Sáng suốt trước tác động của truyền thông đối với cộng đồng Phật giáo Việt Nam

Hoằng pháp là giữ gìn cho Phật pháp được trường tồn, là phụng sự xã hội, đem lại lợi ích, an lạc và hạnh phúc cho tất cả chúng sanh. Nhưng làm sao để Phật pháp được trường tồn, Phật giáo được ổn định, hưng thịnh và phát triển? Để cho Phật giáo phát triển, chúng ta phải quan tâm, thực hiện rất nhiều thứ, nhưng nền tảng vẫn nằm ở các vị tu sĩ Phật giáo, chủ thể hoằng pháp. Tăng Ni có vai trò vô cùng quan trọng trong việc giữ gìn ngọn đèn Chánh pháp, làm cho Phật pháp hưng thịnh và phát triển.

 

 

Có lẽ chưa bao giờ như lúc này Phật giáo đang phải đối diện với rất nhiều vấn nạn như: Vấn nạn truyền thông, vấn nạn thuyết giảng sai lạc và sự chia rẽ niềm tin Phật giáo, sự chống phá, chia rẽ cộng đồng Phật tử, sự triệt hạ uy tín Phật giáo. Cơn sóng ngầm ấy nó âm ỉ từ xưa cho đến tận hôm nay nhưng chắc chắn rằng đây là quãng thời gian mà cơn sóng thần và địa chấn lớn đánh thẳng vào Phật giáo bùng phát lớn mạnh như vậy. Đối diện với những vấn đề ấy chính là sự thách thức lớn đối với Phật giáo Việt Nam. Có lẽ đã đến lúc cần nhìn lại vấn đề và cần có giải pháp để đối diện thực tế, chấn chỉnh cụ thể hơn.

1.    Vấn nạn truyền thông.


Truyền thông (Communication) là hoạt động truyền đạt ý tưởng, cảm xúc, ý định, thái độ, mong đợi, nhận thức hoặc các mệnh lệnh của đối tượng muốn truyền đạt đến các đối tượng nhận sự truyền đạt đó qua hình ảnh, âm thanh, lời nói, chữ viết, hành vi và có thể bằng các phương tiện khác, như thông qua máy móc thiết bị, điện từ… Truyền thông xã hội (Social media) hiện nay là một vũ khí lợi hại cho cả tích cực và tiêu cực, hiệu ứng của truyền thông xã hội có sức công phá lớn tác động vào đời sống con người, hoạt động của tổ chức, cá nhân. Tác động vào kinh tế xã hội, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội…


Chính vì sức công phá lớn ấy nên Phật giáo nói chung hay tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các tự viện, cá nhân chư Tăng Ni đã bị các thế lực đối lập, các tổ chức chống phá Phật giáo thậm chí chống phá thể chế chính trị tận dụng triệt để loại vũ khí lợi hại này.


Cụ thể là phương pháp “vạch lá tìm sâu”, tìm kẽ hở những phát ngôn của chư Tôn đức Giáo hội và chư Tăng Ni, các vị giảng sư; tìm những hình ảnh tiêu cực từ Phật giáo để đăng tải có định hướng, nhằm truyền đạt thông tin đại chúng để phục vụ mục đích đánh phá, chia rẽ niềm tin, chia rẽ cộng đồng Phật tử, triệt hạ uy tín Phật giáo đã được đề ra.

2.    Vấn nạn thuyết giảng


Hoằng pháp lợi sanh là công tác chiến lược mũi nhọn để phát triển Phật giáo. Hoằng pháp là giữ gìn cho Phật pháp được trường tồn, là phụng sự xã hội, đem lại lợi ích, an lạc và hạnh phúc cho tất cả chúng sanh. Nhưng làm sao để Phật pháp được trường tồn, Phật giáo được ổn định, hưng thịnh và phát triển? Để cho Phật giáo phát triển, chúng ta phải quan tâm, thực hiện rất nhiều thứ, nhưng nền tảng vẫn nằm ở các vị tu sĩ Phật giáo, chủ thể hoằng pháp. Tăng Ni có vai trò vô cùng quan trọng trong việc giữ gìn ngọn đèn Chánh pháp, làm cho Phật pháp hưng thịnh và phát triển. Cho nên trong sự nghiệp hoằng pháp, Tăng Ni phải là đối tượng được quan tâm hàng đầu. Tăng Ni tốt, Phật pháp sẽ tốt. Tăng Ni có an lạc, hạnh phúc thì mới đem được an lạc, hạnh phúc đến với cuộc đời.


Nhiều người nghĩ rằng hoằng pháp là làm cái nọ cái kia để thu hút tín đồ như tổ chức phóng sanh, làm từ thiện, mở khóa tu cho Phật tử... Những việc làm này là cần thiết nhưng nó không phải là cái gốc của sự hoằng pháp. Cái gốc của sự hoằng pháp chính là mỗi Tăng Ni đều được sống và tu học an vui trong Chánh pháp từ đó mới truyền tải chánh pháp đến quần chúng và số đông thì nghĩa của hoằng pháp mới thật sự trọn vẹn.


Gần đây xuất hiện một số vị giảng sư về chuẩn mực của phát ngôn khiếm nhã, mang tính bi hài, tính hù dọa về nhân quả làm trò cười cho thiên hạ, làm ảnh hưởng đến tính cao đẹp của Phật giáo, uy tín của Giáo hội và cộng đồng Tăng Ni. Chưa kể một số vị phát ngôn gây đụng chạm đến xã hội, đụng chạm đến tôn giáo khác, gây tổn thương cho các tổ chức và cá nhân.

Tăng Ni dấn thân vào con đường hoằng pháp, lấy việc hoằng pháp và cứu giúp người khác làm niềm vui. Điều này có thể rất tốt mà cũng có thể rất tai hại nếu như thiếu chuẩn mực và thiếu tư chất của vị giảng sư. Chia sẻ Phật pháp đúng chánh Pháp là việc không cần bàn cãi, ngược lại chia sẻ lệch lạc về Phật pháp là điều nguy hại gây bức xúc trong dư luận xã hội. Điều này thời gian qua quần chúng đều hiểu rõ sự việc đã diễn ra và làm ảnh hưởng không nhỏ đến những triết lý cao đẹp của Phật giáo.


Bên cạnh đó có một số vị giảng sư mặc dầu chia sẻ tại tự viện của mình nhưng về tư cách, oai nghi tế hạnh hình như bị xem nhẹ. Họ hướng dẫn Phật tử cách hành trì một cách sai lạc, phong cách thuyết giảng thô thiển, dung tục một cách quá trớn. Họ dùng ngôn từ mang tính thế gian, tục tĩu mà không nghĩ hậu quả của nó chính là làm ảnh hưởng đến hình ảnh đẹp của người Tăng sĩ, triết lý cao đẹp của Phật giáo. Điều này gây bất mãn cho biết bao nhiêu người, cho cả quần chúng trong xã  hội kể cả cho chư Tăng Ni và Phật tử.


