Phật giáo và giới trẻ

Những người học Phật thường được giới thiệu về Phật giáo qua hai vấn đề cốt lõi là khổ và con đường diệt khổ. Đứng trên phương diện tương đối thì con người, trừ bậc Thánh ra, tất cả đều khổ. Già trẻ lớn bé đều có nỗi khổ với cấp độ cảm thọ và nhận thức khác nhau. Tuy nhiên, phần lớn những người quan tâm học và thực hành Phật pháp là thành phần trung niên và lớn tuổi. 

daophattuoitre (3).jpg


Câu hỏi đặt ra là tại sao giới trẻ ít quan tâm học và thực hành Phật pháp? Phải chăng Phật giáo không có giáo pháp cho giới trẻ hay vì nguyên nhân nào khác mà giới trẻ chưa có cơ hội học Phật pháp. Bài viết sẽ nêu ba khía cạnh về Phật giáo và giới trẻ nhằm giải đáp phần nào vấn đề nêu trên. 

Từ “giới trẻ” không có một quy chuẩn độ tuổi nào cụ thể nên ở đây tạm giới hạn từ 30 tuổi trở xuống bao gồm cả trẻ em. 

Những bài pháp về cho giới trẻ 

Giáo pháp Đức Phật giảng dạy có nhiều nội dung rất phù hợp cho giới trẻ thực hành. Bài kinh tiêu biểu dạy trẻ con là kinh Giáo giới La-hầu-la ở rừng Ambala, kinh số 61 thuộc Trung bộ. Nội dung bài kinh Đức Phật dạy La-hầu-la về thiện và bất thiện/ác thông qua ba nghiệp thân, khẩu, ý. Đầu tiên, Đức Phật dạy về khẩu nghiệp. Mượn hình ảnh cái chậu nước, Đức Phật dạy La-hầu-la rằng người nói láo không biết xấu hổ thì không ai tin dùng như nước bị dơ, nước bị đổ hết không dùng được. Dùng ví dụ con voi không giữ gìn cái vòi đồng nghĩa với bỏ mạng sống, Đức Phật dạy người nói láo không biết xấu hổ thì không có việc ác gì không làm. Kế đến, dùng hình ảnh cái gương, Đức Phật dạy phải luôn phản tỉnh lại chính mình để biết ba nghiệp thân khẩu ý đang làm thiện hay làm ác để biết từ bỏ làm ác và tinh tấn làm thiện.1Với nội dung về nói láo, về thiện và ác thì giới trẻ rất cần phải học để thực tập không nói láo, làm thiện và tránh ác để trở thành người có đạo đức trong xã hội và có hạnh phúc trong cuộc sống. 

Một bài kinh khác giới trẻ cần phải học và thực hành để có hạnh phúc ngay trong hiện tại và không bị đọa lạc vào các nẻo ác là kinh Người áo trắng2. Bài kinh nói rằng nếu người cư sĩ biết giữ gìn năm điều đạo đức (năm giới) và tu tập bốn tâm cao thượng thì sẽ có hạnh phúc trong hiện tại và không bị đọa vào các nẻo ác như địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh; đồng thời dự vào dòng Thánh. Năm điều đạo đức gồm: thứ nhất không giết hại, có lòng từ bi bảo vệ sự sống; thứ hai không trộm cắp, thường bố thí, từ bỏ tâm tham lam, bỏn xẻn, keo kiệt; thứ ba không tà dâm ngoại tình, bảo vệ hạnh phúc gia đình; thứ tư không nói láo, không nói lời chia rẽ, không nói tục chửi thề và nói sự thật, nói lời xây dựng, nói lời lịch sự; thứ năm không uống rượu và ma túy, không sử dụng các chất gây say, độc tố. Bốn tâm cao thượng gồm: quán niệm Đức Phật là Bậc Giác ngộ; quán niệm Chánh pháp là những lời dạy của Đức Phật có khả năng đưa đến giải thoát; quán niệm Tăng là đoàn thể những người đi trên con đường thiện, con đường Thánh; và quán niệm giới luật có khả năng đưa đến đời sống đạo đức thanh cao. Những lời dạy nền tảng về đạo đức và phương pháp đạt được tâm cao thượng như là kim chỉ nam hướng người đến hạnh phúc. Nếu giới trẻ được học và thực hành dù chỉ một phần trong các điều trên thì cũng rất lợi ích cho bản thân và xã hội. 

