Những dấu ấn kỷ niệm với Hòa thượng Thích Thiện Nhơn

 

Cố Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Ủy viên Thường trực Hội đồng Chứng minh, Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định, Viện chủ Tổ đình Thiên Đức, là một danh Tăng của Phật giáo Việt Nam trong thời hiện đại, Hòa thượng đã có nhiều công đức đóng góp cho Phật giáo Việt Nam qua những thời kỳ khác nhau của lịch sử.

Với Cố Hòa thượng, chúng tôi có những kỷ niệm đáng nhớ như: 

Vào ngày 21/10/1966, tại Việt Nam Quốc Tự, diễn ra Đại hội Phật giáo Toàn quốc lần thứ I – Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Hòa thượng là đại biểu Phật giáo tỉnh Quảng Ngãi. Chiều cùng ngày Đại hội bầu cử chức danh Viện trưởng Viện Hóa Đạo nhiệm kỳ II (1966 - 1968) bất thành, một số chư tôn giáo phẩm Viện Hóa Đạo, đại biểu các tỉnh phải di chuyển qua chùa Ấn Quang, tiếp tục bầu cử. Đại hội đã suy cử Hòa thượng Thích Thiện Hoa làm Viện trưởng Viện Hóa Đạo. Đồng thời, Viện Tăng thống, Hòa thượng Thích Trí Quang đã từ chức Chánh Thư ký Viện Tăng thống. Do đó, Đại hội đã cung thỉnh Hòa thượng Thích Trí Tịnh tạm thời xử lý chức vụ Chánh Thư ký Viện Tăng thống cho đến khi Viện Tăng thống tìm được ChánhThư ký khác thay thế. Và đây cũng là lần đầu tiên Tôi có nhân duyên diện kiến Hòa thượng trong bối cảnh Phật giáo bị chia rẽ thành 02 Giáo hội: Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất - Ấn Quang, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất – Việt Nam Quốc Tự.  

Rồi thời gian cứ trôi qua, nhân duyên lại gặp nhân duyên. Năm 1968 – 1970, khi Tôi đang theo học tại Phật học Viện Trung Phần – Chùa Hải Đức, Nha Trang do Hòa thượng Thích Trí Thủ làm Giám Viện. Ban Giám đốc Phật học Viện Trung Phần tổ chức Ngày Về Cội 08/12/al để có dịp gặp gỡ các Tăng sinh đã tốt nghiệp từ Phật học Viện Trung Phần đang công tác Phật sự, hoằng pháp khắp mọi miền đất nước, trong đó có Hòa thượng đang là Chánh Đại diện GHPGVNTN tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Giám đốc Trường Tiểu học Bồ Đề Pleiku.

Trong thời gian Ngày Về Cội diễn ra tại Phật học Viện, chúng tôi là học Tăng của Phật học Viện, thuộc đàn em, có trách nhiệm phục vụ cho Ngày Về Cội của Ban Tổ chức như trang trí, hành đường và nhiều công tác khác để cho Ngày Về Cội đạt kết quả tốt đẹp, thắt chặt tình Pháp lữ với nhau giữa 02 thế hệ, thế hệ đàn anh và thế hệ đàn em đang dõi bước noi theo. Cũng tại nhân duyên hội ngộ nầy, xuất hiện hai người Thiện Nhơn. Do đó, để tránh lầm lẫn khi gọi tên trong dịp lễ, nên Quý Thầy trong Ban Giám đốc, cụ thể là Ngài Đỗng Minh gợi ý: Thiện Nhơn lớn là Thầy Thiện Nhơn, còn chúng tôi là Thiện Nhơn nhỏ gọi là Chú Thiện Nhơn cho thuận tiện. Thế rồi, Ngày Về Cội đã kết thúc. Quý Thầy đâu về đấy để tiếp tục Phật sự của mỗi người tại các địa phương. Còn chúng tôi ở lại tiếp tục học tập để hoàn tất chương trình Trung đẳng Phật giáo tại Bản Viện, nhưng tâm khảm chúng tôi vẫn còn ghi lại một hình ảnh uy nghi đĩnh đạc, phương phi với cặp lông mày như Tổ Bồ Đề Đạt Ma thuở nào.  

