Cha mẹ và con cái

Nhiều năm trước khi xuất gia, tôi đã tin rằng kinh nghiệm mang đến trí tuệ. Vì thế tôi rời bỏ quê hương Anh quốc đi Ấn Độ, lang thang đó đây để thu thập kinh nghiệm sống ở châu Âu và châu Á.

Cuộc hành trình càng khó khăn, tôi càng thích thú vì tôi cảm thấy những gian nan đó giúp tôi hiểu về bản thân hơn và chúng sẽ đem lại lợi ích cho cuộc đời tôi.

Nhưng cuộc hành trình đến Ấn Độ khiến tôi khá thất vọng. Nó chẳng có nhiều thử thách như tôi mong đợi, nên trên đường quay trở về, tôi quyết định đi từ Pakistan về Anh quốc trong khi túi không có đồng xu. Tôi muốn thử xem tôi có thể đi xe nhờ suốt chặng đường về đó không, và tôi cũng muốn thử xem cảm giác sẽ như thế nào khi không sở hữu gì cả.

Thật là một cuộc mạo hiểm, có nhiều chuyện tôi sẽ không bao giờ quên. Tôi muốn kể cho bạn nghe một trong những chuyện đó. Lúc tôi đến được Tehran (thủ đô của Iran), tôi hoàn toàn kiệt quệ. Tôi ốm như cây sậy, quần áo thì bẩn thỉu, nhàu nát, chắc tôi trông ghê tởm lắm. Chính tôi cũng bị sốc khi soi mình qua tấm gương ở một nhà vệ sinh công cộng. Còn tâm tôi thì càng ngày càng giống quỷ đói, nó luôn lo lắng về cái ăn: “Liệu hôm nay ta có được gì để ăn hay không?”. Bụng tôi được no hay bị đói tùy vào lòng tử tế của đồng loại. Tôi phải dựa vào parami (ba-la-mật) của mình vì không có gì khác để dựa vào.

Cuối cùng cũng có một người Iran cảm thấy thương hại tôi, đồng thời anh ta cũng coi đây là cơ hội để thực tập tiếng Anh. Anh đãi tôi uống trà và cho tôi một ít tiền. Ban đêm, tôi ngủ ngoài đường, giấu mình trong những con hẻm nhỏ, vắng vẻ. Tôi sợ cảnh sát sẽ đánh đuổi nếu họ bắt gặp tôi. Buổi sáng, tôi đến một quán súp mà tôi nhớ là họ cho ăn bánh mì miễn phí.

Khi đi dọc theo đường phố, tôi cố gắng không liếc nhìn vào các quán ăn hấp dẫn và không ngửi theo những mùi đồ ăn ngào ngạt trong không khí, bỗng tôi phát hiện một phụ nữ đang tiến bước về phía tôi. Bà có vẻ kinh hoàng khi nhìn thấy tôi. Bà dừng bước lại, trố mắt nhìn tôi một lúc, rồi bước đến chắn trước mặt tôi với vẻ mặt cau có. Bà ra dấu bảo tôi đi theo bà, với kinh nghiệm của kẻ xin ăn, tôi làm theo ngay. Đi bộ khoảng mười phút, chúng tôi đến một khu chung cư, rồi lên thang máy đến tầng thứ tư. Tôi đoán là lên phòng bà, nhưng bà vẫn chưa nói tiếng nào. Không có nụ cười thân thiện nào, chỉ có vẻ mặt đầy sát khí.

Khi mở cửa ra, tôi thấy đúng là phòng bà. Bà dẫn tôi vào nhà bếp, chỉ vào một chiếc ghế, ra hiệu cho tôi ngồi xuống. Sau đó bà mang ra cho tôi đủ loại thực phẩm. Tôi tưởng chừng mình đang ở thiên đàng. Tôi bỗng nhận ra rằng món ngon nhất trên đời là món bạn được ăn khi thực sự đói khát, bao tử réo gọi từng hồi. Người phụ nữ gọi con trai ra, nói gì đó với cậu mà tôi không hiểu, nhưng tôi thấy cậu khoảng tuổi tôi. Sau một lúc, cậu con trai trở lại với một bộ quần áo. Khi thấy tôi đã ăn xong, người phụ nữ chỉ về hướng nhà tắm, ra hiệu cho tôi đi tắm và thay bộ đồ mới.

Bà không nói gì, chẳng hề cười, chỉ ra dấu cho tôi hiểu bà. Trong lúc tắm, tôi nghĩ có lẽ người phụ nữ nhìn tôi mà chạnh nghĩ đến con bà: “Sẽ ra sao nếu con ta đi đến một xứ sở xa lạ và bị khốn khổ như thế?”. “Nếu như con ta cũng lâm vào hoàn cảnh đáng thương như thế, thì sẽ như thế nào?”. Tôi nghĩ là bà đã giúp đỡ tôi với tình thương của một người mẹ. Tôi quyết định tặng cho bà danh hiệu “Người mẹ Ba-tư đáng kính” và tự mỉm cười một mình.

