Đề tài này dành cho hai chúng xuất gia của đức Phật, nhưng nay lại giảng cho phật tử tại gia để quý vị có thể hiểu một phần nào việc tu hành của tăng ni; cho nên tôi chỉ triển khai một số ý mà cư sĩ tại gia có thể hành trì theo.
Về an cư, khi đức Phật hành đạo, Ngài không đặt vấn đề an cư cho chư tăng, mà chỉ đặt việc tu học Phật pháp và truyền bá chính pháp để mang lại lợi ích cho mọi người. Tuy nhiên, đối với hàng đệ tử Phật, trước tiên là phải học giáo pháp và thực tập để đạt được kết quả tốt đẹp, mới sử dụng thành quả đó để chỉ dạy người. Vì vậy, điều này không chỉ đặt riêng cho giới xuất gia nữa, nhưng áp dụng cho tất cả mọi người phát tâm học Phật pháp và truyền bá Phật pháp; nếu tiến cao hơn thì được về Niết bàn hay Cực lạc. Cực lạc khác với Niết bàn. Chúng ta tu chứng Niết bàn trước, nhưng thực chất của Niết bàn là Cực lạc.
Trên lộ trình tu hành, bước đầu, chúng ta phải gạn lọc tâm cho trong sáng, ra khỏi trần lao nghiệp chướng. Khi tâm chúng ta được trong sạch và an vui, không phiền não, là đạt được trạng thái Niết bàn, hay trạng thái tu chứng của tâm. Như vậy, chúng ta đã đi được một nửa đoạn đường tu, vì thanh tịnh hóa được tâm mình rồi, nhưng chung quanh chúng ta còn hiện hữu các loài hữu tình và quốc độ chúng sinh không thanh tịnh, gọi là thế giới Ta bà.
Chúng ta tu hành ở Ta bà, nhưng xây dựng Tịnh độ tự tâm là Niết bàn. Vì vậy, chúng sinh và quốc độ không thanh tịnh, nhưng chúng ta phải cố gắng tu cho mình thanh tịnh, tức không bị hoàn cảnh và những người chung quanh tác động, thì chúng ta không còn có tâm vui buồn, ham muốn của trần gian. Đức Phật và hàng Thánh chúng đều đạt được tâm giải thoát này. Ngày nay, tuy là đệ tử Phật, nhưng sống cách Phật xa, cho nên người ta không còn đặt nặng sự cần thiết của Niết bàn tự tâm. Đa số chỉ chú tâm đến việc học rộng, nghe nhiều, nói hay, nhưng không tu, tức không thể nghiệm pháp Phật trong cuộc sống của chính mình; vì vậy, không được giải thoát.
Sống trong giáo pháp, chứng được Niết bàn tự tâm là tâm hoàn toàn thanh tịnh, thì tâm thanh tịnh này sẽ là động lực cho việc phát sinh trí tuệ, sẽ có được cái nhìn sáng suốt, giải thoát; bấy giờ Tỳ kheo mới vào đời độ sinh được.
Thật vậy, sau khi thành tựu quả Vô thượng Bồ đề, đức Phật đến Lộc Uyển giáo hóa độ sinh, thì Kiều Trần Như là người đầu tiên đạt được tâm thanh tịnh, không bị vật chất cám dỗ; đó là trạng thái Niết bàn. Từ đó, đức Phật mới cho phép Kiều Trần Như cùng đi khất thực với Ngài, đem thức ăn về cho bốn Tỳ kheo ở tịnh xá dùng. Phật dạy rằng các Thầy này không nên đi khất thực, mà phải cố gắng tu hành cho thật sự thanh tịnh rồi, mới vào đời độ sinh.
Vì vậy, đối với những người tu hành chưa thanh tịnh, Phật không cho phép họ đi ra ngoài để khất thực; nhưng ngày nay, chúng ta nhận thấy nhiều người phạm sai lầm lớn, không thanh tịnh mà đi khất thực chẳng khác gì đi xin ăn. Đức Phật dạy rằng người tu không phải vì ăn, không phải vì đói mà đi khất thực; nhưng vì hạnh nguyện mang tâm giải thoát vào đời để người trông thấy mà được giải thoát theo.
