Bạo lực, hận thù và giá trị của đời người

Ashin Thomas sinh năm 1947 tại Pennsylvania. Ông ra nhập quân đội Mỹ và tham gia chiến tranh tại Việt Nam năm 17 tuổi. Năm 1967, ông bị thương, giải ngũ và trở về nước. Ông hiện là một tu sĩ theo truyền thống Thiền Soto, Nhật Bản. Ông đã viết lại những ký ức của mình về cuộc đời, hành trình chiến đấu với nội tâm mình, hóa giải hận thù, chiến tranh, trở về với tình thương, lòng nhân ái, những giá trị đích thực của đời người.

“Trước khi tôi có được một đời sống bình an, tôi đã phải bước qua những âm thanh của chiến tranh. Tôi phải bước qua những tiếng kêu gào đau đớn của những chàng trai trẻ vừa bị bắn sắp chết. Tôi phải chứng kiến những hàng cây cao cháy rực dưới bom Na-pan. Tôi phải nghe những cậu bé tuổi 17 kêu khóc vì mất cha, mất mẹ, mất người thân yêu,…”
 
Những hình ảnh đó, trong nhiều năm, đã làm tôi không tìm được chốn bình an trong tâm hồn. Tôi hiểu rằng để có thể chữa lành những hận thù trong tâm mình tôi phải có đủ năng lực để chạm vào nỗi đau đó và nhận ra những thực tại của chúng trong cuộc đời mình. Một tiến trình không hề dễ dàng; chẳng có gì trong nền văn hóa này khích lệ tôi làm điều đó cả.
 
Hạt giống hận thù và chiến tranh
 
Tôi được rèn luyện để trở thành một kẻ gây chiến từ khi mới sinh ra, cách mà tôi được nuôi dưỡng, những thứ mà tôi được khích lệ làm là săn đuổi, giết chóc, thống trị và kiểm soát mọi thứ xung quanh. Tôi không được dạy cách trân trọng, thương yêu và làm an bình tâm hồn, mà chỉ biết bạo lực, lạnh lùng và vô cảm.
 
Tuổi thơ tôi tràn đầy bạo lực. Cha tôi là một giáo viện, mẹ tôi thì chưa từng tốt nghiệp Phổ thông. Tôi luôn phải chịu những trận đòn ác liệt của mẹ. Bà chửi bới và đánh đập tôi bất kỳ khi nào có thể. Cha tôi thì nghiện rượu, thuốc và luôn phải dùng thuốc an thần. Môi trường gia đình tôi chẳng khác gì với những gia đình xung quanh mà tôi được biết. Cha mẹ ít quan tâm tới con trẻ, gia đình đáng lẽ phải là nơi nuôi dưỡng tình thương thì lại gieo sẵn hạt giống của sân hận và chiến tranh.
 
Tôi ra nhập quân ngũ và tham gia cuộc chiến ở Việt Nam vào năm 17 tuổi. Tôi không thể hình dung nổi thực sự mọi thứ sẽ như thế nào và cha tôi cười nói rằng việc này sẽ giúp tôi trở thành một người đàn ông thực sự.
 
Nhưng cũng không lâu tôi sớm nhận ra rằng đây không phải là một lựa chọn tốt đẹp, dù vậy tôi không thể thay đổi được quyết định của mình. Tôi đã cố gắng hết mình, rèn luyện tốt nhất có thể trở thành một biệt kích với rất nhiều kỹ năng để tàn sát. Các kỹ năng của một biệt kích chủ yếu là tấn công, truy sát, không phải để tự vệ; không phải mang lại hòa bình mà là tàn sát. Tôi đã được rèn luyện như thế.
 
