Lễ Tưởng niệm cố Trưởng lão Thích Giác Tịnh - Lần thứ 10.

Ngày 03.07.2018 (20.05. Mậu Tuất), Đại đức Thích Giác Trực, Ủy viên Ban Trị sự tỉnh, Trưởng Ban Kiểm soát Ban Trị sự GHPGVN thành phố Quy Nhơn, Trú trì Tịnh xá Ngọc Nhơn đã long trọng tổ chức Lễ Tưởng niệm cố Trưởng lão Thích Giác Tịnh – Lần thứ 10. Buổi lễ diễn ra tại Giảng đường Pháp Vân, Tx. Ngọc Nhơn, 999 Trần Hưng Đạo, P. Đống Đa, Tp. Quy Nhơn.

Buổi lễ được sự chứng minh của HT.Thích Nguyên Phước, Uv. Thường trực HĐTS, Trưởng Ban Trị sự kiêm Trưởng Ban Tăng sự GHPGVN tỉnh Bình Định; HT.Thích Nguyên Chơn, Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định; HT. Thích Giác Sơn, HT. Thích Giác Minh, Giáo phẩm Hệ phái Khất sĩ; TT.Thích Đồng Quả, P.Trưởng Ban Trị sự kiêm Trưởng Ban Nghi Lễ tỉnh, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN thành phố Quy Nhơn; TT.Thích Quảng Long, P.Trưởng Ban TTXH tỉnh cùng sự tham dự của Ni Trưởng TN. Kinh Liên, Trú trì Tx. Bửu Quang, Tuy Phước; Ni sư TN. Tùng Liên, Trú trì Tx. Ngọc Sơn, Hoài Nhơn; ĐĐ.Thích Hạnh Chơn, Trưởng Ban TT Truyền thông tỉnh, P.Trưởng Ban Thường trực BTS. GHPGVN thành phố Quy Nhơn; ĐĐ.Thích Quảng Giác, P.Trưởng Ban TTXH tỉnh, Trưởng Ban Tăng sự GHPGVN thành phố Quy Nhơn; ĐĐ.Thích Quảng Châu, Trưởng Ban KTTC tỉnh, Trưởng Ban KTTC. GHPGVN thành phố Quy Nhơn; ĐĐ.Thích Đồng Định, Trưởng Ban TT. Truyền thông GHPGVN thành phố Quy Nhơn; ĐĐ.Thích Thị Thiện, Trưởng Ban Nghi lễ GHPGVN thành phố Quy Nhơn và đông đảo chư Tôn đức Tăng Ni, Phật tử các Tự viện, Tịnh xá trong và ngoài tỉnh về dự.

 

Tại buổi lễ HT.Thích Giác Sơn cung tuyên tiểu sử cố Trưởng lão Thích Giác Tịnh, Người sáng lập Giáo đoàn II Hệ Phái Khất sĩ, Trú trì Tịnh xá Ngọc Nhơn, Tp. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

 

TIỂU SỬ CỐ TRƯỞNG LÃO THÍCH GIÁC TỊNH

Đức Trưởng Lão Thích Giác Tịnh - thế danh: Huỳnh Văn Sường. Sinh năm Mậu Thìn (1928) tại huyện Tân An, tỉnh Long An.  Thân phụ: Huỳnh Văn Hơn, Thân mẫu : Nguyễn Thị Mau. Ngài là con thứ 3 trong gia đình gồm 3 Trai và 1 Gái.

Năm 1947, Ngài gặp Tổ Sư Minh Đăng Quang trì bình khất thực tại tỉnh Long An. Hình bóng trang nghiêm giải thoát của Tổ sư đã in sâu trong tâm trí và khơi dậy chí nguyện xuất gia trong tâm Ngài. Mặc dù gia đình ngăn cản nhưng chí đã quyết nên cha mẹ đành phải chấp thuận cho Ngài xuất gia vào năm 1948, được Đức Tổ sư ban cho pháp danh là Thích Giác Tịnh. Sau 3 năm theo hầu Tổ và tu học, Ngài thọ Đại giới vào năm 1951. Từ đó Ngài luôn luôn theo Tổ hành đạo.

