Trong cuộc sống, sẽ có lúc con người gặp những khó khăn không thể vượt qua, hoặc lâm vào hoàn cảnh khốn cùng không lối thoát, lúc đó có thể họ sẽ rơi vào tình trạng đau khổ, mất phương hướng, mất niềm tin vào bản thân và gục ngã.
Người ta phải làm thế nào sau khi đã cố gắng hết sức mà vẫn không thành công? Khi ấy trạng thái tinh thần là quan trọng, con người phải có thái độ tâm lý như thế nào để không chao đảo ngã quỵ. Vấn đề tùy thuộc rất nhiều vào cách nhìn (nhận thức), cách nghĩ (tư duy) của chúng ta.
Điều đó không có nghĩa là khi con người suy nghĩ như thế nào thì hoàn cảnh bên ngoài sẽ thay đổi theo suy nghĩ ấy, thế giới sẽ thay đổi theo ý muốn chủ quan của họ, mà nó có nghĩa là khi thay đổi cách nhìn, cách nghĩ, người ta sẽ thấy vấn đề khác hơn. Tùy thuộc cách nhìn, cách nghĩ mà con người nhận thấy vấn đề tốt hơn hoặc xấu hơn, đơn giản hay phức tạp, nhỏ bé hay to tát…
Một cá nhân chắc chắn không thể làm thay đổi thế giới theo ý muốn của mình, bởi thế giới không phải của riêng cá nhân đó, thế giới không phải do một con người nào đó xây dựng nên. Mỗi cá nhân chỉ có thể góp phần xây dựng thế giới mà thôi, do đó gặp phải hoàn cảnh bất như ý con người chỉ còn cách tự làm thay đổi chính bản thân mình nếu như cá nhân ấy không thể thay đổi hoàn cảnh. Sự thay đổi chính mình, thay đổi cách nhìn, cách nghĩ của mình sẽ làm cho thế giới trong nhận thức của mỗi cá nhân thay đổi và nó có một ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với con người. Có một câu chuyện rất hay về điều này:
Một vị vua ra lệnh cho thần dân trong nước phải dùng da thú trải lên tất cả các con đường trong vương quốc, để khi vua đi thị sát dân tình không còn gặp những đoạn đường gồ ghề lồi lõm làm chân ông bị đau. Nhưng lệnh vua không thể thực hiện được vì đòi hỏi phải có nhiều da thú, cũng có nghĩa là tốn hao rất nhiều tiền của của nhân dân. Thế là vua họp quần thần bàn bạc tìm cách giải quyết. Cuối cùng một vị quan nghĩ ra cách dùng da làm cho nhà vua một đôi giày. Đây là một ý kiến rất hay, khả thi và chi phí rất ít, không chỉ nhà vua mà ai cũng có thể làm được. Khi mang đôi giày, nhà vua có thể đi đến bất cứ nơi đâu mà không gặp phải trở ngại nào dù những con đường đi qua có gồ ghề lồi lõm.
Khi gặp một hoàn cảnh bất như ý, nếu biết thay đổi cách nhìn cách nghĩ, nhìn sự việc ở một góc độ khác, nhìn mặt khác của vấn đề thì cá nhân ta có thể xóa bỏ được cảm giác khó chịu, khổ đau, hoặc ít ra cũng làm giảm mức độ những cảm giác đó. Cũng đồng một cảnh ngộ mà mỗi người có phản ứng khác nhau, đó chính là do cách nhìn cách nghĩ về sự vật sự việc của mỗi người không giống nhau.
Tai nạn, bệnh tật, tử biệt sinh ly, thất bại trong tình yêu, trong sự nghiệp, bị phá sản, bị phản bội, bị phụ tình… những rủi ro bất trắc đó dễ dàng làm cho người ta suy sụp tinh thần và gục ngã, nhưng có người gượng dậy được, có người thì không, có người lại trở nên khôn ngoan hơn, mạnh mẽ hơn sau những điều không hay đó.
