Một trong những dấu hiệu để xét đoán về nhân cách của ai đó là nhìn xem họ thân thiết với những hạng người nào. Bởi gần mực thì đen, gần đèn thì sáng. Đi trong mù sương lâu dần sẽ thấm ướt. Vì thế mỗi người cần biết chọn bạn mà chơi.
Chơi với bạn hiền thì mình được thơm lây, trở nên thiện lành. Ngược lại, chơi với bạn ác thì lâu ngày mình cũng bị tập nhiễm theo thói xấu của họ.
Phải phát khởi thiện duyên, nguyện sửa mình để sống lành mới mong gặp được bạn tốt, để cùng nhau xây dựng một cộng nghiệp hạnh phúc, an vui...
“Một thời Phật ở tại núi Kỳ-xà-quật, thành La-duyệt-kỳ cùng với chúng Đại Tỳ-kheo 1.250 người.
Bấy giờ, vào lúc thích hợp, Ðức Thế Tôn khoác y cầm bát vào thành khất thực. Lúc bấy giờ tại thành La-duyệt-kỳ có con trai của trưởng giả tên là Thiện Sinh, vào buổi sáng sớm, ra khỏi thành, đi đến khu vườn công cộng sau khi vừa tắm gội xong, cả mình còn ướt, hướng đến các phương Đông, Tây, Nam, Bắc, Trên, Dưới mà lạy khắp cả.
…
Phật lại bảo Thiện Sinh:
- Có bốn hạng người thân đáng thân vì thường đem lại lợi ích và che chở. Những gì là bốn? 1- Ngăn làm việc quấy. 2- Thương yêu. 3- Giúp đỡ. 4- Đồng sự. Đó là bốn hạng người thân đáng thân cận.
- Này Thiện Sinh, hạng ngăn quấy thì thường làm bốn việc đem lại nhiều lợi ích và hay che chở: 1- Thấy người làm ác thì hay ngăn cản. 2- Chỉ bày điều chánh trực. 3- Có lòng thương tưởng. 4- Chỉ đường sinh Thiên. Đó là bốn trường hợp ngăn cản việc quấy đem lại nhiều lợi ích và hay che chở.
- Hạng thương yêu thì thường làm bốn việc: 1- Mừng khi mình được lợi. 2- Lo khi mình gặp hại. 3- Ngợi khen đức tốt mình. 4- Thấy mình nói ác thì tìm cách ngăn cản. Đó là bốn điều thương yêu đem lại nhiều lợi ích và hay che chở.
- Hạng giúp đỡ có bốn việc. Những gì là bốn? Đó là: 1- Che chở mình khỏi buông lung. 2- Che chở mình khỏi hao tài vì buông lung. 3- Che chở mình khỏi sợ hãi. 4- Khuyên bảo mình trong chỗ vắng người.
- Hạng đồng sự thì thường làm bốn việc: 1- Không tiếc thân mạng với bạn. 2- Không tiếc của cải với bạn. 3- Cứu giúp bạn khỏi sợ hãi. 4- Khuyên bảo bạn lúc ở chỗ vắng người.
Nói như vậy xong, Ðức Thế Tôn lại nói bài tụng:
Bạn ngăn ngừa điều quấy
Bạn từ mẫn thương yêu
Bạn làm lợi ích bạn
Bạn đồng sự với bạn.
Đó bốn hạng đáng thân
Người trí đáng thân cận
Thân hơn người thân khác
Như mẹ hiền thân con.
Muốn thân người đáng thân
Hãy thân bạn kiên cố
Người bạn đủ giới hạnh
Như lửa sáng soi người”.
Bạn từ mẫn thương yêu
Bạn làm lợi ích bạn
Bạn đồng sự với bạn.
Đó bốn hạng đáng thân
Người trí đáng thân cận
Thân hơn người thân khác
Như mẹ hiền thân con.
Muốn thân người đáng thân
Hãy thân bạn kiên cố
Người bạn đủ giới hạnh
Như lửa sáng soi người”.
(Kinh Trường A-hàm,
kinh Thiện Sinh, số 16 [trích])
kinh Thiện Sinh, số 16 [trích])
Theo tuệ giác của Thế Tôn, bốn hạng người nêu trên đáng để thân cận, vì họ thường đem lại lợi ích và hay che chở cho mình. Ai ngăn ta làm ác, người ấy thật dũng cảm, rất đáng thân cận. Ai biết sẻ chia, mừng khi ta được lợi và lo khi ta bị hại, người ấy thực sự yêu thương ta, rất đáng thân cận. Ai che chở cho ta khi lo sợ, khi buông lung, khi thất thế sa cơ, người ấy hết lòng giúp đỡ ta, rất đáng thân cận. Ai sống hết mình, không tiếc thân mạng và tiền của, không nề lao nhọc, lại còn khuyên bảo ta tế nhị, kín đáo và chân tình, người ấy thực sự đồng hành với ta, rất đáng thân cận.
Ở đời, tìm ra những hạng người có bốn đặc điểm kể trên để thân cận là rất khó. Phải có nhân duyên, quan trọng là phải thành tâm hướng thiện thì mới có thể gặp gỡ và kết duyên lành với bạn tốt lâu dài. Gặp được người tốt mà mình chỉ nhờ cậy và không sửa mình cho tốt thì duyên lành ấy cũng chóng tan. Thế nên, phải phát khởi thiện duyên, nguyện sửa mình để sống lành mới mong gặp được bạn tốt, để cùng nhau xây dựng một cộng nghiệp hạnh phúc, an vui.
Quảng Tánh/Báo Giác Ngộ