Ngoài ra, còn có rất nhiều bài pháp với nguồn giáo lý rất phù hợp cho giới trẻ như vô ngã, vô thường, nhân quả…Như vậy, Phật giáo có rất nhiều giáo pháp cho giới trẻ. Nội dung về nhân quả, đạo đức, thiện ác, quả báo đọa lạc vào các nẻo khổ như địa ngục, ngạ quỷ rất thiết thực để giới trẻ học và thực hành. Nếu giới trẻ được giáo dục đầy đủ các nội dung trên thì hy vọng về đời sống hạnh phúc cho bản thân chúng và bình yên cho xã hội là điều có thể xảy ra. Làm sao để giới trẻ có thể tiếp cận học và thực hành Chánh pháp là điều sẽ trình bày phần dưới. 

daophattuoitre (2).jpg


Giới trẻ và vấn đề “tâm linh” 

Thuật ngữ “tâm linh” được định nghĩa trong Từ điển tiếng Việt3 là tâm hồn, tinh thần, khả năng biết trước một biến cố nào đó sẽ xảy ra đối với mình. Theo trang Wikipedia, tâm linh bao hàm trí tuệ, ý thức, tinh thần, linh hồn của một động vật hay con người4. Như vậy, “tâm linh”có thể tạm hiểu là đời sống tinh thần bao gồm văn hóa, tập quán, đạo đức, lối sống, niềm tin tín ngưỡng và niềm tin tôn giáo. 

Với Phật giáo, “tâm linh” được biểu hiện qua đời sống tín ngưỡng, cầu nguyện cúng bái, lễ hội… Cầu nguyện cúng tế là sinh hoạt tôn giáo được nhiều người thực hành và cho rằng đó là đời sống tâm linh. Theo thiển ý của người viết, vì yếu tố tôn giáo bao gồm cúng bái, cầu khấn trở thành một phần trong đời sống của tín đồ nên chữ “tâm linh” được dùng để miêu tả hiện tượng trên. Hơn nữa, vấn đề siêu hình như linh hồn (thần thức hay tâm thức trong Phật giáo) và tái sinh trong các kiếp sống vượt trên ý nghĩa đời sống tinh thần bình thường bao gồm các cảm xúc vui, buồn, thương, ghét…của con người nên thuật ngữ “tâm linh” được mượn dùng để giải thích. 

Căn cứ vào kinh Nikāya, khó tìm thấy nội dung nào giải thích thuật ngữ “tâm linh” vì hình thức hoạt động cầu cúng không phải là chủ trương của Đức Phật. Ngược lại, sự thực tập chuyển hóa phiền não để có sự an lạc và chứng Thánh quả trong hiện tại hay tương lai được Đức Phật thuyết giảng trong cả cuộc đời của Ngài và được lặp lại trong rất nhiều bài kinh. Nếu xem lối sống đạo đức và sự tu tập chuyển hóa để có hạnh phúc trong hiện tại và vượt khỏi sanh tử luân hồi khổ đau trong tương lai là “tâm linh” thì khái niệm này có thể dùng trong Phật giáo. 

Từ định nghĩa và giải thích trên, người viết tạm dùng thuật ngữ “tâm linh” với ý nghĩa là thực hành đạo đức, sự chuyển hóa khổ đau và hình thức tín ngưỡng cúng bái. Vậy thì giới trẻ có quan tâm đến vấn đề tâm linh không? 

