Lễ Vu lan (rằm tháng 7 âm lịch) có nguồn gốc từ kinh Vu lan kể về sự tích Ngài Mục-kiền-liên cứu mẹ thoát khỏi cảnh ngạ quỷ đói khát.
Từ tấm gương hiếu hạnh cao quý ấy, người Phật tử hằng năm vào dịp tháng 7 – lễ Vu lan đều có những việc làm thiết thực để báo đáp công ơn cha mẹ quá vãng và hiện tại.
Các sinh hoạt phổ biến của tín đồ Phật giáo nhằm thể hiện tấm lòng hiếu thảo đối với ông bà cha mẹ:
Về chùa tụng kinh Vu lan và Báo hiếu để hiểu rõ hơn về phương pháp báo hiếu được dạy trong kinh và hướng tâm cầu nguyện ông bà tổ tiên siêu thoát về cõi an lành, cha mẹ hiện tại bình yên, khoẻ mạnh, an vui tuổi già, sống thiện lành theo lời Phật dạy để được phước báu an lạc.
Bên cạnh việc tụng kinh, tín đồ Phật giáo thực hiện các thiện sự khác như:
Nhiều Phật tử phát tâm cúng dường lễ phẩm cho chư Tăng Ni như y áo, các vật phẩm thường dùng để vun trồng phước báu và hồi hướng cho cha mẹ quá vãng và hiện tại.
Một số Phật tử phát tâm ăn chay cả tháng để cầu nguyện mọi sự an lành cho bản thân và, gia đình
Một số Phật tử phát tâm phóng sanh thể hiện lòng từ bi đối với loài động vật.
Đặc biệt, vào ngày lễ Vu lan, nhiều chùa tổ chức lễ cài bông hồng lên ngực áo. Lễ cài bông hồng bắt nguồn từ đoản văn “Bông hồng cài áo” của Thiền sư Nhất Hạnh viết vào thập niên 60 thế kỷ 20. Màu hồng trắng biểu trưng cho cha mẹ đã qua đời và người con nhớ thương làm phước hồi hướng; màu đỏ biểu trưng cha mẹ còn bên ta nên người con còn hạnh phúc và phải trân trọng phụng dưỡng hết lòng.
Lễ Vu lan tất nhiên các gia đình không thể thiếu mâm cơm chay để dâng lên tổ tiên ông bà và cũng là mâm cơn đoàn tụ gia đình cùng hưởng hạnh phúc có mặt cho nhau.
Rất tiếc là văn hoá đoàn tụ gia đình dịp lễ Vu lan (như ngày Cha, ngày Mẹ ở phương tây) chưa được tín đồ Phật giáo thực hiện một cách phổ biến. Hy vọng, trong tương lai gần, lễ Vu lan sẽ là ngày các gia đình Phật tử cùng bên nhau hưởng hạnh phúc gia đình.