Thông tư số 030/TT.HÐTS, ngày 26-1-2022 của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự về hướng dẫn tấn phong giáo phẩm tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022-2027.
Thông tư gởi đến Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, thành phố, để việc tấn phong giáo phẩm theo đúng quy định của Hiến chương GHPGVN và trình tự phê chuẩn của Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022-2027, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, Ban Tăng sự Trung ương hướng dẫn thủ tục tấn phong giáo phẩm như sau:
Ban Trị sự tổ chức phiên họp để giới thiệu Tăng Ni tại địa phương hội đủ các tiêu chuẩn được tấn phong giáo phẩm theo điều 53, 54, 55, 56 chương IX Hiến chương Giáo hội và điều 63, 64 chương XI Nội quy Ban Tăng sự Trung ương GHPGVN.
Sau khi Ban Trị sự thông qua việc tấn phong giáo phẩm, đề nghị các Ban gửi danh sách về Văn phòng Trung ương Giáo hội theo mẫu lý lịch trích ngang như sau: Đạo hiệu/ Họ tên khai sinh/ Năm sinh/ Hạ lạp/ Địa chỉ TT / thường dùng/ Nơi sinh (Năm thọ. Thường trú giới Tỳ kheo/ Tỳ kheo Ni).
Đối với Tăng, Ni đã được Ban Trị sự đề nghị tấn phòng và được Hội nghị Thường niên của Trung ương Giáo hội thông qua thì không phải gửi danh sách tấn phong giáo phẩm theo tinh thần thông tư này.
Đối với những Tăng Ni có hộ khẩu thường trú tại địa phương đang công tác Phật sự tại các Ban, Viện Trung ương Giáo hội, Học viện Phật giáo Việt Nam, thủ tục tấn phong phải được Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành chính thức giới thiệu theo điều 53, 54, 55, 56 chương IX Hiến chương và điều 63, 64 Chương XI Nội quy Ban Tăng sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Tiêu chuẩn tấn phong giáo phẩm theo quy định của Hiến chương GHPGVN và Nội qui Ban Tăng sự Trung ương: Tấn phong Giáo phẩm Hòa Thượng/Ni trưởng: Sinh năm 1962 trở lên; 40 Hạ lạp (thọ giới Tỳ-kheo/ Tỳ-kheo-ni năm 1982) trở lên; Tấn phong giáo phẩm Thượng Tọa/ Ni sư: Sinh năm 1977 trở lên; 25 Hạ lạp (thọ giới Tỳ-kheo/Tỳ-kheo-ni năm 1997) trở lên.
Tại Đại hội IX GHPGVN các trường hợp sau đây được xét tân phong giáo phẩm: + Giáo phẩm Hòa thượng/ Ni trưởng: Sinh năm 1963 trở lên; Thọ giới Tỳ-kheo/ Tỳ-kheo-ni từ năm 1983 trở lên; Giáo phẩm Thượng tọa/ Ni sư: Sinh năm 1978 trở lên; Thọ giới Tỳ-kheo/ Tỳ-kheo-ni) từ năm 1998 trở lên.
Về công đức đóng góp cho Đạo pháp và Dân tộc: Căn cứ vào các Bằng tuyên dương công đức, bằng công đức, Bằng khen, Giấy khen của các cấp Giáo hội; Căn cứ Huân chương và các phần thưởng cao quý khác của Nhà nước các cấp (nếu có).
Tăng Ni phải là công dân Việt Nam, có tư cách đạo đức tốt; có tinh thần đoàn kết hòa hợp và không vi phạm pháp luật Nhà nước.
Hồ sơ gồm có: 1 văn bản đề nghị xin tấn phong giáo phẩm do Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, thành phố thiết lập; 1 bản lý lịch tư pháp; 1 bản sao giấy Chứng điệp thọ giới Tỳ-kheo/Tỳ-kheo-ni hoặc Chứng nhận Tăng Ni (có sao y bản chánh); 1 bản sao Giáo chỉ tấn phong Thượng tọa hoặc Ni sư (nếu tấn phong giáo phẩm Hòa thượng hoặc Ni trưởng).
Thời gian gửi hồ sơ về Văn phòng Trung ương Giáo hội: Sau khi hoàn tất các thủ tục giới thiệu tại địa phương, Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành gửi hồ sơ đề nghị tấn phong giáo phẩm về Văn phòng Trung ương; Các tỉnh, thành phía Bắc gửi hồ sơ về: Văn phòng 1 Trung ương GHPGVN - Chùa Quán Sứ, số 73 Phố Quán Sứ Hà Nội.
Các tỉnh, thành phía Nam gửi hồ sơ về: Văn phòng Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN - Thiền viện Quảng Đức, số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP.Hồ Chí Minh.
Thời gian gửi hồ sơ chậm nhất là ngày 15-6-2022 để Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, Ban Tăng sự Trung ương xét duyệt tại kỳ họp 6 tháng đầu năm 2022 của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự và trình Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX thông qua. Ban Tăng sự Trung ương không chịu trách nhiệm giải quyết hồ sơ nộp trể hạn theo thời gian quy định.
Nguồn: giacngo.vn