Bản chất việc rèn luyện của tôi là học tiêu diệt kẻ thù và trong tiến trình đó, nó đã làm tổn hại chính con người tôi. Ở tuổi 17, quân đội Mỹ đã tạo ra một con người mới trong tôi. Ở Việt Nam, tôi được giao lái chiến đấu cơ hạng nặng. Mục đích duy nhất của tồn tại là đoạt mạng sống của kẻ khác và chính tôi phải chịu trách nhiệm cho cái chết của hàng trăm người. Nhưng chiến tranh không chỉ giới hạn trong phạm vi cuộc chiến của tôi ở Việt Nam. Vẫn luôn có những cuộc chiến kế tiếp nhau trong quá khứ, hiện tại và những cuộc chiến diễn ra ngay trong đời sống thường nhật trên khắp hành tinh này. Đời sống của tôi ở trường Trung học là một hình thức chiến tranh; gia đình tôi là một kiểu chiến tranh khác.
 
Bạo lực đã ươm mầm trong tôi, trước khi tôi thực sự tham gia vào chiến tranh. Những hận thù, bất mãn, tổn thương, thất vọng và khổ đau đã được gia đình, xã hội ươm mầm trong tôi, trước khi đôi bàn tay tôi thực sự nhuốm máu. Câu chuyện của tôi có lẽ không phải là duy nhất, bởi nếu quán sát, bạn sẽ thấy nó diễn ra hàng ngày nơi các gia đình ở khắp nơi trên đất nước tôi, trên khắp thế giới ở mức độ lớn hơn và nhỏ hơn nhưng nó vẫn tiếp tục diễn ra. Chúng ta không thể có hòa bình trên trái đất này nếu chúng ta không có sự an bình trong tâm hồn. Cần phải học cách nhìn sâu vào bản chất của khổ đau, chiêm nghiệm và hóa giải nó trước khi chúng ta có thể tới được nơi chốn bình yên.
 
Vào năm 1967, tôi bị bắn hạ lần thứ năm. Phi công và cơ trưởng đã bị bắn gục, pháo thủ cũng bị thương nặng. Khi bị kẹp chặt trong chiếc chiến đấu cơ lộn nhào, tôi ngửi thấy mùi của bom xăng khét lẹt, nghe thấy đạn pháo nổ rầm vang. Tôi chắc rằng mình đã chết và nghĩ rằng mình nên chết đi. Tôi không thiết sống nữa bởi vì tôi hận bản thân mình, hối lỗi về những điều tôi làm. Nhưng chả biết vì lý do gì mà tôi đã không chết. Tôi ở trong bệnh viện 9 tháng và ở tuổi 20 tôi buộc phải rời quân ngũ. 
                                    Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Những nỗi đau trong tâm hồn
 
Trên đường trở về nhà, tôi đi ngang qua một sân bay để đổi đường bay, một phụ nữ trẻ đẹp đã tiến tới gần. Niềm kiêu hãnh là một người lính đã thúc đẩy tôi đã nghĩ rằng cô quan tâm hay muốn hỏi thăm sức khỏe của tôi nhưng khi chỉ còn cách tôi vài inches, cô ta bất ngờ đấm thẳng vào mặt tôi. Phản ứng tức thì của tôi là muốn giết chết cô ta ngay khi ấy. 
 
Tôi đã bị đe dọa, bạo lực, bị tấn công và tôi được rèn luyện để giết kẻ tấn công trong những hoàn cảnh như vậy. Nhưng tôi đã không phản ứng như vậy. Tôi tới quán bar, uống rượu và say xỉn, rồi tôi tiếp tục chìm đắm trong bia rượu trong 15 năm tiếp theo. Tôi liên tục phải dùng tới thuốc an thần liều cao bởi vì tôi chẳng có năng lực hay chút hiểu biết nào có thể chạm vào nỗi khổ đau trong tâm hồn mình. 
 
Những nỗi đau về những hành động tàn ác của mình trong quá khứ, hết bạo lực này tới bạo lực khác, cuộc chiến này tới cuộc chiến khác, tôi bị cầm tù trong những trạng thái tinh thần đó. Cuộc đời tôi toàn những hận thù, bạo lực, giết chọc; đó là cách duy nhất tôi biết để sống trên thế giới này.
 
