Hòa thượng họ Bùi, quê quán ở làng Bả Canh nay thuộc phường Đập Đá, thị xã An Nhơn tỉnh Bình Định. Hoà thượng được sinh trong gia đình gia thế, Phật hoá thuần thành, lớn nhỏ đều qui y Quốc sư Tăng cang Phước Huệ tại tổ đình Thập Tháp. Thân phụ là ông Bùi Đạo pháp danh Không Hoành, đương thời làm quan Hương Bộ, thân mẫu là bà Nguyễn Thị Thất pháp danh Không Trung.
Lúc thiếu thời, Ngài thường xuyên theo cha mẹ về tổ đình Thập Tháp hầu cận Quốc sư, lâu ngày được cảm mộ và xem Tổ đình là ngôi nhà của mình. Năm lên 11 tuổi, chí xuất trần thôi thúc, nên vào ngày mùng 8 tháng Tư năm 1934 được cha mẹ đưa đến Tổ đình xuất gia đầu sư với Quốc sư Phước Huệ, được pháp danh là Không Ấn, pháp tự là Thiện Nhơn. Kể từ đó, Ngài chăm lo tu học bên cạnh Bổn sự và được sư huynh là Hoà thượng Huệ Chiếu trực tiếp chỉ dạy. Cho đến năm 19 tuổi (1942), Ngài được thọ đại giới tại Giới Đàn Hưng Khánh do hòa thượng Chí Bảo làm Đàn Đầu và được Quốc sư ban cho pháp hiệu là Mật Hạnh thuộc dòng Lâm Tế Nguyên Thiều pháp phái đời thứ 41.
Sau khi đắc giới, Ngài tiếp tục tu học trau dồi giới đức ngày một vững vàng và phụ giúp Hoà thượng Huệ Chiếu chăm lo Phật sự tại Tổ đình Thập Tháp. Đến năm 1959, Hoà thượng Huệ Chiếu tấn cử Ngài trú trì chùa Tân An tại thôn Vạn Thuận xã Nhơn Thành huyện An Nhơn tỉnh Bình Định.
Lúc đầu chùa Tân An chỉ là một ngôi chùa nhỏ, nằm ẩn sâu trong rừng cây hẻo lánh, dưới chân một ngôi tháp Chàm, tục gọi là Tháp Mẫm. Ngôi chùa nầy do Tổ sư Đạt Lương hiệu Bảo Long (1791 – 1871), Lâm Tế đời thứ 38 khai sơn, nhằm vào đời vua Tự Đức năm thứ 23. Tuy là một ngôi chùa nhỏ cô tịch nhưng là nơi thích hợp để hành trì tu tập nên được quí Hoà thượng tại Tổ đình Thập Tháp kế tục trú trì như Hoà thượng Ngộ Đắc (1845 – 1885), Hoà thượng Chơn Ý (1826 – 1890), Hoà thượng Không Giải (1886 1952), Hoà thượng Trí Diệu và tiếp đến là Hoà thượng Không Ấn hiệu Mật Hạnh (1924 – 2015).
Tân An là một ngôi chùa vắng vẻ tịch liêu cũng giống như một am thất ẩn náu trong rừng cây, vì vậy khi ngài về kế nhiệm trú trì, thì nơi đây lại là một nơi đắc địa cho công phu hành trì mật hạnh của Ngài. Từ đó trở đi, với công hạnh tu hành, Ngài đã cảm hoá dân chúng khắp vùng quy ngưỡng và tiếp độ nhiều đệ tử xuất gia. Do chùa cũ kỹ nhỏ hẹp, không đủ chỗ dung nạp đệ tử và tín đồ đông đảo, nên sau đó Ngài cho khởi công tái tạo lại ngôi Chánh điện, xây dựng thêm phòng xá, tạo tháp xây tường, đúc chuông thỉnh tượng, v.v… chùa Tân an trở thành một ngôi phạm vũ trang nghiêm như ngày hôm nay.
