Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni được thành lập vào thời Đức Phật và tồn tại cho đến ngày nay. Trong nhiều thế kỷ, những phụ nữ xuất gia đã thực hành, chứng ngộ và giữ gìn lời dạy của Đức Phật, không chỉ mang lại lợi ích cho bản thân mà còn cho xã hội nơi họ sinh sống.
Ở đây tôi sẽ trình bày tóm tắt về lịch sử của Tăng đoàn này, bao gồm cả sự mở rộng của nó sang các quốc gia khác, và thảo luận về những điểm thú vị trong Luật tạng.
Khi vua Tịnh Phạn (Suddhodana) qua đời, di mẫu của Đức Phật là Ma-ha-ba-xà-ba-đề (Mahapajapati) đã cùng với năm trăm nữ nhân trong hoàng tộc đến gặp Đức Phật đang ở Ca-tỳ-la-vệ (Kapilavatthu) để thỉnh cầu gia nhập Tăng đoàn. Đức Phật trả lời: “Chớ thỉnh cầu điều đó”. Bà lặp lại lời thỉnh cầu đó ba lần và mỗi lần Đức Phật chỉ nói: “Chớ thỉnh cầu điều đó”. Không ai biết Ngài đang nghĩ gì và không rõ tại sao Ngài lại từ chối. Tuy nhiên, việc Đức Phật ngần ngại nhận bà vào Tăng đoàn đã được một số người giải thích rằng Ngài không muốn nữ giới gia nhập Tăng đoàn. Vì vậy, một số người cho rằng sự biến mất của Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni ở Ấn Độ vào khoảng một nghìn năm sau là điều tất yếu. Khi chúng ta nghiên cứu về lịch sử phát triển của Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni, nếu những người khác trích dẫn kinh điển để chứng minh rằng ngày nay không thể phục hồi Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni, chúng ta cũng phải trích dẫn kinh điển một cách khéo léo và chính xác để chứng minh rằng việc phục hồi là có thể.
Đức Phật rời Ca-tỳ-la-vệ và đi đến Vệ-xá-ly, cuộc hành trình mất nhiều ngày đi bộ. Vào lúc đó, Ma-ha-ba-xà-ba-đề đã cạo đầu và đắp y. Cùng với năm trăm nữ nhân hoàng gia cũng đã làm như vậy, bà đi đến Vệ-xá-ly, thể hiện sự quyết tâm được xuất gia và theo Đức Phật. Khi đến đó, bà ngồi bên lối vào tịnh xá, khóc, chân sưng tấy và chảy máu sau cuộc hành trình. Tôn giả A Nan, em họ và thị giả của Đức Phật đã nhìn thấy những người phụ nữ này, nói chuyện với họ và biết được vấn đề của họ. Ngài thay mặt họ đến gặp Đức Phật và thưa: “Ma-ha-ba-xà-ba-đề, di mẫu của Thế Tôn đang ở đây, chờ Thế Tôn cho phép gia nhập Tăng đoàn”. Đức Phật lại dạy: “Chớ thỉnh cầu điều ấy”. A Nan lại thử một cách khác: “Dì của Thế Tôn cũng là mẹ kế của Thế Tôn. Bà ấy đã nuôi Thế Tôn bằng sữa của mình”. Đức Phật vẫn từ chối. Sau đó A Nan hỏi, “Có phải Thế Tôn không cho phép vì phụ nữ không có tiềm năng tâm linh giống như nam giới để có thể giác ngộ?”. Đức Phật nói: “A Nan, không phải vậy. Phụ nữ bình đẳng như nam giới về khả năng chứng đạt giác ngộ”. Tuyên bố này đã mở ra một chân trời mới trong thế giới tôn giáo nói chung lúc bấy giờ. Trước đó, không có người sáng lập tôn giáo nào tuyên bố nam giới và nữ giới có tiềm năng giác ngộ như nhau.
Sau đó, Đức Phật nói rằng Ngài sẽ cho phép phụ nữ gia nhập Tăng đoàn nếu Ma-ha-ba-xà-ba-đề chấp nhận Bát kỉnh pháp (gurudhamma) làm vòng hoa cho các Tỷ-kheo-ni trang sức bản thân. Ma-ha-ba-xà-ba-đề đã chấp nhận. Một trong những quy định này đã khiến cho nhiều học giả Phật giáo phương Tây cảm thấy khó chịu, đó là điều luật nói rằng một Tỷ-kheo-ni dù đã thọ giới một trăm năm cũng phải đảnh lễ một Tỷ-kheo thọ giới dù chỉ mới một ngày. Theo tiêu chuẩn phương Tây, có vẻ như các Tỷ-kheo-ni đang bị đối xử bất công. Nhưng có một cách nhìn khác về vấn đề này. Luật tạng kể lại câu chuyện sáu vị Tỷ-kheo (Lục quần Tỷ-kheo) vén y khoe đùi trước mặt các Tỷ-kheo-ni. Khi Đức Phật biết được điều này, Ngài đã đưa ra một ngoại lệ đối với quy định đó và bảo các Tỷ-kheo-ni không được thể hiện sự kính trọng đối với những tu sĩ này. Do đó, một Tỷ-kheo-ni không cần phải đảnh lễ mọi vị Tỷ-kheo mà chỉ đảnh lễ những vị đáng kính. Chúng ta cần hiểu từng điều trong Bát kỉnh pháp một cách đúng đắn, vì Đức Phật luôn đưa ra những ngoại lệ sau khi giới luật chung được thiết lập.
