TRUYỀN TRÌ MẠNG MẠCH

Tăng-già[1] trong Phật giáo là cộng đồng đệ tử xuất gia của Phật, do chính đức Phật thiết lập, chế định các nguyên tắc sống chung thanh tịnh và hòa hợp. Bởi thế, bên cạnh Phật và Pháp, Tăng là thành tố thứ ba trong Tam Bảo, nơi nương tựa an ổn cho thế gian. Với ý nghĩa là mảnh đất tốt cho sự tăng trưởng của các thiện pháp, là nền tảng cho tất cả mọi sự tiến bộ tâm linh, sự tồn tại của Tăng-già đồng nhất với sự tồn tại của Phật Pháp. Nói một cách khác, Tăng-già chính là đoàn thể có tư cách thừa tự, có pháp nhân và pháp lý chính đáng để đại diện cho đức Phật tuyên thuyết và hoằng phổ Chánh pháp trên thế gian.

Để nối truyền sứ mệnh cao cả ấy, xưa nay, Tăng-già không ngừng duy trì những quy chế như Pháp như Luật để kết nạp, chấp thuận, bảo hộ và nâng đỡ  những ai có lý tưởng và mục tiêu hướng về giải thoát, cầu được giác ngộ và nghiêng nhập Niết-bàn. Tăng sự truyền và thọ giới luôn là hoạt động quan trọng bức thiết nhất để duy trì mạng mạch của Tăng-già. Theo ý nghĩa thông thường nhất, thọ giới là một hình thức chấp nhận nội quy để một người có thể trở thành thành viên của một cộng đồng, cùng sinh hoạt và cùng hỗ trợ để đạt tới mục đích lý tưởng[2]. Trong mối tương quan ấy, nghi thức truyền và thọ giới (giới đàn) được hiểu theo ngôn ngữ thời đại là nghi thức Tăng-già kết nạp thành viên (trao cho tư cách Tỳ-kheo, quyền sống chung và biểu quyết trong Tăng) và lời tuyên thệ của giới tử (nhận lấy bổn phận không ngừng trau dồi phẩm hạnh tương xứng và nhiệm vụ duy trì Tăng bảo).

Rõ ràng, giới đàn mang nội hàm tương tức đôi chiều. Người cầu thọ giới dốc lòng tinh chuyên phẩm hạnh, tư cách cá nhân để xứng đáng được Tăng chấp thuận, sau khi nhận giới thì miệt mài giữ gìn, phòng hộ cẩn thận như “bình ngọc đựng nước cam lồ” không cho rỉ chảy. Đây dường như là ý nghĩa phổ quát nhất mà các giới đàn và những đương sự liên quan chú trọng, sách tấn nhiều nhất. Tuy nhiên, chiều ngược lại trong quan hệ tương tức ấy, cũng rất thiết yếu, lại ít được đề cập và khai triển thích đáng. Đó chính là trách nhiệm bảo hộ, nâng đỡ, giám sát của Tăng-già đối với từng cá nhân, nhất là những thành viên mới.

Một đoàn thể vững mạnh phải đặt trên cơ bản là từng thành viên vững chãi và đồng nhất chí nguyện. Nếu như Tăng-già là một cơ thể, thì từng cá nhân Tỳ kheo là một tế bào. Muốn cho cơ thể khỏe mạnh, không mắc bệnh ung thư, thì việc thường xuyên tầm soát, cùng với chế độ dinh dưỡng, tập luyện khoa học sẽ tránh được nguy cơ các tế bào bị phơi nhiễm, đột biến. Cũng vậy, Tăng-già muốn giữ được bản thể thanh tịnh và hòa hợp thì nhất thiết phải trang bị, định hướng, nâng đỡ, hỗ trợ cho những thành viên  (nhất là thành viên mới) kiến thức cơ bản về các học xứ, quy tắc ứng xử và pháp hành. Đó cũng là ý nghĩa của một ẩn dụ tinh tế của đức Thế Tôn khi nói về vai trò của việc thiết lập giới luật để duy trì Chánh Pháp được tồn tại lâu dài[3]: “Ví như các loại hoa rải trên mặt bàn được xâu lại bằng sợi chỉ; tuy bị gió thổi nhưng không bị phân tán”[4]. Ở đây, ẩn dụ các loại hoa chỉ cho từng cá nhân xuất sĩ; sợi chỉ khéo xâu ấy chính là giới luật, những quy định chung cho đời sống tập thể và đạo đức cá thể những người nguyện cả đời bước theo con đường giác ngộ, giải thoát; còn gió lốc chính là những rung động của dục vọng thế gian.

