Nghi lễ PG Nam tông Kinh

Phật giáo Nam tông Kinh hiện tại có mặt tại Việt Nam vào thập niên 30 do Hòa thượng Hộ Tông và Kỷ sư Nguyễn Văn Hiểu chủ trương thực hiện và truyền bá Phật giáo Nguyên Thủy vào Việt Nam từ Campuchia. Ngôi tổ đình Bửu Quang, Q. Thủ Đức là cơ sở hoằng pháp đầu tiên, Chùa Kỳ Viên, Q. 3 là Trụ sở của Giáo Hội Tăng Già Nguyên Thủy Việt Nam từ năm 1957. Giáo hội TGNTVN hoạt động được 11 Nhiệm kỳ Tăng Thống, cho đến 1981 là một trong 9 thành viên chính thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

 Các nước Phật giáo Nam Tông trên thế giới tuy khác nhau về ngôn ngữ, dân tộc và phong tục tập quán, nhưng có một đặc điểm giống nhau về y phục, nghi lễ và tụng niệm bằng tiếng Pāli. Tất cả những nhà Sư Nam Tông trên thế giới có thể cử hành chung một khóa lễ Pāli theo truyền thống Phật giáo. Y phục tuy mặc màu sắc khác nhau nhưng có cùng kích cở, quy cách và đúng theo tinh thần Luật Tạng Pāli do Đức Phật chế định. Trong thời gian, qua như quý vị đã thấy trong những ngày Lễ Phật Đản, nhất là tại Tp.HCM có khóa lễ Phật giáo Nam Tông tụng bằng tiếng Pāli, đặc biệt là ngày Lễ Phật Đản Liên Hiệp Quốc tổ chức tại Thủ đô Hà Nội năm 2008 có cử hành khóa lễ Phật giáo Nam Tông của các đoàn Phật giáo Nam Tông trên toàn thế giới vô cùng trang nghiêm, trọng thể.

 Lúc đầu Phật giáo Nam Tông kinh mới du nhập, Hòa thượng Hộ Tông có biên dịch những quyển Kinh Nghi Lễ NHẬT HÀNH dành cho Cư sĩ, KINH TỤNG dành cho Chư Tăng và LUẬT XUẤT GIA dành cho Sa-di và Tỳ-khưu. Đây là ba quyển Kinh Nghi Lễ đầu tiên và căn bản theo truyền thống Nghi lễ Phật giáo Nguyên Thủy nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế và cần thiết cho Tăng Ni và Phật tử Việt Nam trong bối cảnh sơ khai. Giai đoạn hai, từ năm 1963 đến 1980, Hòa thượng Pháp Tri căn cứ theo ba quyển Nghi Lễ của HT. Hộ Tông và tham khảo một số Nghi Lễ quốc tế biên soạn thêm một quyển NHẬT TỤNG CƯ SĨ, đến thời Hòa thượng Siêu Việt, Tăng Trưởng Phật Giáo Nam Tông (1987), có biên soạn một quyển Nghi Lễ CẦU AN VÀ CẦU SIÊU để đáp ứng nhu cầu cho Phật tử trong giai đoạn trên. Hơn 10 năm qua, Thượng tọa Tăng Định với tư cách là Ủy viên Ban Nghi Lễ Trung ương, Thượng tọa đã dày công biên soạn 2 quyển Nghi Lễ: KINH NHẬT TỤNG CƯ SĨ và KINH TỤNG CHƯ TĂNG, hai công trình trên biên soạn khá nghiêm túc vì có tham khảo Nghi lễ Thái lan, Campuchia, và Miến Điện. Chính nhờ những vị Hòa thượng, Thượng tọa nói trên đã dành thời gian quý báu để soạn dịch một số Nghi Lễ Phật giáo Nam Tông nên Chư Tăng và Phật tử Nam Tông Việt Nam có đầy đủ nghi lễ hành trì, nương theo tu hành đúng theo chánh pháp.

