Bốn pháp sống an vui

Có bốn pháp giúp người thế tục tại gia được an ổn và có niềm vui trong cuộc sống hiện tại. Là bốn pháp nào? Đó là đầy đủ sự siêng năng, đầy đủ sự phòng hộ, đầy đủ bạn lành và đầy đủ sự thăng bằng trong sinh hoạt.

Tôi nghe như vầy: Một thời, Đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, có vị Bà-la-môn trẻ tuổi tên là Uất-xà-ca2 đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ sát chân Ngài rồi ngồi sang một bên và thưa:

- Bạch Thế Tôn! Người thế tục tại gia nên thực hành bao nhiêu pháp để có được sự an ổn và niềm vui trong cuộc sống hiện tại?

Phật bảo Bà-la-môn:

- Có bốn pháp giúp người thế tục tại gia được an ổn và có niềm vui trong cuộc sống hiện tại. Là bốn pháp nào? Đó là đầy đủ sự siêng năng,3 đầy đủ sự phòng hộ, đầy đủ bạn lành4 và đầy đủ sự thăng bằng trong sinh hoạt.5

Thế nào gọi là đầy đủ sự siêng năng? Nghĩa là người thiện nam có đầy đủ sự thiện xảo trong nghề nghiệp6 để tự nuôi sống, hoặc làm ruộng, hoặc buôn bán, hoặc làm quan, hoặc viết sách, toán thuật, hội họa... Đối với những nghề nghiệp đó thì phải luôn siêng năng trau dồi để chúng thiện xảo. Đó gọi là đầy đủ sự siêng năng.

Thế nào gọi là đầy đủ sự phòng hộ? Nghĩa là người thiện nam có được những tiền bạc, gạo thóc, do siêng năng mà kiếm được, tự tay mình làm ra, đúng như pháp mà thu được,7 hết sức giữ gìn, không để vua, giặc, nước, lửa cướp đoạt, trôi chìm, mất mát. Nếu không khéo giữ gìn thì sẽ bị mất mát, hoặc bị kẻ oán nghịch8 chiếm lấy, hoặc bị các tai nạn làm cho hư hỏng. Đó gọi là người thiện nam đầy đủ sự phòng hộ.

Thế nào gọi là đầy đủ bạn lành? Như có người thiện nam sống đúng mực, không buông lung, không giả dối, không hung hiểm, bậc tri thức như vậy có thể khéo an ủi, đối với những buồn khổ chưa sanh thì người ấy có thể khiến chúng không sanh; đối với những buồn khổ đã sanh thì người ấy có thể mở bày, thức tỉnh; đối với những an vui chưa sanh thì người ấy có thể khiến chúng mau chóng phát sanh; đối với sự an vui đã sinh thì người ấy có thể khiến chúng không bị mất mát. Đó gọi là người thiện nam có đầy đủ bạn lành.

Thế nào gọi là đầy đủ sự thăng bằng trong sinh hoạt? Nghĩa là đối với những tiền tài mà người thiện nam có được thì biết chi thu cân đối, giữ gìn trọn vẹn, không thể thu nhiều chi ít, hoặc chi nhiều thu ít. Như người cầm cân, hễ thiếu thì phải thêm, nhiều thì phải bớt, biết đã cân bằng rồi mới thôi. Cũng vậy, đối với những tiền tài người thiện nam có được thì phải thu chi cân đối, không thu nhiều chi ít, hoặc chi nhiều thu ít.

Nếu người thiện nam không có nhiều tiền tài mà tiêu dùng rộng rãi, phung phí thì do lối sống này mà người ta đều gọi là quả ưu-đàm-bát không có hạt,9 đó là kẻ ngu si tham dục, không nghĩ đến ngày sau.

Hoặc có người thiện nam tiền của đầy ắp mà không dám tiêu dùng, người ngoài nhìn thấy đều nói: “Đó là kẻ ngu si như con chó chết đói”. Vì thế, người thiện nam đối với tiền tài, của cải nên thu chi chừng mực và điều hòa. Đó gọi là đầy đủ sự thăng bằng trong sinh hoạt.

Như thế, này Bà-la-môn! Nếu thành tựu bốn pháp này thì cuộc sống hiện tại được an vui.

Bà-la-môn bạch Phật:

- Thưa Thế Tôn, có bao nhiêu pháp để có thể làm cho người tại gia ở đời sau được an ổn, đời sau được an vui?

 

Phật bảo Bà-la-môn:

- Có bốn pháp có thể làm cho người tại gia ở đời sau được an ổn, đời sau được an vui. Là bốn pháp nào? Đó là niềm tin đầy đủ, giới hạnh đầy đủ, bố thí đầy đủ và trí tuệ đầy đủ.

Thế nào gọi là niềm tin đầy đủ? Nghĩa là người thiện nam đối với Đức Như Lai có lòng tin tưởng, tôn kính, xây dựng gốc rễ niềm tin vững chắc, không bị chư Thiên, Ma vương, Phạm thiên cùng các hạng loại khác trong thế gian phá hoại. Đó gọi là người thiện nam có niềm tin đầy đủ.

