Trong kinh Tứ thập nhị chương có một đoạn Đức Thế Tôn hỏi các thầy:
“Mạng sống của con người được bao lâu?”
Một thầy trả lời:
“Bạch Đức Thế Tôn, có thể nói là 100 năm”.
Đức Thế Tôn mỉm cười. Ngài hỏi thầy khác. Thầy trả lời:
“Bạch Đức Thế Tôn, vài chục năm”.
Đức Thế Tôn cũng mỉm cười. Ngài lại hỏi thầy khác, thầy này trả lời: “Bạch Đức Thế Tôn, một tuần lễ”.
Đức Thế Tôn vẫn mỉm cười. Bụt lại hỏi, một thầy nữa trả lời:
“Bạch Đức Thế Tôn, một ngày một đêm”.
Ngài cũng chỉ mỉm cười. Nhìn một thầy ngồi gần, Bụt hỏi, thầy này trả lời:
“Bạch Đức Thế Tôn, mạng sống của con người chỉ trong một hơi thở!”
Đức Thế Tôn gật đầu.
Trong Quy Sơn cảnh sách có câu:
Chuyển tức tức thị lai sanh, nghĩa là khi đổi một hơi thở vào thành một hơi thở ra là ta đã sanh ra đời khác rồi, tức là đời sống của ta bị giới hạn trong một hơi thở.
Vậy thì phải làm sao để trong hơi thở vào, ra, ta có hạnh phúc, có an lạc và có sự thỏa mãn.
Được vậy là ta thành công. Đây là một thách thức rất lớn. Nếu trong hơi thở vào mà không có hạnh phúc thì sức mấy mà anh có hạnh phúc trong tương lai.
Muốn có hạnh phúc, anh phải có một cái thấy (vision) rất sâu. Đó là cái thấy của kinh Hoa nghiêm: một giây phút chứa đựng cả thiên thu.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh hiện đang ở tại chùa Từ Hiếu, cố đô Huế, năm nay 95 tuổi
Không những Đức Thế Tôn nói như vậy mà chính những thi sĩ lớn cũng nói như vậy. Thiền sư Khánh Hỷ, Đức Tăng thống của Phật giáo Đại Việt vào thế kỷ thứ XI có nói:
Càn khôn tận thị mao đầu thượng
Nhật nguyệt bao hàm giới tử trung.
Nghĩa là tất cả trời đất có thể đặt gọn trên một sợi tóc, và cả mặt trời mặt trăng có thể nhét vào trong một hạt cải.
Cái vô cùng lớn nằm trong cái vô cùng nhỏ, và cái thiên thu nằm trong cái khoảnh khắc.
Nếu sống với cái thấy của kinh Hoa nghiêm, khi tiếp xúc với khoảnh khắc thì đồng thời ta cũng tiếp xúc với thiên thu.
Ta không thiếu cái gì cả. Và như vậy hơi thở vào là một sự thách thức đối với ta. Có hạnh phúc hay không là tùy ở hơi thở vào đó.
Thực tập thiền đi cũng vậy. Mỗi bước chân là một thách thức. Ai cũng bước một bước. Nhưng có người thì bước trong cõi Tịnh độ, còn có người thì bước trong cõi trầm luân.
Tùy theo cái thấy của ta mà thôi. Bước như thế nào để có thể đi vào Tịnh độ, để có an lạc và hạnh phúc liền trong bước đó. Ta phải đầu tư hết con người của ta vào trong bước chân đó.
Bước chân đó phải có niệm, có định và có tuệ.
Ta biết một bước chân chứa đựng tất cả những bước chân: đi được một bước thành công là tất cả những bước chân khác cũng thành công.
Mà suốt cả một trăm năm có mấy ai đi được một bước như vậy?
Đi được một bước như vậy rồi thì ta cần gì một trăm năm nữa?