Rồi thời gian đi qua, khi mãn khóa Trung đẳng tại Phật học Viện Trung Phần, tốt nghiệp Tú tài 2 ngành phổ thông, Tôi trở lại Phật học Viện Huệ Nghiêm – Sài gòn, theo học chương trình Cao đẳng Phật học từ năm 1971 – 1979 do Hòa thượng Thích Trí Tịnh làm Viện Trưởng. Trong khóa học này, chư Tôn đức Phật giáo Bình Định có giới thiệu 03 Tăng sinh tốt nghiệp Trung đẳng Phật học Viện Nguyên Thiều: Thầy Thánh Tâm, thầy Nguyên Pháp (viên tịch năm 1983), thầy Quảng Bình. Trong đó, thầy Nguyên Pháp là cháu Hòa thượng Giác Tánh, húy Nguyên Lưu. Do đó, thầy cùng chữ Nguyên đời 44, nhưng vì còn nhỏ, nên xem Hòa thượng Giác Tánh là Thầy. Như vậy, Hòa thượng Thiện Nhơn, đệ tử Hòa thượng Giác Tánh, húy Quảng Phước, nên sau thầy Nguyên Pháp một chữ, là chữ Quảng đời 45. Do đó, khi Hòa thượng vào Sài Gòn, vô Viện Cao đẳng Phật học Huệ Nghiêm thăm thầy Nguyên Pháp, dịp nầy Tôi cũng đến chào Hòa thượng. Hòa thượng tự giới thiệu: Dù hiện nay Tôi có chức vụ lớn trong Giáo hội và địa phương, nhưng trong đạo thì tôi nhỏ hơn thầy Nguyên Pháp. Vì thầy Nguyên Pháp là chữ Nguyên, còn tôi đến chữ Quảng đời 45. Dù thầy Nguyên Pháp trân trọng, tôn kính tôi là đàn anh, là thầy nhưng truyền thống Sơn môn Pháp phái thì chúng tôi vẫn phải tôn trọng để làm mẫu mực cho đàn em sau nầy. Qua đó, đây cũng là cơ duyên gặp Hòa thượng trong chuyến thăm Viện Cao đẳng Phật học Huệ Nghiêm của Hòa thượng năm 1972 với câu nói có ý nghĩa vô cùng thâm thúy.

Sau khi hòa bình lập lại, chiến thắng mùa Xuân lịch sử 30/4/1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, Phật giáo Việt Nam cũng phải thống nhất như các tổ chức xã hội, chính trị, văn hóa v.v… Năm 1980, sau một thời gian hiệp thương thống nhất Phật giáo cả nước của các tổ chức Giáo hội, Hệ phái Phật giáo tại Việt Nam, ngày 07/11/1981 tại chùa Quán Sứ, thủ đô Hà Nội, Đại hội thống nhất Phật giáo Việt Nam – Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời, thông qua Hiến chương, suy tôn, suy cử hai Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự. Đại hội đã ủy nhiệm các đại biểu tham dự Đại hội về địa phương, tiến hành thành lập các Tỉnh, Thành hội thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong cả nước.   

Tỉnh hội Phật giáo Gia Lai, Kon Tum do Hòa thượng Đỗng Quang làm Trưởng Ban Trị sự. Đây cũng là nhân duyên để Quý Hòa thượng Thiện Hào, HT. Hiển Pháp cùng chúng tôi về công tác, thăm hỏi, đôn đốc các Phật sự trong tỉnh. Mỗi khi lên Kon Tum, thì phái đoàn nghỉ tại chùa Hồng Từ, trước năm 1975 là Văn phòng Tỉnh Giáo hội  Phật giáo Kon Tum, do HT. Thiện Nhơn làm Chánh Đại diện liên tỉnh Gia Lai và Kon Tum. Sau ngày thống nhất Phật giáo và tách tỉnh, thì HT. Đồng Trí là Trưởng Ban Trị sự kiêm Trụ trì chùa Hồng Từ - Tỉnh hội Phật giáo.   

Trong thời gian là Chánh Đại diện Phật giáo Kon Tum, Hòa thượng đã xây dựng chùa Hồng Từ, mua lại cơ sở Ty Mục Súc Kon Tum để làm Đông Tây lang, nhà khách cho Tỉnh Giáo hội. Vì vậy, phái đoàn nghỉ tại các phòng khách của chùa Tỉnh Giáo hội mà trước đây là cơ sở Ty Mục Súc của Chính quyền cũ. Qua đó, cho thấy Hòa thượng đã dồn hết tâm lực để phát huy Phật giáo tỉnh Kon Tum, Gia Lai về mặt cơ sở cũng như nội dung các Phật sự quan trọng của Giáo hội cho đến khi lịch sử sang trang. Nhưng hình ảnh, công đức của Hòa thượng đối với Phật giáo các tỉnh cao nguyên vẫn còn in đậm trên các nẽo đường phố núi, và cơ sở tín ngưỡng cũng như lòng người dân tộc và Tăng Ni, Phật tử cao nguyên mỗi khi đến viếng chùa Tỉnh hội Phật giáo Kon Tum, chùa Hồng Từ thì luôn nhớ đến hình ảnh, công lao của Hòa thượng, như người xưa đã nói: “Đỗ cảnh tư nhân” (Nhìn thấy cảnh củ nghĩ đến người xưa đã dày công xây dựng).  

