Thiền góp phần tạo nên sự sống sót kỳ diệu

Nhờ thực hành thiền đã giúp các cậu bé đội bóng đá Lợn Hoang (Thái Lan) thoát chết khi bị mắc kẹt trong hang tối nhiều ngày không có thức ăn và hoàn cảnh sống rất hiểm nghèo…

***

Có thể bạn đã nghe về một tai nạn nổi tiếng mà khắp nơi trên thế giới đều đang theo dõi trong những ngày qua. Đó là thông tin về đội bóng gồm 12 cậu bé thiếu niên và 1 huấn luyện viên bị mắc kẹt trong hang động ngập nước do lũ gây ra ở miền Bắc Thái Lan.

 

xuatgia.jpg

Các cầu thủ nhí đã xuất gia sau khi được giải cứu và trị liệu - lễ xuất gia hôm 25-7 - Ảnh: The Guardian

Khi đội cứu hộ tìm thấy các cậu bé, mọi người trên khắp thế giới đều bất ngờ vì các cậu bé đều sống sót, và còn ngạc nhiên hơn là thái độ rất lạc quan, điềm tĩnh của các cậu bé trong hoàn cảnh ngặt nghèo, thiếu thốn điều kiện sống như vậy. Trước những hoàn cảnh như thế, thường con người không chỉ suy kiệt về mặt vật chất mà còn suy sụp cả tinh thần.

Đi tìm lý do tại sao, một trong những nguyên nhân chính yếu có thể tạo nên sự sống sót kỳ diệu ấy chính là thiền (Thiền Phật giáo - do Đức Phật Thích Ca chứng đạt và truyền dạy). Vị huấn luyện viên từng là một tu sĩ ở chùa từ nhỏ, nên anh ta đã hướng dẫn các cậu bé ngồi thiền. Dưới đây là 5 lý do khiến các cậu bé làm nên điều tưởng chừng không thể:

1. Thiền giúp giảm thiểu nhu cầu thèm ăn

Khi tĩnh tâm ngồi thiền, ta làm cho việc tiêu hao năng lượng vào việc suy nghĩ giảm thiểu đến mức tối đa.

Khi cơ thể ta bất động trong tư thế ngồi thiền, năng lượng ta dùng vào cho cơ thể cũng được giảm thiểu.

Một khi chúng ta ý thức được hơi thở đang hiện hữu trong thân ta, một cách tự nhiên hơi thở sẽ điều hòa, nhẹ nhàng và sâu hơn.

Và đó chính là lý do vì sao cơ thể ta tự nhiên tiêu hao ít năng lượng hơn, dẫn đến việc làm chậm quá trình trao đổi chất trong cơ thể và việc tiêu thụ khí ô-xy của phổi.

Vì thế mà ta thấy các thiền sư có thể ngồi thiền nhiều ngày trong khi không sử dụng bất kỳ loại thực phẩm nào hoặc có mà vô cùng ít. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni trước khi thành đạo, Ngài đã ngồi thiền liên tục 49 ngày đêm dưới gốc cây bồ-đề không ăn uống gì nhưng vẫn khỏe mạnh và minh mẫn, nhờ đó mà Ngài thành tựu Tam minh, Lục thông, thành Phật trong ngày thứ 49. Cũng nhờ ngồi thiền mà các cầu thủ nhí đội bóng Lợn Hoang suốt 9 ngày không ăn gì, chỉ uống ít nước nhưng vẫn khỏe mạnh, tâm thái lạc quan.

2. Thiền giúp giảm bớt sợ hãi

Hãy tưởng tượng việc chúng ta bị mắc kẹt trong một căn phòng tối tăm hoàn toàn không có sự hiện hữu của ánh sáng, với tâm thế vô định không biết khi nào sẽ được ra khỏi căn phòng đó, liệu lúc đó bạn có còn khả năng buông bỏ những lo lắng trong tâm?

Khi sự lo lắng lấn lướt trong tâm, chiếm chỗ của niềm tin và hy vọng, thì con người sẽ hình thành sự sợ hãi.

Thiền giúp giảm thiểu những suy tưởng, lo lắng lăng xăng, vô định, viển vông ấy.

Thiền còn giúp ta tỉnh táo, chọn lựa những suy nghĩ tích cực để làm sảng khoái, nuôi dưỡng tinh thần thay vì bị mắc kẹt, bó buộc, bức bối làm suy sụp tinh thần với những suy nghĩ tiêu cực.

Nếu một người thường xuyên hành thiền tâm sẽ không còn sợ hãi, bình thản trải qua mọi hoàn cảnh thăng trầm của cuộc sống.

Nhờ thực hành thiền mà các cầu thủ thiếu niên đã không sợ hãi trong hang tối và lạnh lẽo.

3. Thiền giúp con người sống hòa hợp với nhau, tránh sự mâu thuẫn, xung đột trong tập thể đông người

Bị mắc kẹt trong hang với hoàn cảnh như thế cùng nhiều người, làm sao các cậu bé có thể vô cùng thản nhiên, bình tĩnh?

Khi đội cứu hộ tìm ra nơi đội bóng trú ngụ, nhìn vào các cậu bé dường như không có một tí gì sự giành giật với nhau để được cứu ra trước và sống vô cùng hòa thuận với nhau trong nghịch cảnh mà các cậu đã và đang trải qua.