Giáo hội các cấp tổ chức rất nhiều hội nghị hoằng pháp để thảo luận và đề ra phương pháp phổ biến Phật pháp trong xã hội, nhưng Giáo hội và Ban Hoằng pháp Trung ương chưa có một biện pháp chế tài nào triệt để cho vấn đề Hoằng pháp lệch chuẩn hiện nay, có chăng thì đôi khi vì tình cảm hay lòng từ bi đánh đồng rồi sự việc đâu cũng vào đấy mà không giải quyết một cách triệt để. 


Đã biết bao nhiêu sự việc xẩy ra liên quan đến Hoằng pháp thuyết giảng, liên quan đến vấn đề mê tín dị đoan, biết bao nhiêu sự việc để lại sự phẫn nộ của quần chúng và để lại rất nhiều hệ quả cho Phật giáo nhưng rồi những cá nhân liên quan ấy vẫn ung dung tự tại ngồi trên pháp tòa mà tiếp tục thuyết giảng.

3.    Hiện tượng “Sư Minh Tuệ”  


3.1.    Hiệu ứng Truyền thông xã hội (Social media)


Mạng xã hội tràn ngập hình ảnh “một vị sư” đầu trần chân đất, đắp một tấm y chắp vá từ nhiều mảnh vải được nhặt nhạnh từ đâu đó và ôm bình bát tự chế bằng ruột nồi cơm điện, đi khất thực dọc theo chiều dài con đường quốc lộ mà không xác định điểm đến đó là “Sư Minh Tuệ”. Ông nói với mọi người rằng mình không phải là Tăng sĩ của giáo hội, không thuộc ngôi chùa nào cả. Ông không nhận đệ tử, không dám làm thầy của bất cứ ai mà chỉ là người đang tập học theo lời dạy của Phật, không nhận cúng dường bằng tiền bạc, chỉ nhận thức ăn trong buổi sáng để ăn vào giữa ngày (ngọ thực), ngoài ra ông không nhận gì khác. Ông cũng không vào trú ngụ trong nhà người dân mà dừng lại ngủ nghỉ ở bất cứ nơi đâu vào cuối ngày. Gốc cây, đồng trống, nghĩa trang… đều là nơi ông có thể nghỉ qua đêm. Và khi ngủ nghỉ, ông cũng chỉ ngồi, không nằm.


Với công năng của mạng xã hội ngày nay như Facebook, Tiktok, Youtube… thì số lượng người nhìn thấy và nghe biết như vậy đã lên đến hàng trăm ngàn, có thể đến hàng triệu… Và như vậy, câu chuyện về “Sư Minh Tuệ” không dừng lại ở những ghi nhận đơn thuần về việc làm của một cá nhân, mà đã tạo ra những ấn tượng mạnh mẽ ở những người xem thấy hay nghe biết. Những ấn tượng đó là tích cực hay tiêu cực, tất nhiên là tùy thuộc vào sự hiểu biết và cảm nhận của mỗi người, không ai giống ai. Trong dư luận hiện có 03 luồng ý kiến về hiện tượng “Sư Minh Tuệ”: có ý kiến phản đối, chê trách; có ý kiến ngợi khen, tán thán và có ý kiến bày tỏ sự hoài nghi, không xác quyết.

3.2.    Quy định cở bản dành cho người xuất gia tu học.


Có thể nói rằng quyền tu tập là quyền tự do thiêng liêng cho mọi con người trên khắp hành tinh này và bất luận tôn giáo tín ngưỡng nào thì con người có quyền tu tập và hành trì mà không ai có thể ngăn cản được. Bởi ngoài nhu cầu vật chất con người cần có nhu cầu phát triển về tâm linh, phát triển về đạo đức của chính mình. Vì vậy quyền tu tập, hành đạo đức, bày tỏ chánh kiến của một con người là thiêng liêng bất khả xâm phạm.
 

Tuy nhiên mỗi tôn giáo hay nền tín ngưỡng nào trên thế giới này đều phải có quy chuẩn rõ ràng, đều có giáo điều, giáo luật để hướng con người theo tín ngưỡng và tu tập đi đến mục đích cuối cùng mà tôn giáo đề ra. Cụ thể, Phật giáo lấy giới luật làm quy chuẩn cho mỗi hành giả tu tập, lấy oai nghi tế hạnh làm khuôn thước đưa người tu tập hành thiện đến gần hơn với giới luật Phật chế định.


Một tu sĩ xuất gia theo Phật giáo trước hết phải ra khỏi nhà thế tục, cạo bỏ râu tóc, tâm hình đều khác thế tục, theo thầy học đạo, thực hành oai nghi tế hạnh và thọ trì giới pháp của Phật do các vị cao Tăng thạc đức truyền trao. Học pháp, hành pháp, gìn giữ giới luật đã thọ trì là bổn phận trách nhiệm của chính tự thân, đem đến lợi ích cho tự thân. Ứng dụng pháp, hiểu pháp và đem pháp lành ấy đến với quần chúng để lợi lạc cho số đông là bổn phận trách nhiệm của người tu sĩ Phật giáo đối với tha nhân. Ngoài ra cần phải thực hành những công hạnh lợi lạc quần sanh như phát triển đạo pháp, xây dựng cơ sở vật chất tự viện, độ chúng xuất gia, thực hành công tác an sinh xã hội giúp những mảnh đời bất hạnh, dấn thân vào đời để làm tất cả việc lợi lạc nhân sinh chính là tinh thần độ tha theo Đại thừa Phật giáo.

3.3.    Hiểu đúng về 13 pháp Đầu-đà(Dhuta)


Pháp môn tu hành thì có rất nhiều pháp môn cho ta hành trì và cần hiểu rõ các pháp môn chính là phương tiện đưa đến mục đích cuối cùng là sự giác ngộ, an lạc và giải thoát. Suốt 45 năm thuyết pháp, Đức Phật chỉ dạy rất nhiều pháp môn tu tập không nằm ngoài mục đích giúp người hành trì thực hành pháp môn nhận thức được chân lý và thấu triệt Tứ Thánh Đế. Nói như vậy, nghĩa là mục tiêu cuối cùng của mọi phương pháp Phật dạy là nhằm giải thoát khỏi khổ đau luân hồi. Ngài có khả năng quan sát căn cơ của từng đối tượng mà chỉ dạy pháp môn cho phù hợp. Đức Phật “ứng cơ thí giáo, đối chứng hạ dược”, lối thuyết giảng ấy không chỉ khế hợp chân lý “Pháp nhĩ như thị” (Pháp vốn như vậy), đồng thời còn khơi gợi “tự ngã giáo dục” (tự giáo dục), như thiên kinh vạn luận đều hướng dẫn đại chúng cách phát hiện tự tánh, tự yêu cầu, tự giải thoát. Từ kim khẩu của Phật, không có phương pháp nào là kém hơn phương pháp nào, chỉ có phương pháp tu tập phù hợp với căn tánh từng người mới là hay nhất. “Phật nói tất cả pháp, để trị tất cả tâm”.