Có một điều trong Bát kỉnh pháp đề cập đến Thức-xoa-ma-na (sikkhamana), những nữ tu tập sự được đào tạo trong hai năm để chuẩn bị trở thành Tỷ-kheo-ni. Điều luật này nói rằng sau khi một nữ tu tập sự đã tu tập với một vị Tỷ-kheo-ni trong hai năm, vị giáo thọ Tỷ-kheo-ni đó có trách nhiệm truyền giới Cụ túc cho cô. Tuy nhiên, khi Đức Phật truyền giới cho Ma-ha-ba-xà-ba-đề, không có nữ tu tập sự nào cả. Ngài trực tiếp truyền giới cho bà làm Tỷ-kheo-ni. Vậy làm sao chúng ta có thể giải thích rằng trong Bát kỉnh pháp, một điều luật trong đó nói rằng trước khi trở thành Tỷ-kheo-ni, người nữ xuất gia phải là một nữ tu tập sự? Khi nói về vấn đề này, một Tăng sĩ người Anh nói với tôi rằng ông nghĩ là Bát kỉnh pháp xuất hiện rất lâu về sau và được các Tăng sĩ là những người ghi chép lịch sử đưa lên hàng đầu. Bát kỉnh pháp rõ ràng đặt các Tỷ-kheo-ni vào một vị trí phụ thuộc vào các Tỷ-kheo, do đó sẽ có lợi cho các Tỷ-kheo nếu người ghi chép gán chúng cho Đức Phật.
Đức Phật ngần ngại cho phép nữ giới gia nhập Tăng đoàn có thể vì nhiều lý do. Chúng ta có thể thấy lòng từ bi của Ngài đối với các Tỷ-kheo-ni, đặc biệt là di mẫu của Ngài, vì các vị Tỷ-kheo và Tỷ-kheo-ni nhận thức ăn của họ bằng cách đi khất thực trong các ngôi làng. Đôi khi họ nhận được rất ít, chỉ một nắm cơm, một miếng bánh mì hoặc một loại rau gì đó. Hãy tưởng tượng cựu hoàng hậu già Ma-ha-ba-xà-ba-đề và năm trăm nữ nhân hoàng gia đi khất thực. Điều đó gần như không thể xảy ra vì họ đã từng sống cuộc sống tiện nghi trong cung điện. Có lẽ vì lòng từ bi mà Đức Phật không muốn những phụ nữ này phải đối mặt với những khó khăn như vậy.
Ngoài ra, vào thời điểm đó chưa có tu viện. Các Tăng sĩ sống một lối sống rất khó khăn, trú dưới gốc cây và trong hang động. Ai sẽ cung cấp chỗ ở cho nhóm phụ nữ khất thực này? Hơn nữa, ai sẽ dạy các nữ tu? Họ có thể xuất gia, cạo đầu, đắp y, nhưng nếu không được giáo dục và rèn luyện thì họ cũng giống như bất kỳ kẻ lang thang nào khác ở Ấn Độ vào thời đó. Chưa có kế hoạch giáo dục họ vào thời điểm đó. Về sau mới có chế định rằng, Tăng đoàn Tỷ-kheo có thể phân công một số Tăng sĩ xuất sắc để giảng dạy cho các Tỷ-kheo-ni.
Hơn nữa, Đức Phật đã nhận nhiều lời chỉ trích từ giới cư sĩ rằng Ngài đang phá hủy đơn vị gia đình. Chấp nhận năm trăm phụ nữ vào Tăng đoàn có nghĩa là Ngài sẽ phá hỏng năm trăm gia đình vì phụ nữ là trái tim của gia đình. Tuy nhiên, về sau Đức Phật biết được rằng chồng của những phụ nữ này đã gia nhập Tăng đoàn. Vì vậy, với việc cho phép phụ nữ xuất gia, Ngài sẽ không làm tan vỡ những gia đình đó. Đức Phật hẳn đã suy nghĩ thấu đáo tất cả những vấn đề này, và khi nhận ra rằng những vấn đề này có thể khắc phục được, Ngài đã chấp nhận cho nữ giới xuất gia.
Trước khi Ma-ha-ba-xà-ba-đề thỉnh cầu, cũng có thể Ngài chưa hề nghĩ đến trường hợp phụ nữ gia nhập Tăng đoàn vì ở Ấn Độ cổ đại, phụ nữ không bao giờ rời bỏ cuộc sống gia đình. Trong thực tế, việc phụ nữ ở một mình vào thời điểm đó là điều không thể tưởng tượng được. Thậm chí ngày nay ở Ấn Độ, phụ nữ hiếm khi rời khỏi gia đình. Nhưng vì Đức Phật biết rằng sự giác ngộ là điều có thể đối với toàn thể nhân loại nên Ngài đã cho phép phụ nữ xuất gia. Đây là một bước đi mang tính cách mạng trong bối cảnh xã hội lúc bấy giờ.
Như vậy, Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni được thành lập sau Tăng đoàn Tỷ-kheo khoảng bảy hoặc tám năm. Tôi thấy đây là một trong những lý do tại sao Đức Phật đã đặt Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni phụ thuộc Tăng đoàn Tỷ-kheo. Họ phụ thuộc theo nghĩa là em gái và anh trai, không phải theo nghĩa là chủ nhân và tôi tớ.
