Dưới những cơn mưa đầu hạ, vạn vật sinh trưởng sau những cái nắng gay gắt của miền Trung đầy nắng gió. An cư vốn là một truyền thống tu tập của hầu hết các giáo phái ở Ấn Độ. Riêng đối với các Thánh đệ tử của Phật thì việc An cư cũng được Đức Phật chỉ dạy và đệ tử tuân thủ nghiêm túc. Theo An cư kiền độ của Tứ phần luật quyển 37 và phẩm Tạp tụng thứ 5 thuộc Ma ha tăng kỳ luật quyển 27 thì phép An cư được Đức Phật chế định do một số Tỷ-kheo du hành trong mùa mưa dẫm đạp sinh vật khiến người đời chê trách.
Trên bình diện thế gian, ứng theo truyền thống văn hóa mà nói thì An cư thể hiện tấm lòng từ bi của người xuất gia đối với muôn loài côn trùng. Bởi vì ở Ấn Độ, thời gian An cư là mùa hạ nhằm vào mùa mưa, mùa sinh sản của muôn loài côn trùng. Do đó, việc đi lại sẽ dẫm chết nhiều sinh vật nhỏ bé. Vả lại, trong thời gian tập trung một chỗ như vậy người cư sĩ tại gia dễ dàng lui tới học hỏi. Tuy nhiên, trên tinh thần giới luật, An cư còn có một ý nghĩa khác quan trọng hơn và liên quan đến sinh mạng của Tăng. Đó là củng cố và duy trì tính thanh tịnh và hòa hợp của đoàn thể đệ tử xuất gia của Phật. Ý nghĩa này chỉ có trong đoàn thể Tăng của Phật giáo, những giáo phái khác không có.
Tuân theo lời Phật dạy, Chư Tăng môn phong Tổ đình Minh Tịnh, Tp. Quy Nhơn và các tự viện lân cận vào chiều ngày 02/6/2018 (nhằm ngày 19/4/Mậu Tuất) đã vân tập về Tổ đình tác pháp an cư.
Đại chúng đã cung thỉnh HT. Thích Trí Giác, Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN Tp. Quy Nhơn, Viện chủ Tổ đình Minh Tịnh làm Thiền chủ. Toàn thể hành giả an cư đã lễ Tổ, niêm hương Bạch Phật. Sau đó, chư Tăng tác pháp an cư với Hòa thượng thiền chủ.
Chư Tăng lễ Tổ
Hòa thượng Thiền chủ khai chung bảng
Niêm hương bạch Phật
Chư Tăng tác pháp đối thú an cư
QUẢNG TIẾN