 

Caption

 

Thời Đức Phật còn trụ thế, ngài không cấm thực hành hạnh đầu đà(Dhuta), đầu đà là hạnh tu khắc khổ để dứt bỏ các tham dục. Trong Thanh Tịnh Đạo Luận (Visuddhimagga) và một số kinh điển Nam truyền có nhắc đến 13 hạnh đầu đà (Dhutanga-niddesa) như: Hạnh phấn tảo y; Hạnh ba y; Hạnh khất thực; Hạnh khất thực từng nhà; Hạnh nhất tọa thực; Hạnh ăn bằng bát; Hạnh không để dành đồ ăn (không nhận đồ ăn sau khi đã ăn xong); Hạnh ở rừng; Hạnh ở gốc cây; Hạnh ở giữa trời; Hạnh ở nghĩa địa; Hạnh nghỉ chỗ nào cũng xong; Hạnh ngồi (không nằm).


Hạnh Đầu đà và lối tu Khổ hạnh của ngoại đạo có duy nhất một sự tương đồng: cả hai đều áp dụng kỷ luật nghiêm khắc, nhưng lại khác nhau như giữa nguồn nước tinh khiết và vũng nước dơ bẩn vậy. Hạnh Đầu đà do Đức Phật chế định để cho các tu sĩ theo đó mà giữ giới được thanh tịnh; còn đằng kia là khổ hạnh do các phái ngoại đạo đề xướng với mục đích ép xác, lầm tưởng rằng càng hành hạ thân thể càng nhiều bao nhiêu thì phần tâm linh càng được sớm giải thoát bấy nhiêu. Đầu đà là phương tiện quý báu trợ duyên cho sự thoát ly khỏi tham dục. Tu hạnh đầu đà để thành tựu Giới, tăng trưởng Định, và viên thành Tuệ. Đức Phật đã xác quyết, “hạnh đầu-đà này được ở đời thì pháp của Ta cũng sẽ được lâu dài ở đời, thiên đạo tăng thêm, ba đường ác liền giảm, Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm đều còn ở đời”.


Tuy vậy, việc thọ trì hạnh đầu đà chỉ áp dụng cho bậc xuất gia, tức là những vị đã thọ cụ túc giới, có giới thể trong sạch, phát tâm thọ trì hạnh đầu đà để viên thành công đức. Theo Giải Thoát Đạo Luận của ngài A-la-hán Upatissa, hàng cư sĩ, Phật tử tại gia chỉ có thể thọ trì tinh thần của hạnh đầu đà, ví dụ như: Học tập việc diệt trừ sự tích trữ y phục, dẹp bỏ sự ham chuộng trang sức cho đẹp bề ngoài (hạnh phấn tảo y và tam y); học tập việc diệt trừ mối tham ái về ăn uống, bỏ lối chạy đôn đáo đi tìm thức ăn ngon, ăn uống có tiết độ, đúng giờ, chẳng ăn quà vặt (các hạnh khất thực, chỉ ngồi ăn một lần, quá giờ chẳng ăn); học tập việc dẹp bỏ sự quyến luyến vào nhà cửa, trừ bỏ sự đòi hỏi cho đầy đủ mọi tiện nghi, tập tánh ít muốn và biết đủ (các hạnh liên quan đến nơi cư trú); học tập việc dứt bỏ sự lười biếng (hạnh luôn ngồi chẳng nằm).


Việc tự tập lấy các hạnh đầu đà mà không kinh qua giới đàn, không thọ cụ túc giới, không nhận giới thể trang nghiêm thanh tịnh của Phật chế, không tụng giới luật, không xin tu tập hạnh đầu đà từ các bậc tôn túc, sẽ không tác thành nên hạnh đầu đà của Phật giáo mà chỉ trở thành sự khổ hạnh của ngoại đạo.

3.4.    Từ hiện tượng “Minh Tuệ” và cái nhìn sai lạc về Phật giáo.


Khi “Sư Minh Tuệ” thực hiện bộ hành đã nhiều có luồng ý kiến cho rằng người tu sĩ phải tập theo hạnh đầu đà mới là đúng tinh thần của Đức Phật, mới thành Phật và gọi “Sư Minh Tuệ” là “Phật Minh Tuệ”. Những ý kiến đó hoàn toàn không xác đáng. Vì sao? Trong các vị đại đệ tử của Phật, chỉ có ngài Ca-diếp là hành hạnh đầu đà. Các vị còn lại, ví dụ như ngài Ananda, ngài Upali, ngài Sariputra đều không hành hạnh đầu đà. Vậy các ngài có phải là chư Thánh Tăng hay không? Chư vị Tổ sư của chúng ta đâu phải ai cũng hành hạnh đầu đà? Các Tổ thuộc dòng thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Thảo Đường, Vô Ngôn Thông, Trúc Lâm Yên Tử, Lâm Tế, Tào Động, Liễu Quán… ít nhiều đều có trú xứ, trụ trì một hoặc một số ngôi tự viện. Vậy mà các ngài vẫn là những bậc giác ngộ đáng kính, pháp các ngài giảng vẫn là chân Phật pháp.


Đạo Phật tuy không có giáo điều như các tôn giáo khác nhưng tinh thần khế lý khế cơ để phù hợp với văn hóa, phong tục tập quán của từng quốc độ là một điều cốt lõi để duy trì Phật giáo cho đến tận ngày nay. Khi du nhập vào Việt Nam, Phật giáo ít nhiều thay đổi để phát triển phù hợp căn tính của người dân nơi đây. Hình thức nhập thất mà trong đó hành giả tu tập chỉ có vật dụng tối thiểu nhất (như mùng tránh muỗi, chăn, bát, nước uống), cắt đứt mọi liên hệ với xã hội, chuyên tâm thiền định, trì niệm danh hiệu Phật, đó là ví dụ điển hình về một trong những phương pháp tu tập của chư Tổ tại quốc độ phương Đông. Phật giáo du nhập qua vùng ôn đới như các nước Tây Âu và Bắc Mỹ thì hàng đệ tử của Đức Phật có thể thực tập hạnh tam y, hạnh ở rừng trong điều kiện mùa đông lạnh giá băng tuyết chăng? 


