“Tôi đọc Giác Ngộ rất nhiều và đọc đầy đủ mỗi ngày. Vì có rất nhiều thông tin bổ ích về mọi phương diện của Phật giáo trên Giác Ngộ”, TT.Thích Đồng Thành, UV HĐTS, Phó Trưởng ban Thường trực BTS GHPGVN tỉnh Bình Định, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo VN tại Huế, Hiệu trưởng Trường TCPH Bình Định chia sẻ.
Sau đây là những hồi ức và ý kiến từ vị giáo phẩm trẻ sinh năm 1975, tốt nghiệp khóa IV Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM, tốt nghiệp Tiến sĩ Phật học tại Đại học Delhi, Ấn Độ (2010).
TT.Thích Đồng Thành mỗi ngày đều đọc báo Giác Ngộ để học hỏi ứng dụng vào giảng dạy, hoằng pháp -
Ảnh: NVCC
Là thức ăn tinh thần mỗi ngày
Mỗi buổi sáng, trước khi đi dạy, tôi mở Giác Ngộ online ra đọc và mỗi buổi chiều sau khi đi Phật sự về, tôi cũng dành thời gian để đọc.
Đọc báo giúp tôi nắm bắt các hoạt động Phật sự, biết được các nơi đang tổ chức sự kiện Phật giáo như Đại giới đàn, Phật đản, Vu lan, khóa tu mùa hè… thông qua đó tôi học hỏi, ứng dụng trong hoạt động Phật sự tổ chức tại địa phương.
Trong báo có những mục về Tư vấn, thông tin Phật giáo quốc tế - như thông tin hơn 300 ngôi trường tại Anh quốc đưa thiền vào trường học được Giác Ngộ phổ biến rất nhiều. Vấn đề này tôi đưa vào giảng dạy, để thấy được sự cần thiết của thiền trong thế giới phương Tây, ngay cả những quốc gia không theo Phật giáo cũng có những hoạt động rất mạnh mẽ để đưa thiền đến cho học sinh.
Ngoài ra, về giáo lý, khi đọc tôi cũng để ý đến những phần về tư tưởng, hoặc ứng dụng xã hội, rút tỉa để bổ sung vào giảng dạy, hoằng pháp rất tốt.
Còn về Giác Ngộ TV, tôi xem đi xem lại nhiều lần các chuyên đề và rất thích cách chọn khung hình quay đẹp, âm thanh rất rõ ràng, nội dung có nét riêng, súc tích, nhắm đến những điểm chính yếu, những gì đặc sắc nổi bật. Chẳng hạn như đạo từ của Trưởng lão Hòa thượng Trưởng ban Trị sự TP.HCM trong các buổi lễ, khi có dịp tham dự trực tiếp, tôi rất tâm huyết và lúc được nghe lại những lời đó trong Giác Ngộ TV lại rất cảm kích, ước sao nhiều người được nghe, cùng được tiếp nhận những sự chia sẻ đó.
Rèn luyện kỹ năng viết qua mỗi bài cộng tác
Tôi cộng tác với báo Giác Ngộ trong thời gian học khóa IV (1997-2001) Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM. Thời gian đó, có một kỷ niệm mà tôi nhớ mãi, đó là lúc Thượng tọa Tâm Thiện còn làm, mỗi khi tôi đến gửi bài, thầy hay chọc “chà bữa nay mà còn viết tay gửi” là quý lắm. Hồi đó tôi chưa có máy tính, nên viết tay những bài rất dài và mang đến tòa soạn gửi.
Trong thời điểm đó, tôi thường lấy những thông tin trên internet rất sơ khai, rồi về chọn những nét nổi bật của Phật giáo ở các nước, dịch ra và gửi đăng trên mục Phật giáo nước ngoài. Ngoài ra, tôi viết một số bài lịch sử Phật giáo ở phương Tây, các vị tôn túc các truyền thống tại Nhật Bản, tại Mỹ, một số tu viện tại Úc... với các bút danh Đồng Thành, Chân Nguyên và Thông Đạt.
3 năm cộng tác với Giác Ngộ đã giúp tôi rất nhiều trong việc trau dồi kỹ năng viết nhanh, chuẩn xác. Cách trình bày câu từ thứ lớp, ý lớn, ý nhỏ và biết khai thác những ý trọng tâm. Khi tìm hiểu và viết sâu vào từng chuyên đề, từ phương diện tư tưởng Phật giáo, xã hội học Phật giáo đến nghệ thuật Phật giáo, tôi cũng biết cách xử lý thông tin các nguồn tư liệu.
Sau này, trong vấn đề nghiên cứu, viết các tham luận hội thảo, cũng như làm luận văn, luận án, trong các cấp thạc sĩ, tiến sĩ và hiện tại trong công tác hoằng pháp, giảng dạy, kinh nghiệm từ thời gian làm báo đã giúp ích cho tôi rất nhiều. Khi viết, trình bày như thế, những kiến thức ấy luôn luôn theo với mình, dầu sau này nó có vơi bớt, nhưng khi mình nghĩ đến và nói đến những vấn đề đó thì những kiến thức bắt đầu xuất hiện trở lại.
Chẳng hạn, tôi có viết một bài về Hòa thượng Tuyên Hóa và Vạn Phật Thánh Thành, được đăng trang trọng trong số Phật đản PL.2544. Sau này trong một chuyến đi hoằng pháp tại San Francisco (Mỹ) khi đặt chân tới đây thì tự nhiên những ký ức ngày xưa khi mình viết như sống dậy. Hoặc khi qua Nhật, đặt chân tới thất của ngài Không Hải đại sư trên núi Cao Dã Sơn tại Kobe thì những câu chữ lại ùa về từ những bài mình đã viết trên Giác Ngộ.