Có thể nói giới trẻ vị thành niên tự có ý thức cúng bái cầu khấn là rất hiếm. Chúng tự tìm học và thực hành đời sống đạo đức Phật giáo thì càng hiếm hơn. Tuy nhiên, hai trường hợp trên có thể xảy ra nếu chúng được người lớn trợ giúp như hướng dẫn đến chùa, hướng dẫn quy y Tam bảo… 

Giới trẻ thành niên thì có thể tự thực hành đời sống tâm linh qua việc đến chùa lễ bái, cầu nguyện, học giáo pháp, tu tập đạo đức Phật giáo. Tuy nhiên, số lượng giới trẻ thành niên đến chùa lễ bái cầu nguyện thường nhiều hơn số lượng đến chùa tu học Phật pháp. Điều này có thể nhận thấy ở hầu hết các ngôi chùa nếu không muốn nói là tất cả. 

Như vậy, giới trẻ có quan tâm đến đời sống “tâm linh” nhưng còn khiêm tốn và thường nghiêng về hướng cầu nguyện, lễ bái hơn là thực tập đạo đức, chuyển hóa nội tâm theo tinh thần Phật giáo. 

daophattuoitre (1).jpg


Môi trường giới trẻ đến với Phật giáo 


Giới trẻ đến với Phật giáo xảy ra trong môi trường chùa5 và môi trường xã hội. Môi trường chùa là giới trẻ đến chùa lễ bái, cầu nguyện, tu học Phật pháp với chư Tăng Ni. Môi trường xã hội là giới trẻ thành lập các nhóm tự sinh hoạt Phật pháp hay tự tìm hiểu giáo pháp qua các phương tiện nghe nhìn. Môi trường xã hội đối với giới trẻ phần lớn giới hạn ở cấp độ tạo phước, vui chơi và thực hành đạo đức xã hội. 

Giới trẻ sẽ gặp nhiều khó khăn để hiểu giáo pháp nếu chỉ giới hạn ở môi trường xã hội. Với môi trường chùa, có hai trường hợp xảy ra. Một là giới trẻ tự tìm đến chùa do có nhân duyên nào đó hay do sự thu hút bởi các hoạt động của chùa. Hai là giới trẻ được người lớn hướng dẫn. Trường hợp một xảy ra đối với giới trẻ thành niên còn trường hợp hai xảy ra cho cả giới trẻ vị thành niên và thành niên. 

Giới trẻ vị thành niên tự đến chùa tu học là điều khó xảy ra vì bản thân chúng chưa đủ ý thức về tu học và nếu chúng muốn đến chùa cũng bị phụ huynh can thiệp. Hầu hết giới trẻ vị thành niên đến chùa là do phụ huynh hướng dẫn. Tuy nhiên, số lượng phụ huynh Phật tử ý thức được trách nhiệm hướng dẫn con em về chùa tu học là rất hạn chế. Hơn nữa, ngay cả bản thân phụ huynh Phật tử cũng chưa ý thức được giá trị tu học ở chùa nên ít khi về chùa trừ khi có hữu sự. Đó là lý do chính tại sao giới trẻ ít đến chùa. 

Giới trẻ thành niên tự ý thức đến chùa phần lớn là lễ bái cầu nguyện. Một số đến chùa tu học giáo pháp rơi vào hai trường hợp. Một là chúng bị thu hút bởi các thời pháp của các vị giảng sư. Hai là chúng bị thu hút bởi các hoạt động tu học của chùa do Tăng Ni tổ chức và nhiều tình nguyện viên tham gia như trường hợp tại một số ngôi chùa đang tổ chức những khóa tu quy mô hiện nay. Ở các chùa này, mặc dù có đông chư Tăng nhưng nếu không có lực lượng tình nguyện viên thì Phật sự không thể thành tựu. 

