Nói một cách đơn giản: mọi khía cạnh của thiền đều tốt. Cho dù bạn đã thực hành trong bao lâu, ngay cả khi bạn dường như không nhận được bất kỳ kết quả nào, tất cả đều tốt. Khi bạn có thể làm cho tâm tĩnh lặng với hơi thở, cũng tốt cho tâm. Vì lý do này, thiền là điều bạn nên thực hành mọi lúc, mọi nơi.
Những nguyên tắc cơ bản của việc hành thiền cho những người mới đến, chưa hành thiền bao giờ.
- Hãy lập quyết tâm rằng bạn sẽ không nghĩ về bất cứ điều gì khác, rằng bạn sẽ chỉ nghĩ về một điều: ân đức Phật, hay chữ buddho.
- Hãy chú ý vững chắc đến hơi thở, nghĩ bud- với hơithở vào và dho với hơi thở ra. Hoặc nếu bạn muốn, bạn có thể đơn giản nghĩ buddho, buddho trong tâm.
- Giữ cho tâm tĩnh lặng, sau đó buông bỏ từ buddho để bạn có thể chỉ quan sát hơi thở vào và ra, chứ không có gì hơn. Giống như khi ta đứng ở cổng chuồng gia súc và quan sát để xem đặc điểm của chúng khi chúng vào ra khỏi chuồng. Chúng có màu gì - đen? đỏ? trắng? đốm? Chúng là bê con hay đã phát triển đầy đủ? Hãy cẩn thận khoan bước vào chuồng, vì bạn có thể bị chúng đá gãy chân, hoặc lấy sừng húc chết. Hãy đứng yên ở cổng chuồng.
Điều này có nghĩa là bạn giữ cho tâm trụ vào một điểm. Bạn không cần phải để ý tâm theo từng hơi thở vào và ra. Quan sát các đặc điểm của đàn gia súc có nghĩa là học cách quan sát hơi thở: Có phải thở vào ngắn và thở ra ngắn thoải mái hơn không, hay thở vào dài và thở ra dài tốt hơn? Hay thở vào dài và thở ra ngắn, hoặc thở vào ngắn và thở ra dài tốt hơn? Học cách nhận biết kiểu thở nào là thoải mái nhất, rồi giữ cách thở đúng như thế.
Tóm lại, có ba bước bạn phải làm theo: đầu tiên là chánh niệm về chữ buddho. Thứ hai là chánh niệm về hơi thở, nghĩ bud- với hơi thở vào và dho với hơi thở ra. Đừng quên. Đừng để bị phân tâm. Bước thứ ba, khi tâm tĩnh lặng, buông chữ buddho và không quan sát gì khác ngoài hơi thở vào và ra.
Khi bạn có thể làm như thế, tâm sẽ trở nên tĩnh lặng. Hơi thở cũng sẽ tĩnh lặng, giống như cái gáo trôi nổi trong thùng nước: nước tĩnh lặng, cái gáo đứng yên, vì không ai chạm vào, lật úp hay đập nó. Cái gáo sẽ tiếp tục nổi trên mặt nước trong sự tĩnh lặng hoàn hảo. Hoặc bạn có thể nói rằng cảm giác giống như leo lên đỉnh núi cao, hoặc giống như trôi theo đám mây. Tâm sẽ không cảm thấy gì ngoài một cảm giác mát mẻ hỷ lạc, thoải mái. Đây là gốc, là lõi gỗ, đỉnh cao của tất cả mọi thiện xảo.
Trạng thái đó được gọi là gốc vì đó là một phẩm chất tốt xuyên suốt, mạnh mẽ chạm ngay vào tâm. Nó được gọi là lõi gỗ vì nó rắn chắc và đàn hồi, giống như lõi gỗ của loại cây mà côn trùng không thể chui vào đục khoét, phá hoại. Giả như côn trùng có thể gặm nhấm cây, chúng chỉ có thể ở ngoài vỏ cây hoặc phần dác gỗ. Nói cách khác, dù các uế nhiễm có thể đến quấy nhiễu ta, chúng chỉ có thể chạm đến các cửa giác quan: mắt, tai, mũi, lưỡi và thân.
Thí dụ, khi cảnh sắc đập vào mắt, chúng chỉ đi đến mắt mà không đi vào tâm. Khi âm thanh vọng vào tai, chúng chỉ đi đến tai chứ không đi vào tâm. Khi mùi chạm vào mũi, chúng chỉ đi xa đến mũi và không đi vào tâm. Đây là lý do tại sao ta nói rằng sự viên mãn của định là cốt lõi của những gì được coi là thiện xảo, vì dầu các ác nghiệp có thiên hình vạn trạng cũng không thể dễ dàng phá hủy tâm bình an khi nó đã vững chãi, ổn định, giống như cách côn trùng không thể khoan vào lõi gỗ.