Sau Kiều Trần Như, đến Mã Thắng Tỳ kheo đắc quả vị A la hán, tức tâm hoàn toàn thanh tịnh, không cần thức ăn nữa, đức Phật mới cho phép ông đi khất thực. Và quả đúng như lời Phật dạy, Xá Lợi Phất trông thấy tướng giải thoát và cảm nhận được tâm giải thoát của Tỳ kheo Mã Thắng, thì liền được thanh tịnh. Lúc bấy giờ, Xá Lợi Phất nổi tiếng là nhà hùng biện hay nhất nước Ma Kiệt Đà, không ai lý luận hơn ông. Nhưng ông càng nói hay, càng thuyết phục được người khác thì tâm ông lại càng tan nát; đó là nỗi khổ của người không đắc đạo, thuyết phục được người, nhưng không thuyết phục được nghiệp và phiền não của chính mình, là sai lầm của hàng ngoại đạo thời bấy giờ.
Xá Lợi Phất lãnh đạo một tôn giáo lớn nổi tiếng thời đó, làm cho người khác nghe theo, nhưng tâm ông lại bất an. Vì vậy, khi trông thấy Mã Thắng hiện tướng giải thoát và tâm an lạc, tâm Xá Lợi Phất cũng được an theo và ông gặp Phật, phát tâm xuất gia.
Tâm an, mới được giải thoát và tiến tu xa hơn, mới có Cực lạc là cùng cực của sự an lạc. Thông thường, mới tu, chúng ta chỉ được một phần an lạc trong tâm mình, nhưng tiến tu tốt hơn, chúng ta có thể ảnh hưởng, làm cho tâm người xung quanh được an lạc theo. Điển hình là ở Bồ đề đạo tràng, đức Phật chuyển hóa tâm Ngài trở thành thanh tịnh, chứng quả vị Toàn giác; nhưng lúc đó chỉ có Ngài thanh tịnh một mình, còn xã hội không thanh tịnh. Sau đó, đến Lộc Uyển, đức Phật cảm hóa năm anh em Kiều Trần Như thanh tịnh theo, tạo thành thế giới tâm thanh tịnh của sáu Thầy trò, rồi Ngài mới mở rộng tâm thanh tịnh cho 200 đệ tử của Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên và cảm hóa 50 thanh niên dòng họ Da Xá, cho đến 1.000 đồ chúng của Ca Diếp. Từ đó, giáo đoàn của đức Phật có 1250 La hán, nghĩa là tâm của những vị này đã gắn kết với nhau trong Niết bàn như thế, thì Phật thuyết pháp bằng ngôn ngữ, hay Ngài yên lặng, họ cũng nghe được.
Trong thực tế cuộc sống, nếu chúng ta có duyên tiếp xúc với người đắc Thiền, hay đắc định, dễ nhận ra ý này. Dù Thiền sư yên lặng, nhưng thấy dáng đi, dáng ngồi của họ, tâm chúng ta cũng thanh tịnh theo. Điều này khiến chúng ta hình dung ra thế giới Niết bàn của 1250 La hán thời Phật tại thế. Đạo Phật thể hiện tinh thần vô tác diệu lực một cách siêu tuyệt ở điểm không cần nói, nhưng mọi người đều hướng tâm về Phật và người hướng tâm cao nhất như vua Ba Tư Nặc, vua Tần Bà Sa La, hoặc ông trưởng giả Cấp Cô Độc. Những tâm hồn lớn này hướng về Phật, tạo thành thế giới vật chất cũng thanh tịnh theo. Bước ban đầu, chỉ có thế giới tâm linh là Niết bàn, nhưng sau đó tất cả mọi người đều cùng ở trong Niết bàn. Đức Phật nói rằng tâm thanh tịnh sẽ tạo thành tất cả các pháp đều là Niết bàn; nghĩa là tâm thanh tịnh sẽ tác động khiến các pháp cũng thanh tịnh theo. Ý này cũng thường được diễn tả là tâm tịnh thì độ tịnh, tức Cực lạc hay thiên đường do tâm thanh tịnh mà hiện hữu.
Người có tâm thanh tịnh, thì thế giới của họ cũng thanh tịnh, gồm có chúng sinh và quốc độ. Vì vậy, khi người đến với ta mà họ không thanh tịnh, phải biết tại chúng ta không thanh tịnh.
