Quy Nhơn: Lễ Đại tường cố Ni Trưởng Thích Nữ Tâm Hoa

PGBĐ - Sáng ngày 18/9 (nhằm mùng 2/8/Canh Tý) tại chùa Tâm Ấn (58B Ngô Quyền, Tp. Quy Nhơn), môn đồ pháp quyến thành kính tổ chức Lễ Đại tường cố Ni Trưởng Thích Nữ Tâm Hoa, Chứng minh Phân ban Ni giới Trung Ương, Nguyên Phó Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định, Chứng minh Phân ban Ni giới tỉnh Bình Định, Viện chủ chùa Tâm Ấn, Tp. Quy Nhơn.

 

 

Quang lâm chứng minh và cầu nguyện có: HT. Thích Giác Trí, Thành viên Hội đồng Chứng minh, Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định; HT. Thích Nguyên Phước, UVTT. HĐTS, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh; HT. Thích Nguyên Chơn, HT. Thích Viên Đạt, đồng Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN tỉnh; HT. Thích Liễu Giải, Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN huyện Tuy Phước, chư Tôn đức Tăng Ni Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định, chư Tôn đức trú trì các tự viện; cùng thiện tín Phật tử trong và ngoài tỉnh tham dự.

 

 

 

 

 

Ni trưởng thế danh Nguyễn Thị Diệp, sinh năm Bính Thìn (1916) tại làng Tân An, TP.Cần Thơ. Thân sinh là cụ ông Nguyễn Quý Công, hiệu Từ Thúc Nhơn, một nhà Nho uyên thâm; thân mẫu là cụ bà Đào Thị Lớn, pháp danh Giác Xuân, một Phật tử thuần thành.

Năm 1932 Ni trưởng xuất gia tu học tại chùa Phước Long, Cái Tàu Hạ, tỉnh Đồng Tháp. Năm Quý Dậu (1933), Ni trưởng ra tham học tại chùa Từ Đàm, Huế. Năm Giáp Tuất (1934), Ni trưởng vào lại miền Nam tham học tại chùa Quán Âm, Bình Hòa, Gia Định.

Năm Ất Hợi (1935), Ni trưởng ra Huế tham học tại chùa Diệu Đức. Cũng trong năm này, Ni trưởng đến chùa Tường Vân cầu pháp với Đức Trưởng lão HT.Thích Tịnh Khiết, được ngài truyền trao Sa-di-ni giới, ban pháp danh Tâm Hoa, tự Diệu Liên, nối pháp đời 43 dòng thiền Lâm Tế pháp phái Liễu Quán.

Từ năm 1935 đến năm 1955, Ni Trưởng đã đi khắp nơi cầu học. Mặc dù thời kỳ khó khăn, trường lớp chưa được mở quy mô, là Ni giới với tấm thân yếu đuối, nhưng Ni trưởng vẫn không ngại khó khăn, bôn ba đây đó khắp các miền để học tập, nghiên tầm giáo điển, hầu dìu dắt ni chúng trong mai hậu.

Năm 1956, sau mùa An cư kiết hạ ở Đà Lạt, Ni trưởng trở về Quy Nhơn, động viên tín đồ Phật tử, khai sơn chùa Tâm Ấn. Nhân dịp này, Ni trưởng thuyết giảng giáo pháp cho Phật tử các vùng trong tỉnh.

Năm 1960 nhận thấy đất chùa Sanh Liên quá chật, vả lại ở trong xóm xa, bất tiện cho việc đi lại, nên Ni trưởng dời ngôi chùa này ra quốc lộ 19, xây dựng lại mới toàn bộ, nhưng hiệu chùa Sanh Liên vẫn giữ nguyên. Công trình xây dựng đến tháng 12/ 1962 mới được hoàn thành.

Năm 1962, Ni bộ thành lập trụ sở TW tại Tổ đình Từ Nghiêm, Sài Gòn, nay là Tp. Hồ Chí Minh, Ni trưởng giữ chức Trưởng ban Ni bộ tỉnh Bình Định và Phó Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh Bình Định bấy giờ.

Ni Trưởng luôn được mời làm Đệ nhất Tôn chứng, Yết Ma tại các Đại Giới Đàn tổ chức tại các tỉnh thành khu vực miền Nam và miền Trung. Tại Bình Định, Ni Trưởng được mời làm Hòa thượng Đàn Đầu Ni tại các Giới đàn từ năm 1989 đến năm 2013.

Năm 1958, quý Hòa thượng, Thượng tọa tỉnh Bình Định, thành lập tu viện Nguyên Thiều. Sơ khởi tài chánh còn thiếu, Ni trưởng cũng đóng góp một số tài chánh và động viên quý Phật tử cúng dường để công tác của Chư Tôn Đức được sớm viên mãn. Năm 1992, Trường Cơ bản Phật học được chư Tôn đức tỉnh nhà mở tại Tu viện Nguyên Thiều, Ni Trưởng luôn quan tâm đến đàn hậu học nhất là việc ăn ở, học tập của Ni sinh, và đã vận động thành lập Cư xá Ni là chỗ Ni sinh lưu trú, yên tâm tu học.

Như trái cây đã chín, như cuộc hành trình dài đã đến đích, Ni trưởng an nhiên thị tịch vào lúc 12 giờ 43 phút ngày mồng 02/8/Mậu Tuất (nhằm ngày 11/9/2018).

Trụ thế 102 năm, 80 hạ lạp.

Ni trưởng xứng đáng là bậc “Tòng Lâm Thạch Trụ”, là cây đại thọ che mát cho ni chúng tỉnh nhà và môn đồ tứ chúng khắp nơi. Tinh thần lợi tha, phụng sự của Ni trưởng vẫn còn mãi với Đạo pháp. Lời dạy của Ni trưởng vẫn khắc sâu vào ký ức của chúng đệ tử. Sự ra đi của Ni trưởng vào cõi Niết Bàn bất sinh, bất diệt để lại niềm tiếc thương vô hạn với Môn đồ, Pháp phái, Chư tôn Thiền đức Tăng Ni và Thiện nam tín nữ Phật tử xa gần. 

Trong hai ngày tổ chức lễ tưởng niệm, Môn đồ pháp quyến đã cung thỉnh Hòa thượng sám chủ cùng chư Tôn đức kinh sư làm lễ cung tiến giác linh, sau đó thiết lễ trai tăng, nương nhờ oai lực của Đại Tăng cầu nguyện Giác linh Ân sư cao đăng Thượng phẩm.

Những hình ảnh về buổi lễ:

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Quảng Tiến

Tin cùng chuyên mục