Sự hoàn hảo của tâm định được xem là đỉnh cao của tất cả mọi thiện xảo, vì phẩm chất siêu việt của nó. Trạng thái tâm đó cũng có hấp lực đối với các hình thức thiện khác. Khi tâm tĩnh lặng, toàn thân cũng cảm nhận điều đó, nên ta không làm điều bất thiện với thân. Lời nói của ta được kiềm chế, miệng ta không nói ra những lời bất thiện. Những điều bất thiện ta đã gây ra nơi mắt, tai, tay, tất cả sẽ bị quét sạch. Như thế, sự tốt lành đến từ thiền định sẽ tẩy rửa mắt, tai và tay của chúng ta, sẽ tẩy rửa tất cả các bộ phận khác của thân, để tất cả đều được sạch.
Tính thiện siêu việt đến từ thiền định giống như mưa rơi từ trên trời cao. Nó không chỉ rửa sạch các thứ bẩn thỉu trên mặt đất, mà còn nuôi dưỡng cây cối cho con người. Ngoài ra, nó làm tươi mới con người với sự mát mẻ của nó. Đức Phật đã ban rải lòng từ của Ngài trên khắp thế gian, bắt đầu ngay từ ngày Ngài vừa đạt giác ngộ, và lòng từ bi của Ngài như mưa vẫn đang bao trùm chúng ta đến 2.500 năm sau. Đức Phật là đấng vĩ đại vì lòng từ bao la Ngài đã phát triển thông qua thiền định - cũng là loại thiền mà chúng ta đang thực hành hôm nay.
Nói một cách đơn giản: mọi khía cạnh của thiền đều tốt. Cho dù bạn đã thực hành trong bao lâu, ngay cả khi bạn dường như không nhận được bất kỳ kết quả nào, tất cả đều tốt. Ngay cả khi bạn chỉ đơn giản lặp đi lặp lại từ buddho, nó cũng tốt cho tâm. Khi bạn chánh niệm về hơi thở, cũng tốt cho tâm. Khi bạn có thể làm cho tâm tĩnh lặng với hơi thở, cũng tốt cho tâm. Vì lý do này, thiền là điều bạn nên thực hành mọi lúc, mọi nơi.
Đừng để thời gian và cơ hội hành thiền trôi qua!
Ajaan Lee Dhammadharo
(Diệu Liên Lý Thu Linh chuyển ngữ)
Có một pháp, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn thời có quả lớn, có lợi ích lớn. Thế nào là một pháp? Niệm hơi thở vô, hơi thở ra. Và này các Tỷ-kheo, niệm hơi thở vô, hơi thở ra, tu tập như thế nào, làm cho sung mãn như thế nào thời có quả lớn, có lợi ích lớn?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đi đến rừng, hay đi đến gốc cây, hay đi đến chỗ nhà trống, ngồi kiết-già, lưng thẳng, đặt niệm trước mặt; vị ấy chánh niệm thở vô, chánh niệm thở ra.
- Thở vô dài, vị ấy rõ biết: “Tôi thở vô dài”. Thở ra dài, vị ấy rõ biết: “Tôi thở ra dài”. Thở vô ngắn, vị ấy rõ biết : “Tôi thở vô ngắn”. Thở ra ngắn, vị ấy rõ biết: “Tôi thở ra ngắn”.
- “Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. “An tịnh thân hành, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “An tịnh thân hành, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập.
- “Cảm giác hỷ thọ, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Cảm giác hỷ thọ, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. “Cảm giác lạc thọ, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Cảm giác lạc thọ, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập.
- “Cảm giác tâm hành, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Cảm giác tâm hành, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. “An tịnh tâm hành, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “An tịnh tâm hành, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. “Cảm giác về tâm, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Cảm giác về tâm, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập.
- “Với tâm hân hoan, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Với tâm hân hoan, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. “Với tâm định tĩnh, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Với tâm định tĩnh, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. “Với tâm giải thoát, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Với tâm giải thoát, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập.
- “Quán vô thường, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Quán vô thường, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. “Quán ly tham, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Quán ly tham, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. “Quán đoạn diệt, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Quán đoạn diệt, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. “Quán từ bỏ, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Quán từ bỏ, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập.
- Tu tập như vậy, này các Tỷ-kheo, làm cho sung mãn như vậy, niệm hơi thở vô, hơi thở ra thời có quả lớn, có lợi ích lớn.
(Tương ưng bộ kinh, tập V, thiên Đại phẩm, chương X, phẩm Một pháp,
Hòa thượng Thích Minh Châu dịch)