Do uy tín và đức độ của Ngài vang xa, nên khoảng năm 1960 tín đồ Phật tử Khuôn Hội Hoài Thanh nay là chùa Thanh Đức tại xã Hoài Thanh, thị xã Hoài Nhơn tỉnh Bình Định đến cung thỉnh Ngài kiêm nhiệm trú trì. Nơi đây Ngài đã ra công giáo hoá dân chúng tín đồ và cũng tiếp độ nhiều đệ tử xuất gia. Vì gặp phải thời kỳ chiến tranh ác liệt, không thể làm Phật sự dưới lằn tên mũi đạn, nên đến năm 1964, Ngài trở về lại chùa Tân An tiếp tục Phật sự.
Ngoài việc trụ pháp vương gia, trì như lai tạng, tiếp tăng độ chúng, giáo hóa tín đồ, năm 1970, Ngài còn đảm nhiệm chức vụ thư ký và tham gia giảng dạy cho Phật Học Viện Phước Huệ tại Tổ đình Thập Tháp.
Năm 2002, Ngài được suy tôn vào Hội Đồng Chứng Minh BTS GHPGVN tỉnh Bình Định và Hội Đồng Chứng Minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Ngoài Phật sự tiếp dẫn hậu lại báo Phật ân đức, Ngài còn giáo hoá người thân trong gia đình thừa kế công hạnh tu hành của cha mẹ. Ngài đã dẫn dắt người cháu ruột là Ni trưởng Thích Nữ Như Ý xuất gia đầu sư với Hoà thượng Huệ Chiếu tại Tổ đình Thập Tháp. Về sau, Ni trưởng vào Nam, trú trì chùa Bảo Lâm tại tỉnh Đồng Nai. Nơi đây, Ni trưởng đã giáo hoá hàng vạn tín đồ và tiếp độ trên 50 Ni chúng.
Đệ tử xuất gia của Ngài cũng đang làm Phật sự nhiều nơi, như Thượng toạ Như Định – Đức Huệ hiện hành đạo tại thị xã Hoài Nhơn tỉnh Bình Định, Thượng toạ Như Hà — Đức Lưu tại Cam Ranh tinh Khánh Hoà.
Đến năm 2008, tuổi hạc đã cao, sức khoẻ yếu dần, Ngài trạch cử đệ tử lớn là Thượng toạ Như Quả – Đức Mãn kế nghiệp trú trì, chăm lo Phật sự chùa Tân An. Đến tháng Tư năm 2015, Thượng toạ Như Quả gặp phải bệnh nặng nên Viên tịch. Hiện giờ Phật sự trọng đại tại chùa Tân An được sư đệ là Thượng toạ Như Long – Đức Lạc kế thừa đảm nhiệm trú trì.
Hoà thượng Mật Hạnh là một trong những vị cao tăng tiêu biểu của Phật giáo Bình Định. Đời sống Ngài thanh cao, giải thoát, giới đức thanh tịnh, trang nghiêm. Ngài là vị đệ tử cuối cùng của Quốc sư Phước Huệ. Ngài luôn ưu tư, lo lắng cho Tổ Đạo, nhất là những năm cuối đời thường xuyên qua Tổ Đình để nhắc nhở, khuyến tấn chúng tăng.
Thế rồi: Sinh như thể đắp chăn đông Tử như cởi áo hạ nồng khác chi Xưa nay các pháp hữu vi không sao tránh khỏi biệt ly vô thường. Phật sự đã xong, hạnh nguyện viên mãn, bước chân hành đạo, phục vụ chúng sanh cũng phải dừng lại, việc gì cần làm Ngài đã làm xong. Cảm nhận vô thường sắp đến, trong một buổi chiều tà, Ngài cho mời Hòa thượng Viên Định, đương vị trú trì Tổ đình Thập Tháp đến bên giường, dặn dò một vài Phật sự cuối cuối cùng, rồi 2 giờ sau, Ngài an nhiên thâu thần thị tịch, vào lúc 18 giờ 15 phút, ngày mùng 7 tháng 10 năm Ất Mùi (nhằm ngày 18/11/2015). Trụ thế 92 tuổi, hạ lạp 72 năm.
Nam mô Lâm Tế Chánh Tông tứ thập nhứt thế, Thập Tháp tổ đìnhh, Tân An tự, húy thượng KHÔNG hạ ẤN, tự THIỆN NHƠN, hiệu MẬT HẠNH Hòa thượng chứng Giám.