Kinh sách ghi lại rằng ngay sau khi thu nhận phụ nữ vào Tăng đoàn, Đức Phật đã nói: “Bởi vì Ta nhận phụ nữ vào Tăng đoàn nên Phật pháp sẽ chỉ tồn tại được năm trăm năm”. Tôi xem tuyên bố này như một sự phản ánh tâm lý của các Tăng sĩ, những người đầu tiên ghi chép Luật tạng dưới dạng chữ viết ở Sri Lanka, 400-450 năm sau Đức Phật nhập Niết-bàn. Những Tăng sĩ này dường như không đồng ý với việc phụ nữ gia nhập Tăng đoàn. Một số học giả phương Tây cho rằng tuyên bố này về sau được cho là của Đức Phật nhưng thực ra không phải của Ngài. Như chúng ta thấy, hơn 2.500 năm đã trôi qua và Phật giáo không những vẫn phát triển thịnh vượng ở châu Á mà còn mở rộng sang phương Tây. Lời tiên tri nói rằng Phật pháp sẽ chỉ tồn tại năm trăm năm vì phụ nữ gia nhập Tăng đoàn là không có giá trị.
Việc đặt câu hỏi về tính xác thực của một số đoạn kinh Phật là một vấn đề tế nhị và chúng ta phải hết sức cẩn trọng. Làm thế nào chúng ta có thể chứng minh rằng mọi thứ đã được truyền lại chính xác như lời Đức Phật đã nói? Mặt khác, có nguy hiểm không khi nói rằng một số đoạn kinh là những thêm thắt về sau? Tôi chỉ nghi ngờ khi một đoạn kinh không tương thích với tinh thần cốt lõi của giáo pháp Đức Phật. Nói chung, chúng ta phải tin tưởng rằng các Tăng sĩ Ấn Độ đã có những ký ức chính xác và biết ơn họ vì đã bảo tồn và truyền tải các bản kinh. Các Tăng sĩ Phật giáo rất kỹ lưỡng trong việc bảo tồn và truyền bá giáo pháp. Trong Thiên Chúa giáo, bốn Phúc âm đã được viết bởi bốn người khác nhau và họ không bàn bạc với nhau, trong khi các Tăng sĩ Phật giáo tổ chức các hội nghị để kết tập và hệ thống hóa các lời dạy của Đức Phật, trong thời gian đó họ kiểm tra thông tin của nhau. Hội nghị kết tập đầu tiên được tổ chức ngay sau khi Đức Phật nhập diệt và có năm trăm vị A-la-hán tham dự. Hội nghị thứ hai xảy ra một trăm năm sau đó, với bảy trăm Tăng sĩ cùng nhau tụng đọc kho tàng kiến thức đã được thống nhất.
Mối quan hệ giữa Tăng đoàn Tỷ-kheo và Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni
Như chúng ta thấy, các Tỷ-kheo đã đối xử với các Tỷ-kheo-ni giống như cách đàn ông nói chung đối xử với phụ nữ trong xã hội Ấn Độ vào thời đó. Khi phụ nữ gia nhập Tăng đoàn, các Tỷ-kheo mong đợi họ dọn dẹp tịnh xá và giặt giũ y áo. Các cư sĩ thấy điều này và trình với Đức Phật, nói rằng những phụ nữ này muốn xuất gia để có thể nghiên cứu và thực hành giáo lý, nhưng bây giờ họ có rất ít thời gian cho việc này. Nhân đó Đức Phật đã chế định những giới luật dành cho các Tỷ-kheo về cách đối xử với các Tỷ-kheo-ni. Ví dụ, Ngài chế định giới luật cấm các Tỷ-kheo yêu cầu các Tỷ-kheo-ni giặt giũ y áo, tọa cụ, v.v...
Đức Phật cũng bảo vệ các Tỷ-kheo-ni khỏi bị các tu sĩ giải đãi lợi dụng. Một vị Tỷ-kheo-ni 120 tuổi đi khất thực vào mỗi buổi sáng, đi bộ một quãng đường dài từ tịnh xá đến ngôi làng. Bà nhận thức ăn đặt trong bình bát và mang trở lại tịnh xá của mình. Ở lối vào tịnh xá có một Tỷ-kheo trẻ đang chờ, người này quá lười biếng nên không vào làng khất thực. Nhận thấy bát của vị ấy trống rỗng, bà đưa thức ăn của mình cho ông. Chỉ một người thôi thì cũng đủ cho bà không có gì để ăn suốt cả ngày.
Ngày hôm sau ông lại đợi vị Ni già và bà lại trao cho ông đồ ăn. Vào ngày thứ ba, sau ba ngày không ăn, bà lại vào làng khất thực. Một chiếc xe ngựa của một thí chủ giàu có đi qua sát bà, và khi bà tránh chiếc xe, bà ngất xỉu và ngã xuống đất. Người đàn ông giàu có dừng lại để giúp bà và phát hiện ra rằng bà ngất xỉu vì đã ba ngày không ăn uống gì. Ông trình sự việc lên Đức Phật và phản đối việc một Tỷ-kheo-ni đã bị một Tỷ-kheo đối xử như vậy. Do đó, Đức Phật đã chế định giới luật cấm các Tỷ-kheo lấy thức ăn từ các Tỷ-kheo-ni. Tất nhiên, hiểu được tinh thần của từng giới luật là điều quan trọng; điều này không có nghĩa rằng các Tỷ-kheo-ni có nhiều thức ăn không nên chia sẻ với các Tỷ-kheo.