Từ hiện tượng “Sư Minh Tuệ” dư luận xã hội đã phê phán chư Tăng ngày nay trụ tại chùa to Phật lớn không thực hành hạnh Đầu-đà như “Sư Minh Tuệ” là hoàn toàn vô căn cứ. Có người cho rằng Tăng Ni ngày nay ngồi mát ăn bát vàng…cùng rất nhiều lời miệt thị khác qua so sánh hiện tượng “Sư Minh Tuệ”. Chúng ta biết rằng ngay từ thời Đức Phật, ngài đã thọ nhận và cho phép Tăng đoàn sử dụng các ngôi tinh xá do các Quốc vương, các trưởng giả xây cất cúng dường. Câu chuyện ông Trưởng giả Cấp Cô Độc trải vàng mua đất xây dựng tinh xá Kỳ Viên để cúng dường Đức Phật và Tăng đoàn vẫn còn nguyên giá trị. Các tinh xá là nơi chư Thánh Tăng giảng pháp, tiếp nhận đồ chúng và tu tập. Theo dòng thời gian biến chuyển các đoàn du tăng phát triển cùng với những ngôi tự viện. Nếu không có các ngôi chùa, Tăng chúng ngày càng đông đảo không thể tu học, đặc biệt là ở những nơi ít rừng rậm như tại các thành phố. Không có Tăng chúng, không có giảng đường, không có cơ sở vật chất, Phật tử sẽ không nhận được pháp nhũ từ Tăng bảo. Như vậy có thể thấy ngoài mối quan hệ trong Tam Bảo, sự liên đới giữa bốn chúng đệ tử Phật là không thể tách rời trong ý nghĩa hoằng truyền Pháp của Phật. Thiết các điều kiện vật chất của thế gian cần được sử dụng để hỗ trợ Tam Bảo, duy trì đạo pháp để hướng con người đến con đường đạo đức là việc làm có ý nghĩa thiết thực.
Chúng ta cần khẳng định rằng tu tập 13 pháp đầu đà là một trong nhiều phương pháp tu tập, ai thích hợp với phương pháp tu tập nào thì tu theo phương pháp ấy mà tu tập phải phù hợp hoàn cảnh thời đại. Cái gốc của đạo là tâm bồ đề, đích đến của đạo là thoát khổ, đường đi đến đạo nhanh hay chậm do công phu trì giới, tu định, chứng tuệ. Còn chấp lấy một phương pháp cho rằng đó là phương pháp duy nhất đạt đến quả vô sanh. Như vậy là lìa khỏi trung đạo và sa vào cực đoan.


Đức Phật đã từng tu khổ hạnh suốt 6 năm đến mức sức khỏe lụi tàn như ngọn đèn cạn dầu mong manh trước gió và suýt phải bỏ thân mạng. Sau đó ngài nhận ra sự khổ hạnh chẳng phải con đường giải thoát khỏi khổ đau. Và ngài tìm thấy một lối đi tránh cả hai cực đoan của thế gian: Không chạy theo ngũ dục và cũng không hành hạ bản thân. Con đường Trung đạo mà Phật dạy dựa trên sự cân bằng của thân và tâm, không triệt tiêu khoái lạc và khổ hạnh mà kiềm hãm, hạn chế tối đa sự thèm khát hoặc ép xác. Thực hành con đường Trung đạo để nhận thức về thế giới: Lìa bỏ sự chấp thủ cho rằng thế giới là tất cả đều có (thường), hay thế giới này tất cả đều không (đoạn).


Đức Phật đề cao việc thực hành Trung đạo và cần đi theo Thánh đạo Tám ngành tức là chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định và chánh tuệ. Sự tu tập viên mãn theo con đường này sẽ giúp hành giả khám phá ra cái khổ, nguồn gốc cái khổ và khi khổ diệt, Niết bàn hiện tiền.


Còn những hý luận của thế gian nhằm phủ nhận, hạ bệ giá trị của Đạo Phật, của Tăng đoàn, thực sự không đưa lại lợi lạc trên con đường tu tập của chúng ta. Đối với các hý luận ấy, chúng ta nhận rõ đó là do vọng tưởng của con người: chấp pháp còn khổ, huống hồ là chấp vào điều phi pháp. Người có chánh kiến và đủ niềm tin vào giáo pháp của Phật sẽ bỏ qua những hý luận qua hiện tượng “Sư Minh Tuệ”.

3.5.    Quyền tự do tôn giáo, quyền tu tập và hệ thống pháp luật về tôn giáo.


Chúng ta biết rằng tôn giáo thì có giáo điều, Phật giáo thì có giới luật do Phật chế định và tổ chức tôn giáo thì phải có giáo luật quy định để hoàn thiện tổ chức và xây dựng con người trong tổ chức theo một quy chuẩn trật tự nhất định. 


Cũng vậy bất cứ một quốc gia nào cũng có hệ thống pháp luật rõ ràng để ổn định xã hội và mỗi công dân của đất nước nào đều phải tuân thủ Hiến pháp và hệ thống pháp luật. Tại Việt Nam Chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước được cụ thể hóa, xin sơ lược một vài điểm sau:


- Các tôn giáo được hoạt động tự do trong khuôn khổ của hiến pháp, pháp luật của Nhà nước.


- Một tôn giáo muốn hoạt động phải đáp ứng đủ các tiêu chuẩn theo quy định như: có tín đồ tự nguyện tin theo, có giáo sĩ hướng dẫn việc đạo, có tôn chỉ, mục đích hoạt động không trái với pháp luật Nhà nước Việt Nam; có hệ thống giáo lý, giáo luật phù hợp; có nơi thờ tự đảm bảo vệ sinh, an toàn; không hoạt động mê tín dị đoan làm tổn hại đến tinh thần, vật chất, sức khỏe của tín đồ và làm ảnh hưởng đến những quyền cơ bản của người khác và phải đăng ký hoạt động với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. 


Những tổ chức không đáp ứng được những yêu cầu trên đều không được hoạt động. Đây là quy định đối với những tổ chức tôn giáo, còn tín đồ hoàn toàn tự do sinh hoạt tín ngưỡng tại gia đình hoặc nơi thờ tự hợp pháp.


- Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt có tôn giáo hay không. Nhà nước Việt Nam xử lý bằng pháp luật đối với bất kỳ một công dân Việt Nam nào vi phạm pháp luật, bất kể công dân đó theo tôn giáo hay không theo tôn giáo; xử lý bằng pháp luật mọi hành vi lợi dụng, mạo danh tôn giáo để gây rối trật tự xã hội, làm phương hại đến an ninh quốc gia, tổn hại tinh thần vật chất, sức khỏe của công dân.


- Các tôn giáo ở Việt Nam được Nhà nước khuyến khích tham gia các hoạt động từ thiện, giáo dục, nhân đạo theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

 

- Các tôn giáo được mở trường đào tạo chức sắc, nhà tu hành, được cử người đi đào tạo ở nước ngoài.


Hệ thống pháp luật về tôn giáo trước đây áp dụng Nghị định 92/2012, đến năm 2018 thì luật tín ngưỡng tôn giáo có hiệu lực và áp dụng cho đến nay. Chính sách của Đảng nêu rõ tại Nghị quyết số 25 của Hội nghị Trung ương 7 khóa IX (2003) về công tác tôn giáo khẳng định rõ ràng nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do, tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường đúng pháp luật. 