Sau khi Hòa thượng trở về Tổ đình Thiên Đức phụng sự Thầy Tổ và điều hành các Phật sự tại Tổ đình Thiên Đức Nghĩa Bình, rồi Bình Định, dưới sự lãnh đạo của Hòa thượng Kế Châu trước năm 1975 là Chánh Đại diện GHPGVNTN Bình Định, sau năm 1981 là Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Nghĩa Bình rồi Bình Định.

Mỗi khi Đại hội Phật giáo tỉnh nhà, vấn đề nhân sự được đặt ra, chủ trương của Giáo hội là ôm vào lòng tất cả thành phần Tăng Ni trong nước, cùng như các Tỉnh, Thành để góp phần xây dựng và phát triển đất nước, xã hội và GHPGVN Trung ương cũng như địa phương. Vì vậy, Hòa thượng Thiện Hào – Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS, đã từng phát biểu: “Đại hội MTTQVN còn mời Ngài Dương Văn Minh, Tổng thống Sài gòn làm Chủ tịch danh dự của Mặt trận. Nhà nước cũng đang nghiên cứu cho phép Phó Tổng thống Nguyễn Cao Kỳ của chế độ cũ về thăm Việt Nam, thăm tỉnh Sơn Tây – quê quán cụ v.v… huống gì là Tăng Ni của Phật giáo Việt Nam chúng ta lại không có chính sách đổi mới, cách nhìn phóng khoáng với chủ trương khép lại quá khứ sao?”

Sau nhiều lần hiệp thương, Hòa thượng được cơ cấu là Ủy viên Hoằng pháp Ban Trị sự Phật giáo Bình Định, rồi Phó ban kiêm Trưởng ban Tăng sự Tỉnh hội Phật giáo Bình Định. Trong chiều hướng thuận lợi sẵn có từ khi Hòa thượng Phước Thành – Trưởng Ban Trị sự viên tịch, Hòa thượng được Tăng Ni, Phật tử cung thỉnh làm Trưởng ban cho đến ngày về cõi Phật. Có thể nói, trong thời gian tại vị, Hòa thượng đã đẩy mạnh công tác Phật sự tỉnh Bình Định ngày càng khởi sắc, hài hòa các khuynh hướng khác nhau trong những Phật sự tại địa phương. Hòa thượng đã dung hòa, tùy nghi để Phật sự được hanh thông, thuận lợi, đạt kết quả tốt đẹp mà Giáo hội, Phật giáo tỉnh Bình Định cũng như Tăng Ni, Phật tử giao phó và tin tưởng vào khả năng lãnh đạo, điều hành Phật sự trong những giai đoạn khác nhau của lịch sử, xã hội và Giáo hội, góp phần xây dựng và phát triển Phật giáo Việt Nam ngày càng ổn định trang nghiêm trong lòng dân tộc, Tốt đời Đẹp đạo, để xứng đáng là người con Phật, thích nghi và tùy duyên bất biến, bất biến tùy duyên thi hành Phật sự, như Kinh Phổ Hiền nói: “Tùy thuộc chúng sanh không chướng ngại. Niết bàn, sinh tử tựa không hoa”.

Hôm nay, Hòa thượng hóa duyên đã mãn, Người đã trở về thế giới Niết bàn vô tung bất diệt, nhưng công đức và đạo nghiệp của Hòa thượng vẫn còn in đậm trong tâm trí của người con Phật Việt Nam và đất nước, non sông áo vải cờ đào, cao nguyên lộng gió, sương mù muôn thuở. Quả thực: “Dù cho Hòa thượng đi xa. Quê hương vẫn giữ bao la bóng Ngài. Pháp thân lồng lộng hiển bày. Vườn hoa Thiên Đức hương bay ngút ngàn”.

Mùa Phật đản PL. 2558

( Pháp hữu Thích Thiện Nhơn )

 

Tin cùng chuyên mục