Các Tỷ-kheo và Tỷ-kheo-ni vào thời Đức Phật có quyền bình đẳng và chia sẻ bình đẳng trong mọi việc. Vào một dịp, có thí chủ cúng dường tám chiếc y cho cả hai Tăng đoàn tại một nơi chỉ có một Tỷ-kheo-ni và bốn Tỷ-kheo. Đức Phật đã trao bốn chiếc cho vị Tỷ-kheo-ni và bốn chiếc cho các Tỷ-kheo, bởi vì các chiếc y dành cho cả hai Tăng đoàn và phải chia đều cho mỗi nhóm. Bởi vì các Tỷ-kheo-ni thường nhận được ít lời mời đến nhà cư sĩ hơn nên Đức Phật đã mang tất cả đồ cúng dường đến tịnh xá và chia đều cho hai Tăng đoàn. Ngài bảo vệ các Tỷ-kheo-ni và đối xử công bằng với cả hai bên.
Hội nghị kết tập đầu tiên và giới bổn của Tỷ-kheo-ni
Tôn giả A Nan, thị giả của Đức Phật, đóng một vai trò rất quan trọng trong mối quan hệ với các Tỷ-kheo-ni. Ngài được các Tỷ-kheo-ni quý mến và ngài cũng viếng thăm nhiều Ni viện để giảng dạy cho họ. Bởi vì ngài đã nghe hầu như tất cả những lời dạy của Đức Phật và có một trí nhớ phi thường. Ngài là người chủ chốt tại hội nghị kết tập lần thứ nhất khi giáo pháp được thu thập và tụng đọc.
Việc một số Tỷ-kheo không vui khi Đức Phật cho phép nữ giới gia nhập Tăng đoàn chưa bao giờ được thể hiện khi Đức Phật còn tại thế. Tuy nhiên điều này được thể hiện tại hội nghị kết tập đầu tiên, nơi có năm trăm vị A-la-hán tham dự khoảng ba tháng sau khi Đức Phật nhập Niết-bàn. Trước khi tụng đọc lại những lời dạy của Đức Phật, họ nói với Tôn giả A Nan rằng ngài đã phạm tám lỗi và buộc ngài phải sám hối những lỗi này. Một điều trong đó là ngài đã đưa phụ nữ vào Tăng đoàn. A Nan trả lời rằng ngài không coi đó là một lỗi lầm và ngài cũng không vi phạm giới luật khi làm như vậy. Tuy nhiên, để tránh gây ra sự chia rẽ trong Tăng đoàn ngay sau khi Đức Phật nhập Niết-bàn, ngài nói rằng nếu chư Tăng muốn ngài sám hối thì ngài sẽ sám hối.
Tôi nghi ngờ việc chỉ có năm trăm vị A-la-hán Tăng có mặt tại hội nghị kết tập này. Vào những ngày bố-tát vào giữa và cuối tháng, các Tỷ-kheo-ni sẽ tụng đọc giới bổn (patimokkha) của họ tách biệt với các Tỷ-kheo. Tôi nghĩ rằng theo quy định, các Tỷ-kheo không thể tụng giới bổn của Tỷ-kheo-ni, và vì vậy các Tỷ-kheo-ni phải có mặt tại hội nghị kết tập lần thứ nhất. Những người ghi chép, tất cả đều là Tỷ-kheo, có thể nghĩ rằng việc đề cập đến sự hiện diện của các Tỷ-kheo-ni là không quan trọng. Một số Tăng sĩ đã có ý tốt khi nói về điểm này: gần đây, một Tăng sĩ Sri Lanka nói với tôi rằng ông cũng không nghĩ rằng chỉ có nam giới tham dự hội nghị kết tập đầu tiên.
Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni ở Ấn Độ và sự mở rộng sang các nước khác
Cả Tăng đoàn Tỷ-kheo và Tỷ-kheo-ni đã tồn tại cho đến thế kỷ XI khi người Hồi giáo tấn công Ấn Độ và san bằng các tu viện Phật giáo. Vào năm 248 TCN, khoảng ba trăm năm sau khi Đức Phật nhập diệt, Aśoka Đại đế lên ngôi. Là một người bảo trợ Phật giáo nhiệt thành, ông đã cử các nhà truyền giáo Phật giáo đi chín hướng khác nhau. Con trai của ông, Trưởng lão Mahinda, đã đến Sri Lanka để giảng dạy giáo pháp và thành lập Tăng đoàn Tỷ-kheo ở đó. Công chúa Anula, chị dâu của vua Devanampiyatissa Sri Lanka, đã quy y Phật giáo. Sau khi nghe những lời dạy của Trưởng lão Mahinda, bà trở thành vị Nhập lưu và hỏi liệu bà có thể gia nhập Tăng đoàn hay không. Trưởng lão Mahinda nói với bà rằng việc thọ giới với đầy đủ Nhị bộ Tăng Ni là cần thiết để trở thành một Tỷ-kheo-ni. Phải có ít nhất năm vị Tỷ-kheo-ni để thành lập một Tăng đoàn Ni, và vị giáo thọ truyền giới phải có ít nhất 12 năm hành hoạt như một Tỷ-kheo-ni ở trong Tăng đoàn. Ngài đề nghị bà hãy nhờ vua Devanampiyatissa cử sứ giả sang Ấn Độ để thỉnh cầu vua Aśoka phái con gái của ông là Trưởng lão Ni Sanghamitta và một số Tỷ-kheo-ni khác đến truyền giới. Trưởng lão Ni Sanghamitta, vốn là một công chúa, đã từ bỏ đời sống hoàng gia để thực hành Pháp. Bà thông thạo cả Kinh tạng lẫn Luật tạng. Như vậy, theo yêu cầu của vua Sri Lanka, vua Aśoka đã cử Trưởng lão Ni Sanghamitta và các Tỷ-kheo-ni khác đến thành lập Tăng đoàn Ni ở Sri Lanka. Dịp này vua Aśoka cũng gửi một nhánh cây Bồ-đề từ Bồ-đề Đạo tràng đến. Bà và các Tỷ-kheo-ni Ấn Độ khác, cùng với Tăng đoàn Tỷ-kheo, đã truyền giới cho công chúa Anula và những phụ nữ Sri Lanka khác, theo đó đã thành lập Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni ở Sri Lanka, Tăng đoàn Ni đầu tiên bên ngoài Ấn Độ.
Hàng trăm phụ nữ muốn thọ giới khi Trưởng lão Ni Sanghamitta đến, và vua Devanampiyatissa bắt đầu xây dựng Ni viện cho họ. Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni hưng thịnh ở đó cùng với Tăng đoàn Tỷ-kheo, cho đến lúc cả hai Tăng đoàn bị xóa sổ khi vua Chola từ Nam Ấn Độ tấn công Sri Lanka vào năm 1017. Vị vua lên ngôi kế tiếp là một Phật tử, và ông đã tìm kiếm khắp hòn đảo nhưng chỉ tìm thấy một Sa-di. Để phục hồi Tăng đoàn ở Sri Lanka, ông đã cử sứ giả đến Miến Điện và Thái Lan để yêu cầu các vị vua ở đó gửi các Tỷ-kheo đến truyền giới ở Sri Lanka. Tuy nhiên, vì Thái Lan chưa hề có Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni nên không có vị Tỷ-kheo-ni nào để gửi, và do đó vua Sri Lanka chỉ có thể phục hồi Tăng đoàn Tỷ-kheo.
Các Tỷ-kheo-ni Trung Quốc
Từ thế kỷ II TL, nam giới Trung Quốc được xuất gia thọ giới. Vào đầu thế kỷ IV, một phụ nữ Trung Quốc tên là Tịnh Kiểm tha thiết muốn trở thành một Tỷ-kheo-ni. Mặc dù cô đã thọ giới Sa-di-ni từ một Tỷ-kheo nhưng cô không thể thọ giới Tỷ-kheo-ni, bởi vì các Tăng sĩ Trung Quốc nói rằng việc thọ giới với đủ Nhị bộ Tăng Ni là cần thiết. Sau đó, một Tăng sĩ nước ngoài, Đàm-ma-yết-đa, nói rằng việc yêu cầu người nữ thọ giới với đầy đủ Nhị bộ Tăng Ni là không thực tế ở một vùng đất không có vị Tỷ-kheo-ni nào hiện diện. Ông và một Tăng đoàn Tỷ-kheo đã truyền giới cho Tịnh Kiểm, nhờ đó cô trở thành vị Tỷ-kheo-ni đầu tiên ở Trung Quốc.
Về sau người Trung Quốc đã mời các Tỷ-kheo-ni từ Sri Lanka đến Trung Quốc. Một số đã đến, tuy nhiên số lượng không đủ để truyền giới Tỷ-kheo-ni. Các vị Ni này ở lại Trung Quốc để học Hán ngữ, trong khi người chủ tàu quay trở lại Sri Lanka để thỉnh mời đủ các Tỷ-kheo-ni sang Trung Quốc truyền giới. Năm sau, con tàu chở nhiều vị Tỷ-kheo-ni từ Sri Lanka đến Trung Quốc, trong đó có một vị tên là Tessara. Cùng với các vị Tỷ-kheo-ni Sri Lanka đã đến trước đó, họ đã truyền giới cho hơn ba trăm phụ nữ Trung Quốc. Vị Tăng sĩ Ấn Độ Sanghavarman và Tăng đoàn Tỷ-kheo cũng đã truyền giới, khiến đây là lễ truyền giới với đủ Nhị bộ Tăng Ni đầu tiên cho các Tỷ-kheo-ni ở Trung Quốc.
Theo Luật tạng Theravāda được thấy ở Đông Nam Á - và điều này khác với Luật tạng của Pháp tạng bộ (luật Tứ phần) được thấy ở Trung Quốc - một giáo thọ Ni chỉ có thể truyền giới cho một nữ tu và phải cách một năm. Ngày nay một số người đặt câu hỏi về tính hợp lệ của việc thọ giới ở Trung Quốc vì có nhiều Tỷ-kheo-ni thọ giới cùng nhau. Tuy nhiên, khi chúng ta nghiên cứu tinh thần của giới luật, chúng ta thấy rõ lý do tại sao ban đầu số lượng đệ tử của mỗi giáo thọ Ni được thọ giới lại bị giới hạn. Thứ nhất, vì lý do an toàn, các vị Ni không thể sống trong rừng mà phải ở trong tịnh xá, và nơi ở không đủ. Thứ hai, số lượng phụ nữ Ấn Độ xuất gia quá nhiều đến nỗi Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni không có đủ giáo thọ để đào tạo họ. Một cách để hạn chế số lượng chư Ni là hạn chế số lượng nữ tu tập sự mà mỗi vị thầy có thể truyền giới. Ở Trung Quốc, tình hình lại khác, và việc truyền giới cho nhiều Tỷ-kheo-ni cùng một lúc là điều thiết thực.
