Phóng sinh, cầu siêu và oan gia trái chủ

Hỏi:

Vừa qua tôi được một người bạn dẫn đi một ngôi chùa (xin phép không nêu tên ở đây) và gặp một vị thầy. Trong cuộc trò chuyện thì thầy khuyên phóng sinh để cầu siêu cho người thân đã mất bằng cách mua 398kg cá để thả và làm lễ lạt hơi phức tạp nên tôi thưa sẽ suy nghĩ lại xem có thể thực hiện được không. Nghe vậy thì thầy đổi thái độ, có vẻ đe dọa rằng tôi mà bước ra khỏi cổng chùa là không yên với các “oan gia trái chủ” đang đứng chờ sẵn. Thậm chí thầy còn phán biết khi tôi chết sẽ đầu thai thành con gì luôn. Hiện tôi cũng khá ái ngại về những hướng dẫn của vị thầy ấy. Rất mong được quý Báo sẻ chia.

(ANH ĐÀO, phamdao...@gmail.com)

Đáp:

Bạn Anh Đào thân mến!

Hiện nay, có một số vị xuất gia thường khuyên Phật tử thực hành phóng sinh để hồi hướng công đức cầu siêu và hóa giải oan gia trái chủ. Nói chung đây là những việc thiện lành, có phước nhưng nếu nhận thức và dụng tâm không phù hợp với Chánh pháp thì có nhiều điều cần phải bàn. Vì phóng sinh, cầu siêu và oan gia trái chủ là những vấn đề có liên quan nhưng hoàn toàn khác biệt nhau.

 

Phóng sinh là một thiện pháp. Tuy nhiên phóng sinh loài gì, ở đâu, số lượng và cách thức thế nào… để thực sự cứu sống chúng sinh thì cần có trí tuệ. Chỉ định cho thí chủ phóng sinh cá, số lượng gần bốn tạ (398kg), kèm theo lễ lạt rườm rà nữa thì thật khiên cưỡng và khó thực hiện. Trong khi, muốn phóng sinh cá thật đơn giản. Ra chợ, đến hàng cá sống, mua theo khả năng, mang đến nơi chúng có thể sống, chúc phúc cho cá và ước nguyện cho bản thân xong thì thả cá. Ngay đó thành tựu phước đức phóng sinh.

Phóng sinh liên quan gì đến cầu siêu? Đức Phật dạy người chết theo nghiệp của họ tái sinh vào cảnh giới tương ưng với nghiệp. Phóng sinh tạo ra phước đức, đem phước đức đó hồi hướng cho người chết (thực sự là sống trong cảnh giới của họ), người được hồi hướng sẽ thêm phần lợi ích. Như vậy, phóng sinh chỉ là pháp hỗ trợ mà thôi. Vì thế, ngoài phóng sinh, thân nhân có thể làm bất cứ việc gì tạo ra phước đức để hồi hướng cho thân nhân của mình.

Oan gia trái chủ tạm hiểu là những chúng sinh bị mình bức hại trong quá khứ đang đeo bám để báo oán, trả thù. Cách hiểu này khá phổ biến trong dân gian thông qua những câu chuyện báo oán. Khá nhiều câu chuyện khuyến thiện dưới danh nghĩa Phật giáo lưu truyền trong đại chúng được xây dựng theo cách hiểu này. Trớ trêu là, quan niệm về báo oán theo cách hiểu này chưa phản ánh chính xác tinh thần nhân quả - nghiệp báo của đạo Phật. Tạo nghiệp giết hại thì chắc chắn bị quả báo nhưng vận hành của nhân quả - nghiệp báo bị trùng trùng duyên khởi chi phối nên không đơn thuần là tất cả người và vật có oan trái đều xúm lại hãm hại hay đòi mạng.

 

Vậy phóng sinh liên quan gì đến hóa giải oan gia trái chủ? Phóng sinh đúng pháp thì được tăng phước. Người có phước đức lớn thì oan gia trái chủ không làm hại được. Phước đức được tạo ra bằng nhiều thiện pháp chứ không chỉ riêng phóng sinh. Người Phật tử có thể không phóng sinh mà siêng tu: giữ năm giới, bố thí, cúng dường, kính tin Tam bảo, lễ Phật, tụng kinh, tọa thiền, công quả, hoan hỷ, tùy hỷ, nghe pháp, thuyết pháp, phá trừ tà kiến, phát huy trí tuệ… thì phước đức vẫn đủ đầy. Khi phước đức sung mãn rồi thì quả báo do oan gia trái chủ (và các quả báo xấu khác) vẫn xảy ra nhưng được phước đức to lớn dung hòa, chuyện lớn hóa nhỏ, chuyện nhỏ hóa không. Kinh Tăng chi bộ (kinh Hạt muối), Đức Phật đã xác quyết như vậy.

Còn việc người xuất gia mà lấy oan gia trái chủ để hù dọa khi Phật tử không chịu làm lễ phóng sinh thì hoàn toàn phi Chánh pháp. Thấy trước người ta chết tái sinh làm con gì là bậc Thiên nhãn minh. Người nói nếu biết rõ cũng không nên nói và nếu phán bừa gián tiếp thể hiện mình chứng Thánh nhằm hù dọa người với dụng tâm riêng thì nên cẩn trọng để không bị rơi vào tội Đại vọng ngữ.

Chúc bạn tinh tấn!

Tin cùng chuyên mục