Phật sau bốn mươi chín ngày tư duy thiền quán dưới cội bồ-đề, Ngài đã đạt quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Đức Phật đã thâm nhập, Ngài đi sâu vào đại định, tiến đến tuyệt đỉnh của thế giới tâm
Trước khi Đức Phật vào đại định, Ngài đã theo học với nhiều thiền giả cùng thời với Ngài. Như vậy, có thể thấy rằng pháp tu thiền đã có trước khi Đức Phật ra đời, mà chúng ta thường gọi là thiền của ngoại đạo. Và khi Đức Phật xuất gia, tầm sư học đạo, Ngài đã tìm học với các nhà ngoại đạo đương thời, mà lúc bấy giờ có 16 cho đến 94 thứ ngoại đạo khác nhau. Tất cả những người này cũng cố tìm chân lý, hay lẽ sống tốt đẹp để dâng hiến cho đời, trong số đó, nổi bật nhất là hai thiền giả Kamala và Uất Đầu Lam Phất.
Đức Phật đã học Tứ thiền với ông Kamala. Tuy vị này chưa đắc Thánh quả, nhưng pháp hành của ông cũng đem lại an lạc cho chính ông và cho một số người, và Đức Phật cũng ghi nhận kết quả tu tập của Kamala là tốt đẹp cho đời sống tâm linh của con người.
Thật vậy, đối với người tu, việc đầu tiên cần có là niềm hỷ lạc trong cuộc sống. Người thế gian cũng vậy, nhưng họ thường tìm sự hỷ lạc trong sinh hoạt vật chất. Chính vì tìm nguồn vui ở đời sống vật chất, cho nên họ vui ít mà khổ nhiều và cuối cùng họ chỉ được gánh nặng khổ đau, để rồi sau khi bỏ xác thân tứ đại, họ phải đi vào những cảnh giới ác.
Thiền giả Kamala có cuộc sống trái lại, ông tìm được nguồn vui trong nội tâm, không lệ thuộc vật chất và hoàn cảnh bên ngoài, gọi là chứng được Ly sanh hỷ lạc. An trú trong thế giới đó, thiền giả lìa xa vật chất và sống với nguồn hỷ lạc của tinh thần. Thực tế cho thấy những người giàu có, khỏe mạnh, nhưng cuộc sống của họ không được hạnh phúc, vì không xây dựng được tinh thần an lạc. Kamala tìm được thú vui tinh thần, không bị vật chất chi phối, đó cũng là một điều quý được Phật khen ngợi.
Từ cuộc sống Ly sanh hỷ lạc tiến xa hơn nữa trong việc phát triển tâm linh, thiền giả Kamala đạt được trạng thái tâm chứng gọi là Định sanh hỷ lạc. Nghĩa là để giữ gìn nguồn vui nội tâm được vững bền dài lâu, không bị lạc vào ảo giác, không bị tác động của ma cảnh, thì phải tập trung tâm ý, tức sống trong thiền định sẽ được hỷ lạc. Và tâm chứng hỷ lạc của thiền định cũng là một điều quý báu mà các thiền sư đời sau thường chứng đắc, cho nên dù ở núi rừng hay trong hang đá, họ vẫn an vui, giải thoát.
Trải qua quá trình sống với cảnh giới an lạc giải thoát trong thiền định, thiền giả tiến đến cảnh giới tâm chứng thứ ba là Ly hỷ diệu lạc. Đến giai đoạn này, không phải ở trong thiền định mới được an vui, mà họ luôn có nguồn vui nhẹ nhàng thanh thoát trong cuộc sống, khó diễn tả bằng ngôn ngữ và nằm ngoài sự lý luận của con người.
Cuối cùng, thiền giả thâm nhập thế giới tâm ở tầng thứ tư gọi là Xả niệm thanh tịnh. Niệm là tâm tập trung và biết mình đang tập trung, nhưng đến giai đoạn này, thiền giả xả bỏ cả sự tập trung để tâm hoàn toàn vắng lặng, trong sáng.
Đó là bốn loại hình thế giới mà ông Kamala thực chứng được và Đức Phật học với ông pháp hành này, Ngài cũng đã thâm nhập cảnh giới của Tứ thiền, tức hiện hữu ở cõi trời cao nhất của 18 tầng trời Sắc giới.
Đức Phật mới hỏi ông Kamala ngoài các cảnh giới này, còn cảnh giới nào tốt đẹp hơn hay không. Ông nói rằng đạt đến tâm chứng Xả niệm thanh tịnh là đã thâm nhập cảnh giới tột đỉnh của tâm.