Tâm ta và chúng sinh thanh tịnh, thì quốc độ thanh tịnh; quốc độ là xã hội. Do đó, xã hội tốt hay xấu là do con người quyết định và con người tốt hay xấu là do tâm quyết định. Thể hiện ý này, đức Phật bảo Vô Não rằng con dao trong tâm ông chưa buông bỏ, thì tâm ông không thể thanh tịnh và những người xung quanh cũng theo đó không thanh tịnh.
Chính vì mọi người không thấy được thế giới thanh tịnh, cho nên đức Phật phải mượn thế giới Cực lạc của đức Phật Di Đà để giới thiệu. Cũng vậy, trong kinh Duy Ma, đức Phật phải lấy chân ấn xuống đất để thế giới Phật hiện ra, nhằm nói lên rằng tâm Phật tác động cho chúng sinh hữu duyên với Ngài được thanh tịnh.
Trên bước đường tu, đầu tiên chúng ta thanh tịnh sẽ ảnh hưởng đến người liên hệ cùng được thanh tịnh, cho đến tác động xã hội thanh tịnh theo, thế giới tốt đẹp mới hiện ra. Thế giới A tu la luôn đánh giết nhau, nên họ xây dựng rồi chính họ lại tàn phá. Trong khi theo Phật, Ngài dạy chúng ta phải có tâm thanh tịnh trước, xã hội mới thanh tịnh theo. Tuy đức Phật dạy như thế, nhưng đối với những người chưa đắc quả vị A la hán thì phải cấm túc an cư để được thanh tịnh, để nuôi dưỡng và phát huy tâm thanh tịnh.
Vì vậy, khi năm anh em Kiều Trần như chưa đắc Thánh quả A la hán, tâm chưa thanh tịnh, còn bị người tác động, thì phiền não sẽ phát sinh; vì đi khất thực, bị người mắng nhiếc, khi dễ, tâm họ sẽ buồn phiền. Cho nên, Phật dạy các Tỳ kheo chưa thanh tịnh phải ở yên một chỗ tu hành. Đức Phật đã hoàn toàn thanh tịnh, Ngài đi khất thực để độ sinh, cho nên người tín chủ kính trọng cúng dường Phật. Ngài sử dụng của thanh tịnh này mà nuôi các Tỳ kheo, họ đắc đạo được; vì thức ăn của Phật đã thanh tịnh cho Tỳ kheo ăn, họ sẽ thanh tịnh theo. Ý này được người đời thường nói là cách cho hơn của cho. Vì người ta thường lầm tưởng rằng của đem bố thí mới quý, giá trị của đồ vật càng cao thì càng quý; nhưng cách cho mới quan trọng hơn của cho.
Có thể thấy rõ rằng khi Đức Phật chưa chế pháp an cư, Ngài đã chỉ định năm anh em Kiều Trần Như an cư, tức là Phật đã ngầm chế pháp an cư tại Lộc Uyển thời đó. Tuy nhiên, phải 12 năm sau, Đức Phật mới chính thức đưa ra pháp an cư cho Tăng chúng, vì có những Tỳ kheo đi khất thực, bị nước cuốn trôi, bị chết. Vì vậy, pháp an cư được xem là pháp thuận thế, nghĩa là yêu cầu của xã hội như thế nào thì Phật mới thiết đặt tương ưng như thế; cho nên đó không phải là chân lý, mà chỉ là phương tiện.
Và phương tiện thì nhiều vô số, vì tùy theo yêu cầu của xã hội mà đức Phật thiết đặt các pháp môn tu cho thích hợp với mọi người. Kinh Pháp Hoa nói rằng ví như người thợ dùng đất sét nặn ra đủ loại vật dụng cho mọi người tiêu dùng. Chân lý chỉ có một, nhưng phương tiện thì có vô số. Đối với các vị La hán không sợ mưa nắng, đói cũng không chết, gặp lũ lụt thì các ngài dùng thần thông mà đi. Nhưng những người chưa đắc đạo, bị nước cuốn trôi, bị đói lạnh thì chết. Các Thầy này muốn dừng chân lại để bảo toàn mạng sống, tất nhiên Phật cho phép. Ý này trong kinh Pháp Hoa, đức Phật ví lộ trình đi đến quả vị Phật giống như đoạn đường dài 500 do tuần đường hiểm, những người mệt mỏi không dám đi, nên Phật phải tạo ra một hóa thành cho họ nghỉ ngơi dưỡng sức rồi mới có thể tiếp tục đi. Cho phép dừng chân an cư cũng giống như vậy, đức Phật mới chế tác chư Tăng phải cấm túc an cư. Đồng thời, Phật cũng khuyến hóa hàng Phật tử tại gia phải hộ trì chư Tăng trong mùa an cư để họ có điều kiện tu đắc đạo.
