Sau nhiều lần lấy ý kiến, dù gặp phải phản ứng chủ yếu từ khái niệm “tiền công đức”, cuối cùng, ngày 19-1-2023 vừa qua, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 04/2023/TT-BTC hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội (từ đây gọi là “Thông tư 04”), hiệu lực từ ngày 19-3-2023.
Với Thông tư 04 của Bộ Tài chính, lần đầu tiên một văn bản pháp lý hướng dẫn quản lý thu chi, áp dụng trên toàn quốc, liên quan tới vấn đề “tiền công đức” được ban hành.
Vấn đề này được dư luận rất quan tâm, nhất là sau thông báo từ Văn phòng Chính phủ về chỉ đạo của Thủ tướng hôm 7-3-2023. Theo đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có kế hoạch kiểm tra tổng thể việc quản lý tiền công đức tại các di tích lịch sử - văn hóa, đình chùa trên toàn quốc, thí điểm từ tỉnh Quảng Ninh.
Chùa nào phải chịu sự kiểm tra về “tiền công đức”
Ngay sau ngày Bộ Tài chính ban hành thông tư quản lý tiền công đức, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự thay mặt Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN ký phổ biến Công văn số 62/HĐTS-VP1, gửi đến các cấp Giáo hội hướng dẫn thực hiện Thông tư 04.
Công văn của Giáo hội xác nhận trong quá trình xây dựng thông tư quản lý tiền công đức, “GHPGVN đã chủ động góp ý kiến nhiều lần và đã được Bộ Tài chính tiếp thu nhằm tăng cường hiệu quả quản lý tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội”.
Trước ý kiến góp ý, phản biện của Giáo hội, Thượng tọa Thích Đức Thiện cho biết thêm Bộ Tài chính đã khẳng định Thông tư 04 “không có nội dung nào quy định về quản lý, thu chi tiền công đức, tài trợ cho hoạt động tôn giáo của tổ chức tôn giáo (tại văn bản số: 729/BTC-HCSN ngày 19-1-2023 của Bộ Tài chính)”.
Tuy nhiên, khi Thông tư 04 được ban hành và sẽ có hiệu lực trong tháng 3-2023 này, cùng với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc sẽ kiểm tra tổng thể việc quản lý tiền công đức tại các di tích lịch sử - văn hóa, đình chùa trên toàn quốc đã khiến nhiều người băn khoăn. Vậy trường hợp nào các cơ sở tự viện trong hơn 1,7 vạn cơ sở tự viện của Phật giáo sẽ phải chịu sự kiểm toán về “tiền công đức”?
Căn cứ nội dung Thông tư 04 và hướng dẫn của Giáo hội, sẽ có 2 nhóm tự viện sau sẽ thuộc phạm vi điều chỉnh, phải chịu sự kiểm tra về tiền công đức:
Đó là (1) các chùa, cơ sở tự viện đồng thời là di tích đã được Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Thủ tướng Chính phủ cấp bằng xếp hạng di tích hoặc UBND cấp tỉnh đưa vào danh mục kiểm kê di tích của địa phương theo quy định của Luật Di sản văn hóa.
Và (2), các chùa, cơ sở tự viện có tổ chức một trong 4 loại hình lễ hội sau: (a) lễ hội truyền thống, (b) lễ hội văn hóa, (c) lễ hội ngành nghề, và (d) lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài.
Đối với lễ hội dẫu tổ chức tại chùa nhưng có sự phối hợp, hoặc do cơ quan nhà nước tổ chức sẽ phải chịu sự kiểm tra về tài chính, cụ thể: lễ hội do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND cấp tỉnh phối hợp tổ chức; lễ hội do cơ quan nhà nước ở Trung ương tổ chức, trong đó người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu là Trưởng ban Ban Tổ chức lễ hội; lễ hội do cơ quan nhà nước ở địa phương tổ chức, trong đó Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND là Trưởng ban Ban Tổ chức lễ hội.
Như vậy, trong đợt tổng kiểm tra quản lý tiền công đức toàn quốc theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, việc kiểm tra sẽ chỉ nhắm đến các cơ sở, trong đó có các chùa, tự viện Phật giáo, là di tích đã xếp hạng, hoặc đã được kiểm kê di tích, có tổ chức một trong 4 lễ hội thuộc nhóm (2) trên mà không bao gồm tiền công đức (cúng dường) cho các hoạt động tôn giáo, tiền cúng dường cho Tăng Ni, hòm công đức đặt trong các chùa.
Tiền nào phải chịu sự kiểm toán?
“Tiền công đức” được định nghĩa bao gồm các khoản hiến, tặng cho, tài trợ của tổ chức, cá nhân cho việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích và hoạt động lễ hội dưới hình thức bằng tiền Việt Nam hay ngoại tệ; tiền mặt, tiền chuyển khoản; các loại giấy tờ có giá, kim khí quý, đá quý theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam).