Sau ngày Tổ sư vắng bóng, Mồng 1 tháng 2 năm Giáp Ngọ (1954) dến tháng 8 Âm lịch cùng năm, với tam Y nhất Bát, Ngài cùng Đoàn Du Tăng hành đạo khắp nơi. Năm 1956 Đoàn Du Tăng Khất sĩ ra hành đạo miền Trung. Cuối năm 1957 Bà Nguyễn Thị Tám phát tâm cúng dường đất xây dựng Tịnh xá Ngọc Nhơn, Ngài cung thỉnh Đức Trưởng lão Thích Giác Tánh làm Chứng minh Đạo sư trong Giáo đoàn, năm sau 1958 công trình được hoàn thành. Đó là Ngôi Đạo tràng Tịnh xá đầu tiên của Giáo đoàn II tại Thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

Thời gian này Ngài cùng Đức Trưởng lão Thích Giác Tánh hành đạo miền Trung và Cao nguyên. Tịnh xá Ngọc Hội thuộc Thị trấn Bồng Sơn, tỉnh Bình Định là Ngôi Đạo tràng thứ 2 được xây dựng vào năm 1959, tiếp theo đó các Ngôi Tịnh xá khác lần lược được kiến tạo, từ Thành phố Sài Gòn – Gia Định lên Cao nguyên ra tận Quảng Trị - Đông Hà, Ngài thâu nhận rất nhiều vị đệ tử xuất gia tu học và chứng minh Qui y Tam Bảo, truyền năm giới pháp cho rất nhiều nam nữ cư sĩ tại gia.

Theo gương hạnh của Đức Tổ sư Ngài dạy chư Đệ tử xuất gia hành hạnh Tứ Y Pháp, tham thiền, nghiên cứu Kinh, Luật, Luận, lấy Bộ Chơn lý của Đức Tổ sư làm tiêu chí để tu học và hướng dẫn tứ chúng y theo hành trì. Ngài tu tập rất miên mật, từ việc làm, lời nói, cử động đều khoan thai, làm chủ trong tất cả oai nghi. Từ khi thọ Y Bát từ Đức Tổ sư, dù có nghịch cảnh gì đi nữa Ngài cũng không bao giờ rời Y Bát. Đời sống Ngài rất giản dị, thanh bần, Ngài được Đức Tổ sư giao trọng trách hướng dẫn những vị xuất gia sau này.

Với chí nguyện hoằng hóa độ sanh, Ngài không ngại gian khó đi khắp nơi hoằng dương chánh pháp, bằng hạnh trì bình khất thực, tham thiền, giảng dạy Tăng chúng và Phật tử tu học nối tiếp sự nghiệp của Tổ sư. Ngài thường dạy và nhấn mạnh về Thất Giác Chi. Đặc biệt là chi phần thứ năm “Nhớ tưởng đạo lý” và thứ sáu là “Nhất tâm đại định”.

Đức Thầy là người có nghị lực nhẫn nhục phi thường, khi gặp những nghịch duyên Ngài thầm lặng chịu đựng vượt qua không một lời than trách. Như có lần Ngài thọ trai trong công viên Thành phố Đà Nẵng, kiến đỏ bò vào bình bát, rồi bò lên mắt Ngài thành từng hàng, nhưng Ngài vẫn ngồi yên bất động. Suốt cuộc đời hành đạo, trước những lời khen chê, Ngài vẫn an nhiên tự tại. Đặc biệt là không bao giờ nói điều hay, điều dỡ của bất ai dù đạo hay đời.

Về kiến tạo Đạo tràng Ngài từng dạy chư Tăng đệ tử “Từ khi Đức Phật nhập Niết Bàn, muốn xây dựng nơi thờ phụng thì phải làm cho thật cao và tượng Phật phải thật lớn” chính từ tâm nguyện đó mà các Tịnh xá trong Giáo đoàn do Ngài chỉ đạo xây dựng đều làm cao rộng và tôn trí tượng Phật lớn.

Năm 1969 Đức Thầy trở về tu tịnh tại Tịnh xá Ngọc Nhơn, Trưởng lão Thích Giác Tánh quản lý Tăng Đoàn. Năm 1978 Trưởng lão Thích Giác Tánh viên tịch, Ngài giao quyền Trưởng đoàn cho Trưởng lão Thích Giác Định. Từ đó Ngài tịnh dưỡng tại Tịnh xá Ngọc Nhơn. Chư Tăng trong đoàn muốn đi tu núi thì Ngài dạy “Quí Sư đi tu ở đâu cũng là đất nước cỏ cây, không gì hơn và tu là niệm niệm không mê, chính tâm mình là đạo”. Năm 1995 Ngài khởi công xây dựng lại Tịnh xá Ngọc Nhơn hoàn thành vào năm 2002.