Ví dụ khi ta đã cố gắng làm hết sức mình để xử lý vấn đề, xoay chuyển hoàn cảnh mà ta vẫn không giải quyết được, có nghĩa là ta bất lực không thể vượt qua được khó khăn trắc trở, lúc đó ta cần phải thay đổi cách nhìn cách nghĩ của mình về sự việc, ta có thể xem đó là sự thử thách bản thân, giúp ta đánh giá mình một cách trung thực, và ta có thể rút ra nhiều điều hữu ích từ những thử thách đó. Nghĩ như thế lòng ta sẽ thấy nhẹ nhàng hơn, buông bỏ được nhiều phiền muộn và chán nản trong tâm trí, những điều có thể khiến ta ngã quỵ.
Nhà hiền triết Socrates có một bà vợ rất dữ dằn, bà thường có thái độ cư xử khó chấp nhận như chửi bới, đay nghiến, mắng nhiếc ông. Một lần sau khi chửi bới, bà tạt nguyên thau nước vào người ông. Không tỏ ra tức giận, ông cười hài hước: “Tôi biết rõ là sau nắng hạn sẽ là cơn mưa”. Trước thái độ kiên nhẫn và ôn hòa của ông, cơn giận của bà tiêu tan lập tức. Nhiều người tỏ ra bất bình cho ông, họ hỏi tại sao ông lại có thể chịu đựng được một người vợ như thế, ông cười bảo: “Bà ấy giống như một con ngựa bất kham. Nếu chúng ta có thể thuần phục được con ngựa bất kham thì sẽ dễ dàng thuần phục những con ngựa khác. Cũng vậy, nếu tôi biết cách cư xử với bà ấy thì tôi dễ dàng cư xử với những người khác”. Socrates đã xem việc chung sống với bà vợ dữ dằn là cơ hội rèn luyện mình.
Thật đúng với câu: “Khó khăn mọi việc là đá thử vàng, nguy hiểm mọi đường là lò nung sắt” (Phan Bội Châu). Chính những hoàn cảnh bất như ý là dịp để con người tự đánh giá bản thân mình: đánh giá năng lực, trình độ nhận thức, đánh giá nhân phẩm đạo đức, sự tự tin, lòng kiên nhẫn v.v…, và là cơ hội để ta tự rèn luyện.
Tôn giả A-nan, vị đệ tử hầu cận Đức Phật, là một người học rộng biết nhiều. Đặc biệt, ngài có trí nhớ tuyệt vời, nghe Đức Phật dạy điều gì là nhớ mãi không quên dù là một chi tiết nhỏ, nhớ cả nơi Đức Phật nói điều đó và đã nói với ai. Nhưng cũng vì có tài học như thế, lại vừa là em họ của Phật, vừa là người gần gũi Phật hơn ai hết (luôn hầu bên cạnh Phật), cho nên ngài sinh tâm ỷ lại, chểnh mảng việc tu hành, đến nỗi khi Phật đã nhập Niết-bàn mà ngài vẫn chưa chứng đạo. Một lần, Tôn giả A-nan bị một cô gái tên Ma-đăng-già mê hoặc, Đức Phật biết được phải phái ngài Văn Thù đến cứu. Đây là một thử thách mà Tôn giả A-nan phải vượt qua, nhưng vì đạo lực còn kém mà ngài không vượt qua được. Qua sự việc này, ngài rút ra được bài học kinh nghiệm cho bản thân là phải nỗ lực tu hành và cẩn thận với nữ sắc.
Cần phải xem những rắc rối trong cuộc sống, những khó khăn trở ngại, những điều không thuận lòng là những thử thách để ta có cơ hội nhìn lại mình, để ta trắc nghiệm bản thân và trưởng thành, cứng cáp, mạnh mẽ hơn. Tất cả những gì một cá nhân trải qua đều cho con người đó những bài học bổ ích, những kinh nghiệm quý báu mà khó có thể tìm thấy ở đâu ngoại trừ thực tế.