Thế nào gọi là giới hạnh đầy đủ? Nghĩa là người thiện nam không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu. Đó gọi là giới hạnh đầy đủ.

Thế nào gọi là bố thí đầy đủ? Nghĩa là người thiện nam lìa bỏ tâm keo lẫn, sống đời tại gia mà thực hành hạnh bố thí giải thoát. Vị ấy thường tự tay đem cho, vui mừng tu hạnh thí xả, tâm luôn ưa thích bố thí bình đẳng10.

Đó gọi là người thiện nam có bố thí đầy đủ.

Thế nào gọi là trí tuệ đầy đủ? Nghĩa là người thiện nam biết như thật về Khổ Thánh đế; Tập, Diệt, Đạo Thánh đế thảy đều biết như thật. Đó gọi là người thiện nam có trí tuệ đầy đủ.

Nếu người thiện nam tại gia thực hành bốn pháp này thì có thể khiến cho đời sau được an ổn, đời sau được an vui.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói kệ:

Siêng năng học nghề nghiệp,

Tích lũy, khéo giữ gìn,

Người thiện nam tri thức,

Điều hòa trong sinh hoạt.

Tịnh tín, giới đầy đủ,

Bố thí lìa xan tham,

Từ bỏ con đường mê,

 

Đời sau được an lạc.

Nếu sống đời tại gia,

Thành tựu tám pháp này,

Lời Phật dạy chân thực,11

Đấng Giác ngộ12 tuệ tri,

Hiện tại được an ổn,

Đời này sống an vui,

Đời sau đầy hỷ lạc.

Bấy giờ, Uất-xà-ca nghe Phật dạy xong thì hoan hỷ và tùy hỷ, đảnh lễ rồi ra về.

_______________

(1) Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.91. 023a22). Tham chiếu: Biệt Tạp. 別雜 (T.02. 0100.91. 404c19); A.8.54 - IV.281; A.8.55 - IV.285.

(2) Uất-xà-ca (鬱闍迦 - Ujjaya).

(3) Nguyên tác Phương tiện cụ túc (方便具足). Phương tiện (方便 - uṭṭhāna): Vừa có nghĩa là phương cách, vừa có nghĩa là nỗ lực, bằng chữ Tinh tấn (精進 - vāyāma), như Chánh phương tiện (正方便 - sammāvāyāma) tức là Chánh tinh tấn. Theo, A.8.54 - IV.281: Uṭṭhānasampadā (đầy đủ sự tháo vát), (HT.Thích Minh Châu dịch).

(4) Nguyên tác Thiện tri thức (善知識), cũng gọi là Thiện bằng hữu (善朋友), Lương hữu (良友). Theo,A.8.54 - IV.281: Kalyāṇamitta (bạn tốt lành).

(5) Nguyên tác Chánh mạng (正命). Trực dịch từ Samajīvitā. Sammā có nghĩa không thông dụng là Chánh (正), nhưng nghĩa thường sử dụng là sự bình đẳng, cân bằng. Từ điển Pāli của Thủy Dã Hoằng Nguyên (水野弘元) dịch Samajīvitā là Đẳng mạng (等命). Theo, A.8.54 - IV.281, thì Samajīvitā được (HT.Thích Minh Châu dịch) là sống thăng bằng điều hòa.

 

(6) Nguyên tác Nghiệp xứ (業處 - Kammaṭṭhānena).

(7) Nguyên tác Như pháp nhi đắc (如法而得 - Dhammikā dhammaladdhā).

(8) Nguyên tác Bất ái niệm giả (不愛念者). Dùng như chữ Ác tử (惡子). Theo, A.8.54 - IV.281: Appiyā dāyādā (người thừa kế không phù hợp).

(9) Nguyên tác Ưu-đàm-bát quả (優曇鉢果 - Udumbara): Quả sung. Còn gọi là Ưu-đàm-ba-la, Ưu-đàm hoa, Ưu-đàm-bạt-la, Vô hoa quả (優曇婆羅, 優曇華, 優曇跋羅, 無花果). Theo, A.8.54 - IV.281: Udumbarakhādīvāyam kulaputto bhoge khādātī ti (Người thiện nam tử này ăn tài sản của vị ấy như ăn trái cây sung). (HT.Thích Minh Châu, dịch). Chú giải kinh Tăng chi bộ giải thích: Như người rung cây sung chín, làm rụng nhiều quả, nhưng chỉ ăn vài quả ăn được, còn thì vất bỏ hết.

(10) Nguyên tác Đẳng tâm hành thí (等心行施). Theo,A.8.54 - IV.281: Dānasaṃvibhāgarata (vui thích với việc bố thí bình đẳng).

(11) Nguyên tác Phiên đế tôn sở thuyết (審諦尊所說). Theo, A.8.54 - IV.281: Akkhātā saccanāmena (Bậc chân thật tuyên bố. (HT.Thích Minh Châu dịch).

(12) Nguyên tác Đẳng chánh giác (等正覺).

Tin cùng chuyên mục