Tôi tham gia vào phong trào phản chiến, khi ấy không phải bởi vì tôi tin vào hòa bình, mà bởi vì tôi tin rằng nếu bạn đi chiến trường, bạn hãy nên chiến đấu thật giỏi và giành chiến thắng. Nhưng suy nghĩ của tôi đã thay đổi rất nhiều kể từ đó: tôi tin rằng chúng ta không cần thiết phải tranh đấu. Thật bất thiện khi cho rằng chúng ta sinh ra làm người và thật tự nhiên khi chúng ta phải tranh đấu, rồi giết hại lẫn nhau để có tự do. Có rất nhiều con đường khác để hóa giải xung đột mà không cần tới bạo lực.

Vào đầu năm 1970, tôi bắt đầu rời nước Mỹ. Tôi cảm thấy xấu hổ là một người Mỹ và tôi không thể chịu đựng được khi bật tivi lên và nghe họ giao giảng về chiến tranh nữa. Năm 1974, tôi mua vé một chiều từ Luân Đôn tới Tê-hê-ran. Tôi không nói được tiếng nước ngoài. Tôi cũng chẳng có ý niệm Iran là thế nào, tôi chỉ biết đó là một nơi xa xôi. Vẫn bị ám ảnh bởi sự tàn ác trong đời sống đã qua của mình, tôi mong muốn có thể tìm được nơi chốn bình an, nơi sẽ chữa lành vết thương lòng. Nhưng bất kỳ nơi đâu tôi tìm kiếm, sự bình an vẫn xa vời bởi vì tôi không có biết những con đường để chuyển hóa nội tâm mình.
 
Ở Iran, tôi cũng không thể tìm được nơi chốn để hóa giải những vấn đề bạo lực và chiến tranh trong cuộc đời. Tôi chứng kiến những mật vụ Iran tới những gia đình và bắt mọi nam giới trên 16 tuổi, bỏ tù họ trong 10 năm chẳng cần xét xử. Tôi vô cùng thất vọng và sân hận khi chứng kiến những sự việc như vậy. Một hôm tài xế taxi nhất định lấy thêm 15 cent cho chuyến đi và tôi đã tức giận đấm thẳng vào mặt anh ta. Tôi đã tự đặt đời sống của mình vào sự nguy hiểm để hy vọng rằng mình chết quách cho xong bởi tôi không thể chịu đựng nổi những nỗi đau trong tâm hồn.
 
Một buổi tối cảnh sát tới và áp giải tôi đi. Họ nghi tôi là mật vụ, họ tra khảo, đánh đập và đối xử rất tàn nhẫn. Mười ngày sau, họ ném tôi ra ngoài đường phố. Tôi vẫn sống sót mặc dù tôi không thiết tha đời sống này nữa. Trong tâm tôi càng tràn đầy hận thù và muốn trả đũa những kẻ đã gây khổ đau cho mình. Tôi cũng không biết cách nào khác để đối xử với họ ngoài hận thù và trả đũa. 
 
Tôi phải vào tù thêm 2 lần nữa. Khoảng năm 1990, tôi thường tự đóng chặt cửa trong nhà, tôi sợ tiếp xúc với xã hội. Khi tôi đi ra ngoài và nhìn thấy máy bay; trong tôi lại hiện lên những hàng cây cao đang bùng cháy dưới làn bom na-pan, cậu thanh niên người Việt chạy khỏi làng và họ không thể thoát nổi trận mưa bom dữ dội. Khi tôi bước vào siêu thị, tôi không thể nhấc nổi những bó rau ra khỏi giá đựng bởi trong tôi cảm giác như có bom đặt bẫy trong đó. Tôi biết rằng không phải là như vậy nhưng bất chợt những cảm giác đó cứ xuất hiện và phải rất lâu sau tôi mới có thể trấn tĩnh được.
 
                                Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Ánh sáng trên đầu ngọn nến
 
Lần đầu tiên tôi được nghe về một thiền sư từ người phụ nữ làm công tác phục vụ ở Cambridge, Massachusetts. Bà nói vị thiền sư đã giúp chữa lành cho nhiều cựu binh. Bà không nói đó là người Việt. Sáu tháng sau, một người bạn khác nói với tôi về một buổi nói chuyện cho cựu chiến binh của vị thiền sư đó. Lần này tôi đã gọi điện xin tham dự. Tôi không biết như thế nào, chỉ là muốn đời sống khác đi, một đời sống bình yên trong tâm mà thôi. Tôi tới buổi nói chuyện này mặc dù rất sợ hãi nhưng tôi đã tới.
 
Trong quá khứ, những rèn luyện của tôi là cùng một đơn vị nhỏ 4 hay 5 người. Chúng tôi được rèn luyện cách thu thập thông tin, truy sát hay phá hủy đối phương. Nếu trong thực chiến có ai bị thương, chúng tôi được phép giết họ nếu họ làm chậm trận chiến. Tôi được học cách chống lại, bỏ qua sự sợ hãi, lạnh lùng và vô cảm trong chiến đấu.
 
Những gì tôi thâu nhận được trong buổi nói chuyện này đã hoàn toàn thay đổi cuộc đời tôi. Có rất nhiều người tham dự buổi nói chuyện này. Tôi ngồi ở hàng trên cùng. Khi vị thiền sư bước lên khán đài và ngồi xuống, tôi đã bắt đầu khóc. Tôi nhận ra trong khoảnh khắc ngài ngồi ở đó, tôi chưa từng biết một người Việt nào ngoài việc luôn coi họ là kẻ thù. Họ là kẻ thù và bởi cho họ là kẻ thù nên tôi đã không biết tiếp xúc với bất kỳ ai khác ngoài kẻ thù. Tất cả mọi người với tôi là kẻ thù. 
 
                        Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
 
Lời đầu tiên vị thiền sư này nói với tôi: “Hỡi người lính, cậu là ánh sáng trên đầu ngọn nến. Cậu đang rực sáng. Cậu còn hơn cả một tăng sĩ bởi cậu đã thực sự chạm tới nỗi đau của cuộc đời mà đức Phật đã dạy. Cậu có đủ năng lực để chuyển hóa thế giới, chuyển hóa bạo lực, chuyển hóa hận thù, chuyển hóa bất mãn và thất vọng. Cậu cần cất lời chia sẻ. Cậu cũng cần được lắng nghe bởi người lính như cậu cần được thấu hiểu. Để thấu hiểu người khác, cậu hãy mở lòng và biết đặt mình vào hoàn cảnh của người khác”. 
 
Ông đã khích lệ mọi người rằng, là con người mỗi chúng ta đều có năng lực chữa lành và làm điều thiện lành, lợi lạc cho xã hội. Nếu không biết nhận ra khổ đau và tha thứ cho bản thân mình, chúng ta sẽ mãi mãi trầm chìm trong nó và luống uổng đời sống làm người quý báu.
 
Trong suốt cuộc đời mình, tôi biết trong thâm tâm từng cố gắng nói lên những điều như vậy, nhưng mọi người lại luôn chối bỏ và chả ai lắng nghe. Họ luôn nói rằng: “Cậu là kẻ bồng bột. Tôi không có gì để chia sẻ với cậu cả”. Chẳng ai muốn lắng nghe tôi và tôi cũng vậy, tôi chưa bao giờ muốn lắng nghe, quán sát và đồng cảm với mọi người xung quanh.

Vào cuối buổi nói chuyện, tôi tiến tới vị sư ni, thị giả của thiền sư. Tôi muốn hối lỗi về những hành động tàn sát trong quá khứ của mình nhưng đã không đủ dũng cảm để nói lên những điều đó. Tôi chỉ thốt lên rằng: “Tôi thực sự muốn quay lại Việt Nam”. Vị sư ni mỉm cười và nói: “Hãy tới trung tâm của chúng tôi trước. Chúng tôi sẽ trợ giúp chú”“Nhưng tôi có thể không đủ kinh phí để tới”. “Chúng tôi sẽ giúp mua vé cho chú”. Đây có phải là những người cựu kẻ thù của tôi? Trong cuộc đời mình tôi chưa từng được ban tặng những cơ hội thiện lành như vậy.
 
