Tuy Phước: Lễ Tưởng niệm cố Trưởng lão Giác Phất lần thứ 14

Sáng ngày 1/5/2022 nhằm mùng 1/4/Nhâm Dần, tại Tịnh xá Ngọc Long, thị trấn Diêu Trì, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định đã diễn ra trang nghiêm lễ tưởng niệm 14 năm Trưởng lão Giác Phất - Nguyên Phó Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định, Chứng minh Giáo đoàn III - Hệ phái Khất sĩ, trụ trì Tịnh xá Ngọc Long viên tịch.

Trưởng lão Giác Phất là một trong những đệ tử của Đức Thầy Giác An, khai lập Giáo đoàn III. Sau khi Đức Thầy viên tịch năm 1971, Cố Trưởng lão Giác Phất tiếp tục duy trì Phật pháp, hành đạo các miền Tịnh xá tại Miền Trung, Cao nguyên và trụ trì Tịnh xá Ngọc Long cho đến ngày viên tịch.

Quang lâm chứng minh tham dự lễ tưởng niệm có: HT. Giác Phùng - Giáo phẩm Hệ phái, Trị sự Phó Thường trực Giáo đoàn III; HT. Giác Trí - Giáo phẩm Hệ phái, Trị sự phó kiêm Trưởng ban GDTN Giáo đoàn III, Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN huyện Tuy Phước; TT. Giác Mạnh - Giáo phẩm Giáo đoàn II, Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN thị xã Hoài Nhơn; TT. Giác Trực - Uỷ viên Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định, Giáo phẩm Giáo đoàn II; ĐĐ. Giác Tri - Uỷ viên Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định, Phó Ban Trị sự GHPGVN thành phố Quy Nhơn; ĐĐ. Giác Tâm - Uỷ viên Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định; NT. Thích nữ Liên Liên - Giáo phẩm Ni giới Hệ phái Khất sĩ, Uỷ viên Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình; NS. Thích nữ Thanh Liên - Giáo phẩm Ni giới Giáo Đoàn III; cùng chư Tôn đức Tăng Ni, và gần 200 Phật tử gần xa trong và ngoài tỉnh đồng về tham dự.

Tại buổi lễ, sau khi tụng kinh cầu nguyện, dâng hương tưởng niệm, ĐĐ. Giác Tri đãi lao chư Tôn đức Cung tuyên tiểu sử:

Trưởng lão Giác Phất, thế danh Võ Bích, sinh ngày 10 tháng 02 năm 1922 tại tỉnh Quảng Nam trong một gia đình phúc đức, lễ giáo. Song thân của Ngài là Cụ ông Võ Đăng Đôn, thân mẫu là bà Trần Thị Nấu.  Ngài là con trai trưởng trong một gia đình có ba anh em, một trai, hai gái, sống nếp thuần lương, đạo đức, nho phong lễ giáo, chơn chất hiền hòa.

Thời thơ ấu theo cha mẹ vào trú quán ở Phường 3, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú yên, một vùng đất miền Trung nước Việt nơi của Tổ sư Liễu Quán và nhiều bậc danh tăng.

Ngài được song thân cho đi học trong trường làng, đến năm 16 tuổi thôi học rồi đi học nghề và phụng dưỡng song thân lúc xế chiều.

Vốn có túc duyên xưa, vào năm 1960, Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam do Đức Thầy Giác An về hành đạo tại Tuy Hòa, Phú Yên, người được nghe đạo nhiệm mầu và bừng tỉnh thức giác ngộ nên phát bồ đề tâm xin Quy y Tam Bảo. Được Đức Thầy Giác An chứng minh thọ kí với pháp danh Thiện Bảo. Từ ngày ấy Ngài chuyên tâm nỗ lực hành trì năm giới và ba pháp Quy y Tam Bảo làm tròn bổn phận người Phật tử tại gia.

Đến ngày mùng 08 tháng 3 năm 1963 tại Tịnh xá Ngọc Phú, Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, Đức Thầy Giác An chính thức tiếp nhận vào hàng ngũ xuất gia. Từ đây, Ngài chuyên tâm tu học, trau dồi giới đức và được Giáo hội xem xét cho lên lớp Sa Di vào ngày 15 tháng 7 năm 1963 tại tịnh xá Ngọc Pháp, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa với pháp danh Giác Phất.

Thọ Tỳ kheo giới vào ngày 15 tháng 07 năm 1967 tại Tịnh xá Ngọc Quang, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

Từ ngày thọ nhận Y Bát Chơn Truyền làm người Khất sĩ, bước chân hành đạo của Ngài đi khắp ba miền Nam – Trung – Bắc. Bước chân ấy đã đặt lên các miền Tịnh xá Giáo Đoàn III Khất Sĩ.

Các pháp thế gian đều tuân theo quy trình sinh diệt và thân tứ đại của ngài cũng thế. Vào lúc 17 giờ 45 phút ngày 01/04 năm Mậu Tý (05/05/2008) Ngài xả bỏ báo thân, an nhiên thị tịch tại Tịnh xá Ngọc Long, thị trấn Diêu Trì, huyện Tuy Phước, trong sự kính nhớ của hàng xuất gia cũng như tại gia. Ngài trụ thế 86 năm, hạ lạp 41 năm. 

Cuộc đời và hành trạng của Trưởng Lão là một tấm gương mẫu mực về ý chí kiên cường, vui chịu mọi cảnh khổ. Ngài nhất tâm hành trì chánh pháp Tam Y Nhất Bát, sống đơn giản thanh bần theo hạnh người Khất sĩ.

Tiếp theo, HT. Giác Phùng có lời chứng minh tán dương Đại đức Giác Tâm - trụ trì Tịnh xá Ngọc Long “…chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài” và chứng minh công đức cho quý Phật tử tịnh xá Ngọc Long.

Sau cùng hội chúng được nghe ý pháp “Đạo lý tưởng niệm” do HT. Giác Trí chia sẻ: …Chúng ta tưởng nhớ người xưa, chúng ta trân trọng người hiện tại bây giờ vì có tưởng đến những bậc tiền hiền cho nên Đại đức trụ trì đã cố gắng nỗ lực mà thừa kế. Ngoài thừa kế ra còn thực hiện phát huy từ 2008 đến 2011 và từ 2011 đến nay 2022 là 11 năm đạo tràng được phát triển. Ngoài thừa tự cơ sở tịnh xá người tu là phải thừa tự đạo lý mà khi Phật truyền đến chư Tổ, chư Tổ truyền đến chư Tôn đức Trưởng lão, quý Đức Thầy…truyền đến mình thì ta phải làm sao đạo sáng và thạnh để đền ơn Thầy Tổ, đền ơn quê hương Tổ quốc, đóng góp sự an lành cho thế giới xứng đáng là đệ tử của Hệ phái của Tổ sư đặc biệt đóng góp một phần cho Phật giáo nước nhà GHPGVN...Nguyện Tam Bảo Tổ Thầy thuỳ từ gia hộ cho đạo pháp nơi Tịnh xá Ngọc Long ngày một phát triển quang huy.

“Nhọc nhằn một kẻ vẻ vang muôn người. 

Ôi! Thật đáng cho đời kính ngưỡng

Công đức người vô lượng vô biên

Hỡi chư Phật tử hữu duyên

Nhớ ơn Thầy Tổ cần chuyên tu hành.”

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ban TT-TT PG Bình Định

Tin cùng chuyên mục