Đầu thế kỷ XX, có nhiều ngôi chùa lớn ở Trung Quốc đại lục. Trước khi thể chế ở Trung Quốc thay đổi, các Tăng sĩ nghĩ rằng họ là những người mạnh mẽ và có thể tồn tại trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Tuy nhiên, khi các Tỷ-kheo-ni nghe rằng Trung Quốc có thể thay đổi thể chế chính trị, họ bắt đầu di cư sang Đài Loan và ở đó họ đã xây dựng các Ni viện và ổn định cuộc sống. Khi thể chế thay đổi, các Tăng sĩ nhận ra rằng họ không thể tồn tại dưới sự cai trị của chế độ mới nên vội vã chạy sang Đài Loan và gần như chẳng mang theo gì. Các Tỷ-kheo-ni đã giúp đỡ họ rất nhiều khi họ được tái lập. Các Tỷ-kheo ghi nhớ lòng tốt của các Tỷ-kheo-ni, và do đó chư Ni ở Đài Loan được cả giới Tăng sĩ và cư sĩ Phật tử kính trọng. Chư Ni đông hơn nhiều so với chư Tăng; họ được giáo dục tốt và có những Tăng đoàn vững mạnh.
Đài Loan là thành trì cho việc thọ giới Tỷ-kheo-ni; chư Ni ở đó đang phát triển rất tốt. Ni sư Ngộ Nhân được ghi nhận về trình độ giáo dục tôn giáo và thế tục cao. Ni sư Chứng Nghiêm đã nhận giải thưởng Magsaysay vì đã thành lập một bệnh viện dành cho người nghèo và một trường y. Tổ chức từ thiện của bà rất nổi tiếng ở Đài Loan. Một Ni sư khác, Ni sư Hiểu Vân, đã mua một ngọn núi và xây dựng một trường cao đẳng kỹ thuật. Bà dần dần đưa việc nghiên cứu Phật giáo vào trường đại học đó. Trong những lần viếng thăm Đài Loan, tôi rất ấn tượng với các Tỷ-kheo-ni ở đó và nghĩ rằng những quốc gia hiện chưa có dòng truyền thừa Tỷ-kheo-ni có thể mang nó về từ Đài Loan. Tuy nhiên, do một số vấn đề trong quá khứ, một số Tỷ-kheo-ni ở Hàn Quốc và Đài Loan không sẵn lòng đào tạo người nước ngoài trở thành các Tỷ-kheo-ni. Họ nói rằng các nữ tu phương Tây mang tính chủ nghĩa cá nhân cao nên việc đào tạo khá khó khăn. Các Tỷ-kheo-ni Trung Quốc và Hàn Quốc khó có thể hiểu được tâm lý phương Tây, vì vậy cần phải thực hiện các bước để thu hẹp khoảng cách.
Việc truyền giới Tỷ-kheo-ni
Sau khi Đức Phật diệt độ, nhiều trường phái Luật tạng đã hình thành. Giới bổn trong mỗi bộ phái đã được truyền miệng trong nhiều thế kỷ và rằng các bộ phái đã phát triển ở những khu vực địa lý rất khác nhau, tuy vậy chúng giống nhau một cách đáng kể. Dĩ nhiên, có những khác biệt nhỏ về số lượng giới luật và cách giải thích chúng. Người Trung Quốc theo Luật tạng Pháp tạng bộ (Tứ phần luật). Người Tây Tạng theo Luật tạng của Căn bản thuyết Nhất thiết hữu bộ.
Tôi không biết rõ về dòng Luật tạng mà các Tỷ-kheo-ni Sri Lanka đã mang đến Trung Quốc. Cần nhiều nghiên cứu hơn để xác định điểm quan trọng này. Ngày nay có nhiều cuộc thảo luận về việc nữ giới từ các quốc gia như Thái Lan, Sri Lanka và Tây Tạng nhận lễ thọ giới Tỷ-kheo-ni từ cộng đồng người Hoa và đưa nó trở về đất nước của họ, nơi việc thọ giới Tỷ-kheo-ni hiện không được truyền thừa. Tuy nhiên, nói chung các Tăng sĩ ở Sri Lanka và Thái Lan không chấp nhận việc thọ giới Tỷ-kheo-ni theo truyền thống Trung Quốc bởi vì nó được coi là thuộc một dòng Luật tạng khác với dòng truyền thừa của họ. Tôi không thấy điều này là quan trọng bởi vì tất cả các truyền thống đều tuân theo cùng một nội dung chung của Luật tạng.
Đức Phật dạy rằng để Phật giáo phát triển trong một quốc gia cần có bốn nhóm Phật tử (tứ chúng): Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-ni, cư sĩ nam và cư sĩ nữ. Do đó, sẽ rất thuận lợi nếu đưa Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni đến các quốc gia Phật giáo mà ở đó hiện chưa có sự hiện diện của Tăng đoàn này. Tôi nghĩ có hai nhóm người nói về khả năng thọ giới của Tỷ-kheo-ni: những người nói “không” với việc này thì trích dẫn một đoạn kinh và nói, “Quý vị thấy đấy, Đức Phật không bao giờ muốn phụ nữ gia nhập Tăng đoàn”. Những người nói “có” với vấn đề này thì trích dẫn từ cùng một bản kinh và nói, “Quý vị thấy đấy, điều đó là có thể nếu quý vị hiểu được tinh thần của giới luật”. Tuy nhiên, những dấu hiệu của sự thay đổi đang dần bắt đầu xuất hiện. Ví dụ, vào năm 1998, một số Tăng sĩ Theravāda nổi tiếng đã tham gia lễ thọ giới Tỷ-kheo-ni do một vị thầy người Trung Quốc tổ chức tại Bồ-đề Đạo tràng, Ấn Độ. Hai mươi nữ tu Sri Lanka đã thọ giới vào thời điểm này.
