Sáng ngày 31-12-2023, Hội thảo khoa học “Thiền phái Liễu Quán: Lịch sử hình thành và phát triển” chính thức khai mạc tại Hội trường Hoa Sen thuộc Cơ sở II Học viện Phật giáo VN tại Huế (P.An Tây, TP.Huế).
Hiện diện chứng minh phiên khai mạc Hội thảo có Trưởng lão Hòa thượng Thích Giác Quang, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh GHPGVN; chư vị Trưởng lão Ủy viên Ban Thường trực, Thành viên Hội đồng Chứng minh; Hòa thượng Thích Thiện Pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự; chư vị Phó Chủ tịch, Ủy viên Thường trực, Ủy viên Hội đồng Trị sự GHPGVN; lãnh đạo các Ban, Viện T.Ư, chư tôn giáo phẩm lãnh đạo Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thừa Thiên Huế và các tỉnh thành lân cận; chư Tăng Ni các nơi đồng về tham dự.
Về phía lãnh đạo chính quyền có ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế; lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế; lãnh đạo các đơn vị đồng tổ chức: Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Nghiên cứu Phật học VN, Đại học Huế; lãnh đạo chính quyền địa phương sở tại cùng hơn 500 đại biểu là học giả các giới, quý nhân sĩ trí thức tham dự.
Toàn cảnh phiên khai mạc Hội thảo tại Cơ sở II Học viện Phật giáo VN tại Huế |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Hòa thượng Thích Hải Ấn, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Viện trưởng Học viện Phật giáo VN tại Huế, Trưởng ban Tổ chức Hội thảo khái lược về sự hình thành, truyền thừa của Thiền phái Liễu Quán trong dòng chảy lịch sử Phật giáo Việt Nam từ xưa cho đến nay, trong suốt gần 3 thế kỷ.
Sự truyền thừa của dòng Thiền Liễu Quán đã được liên tục tiếp nối và phát triển theo cùng bước chân Nam tiến, mở mang bờ cõi của đất nước. Cũng từ dòng Thiền này, các bậc Tổ sư, Cao tăng đã dấn thân trong sự nghiệp phụng sự đạo pháp và dân tộc, đặc biệt là công cuộc Chấn hưng Phật giáo đầu thế kỷ XX.
Hội thảo khoa học “Thiền phái Liễu Quán: Lịch sử hình thành và phát triển” được tổ chức với mục tiêu nhằm minh định chính thức về vị thế cũng như nội hàm giá trị đóng góp to lớn của Thiền phái trong dòng chảy văn hóa dân tộc Việt Nam.
Hòa thượng Thích Hải Ấn phát biểu khai mạc |
“Đây là Hội thảo đầu tiên mang tính lịch sử về Thiền phái. Và đây, cũng là dịp để các thế hệ con cháu của Đức Tổ sư từ khắp mọi nơi cùng trở về vun xới những giá trị tâm linh, nối kết tình linh sơn pháp lữ với tâm nguyện Truyền đăng tục diệm, Tổ ấn trùng quang”, Hòa thượng Thích Hải Ấn nhấn mạnh.
Tiếp đó, Trưởng lão Hòa thượng Thích Giác Quang, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh tuyên đọc Thư chúc mừng của Đức Pháp chủ GHPGVN. Theo đó, Đức Pháp chủ đã có lời tán thán Ban Tổ chức Hội thảo và các hoạt động tưởng niệm nhân 281 năm Tổ sư Thiệt Diệu Liễu Quán viên tịch (1742-2023).
Đức Pháp chủ nhận định Tổ sư Liễu Quán (1667-1742) có vị trí đặc biệt trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, với sức sống và ảnh hưởng sâu rộng, là điểm son trong truyền thống hộ quốc an dân của Phật giáo nước nhà.