Thiết nghĩ đối với chúng ta, trên bước đường tu, chứng được Tứ thiền như thế cũng đã quý báu lắm; nhưng với Đức Phật, Ngài lại thấy đó không phải là cứu cánh. Vì thế, Đức Phật đã từ giã ông Kamala, tiếp tục tìm học với thiền sư khác và Ngài đã gặp thiền giả Uất Đầu Lam Phất.
Trưởng lão HT.Thích Trí Quảng trong giờ tọa thiền cùng đại chúng tại Học viện Phật giáo VN - TP.HCM
Đức Phật hỏi cảnh giới mà ông chứng được là gì. Uất Đầu Lam Phất cho biết còn có cảnh giới khác cao hơn Tứ thiền, vì khi đạt đến Xả niệm thanh tịnh, tức xả bỏ niệm tâm, thân tâm của thiền giả trở thành bao la như hư không, nên thâm nhập được Không vô biên xứ. Thế giới này được kinh Hoa nghiêm diễn tả là nhập Pháp giới, tức hành giả đi vào thế giới mà thân tâm bao trùm cả Pháp giới; cho nên Pháp giới và tâm trở thành một, hay Phật, tâm và chúng sanh, cả ba không hề có sự khác biệt nào cả.
Và phải hiểu thêm rằng thân tâm bao la như hư không mà thiền giả nhận biết được chính là nhờ “Thức”. Nói cách khác, để đạt đến cảnh giới không này, chúng ta phải bỏ tất cả, nhưng không từ bỏ trí tuệ. Riêng tôi, từ khi phát tâm tu, cũng lập cước trên tinh thần này, từ bỏ tất cả mọi thứ trên thế gian, nhưng trí tuệ hay sự hiểu biết theo Phật phải gìn giữ và nuôi lớn cho đến ngày thành Phật; không phải bỏ tất cả để trở thành gỗ đá. Vui buồn, vinh nhục, lợi danh, sự nghiệp vật chất… đều phải vứt bỏ, duy có trí tuệ là không thể bỏ, mà còn phải làm cho nó thăng hoa; trên bước đường tu, mỗi ngày phải phát huy trí tuệ chúng ta tốt đẹp hơn.
Đức Phật chứng được cảnh giới Không vô biên xứ, dẫn đến phân biệt được “Thức” và “Trí”. “Trí” thì chân thật. “Thức” hay sự hiểu biết là vọng, không phải chân, vì nó được sanh ra từ sự tác động của cảnh giới bên ngoài. Tuy nhiên, mặc dù là vọng, nhưng “Thức” hay sự hiểu biết cũng giúp chúng ta nhận biết được tâm mình có khả năng bao trùm Pháp giới.
Với sự giữ gìn và phát huy cái tâm bao trùm Pháp giới như thế, thiền giả nhận được loại hình thế giới thứ hai gọi Thức vô biên xứ. Và từ cảnh giới Thức vô biên xứ, thiền giả tiến cao hơn trong thế giới tâm linh, phải xả bỏ “Thức” mới thâm nhập được loại hình thế giới gọi là Vô sở hữu xứ.
Thật vậy, tuy “Thức” có tính chất vô biên như vậy, mà thiền giả phải không chấp, không kẹt bất cứ cảnh giới nào phát khởi từ sự hiểu biết của “Thức”.
Đức Phật cũng khuyên chúng ta không được vướng mắc với “Thức”; vì “Thức” hay sự hiểu biết của chúng ta luôn bị đẩy lùi về quá khứ và hiểu biết ấy cũng luôn trôi chảy theo nhịp sống không dừng nghỉ để tiến mãi đến tương lai không có giới hạn.
Vì vậy, không chấp vào “Thức” để không bị tác động bởi sự hiểu biết chạy theo duyên trần bên ngoài, chúng ta mới có trí tuệ đúng đắn, thông suốt mọi việc một cách chính xác.
Sau cùng là cảnh giới cao tột thứ tư là Phi tưởng, phi phi tưởng xứ định. Xả bỏ “Thức”, không chấp, không kẹt với hiểu biết là Phi tưởng. Nhưng Phi tưởng này không phải trống không hoàn toàn, mà còn có cái thứ hai là Phi phi tưởng, nghĩa là không phải “Thức”, mà cũng không phải là “không phải Thức” gọi là trí, hay tâm chân như theo kinh Hoa nghiêm.
Đó là giáo trình về thiền của Uất Đầu Lam Phất đưa ra để đạt đến 4 cảnh giới định; nhưng đến đây thì ông đã kiệt sức, không thể tiến xa hơn nữa.
Đức Phật mới từ giã Uất Đầu Lam Phất và tiếp tục lộ trình tìm kiếm chân lý. Ngài đến Bồ Đề Đạo Tràng suy tư về cảnh giới chứng đắc của hai thiền giả Kamala và Uất Đầu Lam Phất.
Và từ nền tảng cảnh giới tâm chứng của hai vị này mà Đức Phật đã thâm nhập, Ngài đi sâu vào đại định, tiến đến tuyệt đỉnh của thế giới tâm là quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, nhận biết được quá trình từ khởi nguồn, đến sự diễn tiến và sự kết thúc của sự sống muôn loài trong khắp Pháp giới và làm chủ được sự vận hành của muôn pháp.
Như vậy, thiền mà Đức Phật tu chứng được khởi đầu từ Tứ thiền của Kamala và Tứ định của Uất Đầu Lam Phất, gộp chung lại gọi là Bát định.
Như vậy, thiền mà Đức Phật tu chứng được khởi đầu từ Tứ thiền của Kamala và Tứ định của Uất Đầu Lam Phất, gộp chung lại gọi là Bát định.
Có thể thấy thiền của Phật giáo và thiền của ngoại đạo thời Đức Phật tại thế đã có điểm giống nhau; nhưng thiền của ngoại đạo chỉ đạt đến Tứ thiền, hay Tứ định như đã nói và họ dừng lại ở cảnh giới chưa hoàn hảo ấy, xem đó là cứu cánh, không tiến cao hơn được.
Trong khi Đức Phật thành đạo, thành tựu Phật quả, đạt đến cảnh giới tâm linh hoàn toàn thánh thiện, vượt ra khỏi sinh tử luân hồi và làm chủ được sự sống ở khắp mười phương Pháp giới.
Trong khi Đức Phật thành đạo, thành tựu Phật quả, đạt đến cảnh giới tâm linh hoàn toàn thánh thiện, vượt ra khỏi sinh tử luân hồi và làm chủ được sự sống ở khắp mười phương Pháp giới.
Để giúp cho mọi người dễ tu và từng bước thăng hoa đời sống tâm linh, thâm nhập cảnh giới thánh thiện, Đức Phật đã hệ thống hóa giáo pháp.
Thật vậy, lịch sử cho thấy trên bước đường giáo hóa độ sanh, chỉ trong một thời gian ngắn, Đức Phật đã hướng dẫn một số đệ tử đắc được quả vị A-la-hán, tức thâm nhập cảnh giới cao hơn Tứ thiền của Kamala và Tứ định của Uất Đầu Lam Phất.
Thiền định (cùng với Giới và Tuệ) là những điều mà người tu phải rèn luyện thường xuyên
Trong mùa an cư đầu tiên, Đức Phật hóa độ được năm anh em Kiều Trần Như đắc Thánh quả A-la-hán vượt trên thiền của ngoại đạo.
Năm anh em Kiều Trần Như đã tu tập theo giáo trình của Đức Phật là Tứ Thánh đế, hay Bốn chân lý. Chân lý thứ nhất, biết rõ cuộc đời này là khổ và ý thức sâu sắc cái khổ của kiếp sống con người, Đức Phật dạy chân lý thứ hai, nguyên nhân dẫn đến quả khổ là tham muốn, bực tức, cao ngạo, si mê... Cho nên người tu bắt đầu diệt trừ tất cả những hạt nhân tạo ra cuộc sống khổ đau cho mình là chân lý thứ ba, bằng cách áp dụng 37 trợ đạo phẩm, sẽ đạt đến cảnh giới Niết-bàn an lạc giải thoát là chân lý thứ tư.
37 trợ đạo phẩm gồm có Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần, Tứ như ý túc, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất Bồ-đề phần và Bát Thánh đạo. Thực hiện trọn vẹn 37 trợ đạo phẩm sẽ đắc được quả vị A-la-hán, thoát được nỗi thống khổ của trầm luân sinh tử. Về sau, các kinh điển Đại thừa căn cứ vào Bát Thánh đạo để phát triển, nhưng người chưa thành tựu được Bát Thánh đạo mà tu theo Đại thừa phần nhiều lạc vào đường tà.
Vì vậy, muốn hiểu đúng Đại thừa, phải đắc quả vị A-la-hán và đứng trên nền tảng Bát Thánh đạo mà hành đạo mới thâm nhập Phật huệ được. Thiết nghĩ, 37 trợ đạo phẩm là nền tảng căn bản của đạo Phật mà tất cả mọi người dù xuất gia hay tại gia muốn vào cửa Phật đều phải thực tập cho được. Riêng bản thân tôi, cũng đã trải qua một thời gian dài thể nghiệm 37 trợ đạo phẩm.