“Sợi chỉ” ấy không những là giới luật được trao truyền tại giới đàn, mà còn có thể được hiểu là quan hệ tông phong, thầy – trò, huynh - đệ ở từng trú xứ. Hay, nói một cách khác, sự hưng long của đạo pháp không phải biểu hiện ở chùa to, tượng lớn, quần chúng đông đảo hay uy thế xã hội; mà “linh hồn của nó là thầy và trò trong quan hệ tu tập và hành trì”[5], tức là sự truyền thừa hoài bão, tư tưởng qua các thế hệ của Tăng-già. Ấy mới thấy, sức sống của Tăng-già thực thụ không hẳn là sự thanh tịnh của từng cá nhân mà chính là cách mỗi vị tỷ-kheo liên hệ và gắn kết với lý tưởng chung của đoàn thể mà mình gia nhập, nương tựa và vun bồi.

Với tâm ý nhắc nhở các thế hệ tu sỹ trẻ đương đại nhớ về công hạnh của những bậc tiền nhân uy đức, để gắn kết được với mạch tổ nguồn tông, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Định tổ chức Đại giới đàn mang tôn hiệu của Pháp sư Trí Độ, một vị tôn túc xuất thân “đất võ trời văn”, bậc thầy của những bậc thầy làm rạng rỡ Phật giáo Việt Nam thế kỷ XX, người đóng vai trò gạch nối giữa thế hệ Tăng-già truyền thống và lớp lớp Tăng sĩ thời kì chấn hưng và hậu cách mạng. Tăng sự này không những là dịp để thể hiện tinh thần hòa hiệp của đại Tăng mà còn là nhân duyên để tứ chúng sách tấn nhau tu học. Đây là cơ hội để tất cả các giới tử - tân học Tỳ-kheo hiểu được tâm ý và thâm nghĩa của việc truyền và thọ giới như đã trình bày ở trên mà nỗ lực hơn nữa trong học tập, noi gương, tiếp bước và dấn thân cho tinh thần tu trì của bản thân các vị được khế hội với tâm chí xuất trần ban đầu; đồng thời, để không cô phụ những hy sinh, hoài vọng của các thế hệ tiền bối của chúng ta từ ngót 100 năm trước về sự chấn hưng của Phật giáo nước nhà ngay từ gốc rễ - sức sống của Tăng-già – thanh tịnh và hòa hợp.

Có như vậy, mới gọi là “các hữu sư thừa”[6], mạng mạch Tăng-già nối truyền miên viễn trong ý nghĩa tương tức giữa đoàn thể và thành viên.

Cung kính CHÚC THỌ ĐẠI GIỚI ĐÀN TRÍ ĐỘ - Phật lịch 2667.

                                                Quý Mão niên, Quý Xuân

                                                   Trụ trì Chùa Phú Thọ

                                     Tỳ-kheo Thích Thị Tấn – Hạnh Nghiêm

                                                             Cẩn chí!

                                                                   

 

[1] Pali: Saṅgha, là đoàn thể của tu sĩ Phật giáo, cộng đồng của những người đã thọ giới cụ túc. Đời sống của Tăng đoàn được quy định trong các giới luật ghi trong Luật tạng.

[2] Thích Trí Thủ (giảng thuật), Yết-ma Yếu Chỉ. NXB. Hồng Đức, Hà Nội, 2014. Trang 87.

[3] Để trả lời Tôn giả Xá-lợi-phất câu hỏi: Tại sao Chánh Pháp của các đức Phật quá khứ tồn tại lâu dài hay không lâu dài.

[4] Thích Đỗng Minh (Việt dịch), Luật Tứ Phần. NXB. Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh, 2013. Trang 17.

[5] Lời dạy của đức Đệ Tam Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam – Thích Phổ Tuệ.

[6]各有師承, Thiền Lâm Bảo Huấn, quyển 1, phần 69, Nhị sự Thản Nhiên Tập.

Tin cùng chuyên mục