Và việc chính thức chế pháp an cư cho chư Tăng, đức Phật cũng có quy trình. Vì bình thường mỗi Tỳ kheo đi giáo hóa theo một hướng khác nhau và ở trụ xứ khác nhau; cho nên, tư tưởng của họ cũng khác nhau. Thực tế cho thấy tư tưởng chúng ta luôn bị xã hội tác động, ví dụ ở Việt Nam thì chịu ảnh hưởng của tư tưởng Việt Nam, nhưng sống lâu ở Mỹ cũng sẽ bị tư tưởng nơi đó đồng hóa. Mỗi người ở riêng sẽ có suy nghĩ riêng và có công việc riêng; như vậy, Phật pháp sẽ bị phân hóa. Mặc dù đức Phật khuyên mỗi người giáo hóa một phương, nhưng cần phải ý thức rằng khi ta chưa đắc đạo sẽ ảnh hưởng cho người khác theo hướng xấu, làm cho họ bị đọa, là phạm tội phá pháp.
Vì e ngại các Tỳ kheo chưa đắc đạo, sẽ bị lệch lạc trong việc tu hành và truyền bá giáo pháp; đức Phật mới chế đặt cấm túc an cư bắt buộc các Tỳ kheo trong mùa hạ phải ở yên một chỗ tu hành. Vì vậy, việc tác pháp an cư trở nên quan trọng, có luật đàng hoàng cần tuân thủ, không phải ai muốn làm gì cũng được.
Đầu tiên có tâm niệm an cư, dù là giới xuất gia hay tại gia cũng đều có tâm niệm an cư, tức là Niết bàn, nghĩa là lúc nào cũng phải giữ tâm thanh tịnh, đừng buông lung, đừng để tâm vọng động. Vì vậy, đến mùa an cư mà phải đi làm Phật sự, thì phải giữ tâm mình cho yên, không để ngoại cảnh và người chi phối, tác hại. Riêng tôi, trước năm 1981, cứ đến mùa an cư là tôi không ra khỏi chùa; vì tôi muốn giữ đối thú an cư là đỉnh cao của an cư, giữ đúng luật, ba tháng không đi ra ngoài. Nhưng sau đó, Giáo hội giao tôi trách nhiệm hoằng pháp, tôi đắn đo suy nghĩ rất nhiều. Nếu giữ đúng hạnh nguyện không ra khỏi chùa, thì không thể làm tròn trách nhiệm được. Tôi thưa với Hòa thượng Trí Thủ rằng tôi có nguyện an cư; nhưng Hòa thượng đã dạy tôi nếu hết mùa hạ mới đi giảng thì giảng cho ai. Trong mùa an cư, chư Tăng và Phật tử tập họp đông đủ, mới có điều kiện tốt để thuyết pháp; vì vậy, tôi nên áp dụng pháp tâm niệm an cư. Hiểu điều này, sẽ nhận ra rằng các vị Thánh La hán đi truyền bá Phật pháp rất nhiều, nhưng tâm các ngài vẫn thanh tịnh.
Ngày nay, bằng kinh nghiệm của chính mình, tôi khuyên quý Thầy làm nhiều việc cho Giáo hội, phải ráng giữ tâm thanh tịnh. Các Tỳ kheo làm trụ trì, hay làm giảng sư không thể ở yên một chỗ được, thì giữ tâm niệm an cư, bằng cách có Phật sự quan trọng mới đi, nhưng giữ tâm thanh tịnh.
Ngoài ra, trong mùa an cư, các Phật tử tại gia cũng nên giữ tâm niệm an cư để tương thông với chư Tăng an cư; đó chính là nhịp cầu giúp cho quý vị tu học được với hàng Tăng sĩ và hưởng được thành quả tốt đẹp của các ngài.
Ngoài tâm niệm an cư, tập chúng an cư quan trọng hơn; nghĩa là họp chung với nhau để cùng tu và học. Đối với các vị Thánh La hán, có thể áp dụng pháp tâm niệm an cư. Nhưng đối với những người chưa đắc đạo thì phải tập họp lại để an cư chung, sẽ được nhiều lợi ích. Thật vậy, những Thầy mới tu nhờ tập chúng an cư mới có cơ hội học hỏi kinh nghiệm với những vị đã tu học lâu, hoặc tu học cao. Có những điều chưa hiểu hoặc thắc mắc, có thể thưa hỏi những vị cao Tăng, giúp mình học cho đúng chính pháp.
