Nghĩ về chuyện phóng sinh

Giáo lý từ bi của Đức Phật xem tất cả chúng sanh đều bình đẳng, vì thế khuyên chúng ta phải tôn trọng sự sống của muôn loài. Người Phật tử chẳng những không sát sinh mà còn nỗ lực phóng sinh.

Kinh Phạm võng dạy rằng: Người Phật tử xem chúng sinh trong sáu đường đều là cha mẹ nhiều đời của mình. Nếu thấy người sắp giết hại súc vật hãy tìm phương tiện để giải cứu, khiến cho chúng được thoát khổ nạn. Luận Đại trí độ xác định: Trong tất cả các công đức, phóng sinh là công đức lớn nhất.

Từ trong ý niệm vì thương cho sự sống của muôn loài mà Đức Phật khuyến khích mọi người nên phóng sinh, tức là đem lại sự sống cho một con vật sắp chết hoặc giải thoát cho chúng thoát khỏi cảnh giam cầm được trở về môi trường sống của mình.

Nên việc phóng sinh phải xuất phát từ lòng từ bi và được thực hiện trong mọi lúc, có thể là một dịp tình cờ hay ngẫu nhiên nào đó. Ví dụ gặp người thợ săn bắt được một con nai đem đi bán cho quán nhậu, ta bỏ tiền ra mua rồi thả nó về rừng. Thấy một đàn kiến bị nước cuốn trôi ta thả cho nó một cành cây để giúp chúng thoát nạn. Đang lái xe trên đường gặp con vật băng ngang, ta dừng xe lại hoặc tránh đi để con vật được an toàn v.v…

Dù cho việc phóng sinh là tình cờ hay có chủ ý trước cũng đều xuất phát từ lòng từ bi, mục đích là ban tặng sự sống cho các loài vật sắp bị mất mạng. Nên phóng sinh là phải nhanh chóng đưa những con vật thoát khỏi cái chết và trở về với môi trường sống của chúng một cách an toàn mà không cần phải câu nệ hình thức.

 

Nghĩ về chuyện phóng sinh ảnh 1

 

Từ những ý nghĩa nêu trên, việc phóng sinh cần phải được thực hiện nhanh chóng, đúng cách, đúng ý nghĩa. Nếu tâm có ý định phóng sinh, ta ra chợ mua một số cá, chim rồi tùy duyên thực hiện việc phóng sinh ngay mà không nhất thiết phải đem về chùa chờ đợi thầy chú nguyện. Trong trường hợp có quý thầy chú nguyện cho các con vật được phóng sinh thì càng tốt nhưng việc thiết yếu là phải nhanh chóng giải thoát cho nó được an toàn, khỏe mạnh trong môi trường thích hợp.

 Quan trọng hơn, phóng sinh không chỉ có ý nghĩa là ban tặng sự sống cho những con vật sắp bị giết hoặc giải thoát những con vật đang bị giam cầm mà còn mang ý nghĩa phóng thích những tâm niệm ô uế như tâm tham lam, thù hận, đố kỵ, hơn thua ra khỏi bản thân để mình được tự do. Đó chính là ý nghĩa đầy đủ của việc phóng sinh. Nếu việc phóng sinh được thực hiện song hành với hai ý nghĩa nêu trên thì công đức phóng sinh sẽ vô lượng.

Hiện nay hầu hết các chùa hay tư gia, những người phát tâm phóng sinh đa số đều thực hiện đúng ý nghĩa và đúng cách như đã nói ở trên. Chỉ có một vài Phật tử mua chim của những người làm nghề bẫy chim đem đến chùa để quý thầy chú nguyện rồi sau đó mới thả ra. Vì bị nhốt quá lâu, có một số chim kiệt sức bị chết, một số khác quá yếu không bay xa được nên khó hy vọng sống sót.

Việc phóng sinh không đúng cách như thế đã khiến cho một số người dùng hình ảnh này để xuyên tạc, bêu rếu hạnh phóng sinh của đạo Phật gây sự hiểu lầm đáng tiếc trong cộng động xã hội, kể cả những Phật tử chưa am tường. Vì vậy, để cho việc phóng sinh đem lại lợi lạc cho người phóng sinh, vật được phóng sinh và không bị xuyên tạc, thiết tưởng quý Tăng, Ni cần phải hướng dẫn một cách cụ thể, thường xuyên về ý nghĩa và cách phóng sinh đúng pháp cho Phật tử thực hiện.

Là Phật tử, chúng ta cần đem trí tuệ để soi rọi lòng từ bi sao cho việc phóng sinh cần được thực hiện đúng Chánh pháp, đúng ý nghĩa, đúng cách. Có như thế mới đem lại sự sống một cách an toàn cho loài vật được cứu mạng và đem đến phước đức cho người thực hành hạnh phóng sinh.

Tin cùng chuyên mục