Đức Phật xuất hiện và hành đạo nơi xứ Ấn cách nay hơn 26 thế kỷ với hiện thân con người, bậc Giác ngộ trong thế gian. Nhưng khi được hỏi Ngài có phải là trời, thần, người hay là phi nhân thì Phật đều trả lời chẳng phải.
Vậy Ngài là ai? Chính là Phật, người giác ngộ chân lý, đấng phước trí vẹn toàn, bậc chẳng bị nhiễm thế gian. Như hoa sen, sinh ra từ bùn lầy mà chẳng dính bùn. Đức Phật cũng vậy, sinh ra giữa cuộc đời rồi giác ngộ giải thoát, vượt ra ngoài tam giới, nên không đồng với muôn loài trong ba cõi.
“Một thời, Đức Phật ở tại nước Câu-tát-la, du hành trong nhân gian, ngồi nghỉ trưa dưới một bóng cây giữa hai thôn Hữu-tùng-ca-đế và Đọa-cưu-la. Lúc ấy có một Bà-la-môn thuộc dòng họ Đậu-ma đang đi trên con đường kia, đến sau Phật. Ông thấy dấu chân Phật hiện ra như bánh xe ngàn căm, dấu chỉ rõ ràng, chỉ bên trong thì đều, vòng chỉ bên ngoài thì tròn, tất cả đều đẹp đẽ và đầy đặn. Thấy vậy, liền tự nghĩ: ‘Ta chưa từng thấy người thế gian nào mà có dấu chân như vậy. Giờ ta phải theo dấu mà tìm ra người này’.
Ông liền theo dấu chân đưa đến chỗ Phật, thấy Đức Thế Tôn đang ngồi nghỉ trưa dưới một bóng cây, dung mạo đoan nghiêm tuyệt thế, các căn vắng lặng, tâm Ngài an định tịch tĩnh, điều phục đệ nhất, thành tựu chánh quán, ánh sáng rực rỡ, giống như núi vàng.
Sau khi đã thấy vậy rồi, liền bạch:
- Ngài là trời chăng?
Phật bảo Bà-la-môn:
- Ta chẳng phải là trời.
Lại hỏi:
- Là rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lâu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, nhân, phi nhân chăng?
Phật bảo Bà-la-môn:
- Ta chẳng phải rồng … cho đến nhân, phi nhân.
Bà-la-môn bạch Phật:
- Nếu bảo rằng chẳng phải trời, chẳng phải rồng… cho đến chẳng phải nhân, chẳng phải phi nhân, vậy thì Ngài là ai?
Bấy giờ, Đức Thế Tôn dùng kệ đáp rằng:
Trời, rồng, Càn-thát-bà
Khẩn-na-la, Dạ-xoa
A-tu-la không lành
Những Ma-hầu-la-già
Nhân cùng chẳng phải nhân
Đều do phiền não sanh.
Lậu hoặc phiền não này
Tất cả, Ta đã bỏ
Đã phá, đã diệt sạch
Như hoa Phân-đà-lợi
Tuy sanh từ trong nước
Nhưng chưa từng dính nước
Ta tuy sanh thế gian
Chẳng bị nhiễm thế gian.
Nhiều kiếp thường lựa chọn
Thuần khổ không chút vui
Tất cả hành hữu vi
Thảy đều bị sanh diệt
Trừ nhơ, không lay động
Đã nhổ sạch gai góc
Cùng tột bờ sanh tử
Cho nên gọi là Phật.
Phật nói kinh này xong, Bà-la-môn Đậu-ma nghe những gì Đức Phật đã dạy, tùy hỷ hoan hỷ, rồi tiếp tục mà đi”.
(Kinh Tạp A-hàm, quyển 4, kinh số 101)
Hoa Phân-đà-lợi là sen trắng, tinh khiết và ngát hương trong trời đất. Sen vươn lên từ bùn lầy của ao hồ tù đọng. Đóa sen trắng không phải là bùn mà cũng không xa lìa với bùn. Đức Phật cũng sinh ra nơi đời, sống trong cuộc đời mà chẳng bị nhiễm thế gian nên đạo của Ngài là đạo giải thoát.
Tất cả chúng sinh từ trời, rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lâu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, nhân, phi nhân đều thuộc Dục giới. Ngay cả những bậc Hiền thánh trong cõi Sắc giới và Vô sắc giới vốn đã thành tựu thiền định nhưng vẫn chưa vượt ra ngoài sinh tử. Khi tham ái và vô minh còn tồn tại thì vẫn bị luân hồi. Đức Phật đã diệt sạch tham ái, thiêu đốt hết vô minh nên ra khỏi tam giới, bậc Xuất thế gian.
Phật là bậc tỉnh thức, giác ngộ. Ai thành tựu tỉnh thức và giác ngộ hoàn toàn thì được gọi là Phật. Nếu tỉnh thức ít phần thì gọi là Phật sẽ thành. Ai còn dính mắc và đắm nhiễm thế gian gọi là chúng sinh. Ai không còn đắm nhiễm thế gian thì gọi là Phật.