Chính sách của Đảng và hệ thống pháp luật về tôn giáo luôn tôn trọng và đảm bảo quyền do tín ngưỡng tôn giáo và tự do không tín ngưỡng tôn giáo của công dân. Tuy nhiên mọi cá nhân và tổ chức hoạt động tín ngưỡng tôn giáo phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; có nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; gìn giữ độc lập, chủ quyền quốc gia. Những hoạt động tôn giáo ích nước lợi dân, phù hợp với nguyện vọng và lợi ích chính đáng, hợp pháp của tín đồ được đảm bảo. Những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo được tôn trọng và khuyến khích phát huy. Mọi hành vi lợi dụng tôn giáo để làm mất trật tự an toàn xã hội, phương hại nền độc lập dân tộc, phá hoại chính sách đoàn kết toàn dân, chống lại nhà nước, gây tổn hại các giá trị đạo đức, lối sống, văn hóa của dân tộc, ngăn cản tín đồ, chức sắc các tôn giáo thực hiện nghĩa vụ công dân đều bị xử lý theo pháp luật. 

3.6.    Vai trò quản lý điều hành của Tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam.


Từ ngày thành lập Giáo hội đến nay hơn 40 năm, tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam hình thành trên ý chí và nguyện vọng của Tăng Ni, tín đồ Phật tử cả nước. Đó chính là sự hợp nhất từ 09 hệ phái để thống nhất ý chí và hành động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức nhưng luôn tôn trọng tính đặc thù và pháp môn tu hành của từng hệ phái.


Vai trò của Giáo hội là quản lý chư Tăng Ni và điều hành mọi hoạt động Phật sự của toàn hệ thống Giáo hội, bao gồm cả các tự viện và chư Tăng Ni thông qua Hiến chương và các Quy chế của các Ban, Viện; Quy chế cho Giáo hội cấp địa phương, đặc biệt là phải tuân thủ quy định của pháp luật. Trong quản lý bao gồm cả quản lý về hệ thống tổ chức và quản lý về con người của tổ chức Giáo hội.


Qua hiện tượng “Minh Tuệ” một số dư luận đã phủ nhận vai trò quản lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, vai trò của thầy Bổn sư đối với người xuất gia điều này hết sức lệch lạc. Họ cho rằng “tu mà cần gì Giáo hội, cần gì thầy nào cho phép, muốn tu thì tự tu cần gì chùa”. Như chúng ta biết một người phát nguyện xuất gia học đạo hiện nay đều phải tuân thủ đúng quy định như: Có đơn phát nguyện xuất gia tự tay mình viết và ký; đơn bảo lãnh của Bổn sư(trụ trì một ngôi chùa hợp pháp); lý lịch về nhân thân; có giấy xác nhận tình trạng hôn nhân hoặc giấy phán quyết của tòa án khi đã ly hôn; trường hợp có vợ hoặc chồng rồi mà chưa ly hôn thì buộc phải có sự đồng ý thuận tình xuất gia của vợ hoặc chồng; trường hợp dưới 18 tuổi phải có sự đồng ý của cha mẹ; có giấy chứng nhận sức khỏe, có căn cước công dân.


Sau khi hoàn tất các thủ tục thì Giáo hội cấp huyện chấp thuận và đề nghị Giáo hội cấp tỉnh cấp chứng nhận xuất gia lúc đó người xuất gia này chính thức là thành phần của Giáo hội, do Giáo hội quản lý về pháp nhân tu hành.


Còn dựa trên tinh thần giới luật là nguyên tắc không thể phủ nhận đó là một người phát tâm xuất gia tu học thì phải chịu sự quản lý, dạy dỗ của Thầy Bổn sư. Từ khi vào chùa tu học thầy Bổn sư là người xem xét về tư cách và đạo hạnh, nếu thấy được mới cho cạo tóc xuất gia và Giáo hội cũng quy định rõ ràng rằng từ khi xuất gia tu học phải đủ 2 năm mới được thọ trì giới Sa-di hay Sa-di Ni nếu có hạnh tu tập chuẩn mực. Cũng theo đó mà từ khi thọ Sa-di giới đến khi thọ Tỳ-kheo giới cũng phải có tư cách oai nghi và hội đủ 2 năm và phải đủ 20 tuổi đời.

Bổn sư là người nâng đỡ dìu dắt trong đời sống xuất gia tu học nhưng việc thọ trì giới pháp làm vị Sa-di hay thầy Tỳ-kheo phải đúng pháp, phải do các bậc Tôn túc lập giới trường truyền trao đúng theo tinh thần giới luật Phật chế định. Đó chính là truyền thống có từ thời đức Phật mà không ai có quyền phủ nhận được. Từ xưa đến nay không một ai tu tập trong Phật giáo mà bỏ qua bước xuất gia học đạo, thọ trì giới pháp, chịu khổ luyện trong một thời gian dài mới trở thành thầy Tỳ-kheo. Truyền thống của Phật giáo là vậy và duy trì mãi trong hàng ngàn năm qua chứ không phải do Giáo hội Phật giáo Việt Nam tự quy định. Như ngài Lục Tổ Huệ Năng mặc dầu đã chứng đạo nhưng vẫn phải tìm thầy xuất gia và thọ trì giới pháp là một ví dụ cho chúng ta dễ hiểu hơn.


Quay lại với vấn đề tu sĩ có quyền tu hành là điều bất khả xâm phạm. Nhưng là tu sĩ anh cũng cần phải tuân thủ giới luật, tuân thủ truyền thống của tôn giáo anh đang tu tập. Và đặc biệt tu sĩ anh cũng phải làm tròn trách nhiệm của một người công dân, tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành. Anh có quyền tự do tu tập, tự do bày tỏ tín ngưỡng mà không đúng quy định, không tuân thủ pháp luật thì hiển nhiên anh trở thành kẻ vô chính phủ hay sao?


Nền đạo đức của tôn giáo được xây dựng trên tinh thần giới luật, sự ổn định trật tự xã hội được xây dựng trên pháp luật hiện hành. Dù là một tu sĩ bình thường hay một chức sắc lãnh đạo tối cao của Giáo hội cũng phải tuân thủ pháp luật. Không ai có quyền tự cho mình là tu sĩ nên muốn làm gì thì làm, không ai dám đụng đến mình cả. Tự do lập đạo, tự do bày tỏ tín ngưỡng, tự do tu hành bất cứ đâu, ở nơi nào dù là ngoài đường, nơi công cộng là hoàn toàn trái với pháp luật quy định.