Phần lớn các chùa ở các tỉnh đều ít Tăng chúng. Một vị trụ trì lo phục vụ tín ngưỡng quần chúng đã chiếm gần hết thời gian. Do đó, một cách duy nhất để có thể tổ chức hoạt động thu hút giới trẻ là có sự tham gia của cư sĩ. Khi đó, cư sĩ đảm trách tổ chức các hoạt động cho con em tham gia còn chư Tăng Ni phụ trách chuyên môn giảng dạy giáo pháp. Tuy nhiên, các chùa có thể thành lập được các hội đoàn, Gia đình Phật tử, câu lạc bộ… như các tôn giáo khác nhằm xây dựng các chương trình hoạt động tu học để thu hút giới trẻ là một bài toán khó trong trường hợp Phật giáo Việt Nam. Hiện tại, chỉ có một số rất ít chùa tạo được mô hình này. 

Nhiều đề xuất được đưa ra nhằm thu hút giới trẻ về chùa tu học như tổ chức dạy cắm hoa, dạy thư pháp, hội họa, vi tính…Tuy nhiên, các hoạt động này không phải là nhiệm vụ sở trường của Tăng Ni mà nó thuộc về chuyên môn của cư sĩ. Cho nên, không có sự tham gia của cư sĩ thì cũng khó thực hiện được. 

Thay lời kết 

Giáo pháp của Đức Phật có rất nhiều nội dung rất thiết thực cho giới trẻ. Để biết, để học và thực hành giáo pháp, giới trẻ phải có điều kiện tiếp cận được giáo pháp. Con đường tiếp cận xảy ra trong môi trường chùa và môi trường xã hội. Trong đó, môi trường chùa đóng vai trò quyết định. Phụ huynh đóng vai trò rất quan trọng để giúp con em đến với môi trường chùa. Không có sự quan tâm của phụ huynh thì mọi giải pháp đều khó thực hiện. Sự thay đổi cách sinh hoạt của chùa là cần thiết để giới trẻ được đến chùa sinh hoạt, tu học. Bên cạnh sự nỗ lực của chư Tăng Ni, các phụ huynh phải có trách nhiệm hướng con em về chùa. 

Nhiều chùa nỗ lực tạo điều kiện cho giới trẻ vui chơi tu học nhưng chưa thành công vì lý do gọi là “kém hấp dẫn”. Đến với Phật giáo là đến với con đường hướng thượng nên bao giờ cũng cần cái tâm tu học và sự nỗ lực nhiều hơn. Để giới trẻ đến với Phật giáo, không có giải pháp hữu hiệu nào mà không có sự trợ duyên của phụ huynh. Cũng như để trẻ đến trường, không có giải pháp bắt buộc nào bằng sự bắt buộc của phụ huynh. Vì Phật giáo mang tính tự nguyện nên khi nào phụ huynh ý thức được giá trị tu học Phật pháp thì khi ấy giới trẻ sẽ đến chùa tu học đông đảo. 

Thích Hạnh Chơn

___________________
(1) Theo bài kinh, thiện là nghiệp của thân, khẩu, ý không có thể đưa đến tự hại, không có thể đưa đến hại người, không có thể đưa đến hại cả hai và ngược lại đưa đến an lạc, đem đến quả báo an lạc. Bất thiện hay ác là nghiệp của thân, khẩu, ý đưa đến tự hại, đưa đến hại người, đưa đến hại cả hai và đưa đến đau khổ, đưa đến quả báo đau khổ. 
(2) Thích Minh Châu dịch, kinh Tăng chi tập I, chương năm, phẩm Nam cư sĩ, mục Gia chủ, (Hà Nội: Nxb.Tôn Giáo, 2015), tr. 793. 
(3) Hoàng Phê chủ biên, Từ điển tiếng Việt, (Đà Nẵng: Nxb. Đà Nẵng, 2004), tr.897. 
(4) https://vi.wikipedia.org/wiki/Tâm_linh, truy cập 23-12-2017. 
(5) Chỉ cho cơ sở Phật giáo nói chung.

Tin cùng chuyên mục