Tôi tới học tập tại một cộng đồng khoảng 400 người Việt. Mọi nơi chốn trước đây tôi ghé qua đều gợn lên trong tôi ký ức khủng khiếp về chiến tranh. Tôi không đủ sức lực, thực ra là tôi không biết một con đường nào giúp mình có thể vượt qua được những ký ức khủng khiếp đó. Tôi muốn nói lên những chia sẻ của mình, nên đã tiến tới giải thích về những gì diễn ra trong tôi: “Tôi thấy những người phụ nữ Việt trẻ trong bộ trang phục truyền thống trốn chạy và tôi nhớ tới khẩu súng nhả đạn liên hồi vào làng, tôi chính là kẻ phải chịu trách nhiệm lấy đi mạng sống 30 hay 40 người”. Khi tôi nói đến đây, các nhà sư ở đó đã nói: “Quá khứ đã ở trong quá khứ. Điều quan trọng là biết sống trọn vẹn với hiện tại”.
 
Nhưng do bị ám ảnh bởi những tội lỗi mình gây nên, tôi vẫn chưa thể hiểu được những ý nghĩa thâm sâu đó. Ngày hôm sau tôi lại nói về bạo lực và chiến tranh, trong tôi dấy nên sự tức giận: “Quá khứ không phải là quá khứ cho tôi. Nó thực sự chính là khoảnh khắc hiện tại đây và nó thật ghê sợ. Tôi căm giận nó”. Vị ni sư hôm trước chỉ nhẹ nhàng: “Ồ, đúng quá khứ đã qua đi rồi nhưng nếu chú biết sống trọn vẹn với hiện tại thì quá khứ và tương lai cũng hiện diện ở đó. Cần phải học cách an định dòng tâm. Biết tin tưởng vào bản chất thiện lương nơi mình và người. Hận thù, chiến tranh rồi cũng qua đi, chỉ có tình thương, lòng nhân ái là chất liệu nuôi dưỡng tâm hồn con người, gắn kết chúng ta với môi trường và thế giới xung quanh”.
 
                                  Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
 
Giá trị đời người
 
Việt Nam không còn là kẻ thù như Claude Anshin Thomas lầm tưởng, những nơi chốn ông đã qua, những người ông gặp gỡ trong đời không còn là kẻ thù như ông lầm tưởng nữa. Hình ảnh ngọn lửa trên đầu ngọn nến đang cháy và rực rỡ, bạn trải nguồn ánh sáng xua tan màn đêm chính là hình ảnh đã giúp ông bước qua được bóng tối của cuộc đời và thức tỉnh trái tim thiện lương trong lòng. 
 
Năm 1994, ông xuất gia, tu học theo Tông phái Phật giáo Soto, Nhật Bản. Từ đó tới nay, ông đã giành nhiều thời gian để hành hương, viếng thăm nhiều nơi chốn trên thế giới, gặp gỡ rất nhiều thành phần người, chia sẻ những kinh nghiệm của mình về nuôi dưỡng tình thương, lòng nhân ái, về cách hóa giải hận thù, bạo lực trong tâm. Ông mong ước những người cha, người mẹ biết nuôi dưỡng con mình bằng tình thương yêu, những người phạm tội biết cách hối cải, xóa bỏ mặc cảm, khơi dậy những phẩm chất người nơi mình, con người biết trân quý đời sống của mình, biết sống làm lợi ích cho cộng đồng và tha nhân.
 
Tất cả mọi người đều có thể trở thành ánh sáng trên đầu ngọn nến. Ông thường trích dẫn những lời khuyên mà mình học được từ các nhà sư người Việt: “Khi đã thức tỉnh về nỗi khổ đau trong cuộc đời, con xin nguyện nuôi dưỡng tình thương và học cách bảo vệ đời sống con người, động vật, cỏ cây. Con quyết tâm không làm tổn hại, không giúp mọi người khác làm tổn hại nhau và không cho những ý niệm làm tổn hại người khởi hiện trong thân tâm”. Claude Anshin Thomas đã tìm được sự bình an trong cuộc đời.
 
La Sơn Phúc Cường (tổng hợp)
Nguồn: Finding Peace after a lifetime of war, lionroar.org; At hell’gate: a solider’s journey from war to peace, Claude Anshin Thomas.
Theo phatgiao.org.vn

Tin cùng chuyên mục