Cũng đừng biện minh rằng tôi tu hành không cần thầy Tổ, không cần Giáo hội công nhận, tôi chỉ lấy giới luật làm thầy của tôi thôi. Đúng, lấy giới luật làm thầy là đúng lời Phật dạy, không ai phủ nhận điều đó cả. Nhưng hãy nhớ kỹ rằng, giới luật trong Phật giáo chính là sự truyền trao từ thế hệ này qua thế hệ khác, sự truyền trao ấy từ người có giới luật, có đạo hạnh và phải đúng pháp mà trong luật quy định. Tất cả chúng ta đều phải có lòng khát ngưỡng thọ trì giới pháp và cầu sự truyền thọ của các bậc giới đức. Phủ nhận vai trò của Thầy Tổ, vai trò của Giáo hội; phủ nhận việc xuất gia, thọ trì giới pháp chính là đi ngược với truyền thống đạo đức Phật giáo.


Dù tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam hay bất cứ tổ chức Giáo hội nào cũng đều phải y cứ vào giới luật của Phật chế định mà hình thành. Những quy định trong Hiến chương, Quy chế đều không lìa Giới luật Phật chế định mà ban hành. Vì vậy Giáo hội Phật giáo là một tổ chức hợp pháp duy nhất hiện nay có vai trò quản lý và điều hành mọi hoạt động của chư Tăng Ni và hoạt động Phật sự hiện nay.

4.    Sự triệt hạ uy tín, chống phá và chia rẽ cộng đồng Phật giáo.


Xuyên suốt thời gian dài cộng đồng Phật giáo bao gồm cả Tăng Ni, tín đồ Phật tử là một thành phần trong khối đại đoàn kết vững chắc của dân tộc. Chư Tăng Ni, tín đồ Phật giáo luôn tích cực chung tay, phấn đấu để xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh, xây dựng Giáo hội ngày càng phát triển. Chính sự gắn kết Phật giáo nói chung, cụ thể là Giáo hội Phật giáo trong khối đại đoàn kết dân tộc đã, đang góp phần tạo nên sức mạnh chung của toàn dân tộc, là động lực giúp đất nước vượt qua những khó khăn, thách thức để hội nhập và phát triển. Điều này cũng trở thành tâm điểm cho một số phần tử cảm thấy không thích mà tìm cách chống phá, triệt hạ uy tín của Phật giáo.


Những thế lực chống phá Phật giáo luôn đứng ngoài những xu hướng đồng hành, gắn kết với dân tộc Việt Nam của Phật giáo. Có thể một bộ phận chống phá Phật giáo còn có những động cơ riêng mà chi phối, điều khiển có những hành vi gây chia rẽ Phật giáo, tạo ra những xáo trộn, mâu thuẫn từ bên trong và làm tiền đề chống phá ở mức độ cao hơn, nguy hiểm hơn. Vấn đề tôn giáo là vấn đề nhạy cảm, lợi dụng vấn đề tôn giáo hòng gây chia rẽ chính tôn giáo đó, chia rẽ giữa người theo Phật giáo và người không theo Phật giáo hoặc trong cộng đồng Phật giáo. Nhận diện rõ vấn đề này, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn tại sao truyền thông xã hội hiện nay chính là mục tiêu và vũ khí lợi hại nhất để chống phá và chia rẽ Phật giáo, phủ nhận vai trò của Giáo hội.

Những năm qua, trước sự tàn phá của thiên tai, dịch bệnh, nhất là đại dịch COVID-19, Phật giáo đều đồng hành, chung tay ứng phó, khắc phục hậu quả xảy ra. Rất nhiều hình ảnh các Tăng Ni, Phật tử không quản ngại khó khăn, vất vả, nguy hiểm đến các vùng tâm dịch, vùng thiên tại để hỗ trợ người dân…Những sự cống hiến cho xã hội của Phật giáo vô số kể nhưng truyền thông không nhắc đến, ngược lại những hình ảnh tiêu cực về Tăng Ni và những phát ngôn tiêu cực thế lực chống phá Phật giáo luôn chớp lấy thời cơ và dùng truyền thông xã hội làm sức công phá.


Để tạo ra sự đối lập, gia tăng các mâu thuẫn, bất đồng, chúng đã triệt để khai thác những vấn đề tồn tại trong lịch sử, bịa đặt, xuyên tạc về quá trình hình thành, phát triển của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Chúng sẵn sàng xúc phạm danh dự, nhân phẩm của một số nhà lãnh đạo Phật giáo đóng vai trò tập hợp, quy tụ chức sắc, tín đồ Phật giáo trong nước và miệt thị đường hướng phục vụ “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”. Chúng xuyên tạc rằng, đó là tinh thần lệ thuộc Nhà nước của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. 


Qua hiện tượng “Sư Minh Tuệ” ôm nồi cơm điện bộ hành là cơ hội để so sánh, thậm chí có người còn lạm dụng những từ ngữ nặng nề. Những lời chỉ trích, lập luận cho rằng chỉ có “Sư Minh Tuệ” là tu đúng chánh pháp mà thôi. Không lẽ nào hàng chục ngàn Tăng Ni đang ở trong các chùa, tịnh xá, tu viện kia không tu theo chánh pháp? 


Người học Phật, hành pháp Phật, người có cảm tình với đạo Phật cần lưu ý rằng: Hình ảnh “Sư Minh Tuệ” có thể khiến chúng ta kính trọng vì ông ấy mạnh dạn coi nhẹ tấm thân mình mà hành bộ. Cũng cần lưu ý rằng, “Sư Minh Tuệ” đã âm thầm bộ hành một số lần trong nhiều năm qua chứ không phải chỉ là bây giờ. Và chúng ta cũng cần hiểu rõ chánh pháp của Phật cũng không chỉ riêng pháp việc khất thực hay tu theo hạnh đầu đà… Còn có rất nhiều pháp môn khác được chỉ bày trong kinh điển, mà với bất cứ pháp môn nào mà chỉ cần người hành trì thực sự chuyên tâm tu tập cầu giải thoát, chắc chắn người Phật tử thành tín sẽ hết lòng kính ngưỡng, tôn trọng. 


Rất nhiều người ngợi khen “Sư Minh Tuệ” nhưng kèm theo đó là so sánh và chỉ trích, phê phán chư Tăng Ni hiện nay. Sử dụng hình ảnh “Sư Minh Tuệ” để so sánh với những hình ảnh tiêu cực từ phát ngôn, phong cách của một số Tăng Ni, vô tình chúng ta đã tạo ra một sự đối lập, tương phản giữa hai bên, và như vậy là lôi kéo tín đồ Phật giáo vào vòng thị phi tranh cãi đó chính là sự chia rẽ cộng đồng Phật giáo thành công của thế lực ẩn mình. 


