Lễ Vu lan là một lễ hội Phật giáo lớn được tổ chức tại các nước theo truyền thống Bắc tông như Trung Quốc, Việt Nam. Lễ Vu lan thường diễn ra từ tháng 6 đến tháng 7 âm lịch mặc dù chính thức là ngày rằm tháng 7.
Nguồn gốc của Lễ Vu lan từ kinh Vu lan bồn qua sự tích Ngài Mục-kiền-liên – một đệ tử lớn của đức Phật cứu mẹ thoát khỏi cảnh ngạ quỷ khổ.
Theo truyền thuyết, sau khi chứng thánh quả A-la-hán, đức Mục-kiền-liên đã quán chiếu để biết cha mẹ đã qua đời của mình tái sanh ở nơi nào. Kết quả, Ngài thấy mẹ bị đọa làm loài ngạ quỷ đói khát khổ cực.
Bằng thần thông chứng được, Ngài cố gắng giúp mẹ bớt khổ do đói nhưng vì nghiệp lực bỏn xẻn của bà quá nặng nên thần lực của Ngài không thể lay chuyển được.
Hình ảnh cổ họng rất nhỏ và cái bụng rất lớn tượng trưng cho nhu cầu lòng tham rất lớn trong khi nguồn cung đáp ứng quá nhỏ bé. Nói cách khác, nó biểu trưng cho lòng ích kỷ, bỏn xẻn đối với mọi người trong khi lòng tham cho bản thân thì vô hạn.
Nguyên nhân bà mẹ đọa làm ngạ quỷ được câu chuyện kể lại là do bà tham lam ích kỷ, không bố thí cúng dường số tiền con trai của bà (Mục-kiền-liên) để lại mà chiếm dụng làm của riêng và tạo các nghiệp ác khác.
Theo lời Phật dạy, Ngài Mục-kiền-liên đã cúng dường Tăng đoàn nhân ngày Tự tứ của chư Tăng. Nhờ công đức cúng dường của đức Mục-kiền-liên và nhờ sự gia trì của Tăng đoàn đã chuyển hóa tâm bỏn xẻn, ích kỷ của bà mẹ Ngài. Nhờ đó, bà thoát cảnh ngạ quỷ khổ.
Lễ Vu lan trở thành lễ hội văn hóa Phật giáo có giá trị lớn và có tầm ảnh hưởng rộng trong cộng đồng người Việt. Qua lễ hội, con người được nhắc nhở về lòng hiếu thảo đối với ông bà cha mẹ không chỉ mùa Vu lan mà thường xuyên trong cuộc sống hằng ngày. Lòng hiếu thảo phải thể hiện qua sự tôn kính, tình cảm yêu thương chăm sóc đối với cha mẹ.
Với ý nghĩa cao đẹp, Lễ Vu lan là lễ hội thiêng liêng không những của Phật giáo mà còn là của dân tộc Việt.
Ban TTTT PG BĐ