Ái là tâm yêu thích. Người đời thì yêu thích nhiều thứ nên biển ái mênh mông. Khi đã yêu thích cái gì rồi thì tâm ngày đêm tưởng nhớ, tìm mọi cách để sở hữu. Nếu đủ phước duyên sở hữu được thứ mình thích thì hạnh phúc dâng tràn, cuộc sống đẹp đẽ biết bao!
"Một thời Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ có một người Phạm chí, chỉ có một đứa con, trong lòng hết sức ái niệm, tâm ý khắng khít, chiều chuộng, nhìn hoài không chán. Bỗng nhiên đứa con mạng chung. Sau khi đứa con mạng chung, người Phạm chí ấy ưu sầu, không thể ăn uống được, không mặc áo xiêm, cũng không bôi hương; chỉ biết đi ra bãi tha ma mà khóc nhớ tưởng chỗ con nằm.
Rồi Phạm chí lang thang khắp nơi, đi đến chỗ Phật, chào hỏi xong, ngồi xuống một bên. Thế Tôn hỏi:
- Ông nay vì sao, các căn không trụ nơi tâm mình?
Phạm chí đáp rằng:
- Tôi làm sao các căn có thể an trụ nơi tâm mình được? Tôi chỉ có một đứa con độc nhất, trong lòng hết sức ái niệm, tâm ý khắng khít, chiều chuộng, nhìn hoài không chán. Bỗng nhiên nó mạng chung. Sau khi nó mạng chung, tôi ưu sầu không thể ăn uống được, không mặc áo xiêm, cũng không bôi hương; chỉ biết đi ra bãi tha ma mà khóc nhớ tưởng chỗ con nằm.
Thế Tôn nói:
- Thật vậy, Phạm chí! Thật vậy, Phạm chí! Nếu khi ái sinh thì phát sinh những sầu bi, khóc than, ưu khổ, phiền muộn, ảo não.
Phạm chí nói:
- Cù-đàm, sao lại nói khi ái sinh thì cũng phát sinh những sầu bi, khóc than, ưu khổ, phiền muộn, ảo não? Cù-đàm nên biết, khi ái sinh thì hỷ cũng sinh, tâm hoan lạc.
Thế Tôn đến ba lần nói như vậy. Phạm chí cũng ba lần hỏi rằng:
- Cù-đàm, sao lại nói khi ái sinh thì cũng phát sinh những sầu bi, khóc than, ưu khổ, phiền muộn, ảo não? Cù-đàm nên biết, khi ái sinh thì hỷ cũng sinh, tâm hoan lạc.
Lúc bấy giờ Phạm chí nghe những lời Phật nói, không cho là phải, bác bỏ, rồi rời chỗ ngồi đứng dậy, lắc đầu bỏ đi".
(Kinh Trung A-hàm, phẩm Lệ, kinh Ái sinh, số 216 [trích, lược])
Ái là tâm yêu thích. Người đời thì yêu thích nhiều thứ nên biển ái mênh mông. Khi đã yêu thích cái gì rồi thì tâm ngày đêm tưởng nhớ, tìm mọi cách để sở hữu. Nếu đủ phước duyên sở hữu được thứ mình thích thì hạnh phúc dâng tràn, cuộc sống đẹp đẽ biết bao! Có thể đây là những trải nghiệm thú vị về cuộc sống của vị Phạm chí “khi ái sinh thì hỷ cũng sinh, tâm hoan lạc” và không chấp nhận quan điểm “khi ái sinh thì buồn khổ sinh” của Thế Tôn.
Dĩ nhiên, khi yêu thích cái gì và sở hữu được nó thì hạnh phúc, hoan hỷ. Đây chính là vị ngọt của dục. Đức Phật không phủ nhận điều này. Có điều, Ngài muốn chúng ta nhìn vấn đề toàn diện và đa chiều hơn. Ngoài vị ngọt, dục còn hàm chứa sự nguy hiểm, trong kinh thường ví giống như liếm mật trên lưỡi dao, ẩn tàng bên dưới lớp mật ngọt ngào đó là tai họa đứt lưỡi. Về phương diện nguy hiểm của dục thì dường như ai cũng từng nếm trải trong đời. Vì cuộc mưu sinh, vì thỏa mãn đam mê nên người đời nhận về không ít đắng cay, nặng hơn là thân bại danh liệt, thậm chí phải đánh đổi bằng cả sinh mạng.
Quán sát sâu sắc về vị ngọt của dục, chúng ta sẽ phát hiện ra nhiều điều thú vị. Chúng tuy có đấy nhưng thật mong manh. Sau những phút giây hạnh phúc đầu tiên thì cảm xúc trở nên bình thường. Liền đó, chúng ta sẽ hướng đến những mục tiêu khác và tiếp tục rượt đuổi để nắm bắt. Ít người biết dừng lại để thưởng thức vị ngọt hiếm hoi này. Mặt khác, vị ngọt của dục rất khó tìm nhưng lại vô cùng dễ mất nên khiến bao người tiếc nuối, ngẩn ngơ, đau khổ.
Kinh qua những trải nghiệm khổ đau, người có trí thấy được sự thật rằng “ái sinh thì buồn khổ sinh”. Kể cả hỷ lạc do ái sinh cũng không ngoài khổ (theo nghĩa bất toàn, biến hoại của Dukkha). Sống tùy duyên thuận pháp, xả ly tham ái, buông bỏ chấp thủ sẽ làm giảm thiểu và chấm dứt khổ đau.