Khởi đầu là tu Tứ niệm xứ, Phật giáo Nguyên thủy thường gọi là thiền Minh sát tuệ, tức tu thiền phải quán sát kỹ bốn vấn đề là quán thân bất tịnh, quán thọ thị khổ, quán tâm vô thường và quán pháp vô ngã để đoạn trừ lậu hoặc, chứng được pháp Không.
Mọi việc trên cuộc đời đối với chúng ta cuối cùng đều hoàn không, nhắm mắt lìa đời không đem theo được gì và theo Phật dạy chỉ còn thiện nghiệp hay ác nghiệp đeo theo, gọi là nghiệp dẫn. Thiện nghiệp sẽ dẫn chúng ta vào thế giới lành, từ thế giới của loài người, cho đến thế giới của chư Thiên, chư Bồ-tát, chư Phật. Nghiệp ác đưa chúng ta vào thế giới khổ đau của địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, A-tu-la.
Quán Tứ niệm xứ, thấu tỏ bản chất của mọi vấn đề trong cuộc sống con người, cho nên dễ dàng dứt bỏ nghiệp ác để không bị lôi kéo vào cảnh giới xấu và thực tập các pháp lành để được sanh vào cõi Dục giới, Sắc giới, cho đến cảnh giới thánh thiện của chư Phật, chư Bồ-tát.
Tiếp đến, thực tập tụ thứ hai là Tứ chánh cần, tức bốn điều siêng năng cần làm. Điều ác trong tâm đã có thì phải đoạn trừ; điều ác trong tâm chưa phát sinh thì không cho sinh khởi. Điều thiện trong tâm đã có cần phải nuôi lớn; điều thiện trong tâm chưa có cần phải gieo trồng. Tôi làm được một số việc đến ngày nay, nhờ trải qua một thời gian dài thực tập pháp Tứ chánh cần.
Nhiều Phật tử tu tập không đạt được kết quả tốt đẹp, vì nghiệp ác của tâm rất nhiều mà không diệt trừ, lại còn đưa thêm nghiệp ác vào nữa. Đi chùa, không lắng nghe lời của Phật và của các vị chân sư chỉ dạy, mà lại ưa nghe chuyện thị phi, thích nói phải trái hơn thua, nói chuyện buôn bán, cãi vã, biến chùa thành chợ; làm như vậy là ác nghiệp đã có trong lòng, phạm tội phá pháp, nhất định bị đọa địa ngục.
Phật tử thực tập pháp tu Tứ chánh cần, phải thực hiện ba việc là không thấy, không nghe, không để tâm đến những người và những việc xung quanh.
Các vị thiền sư đạt được thành quả tốt đẹp nhờ thành tựu pháp Tứ chánh cần trong sinh hoạt hàng ngày. Điển hình như Hòa thượng Thiện Hòa thường ít nói và luôn cân nhắc mỗi khi nói, vì ngài dạy rằng khẩu khai thần khí tán, động thiệt thị phi sanh. Hoặc Hòa thượng Huệ Hưng im lặng, 3 năm không nói. Còn Hòa thượng Thiền Tâm chuyên niệm Phật, nghĩ đến Phật, đọc lời Phật dạy. Hòa thượng Bửu Huệ cũng vậy, ngài nói với tôi rằng nhờ trải qua 10 năm kiết thất mới điều hành được Phật học viện Huệ Nghiêm thành công.
Tăng Ni sinh Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM trong thời khóa tọa thiền
Riêng tôi, học với Hòa thượng Thiện Hòa pháp tu này, nhưng có lý giải riêng. Đối với những người tôi tiếp xúc, quen biết mà chưa làm tốt được cho họ thì tôi cố gắng gieo vào lòng họ những lời nói, cử chỉ, hành động tốt. Với những người bạn tốt đã cảm thông, giúp đỡ, hợp tác, tôi luôn trân trọng và tạo sự gắn bó tốt đẹp hơn. Người đã thương ta thì họ phải thương thêm; người đã tốt với ta thì họ phải tốt thêm; còn người ác cảm với ta, phải tìm cách làm cho họ bớt ghét, hết ghét ta. Tôi tâm niệm như thế và thực hiện cho được.