Bởi vì khi ngồi thiền, chúng ta nuôi dưỡng tâm yêu thương, đó chính là lý do giúp chúng ta có thể sáng suốt nhìn rõ và thấu hiểu quan điểm của người khác một cách dễ dàng.

Những ai thường xuyên ngồi thiền thì không hay nghĩ tới lợi ích chỉ cho bản thân, mà thay vào đó họ có lòng từ bi, thường nghĩ đến lợi ích của người khác và tập thể.

Đó là lý do các cậu bé đều sống sót và không ai bị bỏ mặc trước khi đội cứu hộ tìm đến.

4. Thiền giúp tăng trưởng sự kiên nhẫn

Thời gian chờ đợi đội cứu hộ đến, các cầu thủ nhí cần phải có sự kiên nhẫn.

Kiên nhẫn là một đức tính khó có được nhưng lại dễ dàng mất đi trong hoàn cảnh sống còn như thế.

Tâm lý con người thường mất kiên nhẫn sau khi chờ đợi quá mệt mỏi, và đặc biệt khi bạn phải chờ đợi trong khoảng thời gian không xác định được trước.

Sự nhẹ nhàng, thảnh thơi và buông xả của thiền tạo nên khoảng trống rộng rãi nơi tâm giúp ta có thể kiên nhẫn để chờ đợi lâu hơn.

Nếu không nhờ thiền để dọn dẹp cho tâm ta có khoảng trống ấy thì vô số lo lắng, sợ hãi, mong chờ, vv… trong tâm sẽ sanh ra và phát triển mạnh mẽ trong từng giây phút chờ đợi. Nó sẽ chiếm hết chỗ của sự kiên nhẫn.

Khi hành thiền, ta học cách buông xả những lo lắng, mong chờ những điều tương lai chưa đến và sống trọn vẹn bình yên nơi hiện tại nhiệm mầu, và sự bình yên đó là mảnh đất màu mỡ, phì nhiêu để nuôi dưỡng đức tính kiên nhẫn.

5. Thiền giúp tạo ra năng lượng từ trường tích cực

Đức Phật dạy rằng: “Tâm là gốc muôn pháp. Những gì ta suy nghĩ trong tâm sẽ tạo nên con người của ta”.

Khi thực hành thiền, tâm chúng ta tạo nên một năng lượng từ trường tích cực.

Nhờ định luật hấp dẫn (cho và nhận) của vũ trụ, tâm ta như một trạm thu phát với thiền là động cơ, năng lượng mà ta đã phát ra đó sẽ gom tụ những điều tích cực, cát tường nơi vũ trụ đến với ta.

Khi các cậu bé cùng nhau ngồi thiền trong hang, năng lượng tích cực của mỗi người sẽ cộng hưởng với nhau tạo nên từ trường rộng lớn, vô hình hấp dẫn sự chú ý của đội cứu hộ muốn đến chỗ các cậu bé ẩn trú để tìm ra các cậu bé.

Đó là năng lực tiềm ẩn vô cùng mạnh mẽ của tâm mà nhờ thiền chúng ta mới có thể khám phá được.

 

  

Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại khu vườn ông Anàthapindika. Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo:

Ví như, này các Tỷ-kheo, một hồ nước uế nhớp, bị khuấy động, đục bùn. Tại đấy có người có mắt, đứng trên bờ, không thể thấy các con ốc, các con sò, các hòn sạn, các hòn sỏi, các đàn cá qua lại, đứng yên. Ví cớ sao? Vì nước bị khuấy đục. Này các Tỷ-kheo, cũng vậy, vị Tỷ-kheo với tâm bị khuấy đục biết được lợi ích của mình, hay biết được lợi ích của người, hay biết được lợi ích cả hai, hay sẽ chứng ngộ các pháp thượng nhân, tri kiến thù thắng xứng đáng các bậc Thánh; sự kiện như vậy không xảy ra. Vì cớ sao? Vì rằng tâm bị khuấy đục, này các Tỷ-kheo.

Ví như, này các Tỷ-kheo, một hồ nước trong sáng, sáng suốt, không bị khuấy đục. Tại đấy có người có mắt, đứng trên bờ, có thể thấy các con ốc, các con sò, các hòn sạn, các hòn sỏi, các đàn cá qua lại, đứng yên. Vì cớ sao? Vì nước không bị khuấy đục, này các Tỷ-kheo. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo với tâm không bị khuấy đục biết được lợi ích của mình, hay biết được lợi ích của người, hay biết được lợi ích cả hai, hay sẽ chứng ngộ các pháp thượng nhân, tri kiến thù thắng xứng đáng các bậc Thánh; sự kiện như vậy có xảy ra. Ví sao? Vì rằng tâm không bị khuấy đục, này các Tỷ-kheo.

(Kinh Tăng chi bộ I, chương 1, phẩm Đặt hướng 
và trong sáng, phần Tâm đặt sai hướng [trích])


Nguồn: Mind Stories, 
L.P John
 thực hiện
Đức Thông
 (phỏng dịch)

Theo giacngo.vn

Tin cùng chuyên mục