Khi tôi đã xong xuôi mọi thứ, người phụ nữ dẫn tôi về chỗ cũ, và bỏ tôi ở đó. Rồi bà hòa vào dòng người đang trên đường đến chỗ làm. Tôi đứng đó nhìn bà lẫn vào đám đông, và tận đáy lòng tôi biết rằng mình sẽ suốt đời không bao giờ quên ơn bà. Đã hơn hai mươi năm qua, giờ tôi muốn nói cho mọi người biết về vị Bồ-tát có nét mặt quạu quọ này, để mọi người biết rằng dầu trong các thành phố lớn, cũng có những người tốt, và người tốt có thể còn nhiều hơn chúng ta nghĩ.

Một ngày kia tâm tôi tràn đầy các câu hỏi. Tại sao tôi luôn xúc động mỗi khi nhớ đến sự tử tế của những người đã giúp đỡ tôi trong suốt cuộc hành trình của mình, những người đã cho tôi ăn hay ngủ một hay hai đêm - nhưng tôi chưa bao giờ cảm thấy như thế đối với sự tử tế của cha mẹ tôi?

Tôi đã không về được Anh quốc. Tôi đánh mất hộ chiếu gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, nên phải quay về Tehran, sau đó tôi quay trở lại Ấn Độ. Ngày sinh nhật mười chín tuổi tôi trải qua bên bờ hồ với một đạo sĩ. Ông là một vị thầy tâm linh với cách tu hành tương tự như của Phật giáo và ông đã dạy tôi rất nhiều điều. Khi sống cạnh ông, tôi có rất nhiều thì giờ để quán chiếu về cuộc đời mình.

Những buổi chiều tôi thích leo lên ngọn núi gần đó, ngồi dưới một cây cổ thụ, tận hưởng làn gió mát. Nhìn xuống dòng suối bên dưới và bãi sa mạc trải dài đến tận chân trời giúp tôi suy nghĩ thấu đáo. Một ngày kia tâm tôi tràn đầy các câu hỏi. Tại sao tôi luôn xúc động mỗi khi nhớ đến sự tử tế của những người đã giúp đỡ tôi trong suốt cuộc hành trình của mình, những người đã cho tôi ăn hay ngủ một hay hai đêm - nhưng tôi chưa bao giờ cảm thấy như thế đối với sự tử tế của cha mẹ tôi?

Họ đã chăm sóc cho tôi suốt mười tám năm, cho tôi ăn từng ngày - ba hay bốn lần một ngày - vậy mà họ vẫn lo rằng thức ăn không đủ ngon cho tôi. Họ đã cho tôi quần áo, chỗ trú ngụ. Khi tôi ấm đầu sổ mũi, họ đưa tôi đi bác sĩ, còn khi tôi bệnh nặng dường như họ còn khổ hơn tôi. Vậy tại sao tôi chẳng bao giờ xúc động với những việc như thế? Bỗng nhiên tôi cảm thấy mình bất công một cách đáng xấu hổ. Tôi nhận ra rằng tôi đã coi thường sự hy sinh của cha mẹ biết bao nhiêu. Lúc đó, dường như có một bờ đê vừa vụt vỡ tung. Nhiều tấm gương về lòng biết ơn cha mẹ, lòng độ lượng, tử tế của cha mẹ tràn đầy tâm trí tôi, quá ấn tượng, quá bao la. Đó là khởi đầu cho lòng biết ơn của tôi đối với cha mẹ.

Tôi tiếp tục quán tưởng đến việc mẹ tôi hẳn đã phải chịu bao khó nhọc khi mang thai tôi. Lúc đầu chắc bà đã bị hành buồn nôn mỗi sáng, thời gian sau thì đi đứng trở nên khó khăn. Mọi chuyển động đều đau đớn và không thuận lợi. Nhưng mẹ tôi đã chấp nhận cái khổ này vì bà tin rằng có điều gì đó rất đáng công, và điều gì đó chính là tôi.

Khi còn nhỏ, việc gì tôi cũng phải nhờ đến cha mẹ, vậy mà không hiểu sao tôi coi chuyện đó là bình thường - bổn phận của họ là phải cung cấp, cưu mang, còn tôi chỉ có quyền nhận sao? Về sau, tôi nhận thức được rằng tôi có duyên được tu tập theo Phật giáo để phát triển một nơi nương tựa thực sự ở bên trong, là nhờ cha mẹ đã tạo cho tôi một chỗ nương tựa bền vững, đáng tin cậy ở bên ngoài khi tôi còn trẻ. Họ đã thiết lập cho tôi một nền tảng vững chắc để tôi có thể toàn tâm, toàn trí tu tập, chiến đấu với uế nhiễm.

Năm 20 tuổi, tôi đến Thái Lan để xuất gia. Cha mẹ tôi không phản đối vì họ muốn con trai có thể sống theo ý nó muốn và được hạnh phúc. Cha mẹ tôi đã chọn điều đó thay cho những kỳ vọng họ đã đặt vào tôi. Năm ngoái, mẹ tôi đã thú nhận rằng ngày tôi ra đi là ngày buồn nhất trong đời của mẹ. Nghe vậy tôi rất xúc động. Điều gây ấn tượng ở tôi là mẹ đã rất chịu đựng và che giấu nỗi khổ đau này suốt hai mươi năm vì mẹ không muốn tôi phải bứt rứt vì chuyện này.

Sau khi đã trở thành tu sĩ, đôi khi tôi không thể không tự trách mình. Khi còn sống bên cạnh mẹ cha, mỗi ngày tôi đều có cơ hội để làm điều gì đó, hầu đáp lại chút tình thương mà họ đã dành cho tôi, nhưng tôi hầu như chẳng làm gì cả. Giờ tôi ước muốn bày tỏ lòng biết ơn bằng trăm ngàn cách thì lại không thể vì tôi đã là tu sĩ và sống cách xa họ hàng ngàn dặm. Thật tệ hại. Tôi chỉ còn có thể làm những gì mà các vị tu sĩ vẫn làm hơn hai ngàn năm nay, là rải tâm từ đến cha mẹ mỗi ngày.

Khi còn nhỏ, việc gì tôi cũng phải nhờ đến cha mẹ, vậy mà không hiểu sao tôi coi chuyện đó là bình thường - bổn phận của họ là phải cung cấp, cưu mang, còn tôi chỉ có quyền nhận sao? Về sau, tôi nhận thức được rằng tôi có duyên được tu tập theo Phật giáo để phát triển một nơi nương tựa thực sự ở bên trong, là nhờ cha mẹ đã tạo cho tôi một chỗ nương tựa bền vững, đáng tin cậy ở bên ngoài khi tôi còn trẻ.

Ở Thái Lan chúng tôi thường nghĩ tưởng đến ‘boon khoon’(công ơn) cha mẹ. Tin rằng mỗi khi ta nhận được sự giúp đỡ, lòng tử tế của ai đó là chúng ta đã mang một cái ơn. Thiện nhân là người biết trọng ơn nghĩa, và ơn nghĩa sâu dày nhất trong tất cả mọi ơn nghĩa là ơn cha mẹ. Đức Phật đã dạy chúng ta phát triển lòng biết ơn sâu sắc đến với cha mẹ, và ý hướng đáp trả ơn cha mẹ bằng những phương cách tốt nhất mà chúng ta có thể thực hiện.

Lúc nhỏ, tôi đã không được dạy dỗ về các giá trị này. Dĩ nhiên, trong nền văn hóa phương Tây cũng có tình thương yêu, gắn bó giữa cha mẹ và con cái, nhưng nói chung sự quan tâm, lòng biết ơn lẫn nhau thường ít được coi trọng. Trong khi các giá trị khác như là sự tự do cá nhân, tính tự lập thì lại được chú trọng hơn. Tình cảm thâm sâu, gắn bó giữa cha mẹ và con cái có thể cũng được nhiều người cảm nhận, nhưng nó không được truyền thông rộng rãi như một đạo lý chung trong xã hội như trong văn hóa Phật giáo, thí dụ như ở Thái Lan.

Việc chúng ta phải coi trọng công ơn cha mẹ có thể được tìm thấy trong giáo lý của Đức Phật. Trong kinh điển Pali, Đức Phật dạy chúng ta cần phải biết rằng, có một ý nghĩa đặc biệt trong quan hệ giữa cha mẹ và con cái, một ý nghĩa mà ta phải chấp nhận và tôn trọng. Mối liên hệ giữa cha mẹ và con cái thật sâu sắc và huyền bí và có thể đã diễn ra qua nhiều kiếp sống.

Chúng ta được sinh ra trong kiếp này là để tiếp tục “công việc còn dang dở” đối với mẹ cha. Có khi công việc còn dang dở này được thể hiện ra một cách không tốt đẹp, như khi đứa bé bị cha mẹ bỏ rơi, hay bị cha mẹ bạo hành thân xác hay tâm hồn. Có những hoàn cảnh như thế, và dường như ngày càng nhiều hơn. Nhưng những điều tệ hại mà cha mẹ có thể mang đến cho con cái như thế cũng không xóa bỏ được mối liên hệ thâm sâu này.

Kiếp sống này chỉ như là một cảnh trong một trường kịch, chúng ta không biết điều gì đã xảy ra trong những kiếp quá khứ. Sống trong một xã hội nhân ái, dĩ nhiên chúng ta phải làm mọi cách để bảo vệ trẻ em khỏi bị xâm phạm. Chúng ta phải tỏ rõ việc không thể chấp nhận những điều đó, và phải đối xử với các bậc cha mẹ phạm tội này đúng theo quy luật xã hội hiện hành. Nhưng đồng thời chúng ta cũng phải bảo vệ tâm khỏi sự sân hận và thất vọng bằng cách tự nhắc nhở rằng chúng ta chỉ thấy một phân cảnh ngắn của một thiên trường kịch phức tạp, mà nhiều thứ đều xa tầm nhìn của ta. Quán chiếu dựa trên chân lý này giúp nạn nhân của những việc bạo hành, xâm phạm có thể tìm được phương cách để tha thứ cho những người có liên quan.

May thay, có rất ít các cha mẹ hoàn toàn nhẫn tâm với con cái. Theo các kinh điển, phần đông cha mẹ đều như các đấng Phạm Thiên đối với con cái, với tình thương yêu không lay chuyển, với tâm từ bi và niềm hoan hỷ.

Đức Phật đã dạy chúng ta làm thế nào để đáp trả tấm lòng trời biển của cha mẹ: “Đã được cha mẹ chăm sóc, tôi phải chăm sóc lại họ. Tôi sẽ giúp đỡ cha mẹ trong công việc của họ. Tôi sẽ gìn giữ danh dự và truyền thống gia đình. Tôi phải cố gắng để xứng đáng với gia tộc. Tôi sẽ dâng cúng phẩm vật, hồi hướng công đức cho cha mẹ sau khi họ qua đời” (kinh Giáo thọ Thi-ca-la-việt, Trường bộ kinh).

Giáo lý trong kinh này phản ảnh cấu trúc lý tưởng trong một xã hội Phật giáo. Kinh nhấn mạnh vào trách nhiệm của mọi người đối với nhau, vào bổn phận hơn là quyền lợi. Thật ấm lòng khi biết ngày nay vẫn có nhiều người ở Thái Lan cố gắng tu tập theo những lời dạy trên.

Nhưng có một bản kinh khác (kinh Tăng chi bộ), Đức Phật dạy rằng, nếu hướng dẫn cha mẹ an trú vào lòng tin, giữ giới, bố thí, trí tuệ thì con cái đã hoàn thành được hiếu đạo, được coi là thực sự trả đủ công ơn đối với cha mẹ. Người Phật tử cần sách tấn cha mẹ làm điều thiện. Người con cần phải cố gắng để làm một ‘bạn lành’ của cha mẹ. Có thể thấy rất rõ ràng ở đây là, xã hội Phật giáo là nơi mọi người cố gắng để trở thành bạn tốt của nhau. Cha mẹ cần cố gắng làm bạn tốt đối với con cái, và con cái cũng phải cố gắng làm bạn lành đối với cha mẹ mình.

Đức Phật dạy rằng thật khó để tìm được ai không từng là cha, mẹ, anh, chị, em của chúng ta trong những kiếp sống trước. Do đó, khi quán chiếu về công ơn ta mang đối với cha mẹ và các thành viên khác trong gia đình, thì hãy nhớ đến lời dạy này. Hãy nỗ lực thêm để bày tỏ lòng biết ơn đối với tất cả nhân loại. Hãy huân tập để làm bạn lành đối với tất cả những ai ở quanh ta và trên trái đất ta đang sống.

Cuối cùng, xin nguyện cho tất cả được sống làm người bạn lành. Hãy là bạn lành đối với bản thân bằng cách chỉ hành động, nói năng và suy nghĩ những điều tốt lành cho bản thân và cho người. Hãy là bạn lành đối với những người đã giúp bạn, nhất là cha mẹ mình. Hãy mang đến cho họ những gì bạn có thể, hãy giúp họ sao cho xứng đáng với những gì họ đã giúp bạn. Quan trọng nhất là, với sự gia hộ của Tam bảo, mong rằng các bậc cha mẹ và tất cả chúng ta luôn được tăng trưởng, được sung túc trong các hạnh lành của tín tâm, trì giới, bố thí và trí tuệ.

Ajahn Jayasaro

(Diệu Liên Lý Thu Linh lược dịch theo sách Daughters & Sons,

với sự đồng ý của ngài Ajahn Jayasaro, thông qua Monastery Secretary Amaravati)

Nguồn: giacngo.vn

Tin cùng chuyên mục