Lễ Vu lan báo hiếu tại TX. Ngọc Duyên

Vào lúc 8 giờ 30 ngày 11/7/Mậu Tuất (nhằm ngày 21/8/2018), Tịnh xá Ngọc Duyên tọa lạc tại phường Đập Đá, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định long trọng tổ chức Lễ Vu lan báo hiếu.

 

 

Quang lâm chứng minh buổi lễ có HT. Giác Trí – Giáo phẩm Hệ phái, Tri sự phó kiêm Trưởng ban Giáo dục Tăng Ni GĐ III; HT. Giác Chiến – Giáo phẩm GĐ III; NT. Kinh Liên – Giáo phẩm Ni giới HPKS; cùng sự hiện diện tham dự của hơn 50 chư Tôn đức Tăng Ni và gần 100 Phật tử, khách mời về tham dự buổi lễ.

Lễ Vu lan báo hiếu được diễn ra vào tháng 7 âm lịch hàng năm, là lễ hội văn hóa tâm linh có mặt lâu đời trong truyền thống của dân tộc Việt Nam. Lễ Vu lan in đậm trong tâm thức của mỗi người và trở thành lễ hội của tình mẫu tử thiêng liêng theo tinh thần “Tâm hiếu là tâm Phật, Hạnh hiếu là hạnh Phật”, phản ánh đúng truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của người con đất Việt nói chung và người con Phật nói riêng.

Đến tham dự lễ, đại chúng đã lắng lòng nghe HT. Giác Chiến tuyên đọc diễn văn Vu lan, những lời cảm niệm thật cảm động về tinh thần hiếu nghĩa của người con dâng lên hai đấng sanh thành cha và mẹ. Ngoài ra đại chúng còn được thưởng thức những lời ca tôn vinh sự hi sinh cao cả một đời của cha mẹ vì những đứa con thân yêu.

Đặc biệt trong thời pháp ngắn, HT. Giác Trí đã dạy rằng: “Pháp Phật nhiệm màu vì Pháp ấy có thể tuỳ nghi phương tiện, hoàn cảnh, văn hoá, phong tục, tập quán của các dân tộc khắp nơi trên thế giới. Cho dù dân tộc nào, văn hoá nào, kim hay cổ, Đông hay Tây đều lấy hiếu nghĩa làm đầu.

Theo tinh thần đó, Phật giáo thường nhắc nhở Tín đồ là: “Hạnh hiếu là Hạnh Phật”,  nhưng muốn thực hiện được hạnh hiếu thì phải có tâm hiếu, và “Tâm hiếu ấy là tâm Phật”. . .

Cây có cội, nước có nguồn. Chúng ta có sinh mạng, sự nghiệp, danh vọng, địa vị có ra thì cũng bắt nguồn từ Cha và mẹ, nếu ko có cha mẹ thì chúng ta không có gì cả. Nhẫn cho đến chúng ta tu hành thành Phật thì cũng bắt đầu từ Cha và Mẹ. Vì thế Đức Phật dạy rằng: “Đền ơn tất cả chúng sanh là thành tựu được quả giác”.

Hoà thượng còn dạy rằng: “Nếu người giác ngộ Phật thì phải luôn tìm cách nhớ ơn và đền ơn của cha và mẹ trong mọi lúc và mọi nơi”

Lễ Vu lan báo hiếu đã trở thành nét đẹp văn hoá của người Việt Nam, là dịp để mỗi chúng ta hướng về nguồn cội để rồi mỗi người phải tự phát nguyện sống theo tinh thần theo kinh Vu lan bồn và kinh Báo hiếu Phụ Mẫu trọng ân để xứng đáng với công sinh thành dưỡng dục của cha và mẹ.

Hình ảnh ghi nhận từ buổi lễ:

 

Chư Tôn đức dâng hương Tam bảo

 

Giác Tự

Theo daophatkhatsi.vn

Tin cùng chuyên mục