Theo một chiều hướng khác, nhiều người lại ca tụng “Sư Minh Tuệ” như một vị thánh sống, là Phật Di-lặc ra đời… Đây là một sự sai lầm, lệch hướng nghiêm trọng. “Sư Minh Tuệ” nói rằng mình đang “tập học” thì sự tôn xưng thái quá không phải là yêu “Sư Minh Tuệ”, mà thực sự đang vô tình gây khó cho ông. Chỉ một thời gian ngắn sau khi “hiện tượng thầy Minh Tuệ” tràn ngập trên các trang mạng xã hội, nhiều hệ quả khác nhau đã phát sinh, khi các Youtuber, Tiktoker, Facebooker gần như liên tục đưa lên những hình ảnh, câu chuyện về ông, thì những ảnh hưởng rộng khắp mới bắt đầu phát sinh theo nhiều chiều hướng khác nhau.


Chúng ta cần biết rằng những hành giả Phật giáo có sự thực hành giống như “Sư Minh Tuệ” cũng rất nhiều. Ở các nước theo truyền thống Nam tông, các vị Tỳ-kheo đều nghiêm túc duy trì truyền thống khất thực mỗi ngày, ngay cả khi họ tu tập cố định ở một trụ xứ, người thực hành viễn du để tu tập cũng không ít. Tại Thái Lan, các hành giả tu tập theo truyền thống Thiền trong rừng (Forest Tradition) của ngài Ajahn Chah cũng có nếp sống vô cùng khắc khổ, thiếu thốn nhiều tiện nghi nếu so với cuộc sống của người bình thường. Người Phật tử ở những nơi đó tuy tôn kính các vị nhưng không “bộc phát” thành một hiện tượng quá ồn ào như ta vừa chứng kiến.


Phải khẳng định hiện tượng “Sư Minh Tuệ” chính là cơ hội để các thế lực chống phá, chia rẽ cộng đồng Phật giáo chớp lấy thời cơ tận dụng một cách triệt để qua truyền thông xã hội.

5.    Những trăn trở của Phật giáo trong thời hiện đại.


Hàng đệ tử xuất gia ứng dụng giới luật và hành trì như thế nào để phù hợp với thời đại là vấn đề cần làm rõ. Chúng ta biết rằng giới luật chính là khuôn vàng thước ngọc trong Phật giáo để người tu tập đạt đến sự giải thoát. Việc đức Phật chế định trong giới luật “盡 形 壽 不 得 捉 持 生 像 金 銀 寶 物- tận hình thọ bất đắc tróc trì sanh tượng kim ngân bảo vật” (vị Tỳ-kheo suốt đời không được cất giữ tiền, vàng, vật quý) là điều không ai có thể phủ nhận. Thế nhưng, liệu điều giới này phải được vận dụng như thế nào trong thời đại hiện nay thì quả thật không dễ.


Nếu nói rằng đã là giới luật là nhất thiết phải y theo, thì chúng ta cũng phải thừa nhận ngay là hầu như mọi sinh hoạt Phật giáo cho việc hoằng pháp lợi sanh, đóng góp cho cộng đồng xã hội trong hiện tại sẽ hoàn toàn tê liệt. Tuy nhiên, theo chiều hướng ngược lại, thì người tu hành cần phải hiểu rõ tất cả vật chất chỉ là phương tiện để hành đạo nếu không thì sẽ dễ dàng dẫn đến sự lạm dụng niềm tin của tín thí, dẫn đến sự phóng túng buông thả và thậm chí là sa đọa trong nếp sống của người Tăng sĩ. Nói như vậy cũng không phải là quá lo xa, mà thật ra là đang đề cập đến những gì đã và đang diễn ra trong giai đoạn gần đây. Và đây là một nỗi buồn rất lớn cho mọi người Phật tử, cho tương lai đạo pháp.


Qua hiện tượng “Sư Minh Tuệ”, nhiều Phật tử đã phản ứng bằng cách không tiếc lời chê bai, công kích hoặc châm biếm những kẻ sa đọa mà họ gọi là “ma tăng”, sử dụng tiền cúng dường của tín thí cho cuộc sống xa hoa của riêng mình. Những phê phán của họ có thể là không sai từ một bộ phận nhỏ nào đó trong hàng Tăng sĩ. Và đây cũng là một nỗi buồn lớn cho Phật giáo, khi hình ảnh cao quý của chư Tăng bị hoen ố bởi chính những người đang giữ trọng trách hoằng truyền lời Phật dạy.


Hình ảnh “Sư Minh Tuệ” xuất hiện vào lúc này khiến người ta so sánh hạnh buông xả, hạ thấp mình, hạ thấp mọi nhu cầu vật chất của bản thân xuống đến mức tối thiểu với những lời thuyết giảng mang tính hù dọa, những tư cách của một vị giảng sư thiếu oai nghi tế hạnh nói nói cười cười với những lời phi pháp. 


Nhưng chúng ta vẫn tin tưởng rằng ở đâu đó trên đất nước này, có rất nhiều những vị Tăng, Ni với đạo tâm kiên cố và tấm lòng thiết tha với đạo pháp đang âm thầm tu tập như vậy, nhưng ít người biết đến. Cho dù các vị ấy không thuyết pháp, nhưng những Phật tử xung quanh cũng sẽ luôn được thấm nhuần pháp vị, và chắc chắn là niềm tin vào Tam Bảo của họ sẽ ngày càng kiên cố hơn. Tuy nhiên, với sự chuyên tâm tu tập đúng chánh pháp và học hỏi kinh điển thì chắc chắn là bất kỳ điều gì các vị nói ra sau đó cũng đều sẽ là chánh pháp.


Chúng ta vẫn tin tưởng rằng ở đâu đó trên đất nước này, có rất nhiều những vị Tăng, Ni đang tu tập và hướng dẫn Phật tử đúng chánh pháp. Họ nhập thế để làm lợi ích cho đời, cứu giúp biết bao mảnh đời bất hạnh trong xã hội. Làm đẹp cho đạo, cho đời xứng đáng là hàng sứ giả Như Lai và chúng ta có quyền tin tưởng vào họ để cùng tu tập chuyển hóa bản thân mình.

6.    Giải pháp nào cho cộng đồng Phật giáo hiện nay:


Đối mặt với cơn khủng hoảng truyền thông, vấn nạn thuyết pháp, một số tiêu cực của nội bộ hiện nay. Bên cạnh đó những thế lực ẩn mình luôn tìm cách chia rẽ cộng đồng Phật giáo, chống phá Phật giáo, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay quả là một vấn đề thách thức lớn cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam và cộng đồng Phật giáo Việt Nam.


Thiết nghĩ đã đến lúc Giáo hội Phật giáo Việt Nam và các Ban chuyên môn trực thuộc Giáo hội cần có những quy định, những biện pháp chế tài chặt chẽ theo đúng tinh thần Giới luật và giáo luật, cụ thể:


-    Loại trừ dứt điểm việc tổ chức hay triển lãm những sự kiện Phật giáo mang tính truyền bá mê tín lệch lạc với chánh pháp của Phật giáo.