 Nghi Lễ Phật giáo Nam Tông kinh đơn giản, nhưng không thiếu phần trang nghiêm, súc tích, vì chú trọng ở nội dung hơn là hình thức. Đa số những bài Kinh tụng niệm hiện tại đều có nguồn gốc từ Tam Tạng Pāli được chuyển dịch sang Việt Ngữ. Phần Việt ngữ có khi là văn xuôi, có khi là văn thơ, văn lục bát, song thất lục bát, ngũ ngôn tứ tuyệt, thất ngôn tứ tuyệt .v.v… nên cũng dễ gần gũi với văn hoá người Việt, chứ không phải như có một số người không biết, hiểu sai cho rằng Phật giáo Nam Tông chỉ tụng kinh tiếng Pāli, làm cho mọi người không hiểu được. Vì lẽ thông thường Phật giáo Nam Tông khi truyền bá đến nước nào đều phải dịch ra ngôn ngữ của quốc gia đó, để cho dân tộc đó hiểu được lời Phật dạy trong Tam Tạng Pāli. Tuy nhiên có một số Nghi lễ Phật sự truyền thống bắt buộc phải sử dụng tiếng Pàli mới thành tựu Tăng Sự, Luật Nghi; trước là hành đúng theo lời Đức Phật dạy trong Luật Tạng, sau là đúng theo truyền thống Phật giáo Nam Tông quốc tế.

 Phật giáo Nam Tông Kinh thường có một số Nghi lễ, như: Các Nghi Lễ Tăng Sự (Sanghakamma), Lễ Kiết Giới Sīmā, Lễ Xuất Gia Sa-Di (Pabbajja), Lễ Thọ Cụ Túc Giới (Tỳ-Khưu) (Upasampadā), Lễ Phát Lộ Sám Hối (Uposatha), Lễ An Vị Phật (Buddharūpa adhitthāna), Lễ Dâng Y Kathina, Lễ Thọ Y Kathina, Lễ Rằm tháng giêng (Māghapūjā), Lễ Rằm tháng tư (Visākhapūjā), Lễ Rằm tháng sáu (Āsālhapūjā), rằm tháng 7, Lễ Rằm tháng 9 (Pavāranā_Lễ Tự Tứ), Lễ Rằm tháng 10 (Sāriputtanibbāna), Lễ Chiêm Bái Xá Lợi (Sārīrikadhātupūjā), Lễ Quy Y (Saranagamana), Lễ Thọ Ngũ Giới (Pañcasīla), Lễ Thọ Bát Giới (Uposathasīla), Lễ Trai Tăng (Sanghabhatta), Thính Pháp (Dhammassavana), Lễ Đặt Bát Hội (Pindapāta), Lễ Cầu An (Mangalavidhī), Cầu Siêu (Pamsukūla), Lễ Chúc Thọ Cha Mẹ (Mātāpitupūjā), Công phu Sáng (Vatta), công phu Chiều (Vatta) .v.v…

 Tóm lại, Đức Phật dạy cho các đệ tử nếp sống tu hành thanh đạm, thánh thiện, giải thoát, không đặt nặng về hình thức Nghi lễ, nhưng rất chú trọng tới Giới Luật, vì vậy Phật giáo Nam Tông có một số đặc điểm như sau:

  - Kính lễ nhau theo thứ tự hạ lạp.

  - Trai tịnh là không thọ thực quá giờ ngọ và dùng tam tịnh nhục.

  - Tụng kinh không dùng chuông mõ.

  - Chỉ thờ Đức Phật Thích-Ca duy nhất.

  - Đi khất thực không nhận tiền bạc, chỉ nhận vật thực đã chín do thí chủ tự nguyện dâng cúng, không mở lời xin hay nói khéo để người phải cho.

  - Mỗi ngày có hai thời Công phu Lễ bái Tam Bảo; ngoài ra Chư Tăng Nam Tông thường tụng Kinh chúc phúc cho thí chủ trước khi thọ thực và quán tưởng trước khi ăn.

  Tóm lại, Nghi lễ Phật giáo Nam Tông thường ngắn gọn, trang nghiêm, để nói lên tính chất đặc thù của Phật giáo là vô ngã và giải thoát. 

Thượng tọa Pháp Chất

Tin cùng chuyên mục