Cố gắng làm tốt với người chống phá mình, nói xấu mình, đừng giận và đừng nói xấu lại họ thì một thời gian sau, họ sẽ đổi khác, nghĩ tốt về mình. Còn người chưa nói xấu, mà ta đã nói xấu họ, là nghiệp ác chưa sanh làm cho sanh, sẽ dẫn đến kết quả vào chùa, ai cũng phải e sợ ta và về gia đình thì không được thương mến. Thực hiện pháp Tứ chánh cần, nên gieo vào lòng người ý niệm tốt.
Nghiệp thiện đã làm, nghiệp ác đã bỏ, thành tựu Tứ chánh cần, bước qua pháp Tứ như ý túc. Bấy giờ cái muốn của chúng ta là muốn tốt đẹp như muốn thấy Phật, muốn gặp thiện tri thức, muốn được học Phật pháp… đều được như ý; không phải ma đưa lối quỷ dẫn đường, nhưng có Phật và Bồ-tát dẫn chúng ta đi, cho nên đi đâu cũng gặp người tốt giúp đỡ.
Còn gặp nhiều ma oán, phải tự biết mình còn nhiều ác nghiệp. Vì vậy, thanh tịnh hóa tâm mình, sẽ có bạn tốt hay thiện tri thức hỗ trợ, sẽ nhận được Phật lực gia bị, sẽ được Bồ-tát hộ niệm.
Nghiệp ác không bỏ, nghiệp thiện không tạo, chắc chắn không thể gặp được thiện tri thức, không thể có sự gia bị của Phật, Bồ-tát. Cho nên, tránh tai họa này lại rơi vào tai họa khác, người thế gian gọi là tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa.
Đến điều như ý muốn thứ tư là đạt được Xả Tam ma địa như ý túc, thì muốn bỏ điều gì là điều đó ra khỏi tâm mình ngay, tâm được trống không để đi vào Pháp giới một cách nhẹ nhàng. Không tu được pháp xả này, những điều ray rứt khiến người ta khổ đau, họ muốn bỏ nhưng vẫn không quên được, dẫn đến mất ngủ trầm trọng, bị suy nhược thần kinh nặng, trở thành lãng trí.
An trụ trong Tứ như ý túc, sang giai đoạn kế tiếp, phát hiện Ngũ căn của chúng ta có thể phát huy thành Ngũ lực. Nghĩa là phát huy năm căn lành của chúng ta là tín, tấn, niệm, định, tuệ theo Phật dạy để tạo thành năm sức mạnh tác động lợi ích cho cuộc đời. Nói đơn giản là tâm thanh tịnh, giải thoát cùng với cuộc sống đức hạnh và sự hiểu biết của chúng ta sẽ giúp cho mọi người xây dựng được nếp sống an vui, hạnh phúc, phát triển theo hướng tốt đẹp ngay trên thế gian này.
Thành tựu được Ngũ căn và Ngũ lực là đã dự vào hàng tam Hiền, tức người tốt trên cuộc đời mà ai cũng quý trọng và muốn được gần gũi, theo học; không phải hiền như cục bột bị mọi người sai khiến.
Đạt được Ngũ căn Ngũ lực, từng bước sẽ chứng Thánh quả là Thất Bồ-đề phần và thể hiện trong cuộc sống mẫu người mô phạm và trí tuệ sáng ngời, làm được nhiều việc lợi lạc cho mọi người, tức thực hiện được đỉnh cao của 37 trợ đạo phẩm là Bát Thánh đạo, đắc quả vị A-la-hán, không còn bị lệ thuộc vào cuộc đời, không còn trầm luân sinh tử.
Tóm lại, từ những giáo pháp căn bản mà Đức Phật chỉ dạy cho năm anh em Kiều Trần Như ở Lộc Uyển, giảng rộng thành bốn bộ kinh Nikaya của Phật giáo Nguyên thủy và về sau, giáo pháp được triển khai thành những bộ kinh điển Đại thừa.
Mỗi người tùy theo hoàn cảnh và trình độ khác nhau mà nương theo pháp tương ưng để tu tập, mới có những pháp môn khác nhau; nhưng tựu trung hành giả nào ứng dụng Chánh pháp đều gặt hái được những sở đắc thanh tịnh, an lạc, giải thoát.
Là đệ tử Phật, tất cả mọi người trên khắp năm châu, dù thực tập thiền theo Phật giáo Nguyên thủy hoặc hành thiền theo Phật giáo phát triển, nếu đúng như pháp, đều xây dựng được cuộc sống vật chất tốt đẹp và thăng hoa được tâm linh và sau khi mãn duyên ở thế giới này sẽ được tái sanh vào loại hình thế giới thánh thiện mà chư Phật đã chỉ dạy rõ ràng.
HT.Thích Trí Quảng (Báo Giác Ngộ số 1039, 1040)