-    Kiên quyết chế tài đối với các vị thuyết giảng sai lạc Phật giáo, có tính hù dọa, gây ngộ nhận và bất mãn chia rẽ cho quần chúng.


-    Đặt rõ tiêu chuẩn cho người thuyết giảng tối thiểu phải có oai nghi tế hạnh chứ không phải lên ngồi nói nhăng nói cuội, nói xàm thậm chí nói tục tĩu gây mất hình ảnh đẹp của Phật giáo trong quần chúng.


-    Về công tác Tăng sự cần quy định chặt chẽ và cụ thể cho các vị trụ trì khi nhận người vào xuất gia tu học. Căn cứ đúng quy định của giới luật mới cho thọ giới đúng theo lộ trình của người xuất gia, đặc biệt công tác khảo thí tuyển trạch giới tử cần làm kỹ lưỡng hơn, không chỉ làm bằng hình thức.


-    Công tác truyền thông cần định hướng cụ thể, xiển dương tinh thần “ẩn ác dương thiện”, kết hợp với các cơ quan truyền thông quốc gia một cách rõ ràng cụ thể trong các thông tin về Phật giáo, về Tăng Ni.


-    Quy định và chế tài về những phát ngôn của các vị chức sắc trong Giáo hội.


Đối với Tăng Ni hiện nay khi đối diện với với những gì đang diễn ra cũng là một thách thức lớn cho đời sống tu tập và hành đạo. Vai trò của chư Tăng Ni mang sứ mạng hoằng truyền đạo pháp dù bất cứ hệ phái nào đi nữa thì trọng trách của chư Tăng Ni chính là chủ thể để làm đạo pháp ngày càng sáng tỏ hơn. Tất cả Tăng Ni ai cũng mang trong tâm mình hoài bão xuất gia tìm cầu sự an lạc, giải thoát mọi khổ đau ràng buộc ngay từ ngày đầu mới phát tâm xuất gia học đạo. Nhưng giữa một xã hội phát triển vũ bão này đôi khi làm chúng ta quên mục đích ban đầu của người phát nguyện làm đệ tử Phật.


Tôi còn nhớ từng đọc một báo với tựa đề là “Xã hội cần gì ở Phật giáo?”. Xin thưa, xã hội có lẽ cần rất nhiều thứ ở Phật giáo: Cần một nền đạo đức chuẩn mực, một đời sống tâm linh đúng nghĩa giữa cái ngột ngạt của xã hội hiện đại; cần Phật giáo dấn thân làm từ thiện; cần Phật giáo đem sự bình an cả khi sinh và khi tử; cần Phật giáo dạy đúng về nhân quả; cần Phật giáo truyền bá đúng chánh pháp... 


Thiết nghĩ, chúng ta cũng cần tự đặt cho mình câu hỏi “Tăng Ni cần gì khi đi tu?”. Và chúng ta ai cũng biế tự trả lời rằng mục đích đi tu là để tìm cầu giác ngộ giải thoát, Phật giáo chủ trương phục vụ chúng sanh, có nghĩa là đem giáo pháp để giúp người ta tu hành, làm lợi ích cho số đông nghĩa là hành hạnh Bồ Tát. Nhưng Tăng Ni muốn đem giáo pháp để lợi lạc chúng sanh thì trước hết chúng ta phải thật sự cảm nhận được lợi lạc từ giáo pháp. Bản thân chúng ta phải thực sự sống và trải nghiệm trong giáo pháp mới có thể đem giáo pháp ấy đến cho quần chúng, cho số đông được.


Trọng trách của chư Tăng Ni là lớn lao lắm, bởi Phật pháp duy trì hàng ngàn năm nay đều nhờ vào hàng Tăng Ni hoằng hóa. Hơn bao giờ hết nay rất cần nền đạo đức xã hội để cân bằng với sự phát triển vũ bão này. Rất cần lắm ở chư Tăng Ni làm biểu tượng, làm điểm tựa cho quần chúng Phật tử và những người có cảm tình với Phật giáo. Hàng ngàn năm qua vai trò của chư Tăng Ni đã làm rất tốt và hơn bao giờ hết ngay lúc này và tương lai về sau tất cả chư Tăng Ni sẽ giữ gìn và phát huy vai trò của mình tốt hơn nữa.


Đối với người Phật tử tại gia là một trong bốn chúng đệ tử Phật cũng đóng một vai trò quan trọng. Nhưng giữa sự nhiễu nhương của thị phị này chúng ta rất đau lòng khi nhìn thấy Phật tử đã rời xa chánh kiến, rời bỏ niềm tin vào triết lý đạo đức Phật giáo. Cũng không thể trách được vì Phật tử hiện nay cũng đang phải chịu sự tác động của truyền thông quá lớn. Họ đã tiếp nhận quá nhiều nhiều thông tin tiêu cực từ Tăng Ni, từ nội bộ Phật giáo trong suốt nhiều năm qua. Nhưng nếu là người con Phật đúng nghĩa, tôi tin tưởng rằng với niềm tin vững chức, có chánh kiến, có trí tuệ nhận biết để suy xét kỹ lưỡng thì chắc chắn rằng người Phật tử tạ gia chân chánh sẽ không bị cuốn vào vòng xoáy của thị phi nhằm chia rẽ cộng đồng Phật giáo.


Đã đến lúc Giáo hội Phật giáo Việt Nam và tất cả cộng đồng Phật giáo chúng ta cần nhìn thẳng vào vấn đề điều chỉnh cho phù hợp trong xu thế hiện tại. Để mọi tác động và nhu cầu xã hội diễn ra Phật giáo không phải bị chịu nhiều áp lực như hiện nay. Phật giáo chúng ta sẽ không bị chi phối bởi một vài ngôi chùa lợi dụng tôn giáo để tổ chức sự kiện mang tính mê tín dị đoan nhằm trục lợi. Không bị chi phối bởi một vài cá nhân Tăng Ni lầm đường lạc lối, cũng không bị chi phối bởi truyền thông xã hội, bởi những thế lực ẩn mình chống phá, triệt hạ uy tín Phật giáo, chia rẽ cộng đồng Phật giáo. Đã đến lúc với vai trò quản lý của Giáo hội cần phải chấn chỉnh lại những vấn đề tiêu cực đã và đang xẩy ra trong cộng đồng Phật giáo một cách nghiêm khắc hơn. Vận mệnh thịnh suy của Phật giáo đã có từ hàng ngàn năm qua, nhưng chúng ta có quyền tin tưởng vào tuệ giác, sự tỉnh thức của Phật giáo, nền đạo đức và triết lý của Phật giáo sẽ không một ai có thể hủy diệt được miễn rằng thế gian này vẫn có người giữ vững niềm tin dù rất ít người…

 

Thích An Quang?Phatsuonline.vn

Tin cùng chuyên mục