Phải nói rằng, khi viết, dù chưa đi thực địa, nhưng sau này có duyên tới hoằng pháp, tự nhiên những kiến thức đó hiển hiện lại, thân thiết như một phần trải nghiệm trong cuộc đời của mình.
Sau này, học xong 8 năm ở Ấn Độ về nước, tôi được Giáo hội giao trách nhiệm Phật sự tại tỉnh Bình Định, phụ trách Trường Trung cấp Phật học tỉnh, sư phụ lại giao trách nhiệm trụ trì, cộng thêm nhân duyên đi hoằng pháp khắp nơi. Cứ lo vấn đề hành chánh Giáo hội, vấn đề giáo dục, soạn nội dung đi giảng và còn phải nuôi dạy chúng ở chùa, nên cuối cùng thời gian bị thiếu hụt, không đủ thư thả để viết bài cộng tác.
Cải tiến về thiết kế, nội dung mang tính ứng dụng thực tế
Trải qua 45 năm, với sự cống hiến không mệt mỏi của chư tôn đức Ban Biên tập, phóng viên, cộng tác viên khắp nơi, báo Giác Ngộ đã phục vụ rất tốt nhu cầu của bạn đọc với đúng chất của một tờ báo Phật giáo. Tuy nhiên, theo đà phát triển nhanh chóng của công nghệ như hiện nay, báo cũng cần một số cải tiến, thay đổi để tạo nên nhiều sức hút hơn.
Đầu tiên về nội dung, tôi nghĩ báo nên có những chuyên đề nối tiếp nhau, về những vấn đề quan trọng của Phật giáo, phù hợp với từng đối tượng, nhắm vào hướng mang tính cập nhật và thiết thực cho xã hội.
Đối với người trẻ, nên có những chuyên đề: Quan điểm của đạo Phật về đồng tính; về nạo phá thai hoặc mang thai sớm của giới trẻ ngày nay; sống thử trước hôn nhân; hôn nhân khác tôn giáo; hạnh phúc gia đình theo tinh thần Phật giáo… Nói rõ quan điểm của đạo Phật như thế nào về các vấn đề này, ngoài những quan điểm của chư tôn đức và Phật tử thì cần thêm quan điểm của các nhà chuyên môn, để giới trẻ Phật tử có thể học hỏi, có một định hướng trong đời sống.
Đối với giới trí thức của xã hội, ngày nay, thiền là một phương pháp đang được ứng dụng rộng rãi. Báo cũng nên có những chuyên đề trình bày về phương pháp, cách thức ứng dụng thiền tập trong gia đình, trong những thời khóa thường nhật, trong công sở, khi làm việc. Không chỉ nói thiền ứng dụng công sở ra sao, sự lan tỏa như thế nào, mà phải chia sẻ cách thức và phương pháp ứng dụng, tạo nên một lộ trình, để người đọc thực hành trong cuộc sống.
Cũng nên có những bài báo nói về người lớn tuổi, họ ở viện dưỡng lão thì làm gì, hoặc cách nào để tạo nên những niềm vui khi tuổi già, trong giai đoạn về hưu.
Tôi biết ở nguyệt san đã có những chuyên đề chuyên sâu, nhưng trên tuần báo cũng nên có cách triển khai chuyên đề để đáp ứng nhu cầu cần thiết cho người đọc, ngoài cung cấp các thông tin thời sự, hoạt động Phật sự các tỉnh thành.
Còn với online, thông tin ở miền Nam và miền Trung cập nhật tương đối kịp thời, nhưng những thông tin ở miền Bắc lại chưa được nối kết nhiều, trong khi lượng thông tin ở khu vực này khá lớn. Nếu báo kết nối xây dựng đội ngũ cộng tác viên từ chư tôn đức, Phật tử trong Ban Thông tin-Truyền thông tại địa phương thì sẽ làm phong phú nội dung và chuyển tải kịp thời đến bạn đọc.
Riêng tại Bình Định, về nội dung hình ảnh đều sát thực với sinh hoạt của Phật giáo tỉnh. Ngoài những sự kiện lớn, thì những hoạt động Phật sự các tự viện, các vị tôn túc đã có một sự tương tác và cập nhật rất tốt trên Giác Ngộ online. Còn trên báo giấy, trong một số những sự kiện lớn, báo có đăng những hoạt động nổi bật, đó là một sự nắm bắt kịp thời. Với những số báo đó, Ban Trị sự tỉnh, và một số vị đều phát tâm thỉnh số lớn về để tặng chư tôn đức làm tư liệu- vì liên quan đến sự kiện lớn của tỉnh, việc làm này rất khả quan.
Tôi thấy có những số báo đặc biệt, quảng cáo khá nhiều, tôi biết phải có những giới thiệu thông tin như vậy để tạo nguồn tài chính vận hành báo, nhưng nếu có cách quảng cáo làm sao gọn lại, để dành cho nội dung, hình ảnh nhiều hơn thì sẽ nâng tính chuyên môn của tờ báo.
Tiếp nữa, nên phát triển thêm hộp thư bạn đọc trên báo để làm tờ báo thêm phong phú. Và khi những đóng góp ý kiến của các vị tôn túc độc giả gửi về tờ báo được đăng thì họ cũng thấy mình có sự đóng góp trong tờ báo.
Thứ nữa, hiện nay một số tờ tạp chí, trang tin của Phật giáo có thiết kế, hình ảnh, đồ họa rất phong phú và đẹp. Báo Giác Ngộ nên phát huy thêm về trình bày thiết kế, có những đột phá sáng tạo, để làm mới tờ báo, tạo nên sức hút nhiều hơn.
Như Danh ghi