Các Tỷ-kheo-ni đã cống hiến cuộc đời của mình cho giáo pháp và họ không được e ngại cho người khác thấy họ có thể tạo ra sự ảnh hưởng tích cực như thế nào đối với xã hội. Những lời cuối cùng của Đức Phật là: “Hãy làm lợi ích cho chính mình; hãy mang lại lợi ích cho người khác”. Để có được sự ủng hộ của xã hội, Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni có thể cho thấy rằng thông qua việc thực hành Pháp, bản thân họ sẽ được lợi ích vì trở nên an lạc và hạnh phúc hơn. Họ có thể cho thấy rằng họ mang lại lợi ích cho người khác bằng cách giúp người khác trở nên an lạc. Nếu các Tỷ-kheo-ni mạnh dạn thể hiện năng lực của mình thì xã hội sẽ ủng hộ họ. Chỉ khi đó các Tăng sĩ bảo thủ mới hiểu rằng việc phụ nữ gia nhập Tăng đoàn là xứng đáng. Họ sẽ thấy rằng các Tỷ-kheo-ni có thể giúp giải quyết nhiều vấn đề và phục vụ người khác theo những cách mà nam giới không thể làm được.
Tiếp cận Luật tạng
Ban đầu chỉ có một số ít Tăng Ni, và vì hầu hết họ đều giác ngộ nên không cần hệ thống giới luật. Về sau, Tăng đoàn phát triển lớn hơn nhiều và các thành viên đến từ nhiều tầng lớp khác nhau. Tăng đoàn cần một bộ hướng dẫn chung cho các hành xử, và do đó Luật tạng đã ra đời. Kinh điển đề cập đến mười lý do tại sao Tăng đoàn nên tuân theo Luật tạng. Tôi đã nhóm mười điều này thành ba mục đích chính của Luật tạng:
- Để thúc liễm thân, khẩu và ý của chính mình. Luật tạng giúp mỗi người gia nhập Tăng đoàn điều khiển các hành động thân, khẩu và ý của mình theo hướng đạo đức.
- Để gia cố sự hòa hợp trong Tăngđoàn. Tăng đoàn bao gồm những người thuộc các giai tầng xã hội, giới tính, nguồn gốc chủng tộc và sắc tộc, thói quen và giá trị khác nhau. Nếu không tuân theo Luật tạng, một nhóm đa dạng như vậy không thể hòa hợp được.
- Để làm vững chắc niềm tin của những người đã là Phật tử và tạo niềm tin cho những người chưa trở thành Phật tử. Cách một người xuất gia đi đứng, ăn nói ảnh hưởng đến cách người khác đánh giá giáo pháp và Tăng đoàn. Nó giúp người dân nói chung khi họ nhìn thấy những người tốt bụng, lịch sự, không gây hấn. Nó nâng cao niềm tin của người Phật tử và giúp những người chưa đi trên con đường đi đến con đường.
Suy ngẫm về ba mục đích này, chúng ta thấy rằng Luật tạng không chỉ mang lại lợi ích cho cá nhân tu sĩ mà còn cho cả cộng đồng. Ví dụ, nếu các Tỷ-kheo-ni tuân theo Luật tạng một cách đúng đắn thì sẽ tạo ra những ảnh hưởng tích cực. Họ sẽ ảnh hưởng đến những quốc gia không có Tỷ-kheo-ni, và đổi lại các Tỷ-kheo-ni sẽ được đông đảo người dân đánh giá cao và kính trọng.
Giới luật Phật giáo không cứng nhắc. Mỗi giới luật được chế định để đáp ứng với một sự kiện cụ thể. Khi tu sĩ phạm sai lầm hoặc hành động theo cách khiến giới cư sĩ cảm thấy khó chịu, điều đó đã được Đức Phật lưu ý và Ngài chế định một giới luật để hướng dẫn các đệ tử tương lai trong những tình huống tương tự. Bằng cách này, danh sách các học giới đã được phát triển dần dần.
Ngay cả việc làm của Đức Phật cũng là nhân duyên của ít nhất một học giới. Khi Đức Phật xuất gia cho La-hầu-la, cha của Ngài là vua Tịnh Phạn đã phàn nàn. Vua cha rất buồn vì đứa con trai duy nhất của ông là Thái tử Tất-đạt-đa đã xuất gia và bây giờ cháu trai duy nhất của ông là La-hầu-la sắp rời bỏ cuộc sống gia đình. Vua cha đã yêu cầu Đức Phật trong tương lai chỉ xuất gia cho trẻ nhỏ khi có sự đồng ý của cha mẹ hoặc người giám hộ của chúng, và Đức Phật đã chế định một giới luật về vấn đề này.
Sẽ rất hữu ích nếu chia giáo pháp thành hai phần: những giáo pháp liên quan đến đời sống thế tục và những giáo pháp liên quan đến sự phát triển tâm thức và các năng lực tâm linh. Những giáo pháp về phát triển tâm thức và các năng lực tâm linh liên quan đến tất cả mọi người. Ví dụ, giác ngộ là một đặc tính của tâm. Nó không liên quan đến giới tính, chủng tộc, v.v...