Trong đạo tràng tập chúng an cư, có Thiền chủ và Pháp sư. Thiền chủ không nói, nhưng là người tu lâu, đắc Thánh, làm trụ cột cho đại chúng hướng tâm tu hành, được thanh tịnh theo. Pháp sư thì giảng giải kinh luật luận cho đại chúng học. Nhờ tập trung an cư, đại chúng có điều kiện học hiểu giáo pháp và thực tập, trau giồi được giới, định, tuệ.
Tập chúng an cư có lợi như vậy, dành cho giới xuất gia. Phật tử tại gia được tham gia, nhưng trong giới hạn. Chúng nội Thiền dành cho người xuất gia phát nguyện cấm túc an cư. Chúng ngoại Thiền, hay ngoại hộ là cư sĩ được tham gia, được nghe những thời thuyết pháp để khai mở tâm trí. Vì vậy, mùa an cư, Phật tử nên về chùa nghe pháp. Ngày thường, quý vị chỉ tu học một ngày Chủ nhật, nhưng mùa an cư, từ thứ hai đến Chủ nhật đều có thuyết pháp giảng kinh, quý Phật tử nên tham dự học, hoặc có thể đi kinh hành, tụng kinh cùng chư Tăng. Và điều thứ ba là trách nhiệm của người ngoại hộ có điều kiện tốt về đời sống vật chất, có thể cúng dường cho các vị cấm túc an cư.
Theo tôi, quý vị vẫn cúng dường bình thường trong khả năng của mình; chứ không phải cố gắng quá, rồi nghĩ lại thấy tiếc, hoặc bất mãn là mang tội. Cúng dường với tâm hoan hỷ, thanh tịnh, nhẹ nhàng mới có phước; còn không được như vậy thì thôi, đừng cúng dường. Một số Phật tử ban đầu khởi tâm cúng dường nhiều, nghĩ rằng sẽ cúng dường trường hạ an cư mười triệu đồng; nhưng thực tế, cân nhắc lại, chỉ có thể cúng một triệu, hay một trăm ngàn đồng thôi. Như vậy, cúng dường ít, nhưng trong lòng còn muốn cúng dường nữa, là giữ được tâm tốt. Còn cúng dường hết mười triệu, rồi không còn tiền ăn, cảm thấy hối tiếc, nghĩ rằng phải chi cúng một triệu thì khỏe biết mấy ! Cúng dường với tâm như vậy là sai pháp, không được phước. Có người vay mượn tiền để cúng dường, bị chủ nợ đòi, phiền não sinh ra, là bị đọa. Phật tử không nên phạm sai lầm này.
Phật tử phát tâm cúng dường, nhưng khả năng đến đâu thì làm đến đó và cúng dường với sự hoan hỷ của những người thân trong gia đình. Phải hiểu rằng chư Tăng có phước của chư Tăng, phước lớn thì sẽ có nhiều người đến cúng dường. ChưTăng còn nhiều nghiệp ác thì ít được cúng dường, thậm chí còn bị bỏ đói. Có nghiệp thì phải chấp nhận, không thể khác và phải nỗ lực tu hành hơn nữa để vượt qua nghiệp chướng; khi thanh tịnh và có phước báu rồi, mọi việc sẽ tự động tốt đẹp.
Cuộc đời của đức Phật cũng có lúc gặp thiếu thốn, mà người ta thường nói là Phật còn bị tám nạn. Trong sách đã ghi có một mùa an cư, Phật cũng không được cúng dường. Một người chăn ngựa đã cúng cho Ngài mã mạch là gạo dành cho ngựa. Trên con đường giáo hóa độ sinh, đâu phải lúc nào đức Phật cũng đi trên thảm hoa, khi thì có vua chúa trọng vọng cúng dường thịnh soạn, cũng có lúc Ngài không có thức ăn. Nhưng đối với đức Phật, tất nhiên Ngài chẳng hề quan tâm đến việc có thức ăn hay không, vì đức Phật luôn sống với tự thọ dụng thân, còn việc ăn uống ngủ nghỉ chỉ là phương tiện để Ngài chỉ dạy cho những người còn mang thân tứ đại học tập theo mà thôi.