Với cái nhìn phóng khoáng, đa chiều, một cá nhân sẽ thấy mọi điều trở nên khác hơn so với cái nhìn phiến diện, cục bộ đầy thành kiến, định kiến. Đôi khi một sự việc tưởng chừng như không may xảy đến cho ta khiến ta hoang mang lo lắng, lúc đó ta càng cần phải bình tâm. Chưa hẳn đó là điều không hay như ban đầu ta nghĩ. Có khi những khó khăn chướng ngại lại là động lực thúc đẩy khả năng tiềm tàng của ta bộc lộ và phát triển, và những rủi ro bất trắc lại đưa đẩy ta đến một chân trời mới lạ nào đó, hoặc tiềm ẩn phía sau nó là những điều tốt đẹp cũng nên.
Trong cuộc đời Đức Phật, rất nhiều lần Ngài bị người em họ đồng thời cũng là đệ tử của Ngài là Đề-bà-đạt-đa mưu hại, nhưng khi nói về Đề-bà-đạt-đa, Ngài bảo với các đệ tử: “Đề-bà-đạt-đa là thiện tri thức, là thiện hộ niệm của Ta, nhờ Đề-bà-đạt-đa tạo nghịch duyên thử thách công hạnh tu hành mà Ta mau thành ngôi Chánh Đẳng Giác”.
Trong cuộc sống, nếu lâm vào hoàn cảnh bất hạnh không may, gặp phải những rủi ro bất trắc, đối mặt với những thành bại được mất trong đời, thì việc có được nhận thức đúng đắn, tích cực, hiểu những quy luật tự nhiên (ví dụ như hiểu về duyên sinh nhân quả, hiểu về vô thường...), những chân lý của cuộc đời (ví dụ như Tứ đế: chân lý về khổ, chân lý về nguyên nhân của khổ, chân lý về sự chấm dứt khổ, chân lý về con đường thoát khổ…) chắc chắn sẽ giúp ta giữ được trạng thái thăng bằng, không đánh mất niềm tin, ý chí và nghị lực. Nếu mọi người đều giữ được tâm thái bình lặng, trí tuệ sáng suốt thì trước những biến cố xảy ra trong cuộc đời, con người vẫn an nhiên không chao đảo, không lo sợ hoảng hốt, không khổ đau.
Cũng như ngày xưa có một người đàn bà vì con chết mà đâm ra điên loạn, bà ôm xác con đến gõ cửa từng nhà để tìm thuốc cứu sống con. Bà đi khắp nơi nhưng không ai có thể giúp được bà, cuối cùng bà đến gặp Đức Phật cầu mong Ngài cứu giúp. Đức Phật bảo bà tìm cho Ngài một ít hạt cải ở nhà nào chưa từng có người chết, Ngài sẽ dùng hạt cải đó làm thuốc cứu con bà. Người đàn bà đến từng nhà hỏi xin hạt cải, nhưng nhà nào cũng đã có người chết, nếu không phải là vợ chồng con cái thì cũng là ông bà cha mẹ anh em. Bà buồn bã thất vọng trở về trình bày cùng Đức Phật, bấy giờ Đức Phật mới dạy: “Sinh, già, bệnh, chết là định luật chúng ta không thể trốn tránh.
Con người ai cũng phải chết, chỉ khác nhau ở chỗ sớm hay muộn mà thôi. Đời sống vô thường, nào ai biết được cái chết đến với chúng ta lúc nào. Nếu không may nó xảy đến, chúng ta phải chấp nhận mà thôi, than khóc, khổ đau nào có ích gì. Ngươi thấy có nhà nào không có người chết hay chưa?”. Lúc này người đàn bà mới tỉnh ngộ và vơi đi nỗi đau khổ vì mất con.
Chắc chắn là trong cuộc đời chúng ta ai cũng có lần trải qua những khó khăn trắc trở, hay gặp phải hoàn cảnh bất hạnh không may, chẳng hạn như mất người thân, tai nạn, bệnh tật, thất bại trong tình yêu, trong sự nghiệp, bị bạn bè phản bội… Vì thế việc học tập, rèn luyện, tu tập để có được trí tuệ sáng suốt, nhận thức đúng đắn, tích cực và tâm thái vững chãi là điều hết sức cần thiết.