Sáng ngày Rằm tháng Tư (22-5-2024), Thủ tướng Phạm Minh Chính tới chúc mừng lãnh đạo T.Ư GHPGVN và tham dự Đại lễ Phật đản với chư tôn giáo phẩm, Tăng Ni, Phật tử tại chùa Quán Sứ - Trụ sở T.Ư GHPGVN.
Cùng hiện diện tham dự có ông Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải; ông Phạm Tất Thắng, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận T.Ư; ông Hoàng Công Thủy, Phó Chủ tịch Ủy ban TƯMTTQVN; ông Vũ Chiến Thắng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, cùng các vị lãnh đạo các cơ quan T.Ư và TP.Hà Nội.
Đón tiếp phái đoàn có Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Dũng, Phó Pháp chủ kiêm Chánh Thư ký Hội đồng Chứng minh; Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Dục, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh; Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, Chủ tịch Hội đồng Trị sự; Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Ủy viên Thường trực Hội đồng Chứng minh; Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự; chư vị Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, các Ban, Viện T.Ư; Văn phòng T.Ư, lãnh đạo các Ban Trị sự các tỉnh, thành phố.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Đại lễ Phật đản Phật lịch 2568 do GHPGVN tổ chức; trân trọng chuyển lời chúc mừng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến đồng bào Phật giáo cả nước nhân Đại lễ Phật đản.
Thủ tướng nhấn mạnh đây là sự kiện tôn giáo quan trọng trong đời sống tinh thần và tín ngưỡng của đồng bào theo đạo Phật, là lễ hội văn hóa tôn giáo thế giới được Liên Hiệp Quốc công nhận.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và với tình cảm cá nhân, Thủ tướng trân trọng chúc mừng chư tôn giáo phẩm GHPGVN, Tăng Ni, đồng bào Phật tử trong và ngoài nước, cùng các đại biểu lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Thủ tướng khẳng định, ngày Phật đản là ngày lễ thiêng liêng, mang nhiều ý nghĩa đối với xã hội, đặc biệt là những người theo Phật giáo, là dịp để tôn vinh những giá trị cao đẹp mà Phật giáo mang đến cho đời sống con người, đó là tinh thần từ bi, trí tuệ, đoàn kết và phát triển bền vững, nhân văn.
Qua hàng nghìn năm kể từ khi đạo Phật được truyền vào Việt Nam, lễ Phật đản đã có sức sống văn hóa mãnh liệt trong đời sống tinh thần người dân Việt Nam; không đơn thuần có ý nghĩa tôn giáo thiêng liêng mà còn là một lễ hội văn hóa tinh thần chung của xã hội, truyền đi thông điệp về lòng yêu thương, tinh thần đoàn kết, hòa hợp cùng phát triển.
Là tôn giáo của từ bi, của lòng nhân ái và tính hướng thiện, Phật giáo ra đời vì cuộc sống của con người và cho chính hạnh phúc, an lạc của nhân loại. Trong thực hành giáo lý và cuộc sống, đạo Phật luôn đề cao tinh thần đạo và đời luôn gắn liền nhau. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, Phật giáo đã bén rễ, ăn sâu và hòa nhập vào xã hội Việt Nam, trở thành một thành tố của nền văn hóa truyền thống cao đẹp của người Việt Nam, nền văn minh, văn hiến Việt Nam.
Thủ tướng khẳng định, với tinh thần hộ quốc an dân, Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc; lịch sử Phật giáo Việt Nam luôn gắn bó mật thiết với lịch sử dân tộc trong cả quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc, của đất nước ta. Trong lịch sử hào hùng của dân tộc, nhiều vị thiền sư, danh Tăng đã hết lòng phù trợ các triều đại để xây dựng đất nước phát triển rực rỡ; trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc, nhiều nhà sư đã "cởi cà sa, khoác chiến bào" để lại những chiến công lưu danh cho hậu thế.
Dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng ghi nhận những đóng góp của các Tăng Ni, Phật tử trên nhiều mặt công tác xã hội, các hoạt động từ thiện, nhân đạo.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tặng quà chúc mừng chư tôn giáo phẩm lãnh đạo GHPGVN nhân Đại lễ Phật đản.
Thủ tướng mong muốn và tin tưởng, GHPGVN tiếp tục đạt được nhiều thành công trong công tác Phật sự và phát triển theo định hướng "Kỷ cương - Trách nhiệm - Đoàn kết - Phát triển" mà Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX đã đề ra, hướng dẫn Tăng Ni, tín đồ, Phật tử thực hiện phương châm hoạt động "Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội", đóng góp nhiều hơn nữa cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thay mặt GHPGVN, Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn cho biết cùng với Phật giáo trên toàn thế giới, Tăng Ni, Phật tử cả nước đang hân hoan chào đón Đại lễ Phật đản - Vesak với những ước muốn hòa bình và an lạc.
Theo Hòa thượng, dưới sự lãnh đạo, quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc và các bộ, ngành T.Ư, các cấp, các ngành, Đại lễ Phật đản tại Việt Nam được tổ chức trang nghiêm, trọng thể, thành tựu, khẳng định tự do tín ngưỡng trên một đất nước hòa bình, thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước. Qua đó, chúng ta cũng thấy được tinh thần đại đoàn kết, hòa hợp, dấn thân của Phật giáo Việt Nam trong phụng sự dân tộc, chúng sinh và phát triển đạo pháp một cách ổn định, trang nghiêm theo chương trình hành động và phương châm “Đạo pháp - Dân tộc và Chủ nghĩa xã hội”.
Hòa thượng mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ, quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng Tăng Ni, Phật tử thuộc GHPGVN trong các hoạt động Phật sự.
GHPGVN sẽ tiếp tục hướng dẫn Tăng Ni, đồng bào Phật tử toàn quốc thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Hiến chương GHPGVN, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì mục tiêu đất nước ngày càng phồn vinh, hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ấm no, hạnh phúc.
Tại Đại lễ, Thủ tướng Chính phủ cùng chư tôn đức cử hành dâng hương và thực hiện nghi thức Tắm Phật trong không khí hoan hỷ.