Nhắc lại những tấm gương sống động của Tổ sư Thanh Kế Huệ Đăng, Đại sư Trừng Thanh Thiện Hào, là hậu duệ của Tổ sư, cũng là các bậc chân tu, nhà hoạt động yêu nước thời hiện đại, đã góp phần không nhỏ trong công cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc ở thế kỷ XX. Các ngài mặc dầu dấn thân trong đời nhưng vẫn giữ được tinh thần, khí chất của những bậc tu hành chân chánh.
Trưởng lão Hòa thượng Thích Giác Quang tuyên đọc thư chúc mừng của Đức Pháp chủ |
Đức Pháp chủ mong muốn thông qua Hội thảo sẽ làm sáng tỏ thêm về cuộc đời và đạo nghiệp của Tổ sư Liễu Quán, đồng thời góp phần nhận thức được sâu sắc hơn về nội hàm giá trị “pháp thân” ẩn trong thông điệp lưu nơi nghi môn bảo tháp Tổ sư tại núi Thiên Thai.
Đại diện chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã có lời chúc mừng đến toàn thể Hội thảo. Ông nhận định Thiền phái Liễu Quán có một vị trí hết sức đặc biệt trong lịch sử Phật giáo nói chung, lịch sử văn hóa dân tộc nói riêng, nuôi dưỡng và đào tạo ra nhiều bậc Danh tăng, đóng góp công lao to lớn cho dân tộc và đạo pháp.
Với việc nghiên cứu, minh định về cuộc đời, đạo nghiệp của Tổ sư Liễu Quán, sự hình thành, phát triển dòng Thiền mang tên Ngài, Hội thảo còn là cơ hội phát huy, lan tỏa di sản quý giá mà Tổ sư Liễu Quán và các đệ tử, hậu duệ đã lưu lại cho đời, từ đó, góp phần vào việc xây dựng phát huy văn hóa Huế nói riêng, văn hóa dân tộc nói chung.
“Đối với Dân tộc, Tổ sư là vị Thiền sư người Việt ưu tú nhất, sáng lập nên dòng Thiền thuần Việt, đó là Thiền phái Liễu Quán, để văn hoá Việt Nam được định hình, để con cháu muôn đời tự hào với bản sắc của văn hoá dân tộc Việt Nam.”, ông Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhận định.
Hòa thượng Thích Huệ Phước, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Phó ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thừa Thiên Huế đại diện Ban Trị sự phát biểu chào mừng hơn 500 đại biểu là quý vị quan khách, học giả, nhân sĩ trí thức về dự Hội thảo và góp bài tham luận. Đó là những đóng góp quý giá nhằm làm sáng tỏ nhiều vấn đề liên quan đến Thiền phái Liễu Quán, một trong những thiền phái Việt Nam, hình thành ngay chính tại vùng đất Huế.
Thượng tọa Thích Đức Thiện đại lao Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn tuyên đọc đạo từ |
Đại lao Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự tuyên đọc đạo từ tán thán công đức Ban Tổ chức Hội thảo. Trưởng lão Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự mong muốn trong Hội thảo lần này, với sự góp sức của đông đảo học giả, nhân sĩ trí thức sẽ góp phần nghiên cứu, làm sáng tỏ nhiều vấn đề liên quan đến đạo nghiệp của Tổ sư Liễu Quán và chư Tổ sư thuộc phổ hệ truyền thừa thiền phái Liễu Quán.
Giáo sư Lê Mạnh Thát đọc đề dẫn Hội thảo |
Sau lễ khai mạc, phiên toàn thể của Hội thảo chính thức bắt đầu với phần đề dẫn của Giáo sư Lê Mạnh Thát. Theo chương trình dự kiến, phiên chuyên đề của Hội thảo sẽ tiếp tục lúc 13 giờ 30 chiều nay với 3 diễn đàn riêng chia theo nhóm chủ đề gồm: “Tổ sư Liễu Quán: Cuộc đời, Đạo nghiệp và nền tảng tư tưởng”; “Phổ hệ truyền thừa và quá trình phát triển của Thiền phái Liễu Quán”; “Kế thừa, phát huy di sản thiền phái Liễu Quán”.
Một số hình ảnh ghi nhận: