Người đệ tử Phật xuất gia hay tại gia đều biết, giáo lý đạo Phật không phải là những lý thuyết trừu tượng siêu hình mà là những lời dạy thiết thực hướng đến đời sống an lạc, hạnh phúc nội tại.
Đức Thế Tôn đã sử dụng nhiều phương tiện truyền đạt khác nhau tùy hợp căn cơ của từng người, không ngoài mục đích thanh tịnh ba nghiệp đạt đến giác ngộ, giải thoát. Trong nhiều bài kinh, Đức Phật đã đề cập đến tầm quan trọng của tâm trong lộ trình tu tập và khẳng định việc tu tập, huấn luyện, điều phục tâm là bổn phận hàng đầu của người tu hành xuất gia cũng như tại gia.
Tâm ý của con người được hiểu là những suy nghĩ, kinh nghiệm tích tập từ xa xưa đến nay. Tâm không hình, không tướng nhưng vẫn có thể biết thông qua những tác động của nó lên vạn pháp tồn tại trên đời. Hành giả tu tập phải biết huấn luyện, điều phục tâm. Tức là biết sửa đổi tâm từ suy nghĩ tiêu cực trở nên tích cực, chuyển hóa tâm xấu, bất thiện trở nên tâm tốt, tâm thiện. Nhờ sự khéo huấn luyện và phòng hộ đó mà tâm được định tĩnh, loại bỏ những nguyên nhân phiền não như tham, sân, si,… phát sinh trí tuệ và đạt được mục tiêu giải thoát.
Việc tu tập, điều phục tâm là bổn phận hàng đầu vì “tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức”. Một số bài kinh Pháp cú (PC) được coi như những “lời vàng Phật dạy” do HT.Thích Minh Châu dịch, đã chỉ rõ:
Ý dẫn đầu các pháp
Ý làm chủ, ý tạo
Nếu với ý ô nhiễm
Nói lên hay hành động
Khổ não bước theo sau
Như xe chân vật kéo. (PC 1)
Ý dẫn đầu các pháp
Ý làm chủ, ý tạo
Nếu với ý thanh tịnh
Nói lên hay hành động
An lạc bước theo sau
Như bóng không rời hình. (PC 2)
Tâm làm duyên khởi cho các pháp sanh lên, cho nên gọi là tâm đi trước dẫn đầu. Thánh thiện hay hung ác do tâm, thanh tịnh hay ô nhiễm cũng là tâm. Hầu hết những nghiệp bất thiện của hành động, lời nói đều xuất phát từ tâm ô nhiễm và tất yếu con người chịu khổ đau như bánh xe lăn theo chân con bò kéo xe. Nếu tâm ý luôn nghĩ thiện, thanh tịnh thì nhờ đó lời nói, hành động đều thiện lành, con người được hạnh phúc, vui vẻ như bóng đi theo hình. Trong cuốn sách Chọn đường tu, HT.Thích Thiện Hoa cũng chỉ dạy: “Tâm có tu thân mới tốt, thân có tu gia đình mới được chỉnh đốn, gia đình có tu quốc gia mới thạnh trị, quốc gia có tu thì thế giới mới hòa bình an lạc”. Do vậy, sự tu hành trước hết phải bắt đầu từ việc tu tâm.
Lại thấy, những nghiệp do thân gây ra thì ta dễ dàng nhận biết và chuyển hóa, còn tâm không hình tướng, không màu sắc, tâm không khởi đầu cũng không có kết thúc mà sanh diệt liên tục, khó kiểm soát. “Những ngọn lửa phiền não nội tâm như tham vọng, giận dữ, oán thù, si mê, ganh ghét và kiêu mạn đang nung nấu tâm hồn ta. Ta chỉ có thể đạt tới an lạc thật sự nếu ta tìm được con đường” (Thiền sư Thích Nhất Hạnh - Đường xưa mây trắng). Và con đường ấy trước hết phải là điều phục tâm.
Khó nắm giữ, khinh động
Theo các dục quay cuồng
Lành thay, điều phục tâm
Tâm điều, an lạc đến. (PC 35)
Tâm khó thấy tế nhị
Theo các dục quay cuồng
Người trí phòng hộ tâm
Tâm hộ, an lạc đến. (PC 36)
Vì tâm khó thấy, tế nhị, lại khinh động nên dễ bị lôi kéo, quay cuồng theo các dục vọng, đồng thời đánh mất mình trong hạnh phúc hiện tại. Người trí phải thường tự chánh niệm, phòng hộ tâm, không để buông lung phóng túng theo các dục.
Điều phục tâm là căn bản giúp hành giả điều phục lời nói và hành động. Ba nghiệp thanh tịnh đem lại nhiều lợi ích trong quá trình tự độ và độ tha, hoàn thành mục tiêu giải thoát. Những người tu tập tại gia khi hiểu lời Phật dạy, biết ứng dụng vào đời sống hàng ngày sẽ được trải nghiệm an lạc, hạnh phúc ngay hiện tại.
Như vậy, có thể thấy những lời dạy của Đức Phật mang ý nghĩa thiết thực cho lộ trình tu tập của mỗi người. Ngài đã thấy rõ tâm ý chúng sanh và chỉ dạy cụ thể phương pháp hành trì sao cho đạt được kết quả.
Tâm hoảng hốt dao động
Khó hộ trì, khó nhiếp
Người trí làm tâm thẳng
Tuy nhiên đối với sự hành trì, những người đệ tử Phật hoàn toàn có thể linh hoạt ứng dụng lời Phật dạy. Vì thực chất tâm con người vốn “khó hộ trì, khó nhiếp”, quá trình điều phục tâm lại khó hơn rất nhiều so với điều phục thân. Do đó, chúng ta có thể hàng phục thân trước bằng cách giữ gìn các giới, chế ngự ngũ căn, không để phóng túng. Đó là điều kiện để khởi sinh tâm thiện, thành tựu công đức, thiền định và trí tuệ.
Ai tâm không an trú
Không biết chân diệu pháp
Tịnh tín bị rúng động
Trí tuệ không viên thành. (PC 38)
Hành giả tu thiền muốn an trú tâm để chứng ngộ diệu pháp thì phải biết an trú thân cho thật vững chãi và thảnh thơi. Sự an lạc giải thoát của thân có liên hệ tới sự an lạc giải thoát của tâm. Thân thể lăng xăng, không yên tĩnh, buông lung phóng dật thì không thể có tâm lắng đọng và bình an.
Chúng ta là những người đệ tử đang chập chững theo gót chân Đức Từ phụ phải tự răn mình lấy lời Phật dạy làm ngọn đuốc soi sáng chặng đường tu, trước hết là “phản quan tự kỷ”.
Dầu chiến thắng vạn quân không bằng chiến thắng những tham lam, sân hận, si mê trong tâm mình. Huấn luyện và làm chủ được tâm là chiến thắng tối thượng. Do vậy, những người đệ tử Phật phải xác định thật vững đường hướng tu tập, như thế mới có thể đem lại lợi lạc cho bản thân, gia đình và xã hội.