Liên quan tới tình trạng các chùa thuộc các nhóm phải chịu sự điều chỉnh của Thông tư số 04, Giáo hội cũng lưu ý trụ trì, người đứng đầu cơ sở này, các tổ chức trực thuộc trong hệ thống hành chánh của GHPGVN hiện nay “có trách nhiệm và áp dụng các phương pháp cần thiết để phân định, tách bạch, minh bạch tiền công đức, tài trợ cho hoạt động tôn giáo với các loại tiền công đức, tài trợ khác như: tiền công đức, tài trợ cho di tích; tiền công đức tài trợ cho hoạt động lễ hội; và tiền công đức, tài trợ cho nhà tu hành”.
Theo đó, tổ chức, cá nhân khi phát tâm thực hiện công đức, hiến tặng, tài trợ cho các chùa, cơ sở tự viện mà không nhằm mục đích cụ thể “cho việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích và hoạt động lễ hội”, thì không chịu ảnh hưởng của văn bản pháp lý quản lý tiền công đức của Thông tư 04 do Bộ Tài chính soạn thảo và ban hành. Vị trụ trì các tự viện cần lưu ý để tách bạch, nhằm tránh sự nhập nhằng.
Tiền công đức, tài trợ cho hoạt động tôn giáo của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc bao gồm hoạt động truyền bá tôn giáo, sinh hoạt tôn giáo và quản lý tổ chức của tôn giáo; trong đó sinh hoạt tôn giáo là việc bày tỏ niềm tin tôn giáo, thực hành giáo lý, giáo luật, lễ nghi tôn giáo tại tất cả các chùa, cơ sở tự viện, tổ chức trực thuộc của GHPGVN hiện nay, chiếu theo pháp luật hiện hành, đều không thuộc sự điều chỉnh, ảnh hưởng của thông tư quản lý tiền công đức của Bộ Tài chính.
Thông tư số 04 chỉ nhắm đến Phật giáo?
Với khái niệm “tiền công đức”, trong quan niệm thông thường, người ta nghĩ ngay đến chùa chiền. Do vậy, dư luận cho rằng Thông tư 04 là để nhắm vào Phật giáo. Tuy nhiên, ở đây, đối tượng của việc quản lý tiền công đức ở đây, được xác định trong Thông tư này không chỉ các di tích đồng thời là cơ sở tự viện của Phật giáo, mà bao gồm “chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, trụ sở của tổ chức tôn giáo, cơ sở hợp pháp khác của tổ chức tôn giáo”.
Chính khái niệm tiền “công đức” đã tạo nên nhiều ý kiến trong dư luận suốt nhiều năm qua, trong những lần Bộ Tài chính lấy ý kiến xây dựng thông tư liên quan tới việc quản lý tiền công đức.
GHPGVN cũng đã có các góp ý bằng văn bản, trong đó từng nhận định ở góp ý ở văn bản ngày 17-6-2021, rằng thông tư (với dự thảo lấy ý kiến tại thời điểm đó) “xâm phạm quyền sở hữu riêng của GHPGVN, tổn thương niềm tin tôn giáo của tín đồ, Phật tử”.
Văn bản góp ý của Giáo hội, cũng do Thượng tọa Thích Đức Thiện ký, cho rằng việc sử dụng thuật ngữ “tiền công đức” ở dự thảo thông tư là “mập mờ”, bởi “đó không phải là thuật ngữ chung có thể áp dụng cho tất cả các tôn giáo tại Việt Nam, vì vậy không bảo đảm tính chính xác, phổ thông, rõ ràng và dễ hiểu của ngôn ngữ văn bản pháp luật theo quy định tại khoản 1, Điều 8, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015”.
Tuy nhiên, thuật ngữ này vẫn tồn tại trong Thông tư 04 của Bộ Tài chính vừa được ban hành chính thức và sẽ áp dụng từ 19-3-2023, vì lẽ đó vẫn tiếp tục dấy lên trong dư luận nhiều ý kiến bất bình. Dẫu vậy, GHPGVN cũng đã ra văn bản đề nghị Tăng Ni, Phật tử, các tổ chức tôn giáo trực thuộc, trụ trì chùa, cơ sở tự viện của Giáo hội thực hiện nghiêm nội dung Thông tư số 04.
Với ý thức tôn trọng pháp luật, Giáo hội đã phát hành văn bản liên quan tới việc áp dụng Thông tư 04 này, phổ biến đến các tổ chức tôn giáo trực thuộc, trụ trì các chùa, cơ sở tự viện thuộc GHPGVN “trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về Hội đồng Trị sự để nghiên cứu, hướng dẫn”.