Trong mùa an cư còn có một điều quan trọng của Ban Hoằng pháp quy định là các giảng sư tập họp lại để trao đổi về kinh nghiệm hoằng pháp. Những vị hành đạo ở Tây nguyên, hoặc ở vùng đồng bằng, hay ở thành phố có cơ hội học hỏi lẫn nhau. Riêng tôi nhờ an cư tập chúng, tôi đã gặp được những vị tu sĩ miền Bắc, hoặc ở miền Tây. Qua sự trao đổi với họ, tôi biết được sinh hoạt Phật giáo của từng địa phương khác nhau và rút kinh nghiệm cho mình trên bước đường hành đạo.
Trong đạo tràng an cư, các vị mới tu học được nhiều điều hay với người tu trước. Các vị giảng sư có thể trao đổi kinh nghiệm hoằng pháp với những người làm công việc giảng kinh thuyết pháp. Các vị đắc quả La hán thì dìu dắt đàn hậu học.
Ngày nay, an cư kiết hạ có thể phân thành ba loại. Một là an cư tâm niệm. Cư sĩ cũng có thể theo hình thức an cư này. Hai là các Tỳ kheo đã thọ giới tập họp lại an cư để nuôi dưỡng tâm đạo và phát huy đạo hạnh. Ba là giảng sư Ban Hoằng pháp cùng an cư để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Thiết nghĩ các vị này không nhứt thiết phải an cư suốt mùa mưa. Ở Nhật Bản, tôi đã tham gia những khóa tu ba tháng, hay một tháng, hoặc chỉ một tuần; vì Nhật Bản là nước phát triển, nên thời gian sinh hoạt của họ rất quý. Vì vậy, nhiều nơi tổ chức an cư ngắn hạn, mặc dù có một tuần lễ, nhưng là một tuần tu học thật sự; một ngày chỉ được nghỉ một tiếng, 11g đêm ngủ và 12 giờ đã đánh thức dậy và chương trình tu dầy đặc. Cho nên thời gian an cư tuy ngắn, nhưng đạt được kết quả rất cao.
Ngoài ra, an cư kéo dài một tháng thì thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn một chút là ngủ được 3 tiếng. Thời gian còn lại cũng rất quý, phải sinh hoạt khít khao là ngồi Thiền hay Pháp đàm rất quan trọng. Vì mỗi người hành đạo một nơi, nên họ có nhiều điều muốn biết, nhiều điều muốn học, nhiều điều muốn trao đổi với nhau. Mô hình an cư ba tháng ở Nhật Bản rất ít có.
Còn đúng luật an cư thì không phải 3 tháng, nhưng 4 tháng; vì theo Ấn Độ, một mùa là 4 tháng, một năm có 3 mùa. Vì vậy, tu sĩ có 8 tháng hành đạo và 4 tháng cấm túc an cư. Nhưng Phật giáo truyền sang Trung Quốc, một năm chia làm 4 mùa là Xuân, Hạ, Thu, Đông; nên mùa Hạ chỉ còn 3 tháng. Ở Nhật Bản cũng an cư 3 tháng từ tháng 4 đến tháng 7. Ở Việt Namchúng ta cũng an cư 3 tháng theo Trung Quốc, không theo Ấn Độ.
Tóm lại, tinh thần an cư đã có từ thời đức Phật giáo hóa năm anh em Kiều Trần Như ở Lộc Uyển. Phải đến 12 năm sau, luật kiết hạ an cư mới chính thức được đức Phật quy định cho Tăng chúng, để bảo toàn mạng sống của các Tỳ kheo chưa đắc Thánh quả trên bước đường giáo hóa độ sinh gặp thiên tai bão lụt, cũng như để thiết lập hóa thành cho những người cần nghỉ ngơi và bồi dưỡng đạo hạnh, đồng thời tạo cơ hội cho hàng Phật tử tại gia gieo trồng căn lành với Phật pháp và nuôi lớn hạnh cúng dường, tu tạo phước báu.
HT.Thích Trí Quảng
Nguồn: http://www.chuahuenghiem.net/bai-giang/phat-phap-va-doi-song/an-cu-kiet-ha/
HT.Thích Trí Quảng
Nguồn: http://www.chuahuenghiem.net/bai-giang/phat-phap-va-doi-song/an-cu-kiet-ha/