Năm 2000 Ngài thọ bệnh. Thân tuy có bệnh nhưng trí tuệ vô cùng minh mẫn, Ngài tâm nguyện làm xong Nhà Cửu huyền để có chỗ thờ phụng chư Hương linh bá tánh mới mãn nguyện. Do đó chư Tăng và Phật tử trong Giáo đoàn nỗ lực xây dựng hoàn thành nhà Cửu huyền và tôn trí thờ tự trang nghiêm vào ngày 19/2/ Mậu Tý (2008).

Khi có Tăng Ni và Phật tử đến thăm viếng, vấn an Ngài chỉ nói “Tôi già rồi, thân tứ đại đến lúc phải tan rã. Quí Sư hãy tinh tấn tu tập để giải thoát”. Trước khi viên tịch Đức Thầy nói như nhắn gởi “Tôi sắp đi rồi.” Thuận theo qui luật vô thường sinh diệt, sức khỏe Đức Thầy ngày càng yếu dần, Môn đồ pháp quyến luôn túc trực bên Ngài, thấy hơi thở Ngài yếu đồng đến hộ niệm trước 20 phút, gương mặt Ngài bình thản, hơi thở nhẹ dần rồi an nhiên thị tịch vào lúc 17g00’ ngày 20 tháng 5 năm Mậu Tý nhằm ngày 23/6/2008.  Trụ thế 81 năm, Hạ lạp 57 năm. Sau khi trà tỳ, Xá lợi của Ngài thu được rất nhiều, chia ra làm 3 phần để tôn thờ 3 nơi: 1.Tháp Phổ Chơn tại Tịnh xá Ngọc Nhơn, Tp. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định; 2.Tháp Phổ Hạnh tại Tịnh xá Tịnh xá Ngọc Trang, Tp. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa; 3.Tháp Phổ Giác tại Tịnh xá Ngọc Đăng, Tp. HCM.

Để tưởng niệm bậc ân sư khả kính, Đại đức Thích Giác Trực cung kính dâng lời cảm niệm về tinh thần hy hiến phụng sự đạo pháp, tiếp chúng độ sanh của Ngài không ngừng nghỉ, pháp âm của Ngài vẫn vang vọng mãi mãi trong lòng Tứ Chúng khắp muôn nơi. Ngài xứng danh là Như Lai Thích tử, là bậc Tôn Sư khả kính, là ngọn Đèn Thiền Tỏa Rạng cho Môn đồ Tứ chúng nương theo trên lộ trình tu học.“Gương hạnh Thầy chúng con hằng noi dấu - Lưu bóng ngàn đời công đức ân sư”.

 Đạo từ tại buổi lễ, HT. Thích Nguyên Phước tán dương về cuộc đời và đạo hạnh của cố Trưởng lão Giác Tịnh là một tấm gương sáng về tinh tấn hành trì Tứ Y Pháp và chí nguyện hoằng pháp lợi sinh. Trưởng lão là người đệ tử trực tiếp của Tổ sư Minh Đăng Quang, người đã truyền trì mạng mạch của Đạo Phật Khất sĩ từ miền nam ra miền trung, khai sơn xây dựng nhiều đạo tràng Tịnh xá và Tịnh xá Ngọc Nhơn là nơi trú trì hành đạo đến ngày viên tịch. Trưởng lão là ngọn đèn sáng cho Tăng Ni, Phật tử Hệ phái Khất sĩ noi theo. Hòa Thượng mong muốn Đại đức trú trì noi theo gương hạnh và công đức hoằng truyền đạo pháp của Trưởng lão để hướng dẫn Phật tử tu học tạo sinh khí cho đạo tràng Tịnh xá Ngọc Nhơn là một ngôi chùa tâm linh ngày càng phát triển để báo đáp phần nào công ơn Thầy Tổ đã dày công vun đắp.

Phần lễ thành tựu, chư Phật tử cung kính thiết trai cúng dường Tam Bảo cầu nguyện Giác linh Đức Trưởng lão Giác Tịnh cao đăng Phật quốc và tứ chúng tinh tấn an hòa, thiền môn nghiêm tịnh. Buổi Lễ Tưởng niệm kết thúc thành tựu viên mãn. 

 Thiện Hải/ Ban TT-TT PG Bình Định

 

Tin cùng chuyên mục