Trong bài trước (P.2), chúng tôi có nói đến một vài ý kiến cho rằng “GĐPT chơi nhiều hơn tu” . Chúng tôi biết rằng những người đưa ra nhận xét này là do không hiểu về đường lối và phương pháp giáo dục của GĐPT. Vì vậy, trong bài viết này chúng tôi xin trình bày về bốn phương pháp giáo dục căn bản của GĐPT để trả lời cho ý kiến nhận xét nói trên.
Nhưng trước hết chúng ta cần hiểu biết đường lối giáo dục của GĐPT.
Đường lối giáo dục của GĐPT xuất phát từ những kiến thức trong lĩnh vực khoa học sư phạm, dựa trên những hiểu biết về tâm sinh lý của từng độ tuổi : thanh niên, thiếu niên và nhi đồng đều có điều chỉnh theo từng giai đoạn đời sống xã hội.
Đường lối giáo dục GĐPT tuy diễn ra trong khung cảnh một ngôi chùa nhưng không mang tính cách giáo dục của thiền môn, vốn dành riêng cho người xuất gia và những Phật tử cao tuổi không còn bận bịu nhiều với các mối quan hệ xã hội nữa.
Đối tượng giáo dục phổ biến của GĐPT là thanh, thiếu, nhi, trong đó lứa tuổi thiếu niên và nhi đồng chiếm tỷ lệ 80 phần trăm. Vì vậy, GĐPT phải có phương pháp giáo dục phù hợp với lứa tuổi này, nếu muốn thu hút các em đến với tổ chức.
Trong mục đích GĐPT có sử dụng hai từ“đào luyện thanh, thiếu, đồng niên…“ Đào luyện nghĩa là huấn luyện lâu dài và bền bĩ. Còn nếu như tập trung thanh thiếu nhi mỗi năm một, hai ngày với hình thức tu tập nặng phần trình diễn rồi giải tán, ai về nhà nấy, hẹn gặp lại vào năm tới… thì không thể gọi là “đào luyện” được. GĐPT không giáo dục đoàn sinh theo kiểu hình thức trình diễn như vậy vì rất tốn kém mà không mang lại hiệu quả nào lâu dài.
Với quan điểm và đường lối giáo dục như trên, GĐPT đề ra bốn phương pháp giáo dục để áp dụng hữu hiệu cho từng lứa tuổi. Bốn phương pháp giáo dục của GĐPT gồm :
-Phương pháp huân tập
-Phương pháp lý giải
-Phương pháp hoạt động
-Phương pháp quán niệm
Vừa chơi vừa học, phương pháp hoạt động
1)Phương pháp huân tập : Huân tập, thực ra là một trong những nguyên lý của giáo dục. Ở đây, GĐPT ứng dụng nguyên lý này một cách rõ rệt và thường xuyên với độ tuổi nhi đồng ( 6-12 tuổi), do đó tạm gọi là phương pháp. Tâm hồn nhi đồng được ví như trang giấy trắng, vì vậy chỉ cần tạo điều kiện cho các em thường xuyên sống trong môi trường thiện lành, có tình thương, có kỷ luật… thì lâu dần các em sẽ có các đức tính ấy mà không cần bắt các em phải đọc tụng thật nhiều kinh sách hay học thật nhiều giáo lý.
Thực ra , với phương pháp huân tập, đoàn sinh GĐPT cũng có học đấy chứ. Nhưng không phải học bằng cách nhồi nhét những giáo điều vào đầu óc các em, mà học bằng cách tự thân huân tập những đức tính tốt mà các em tiếp xúc và thực tập trong những buổi đến chùa sinh hoạt. Những đức tính tốt đó là :
-Biết đến chùa đúng giờ sinh hoạt
-Biết giữ im lặng trong giờ tăng ni nghỉ trưa
-Biết xá chào khi gặp tăng ni
-Biết bắt ấn Kiết tường chào anh chị và các bạn
-Biết giữ hàng ngũ và trang nghiêm khi lên chánh điện lễ Phật
-Biết nhặt rác trong sân chùa trước khi ra về
-Biết vâng lời anh chị huynh trưởng và thuận thảo với các bạn
-Biết tập hành xử nhu hòa theo gương tăng ni và Phật tử
Vân vân
Tóm lại là các em tập dần nếp sống theo văn hóa Phật giáo, giống như người nông dân cày xới thửa ruộng của mình để chuẩn bị cho vụ mùa sắp tới vậy.
Phương pháp huân tập tình thương thực hành hạnh bố thí cho mọi người.
(GĐPT Kỳ Hoàn cứu trợ bão lũ năm 2016)
Phương pháp huân tập chỉ mang lại kết quả sau một thời gian dài thường xuyên đi sinh hoạt. Có thể là 6 tháng hay 1 – 2 năm tùy theo mức độ tinh tấn và biệt nghiệp của từng em. Do đó, người lớn không nên vội vàng chê bai nền giáo dục GĐPT khi chứng kiến một đoàn sinh “gặp tăng ni không biết xá chào”.
Đứng về mặt lý luận, chúng ta nói phương pháp huân tập thường áp dụng cho lứa tuổi nhi đồng, nhưng thực tế cho thấy đối với những đoàn viên ở tuổi thanh, thiếu cũng vẫn cần áp dụng phương pháp huân tập. Nói chung, bất cứ người Phật tử nào khi mới đến với đạo Phật nói chung, GĐPT nói riêng, đều cần có một thời gian nhất định để huân tập trong môi trường giáo dục Phật giáo.
Tóm lại, phương pháp giáo dục của GĐPT luôn đề cao nguyên lý huân tập trong mọi sinh hoạt tu học đối với mọi lứa tuổi, trong đó lứa tuổi nhi đồng được xem là đối tượng chính của phương pháp huân tập.
Điều kiện cần thiết để phát huy hiệu quả của phương pháp huân tập là:
-Phải có thời gian sinh hoạt thường xuyên càng lâu dài càng tốt. Vì vậy một đoàn sinh Oanh Vủ (tuổi nhi đồng) phải đi sinh hoạt ít nhất 4 năm mới được chuyển lên sinh hoạt ở ngành Thiếu ( 13-17 tuổi). Cũng vậy, một đoàn sinh ngành Thiếu cần tiếp tục sinh hoạt tu học thêm 4 năm nữa mới đủ tiêu chuẩn để được làm huynh trưởng tập sự, hoặc tiếp tục tu học ở ngành Thanh.
-Môi trường các em tiếp xúc khi đến chùa sinh hoạt phải là môi trường thiện lành đích thực:
*Chư tăng ni phải là những tấm gương sáng về đạo hạnh
*Các cô bác Phật tử lớn tuổi thường bao dung đối với đoàn sinh
*Anh chị huynh trưởng phải thể hiện tình thương và tính kỷ luật trong buổi sinh hoạt
*Không khí buổi sinh hoạt phải thấm đượm tính Lục Hòa
Kỳ tới, chúng tôi sẽ lần lượt trình bày về ba phương pháp giáo dục tiếp theo.
(theo GĐPT Kiên Giang)