Mặt khác, những lời dạy liên quan đến đời sống trần tục gắn liền với xã hội và cuộc đời, và do đó đôi khi nói về sự hành xử của con người một cách khác nhau. Những lời dạy này có thể được chia thành hai loại. Một loại tương ứng với những gì đã được thực hiện trong xã hội Ấn Độ vào thời điểm đó. Một số giá trị xã hội Ấn Độ cổ đại đã được đưa vào Phật giáo, bởi vì cộng đồng Phật giáo không tách khỏi xã hội Ấn Độ nói chung vào thời điểm đó. Dĩ nhiên, một số trong những giá trị này liên quan đến vị trí của phụ nữ. Ví dụ, người nữ phải phục tùng người nam. Sự giác ngộ tâm linh không dành cho phụ nữ. Ở Ấn Độ, con đường duy nhất mà người phụ nữ có thể đạt được sự cứu rỗi là bhakti hay sự tận tâm với chồng mình.
Loại thứ hai liên quan đến đời sống thế tục cho thấy sự bình đẳng giới. Đức Phật đã từng nói rằng phụ nữ có thể đạt được giác ngộ. Họ có thể sống độc thân và không cần phải có con. Nếu nhìn vào sự hình thành Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni và giới luật của họ trong bối cảnh xã hội Ấn Độ cổ đại, chúng ta thấy Đức Phật đã đi trước thời đại khi xác chứng khả năng tâm linh của phụ nữ và nâng cao địa vị của họ. Bằng cách cho phép phụ nữ xuất gia, Đức Phật đã mang lại cho phụ nữ một tầm nhìn và một cơ hội mà không một tôn giáo nào vào thời đó có thể mang lại.
Như vậy, có hai loại giáo pháp trong Tam tạng. Một loại rõ ràng ủng hộ phụ nữ, và một có vẻ phân biệt đối xử với phụ nữ do sự kết hợp các giá trị xã hội Ấn Độ. Khi có thể phân biệt được hai loại này, chúng ta có thể nhìn Phật giáo dưới một ánh sáng rõ ràng hơn.
Trước khi Đức Phật nhập diệt, Ngài đã cho phép bỏ đi những giới luật phụ. Tuy nhiên, các Trưởng lão ở hội nghị kết tập lần thứ nhất không thể quyết định giới luật nào là chính và giới luật nào là phụ. Kết quả là một số Trưởng lão đề nghị giữ nguyên toàn bộ giới luật mà không thay đổi bất kỳ giới luật nào.
Phân loại đầu tiên trong giới bổn Tỷ-kheo/Tỷ-kheo-ni là Ba-la-di (parajika), có nghĩa là khí tội hay đọa tội. Nếu một người vi phạm bất kỳ điều nào trong đó thì sẽ đánh mất tư cách tu sĩ của mình. Tăng đoàn không trục xuất người đó, mà do chính hành động của mình mà người đó không còn tư cách tu sĩ. Điều thú vị là các Tỷ-kheo có bốn giới Ba-la-di trong khi các Tỷ-kheo-ni có tám. Vào thời điểm chư Ni gia nhập Tăng đoàn, bốn Ba-la-di dành cho Tỷ-kheo đã có sẵn. Bốn điều còn lại được thêm vào giới bổn của Tỷ-kheo-ni…
Các Tỷ-kheo-ni có thể giúp đỡ xã hội như thế nào?
Trước hết, các Tỷ-kheo-ni có thể giúp đỡ xã hội bằng cách sống khiêm tốn và sống với tinh thần không gây hại. Ngoài việc nghiên cứu và thực hành tâm linh, các Tỷ-kheo-ni còn có thể trực tiếp mang lại lợi ích cho xã hội theo những cách khác, một trong số đó là tham gia vào các vấn đề liên quan đến phụ nữ. Ví dụ, các Tỷ-kheo-ni có thể giúp giải quyết các vấn đề liên quan đến phá thai, mại dâm, mãn kinh và các vấn đề khác mà phụ nữ thích thảo luận với những phụ nữ khác. Các Tỷ-kheo-ni cũng có thể giúp đỡ những bà mẹ chưa kết hôn nhưng lỡ mang thai, mà nhiều người trong họ không muốn phá thai nhưng không biết phải giải quyết tình huống này như thế nào. Ở Thái Lan, chúng tôi vừa mở một ngôi nhà dành cho những phụ nữ mang thai ngoài ý muốn, để họ có thể tránh phá thai và nhận được sự chăm sóc cần thiết.
Các Tỷ-kheo-ni cũng có thể giúp đỡ những phụ nữ đau khổ sau khi phá thai. Là Phật tử, chúng tôi không khuyến khích việc phá thai, nhưng trong thực tế có một số phụ nữ vẫn thực hiện việc đó. Sau đó, một số phụ nữ cảm thấy hối hận và bối rối về việc làm của mình. Chúng ta cần giúp họ chấp nhận rằng việc làm này đã được thực hiện, dạy họ những phương pháp để tịnh hóa những dấu vết nghiệp của nó và khuyến khích họ tiến bước trong cuộc sống mà không phải gánh nặng lương tâm tội lỗi. Một số nữ Phật tử ở phương Tây đã bắt đầu tạo ra các nghi lễ để giúp những phụ nữ này thực hiện điều này.
Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni có tiềm năng to lớn, vì bất cứ điều gì chư Ni làm đều sẽ có tác động lan tỏa đến nữ giới Phật tử trên toàn thế giới. Tôi hy vọng các Tỷ-kheo-ni sẽ sử dụng năng lượng tập thể của mình để giúp đỡ lẫn nhau, đóng góp cho xã hội và bảo tồn cũng như truyền bá giáo lý quý giá của Đức Phật.
.......
(Trích dịch từ: Thubten Chodron (Editor), Blossoms of the Dharma: Living as a Buddhist Nun, North Atlantic Books, 1999).