VÀI SUY TƯ VỀ HOẰNG PHÁP TRONG THỜI ĐẠI KỸ NGHỆ SỐ
Sau khi chuyển Pháp luân tại Lộc Uyển, lúc bấy giờ giáo đoàn đã có 60 vị A-la-hán đầu tiên, Đức Phật khuyến khích chư Thánh đệ tử: “Này các Tỷ-kheo, hãy du hành vì hạnh phúc cho quần chúng, vì an lạc cho quần chúng, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người. Chớ có đi hai người một chỗ. Này các Tỷ-kheo, hãy thuyết pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa, có văn. Hãy tuyên thuyết Phạm hạnh hoàn toàn viên mãn thanh tịnh.”[1] Đó là bản hoài cứu khổ độ sanh của Đức Phật. Bản hoài đó đã trở thành lí tưởng sống, nhiệm vụ chính yếu của người con Phật nói chung và ngành hoằng pháp nói riêng: “hoằng pháp vi gia vụ, lợi sanh vi sự nghiệp.” Thừa hành bản hoài, tôn chỉ này, các thế hệ người con Phật đã không ngừng đem giáo pháp của Đức Phật tuyên thuyết, giảng dạy cho mọi tầng lớp xã hội khắp nơi, khiến họ được an lạc, giác ngộ, giải thoát.
Đất nước ta đang tiến hành sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế và quá trình toàn cầu hoá, mở rộng quan hệ đối ngoại đa phương hoá, đa dạng hoá trên nhiều lĩnh vực trong đó có tôn giáo và văn hóa. Nhân loại đã và đang tiến vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, 4.0. Để Chánh pháp được truyền bá một cách hiệu quả và rộng rãi trong bối cảnh toàn cầu hóa, công nghệ số chúng ta cần phải làm việc bằng tư duy mới và mang tính khoa học.
1. Thực hiện công tác đào tạo, quản lí tốt khâu nhân sự:
Ban Hoằng pháp cần đi tiên phong, nhanh chóng giúp giáo hội đào tạo, quản lí đội ngũ giảng sư trẻ, chuyên môn, có chiều sâu, có tinh thần dấn thân phụng sự. Tiêu chuẩn chính của giảng sư là phải am hiểu sâu sắc giáo lí Phật-đà, có kiến thức tốt về các ngành khoa học tự nhiên và xã hội nhân văn, có phẩm hạnh tu tập thanh cao, có sức khỏe, có tư duy mới mẻ, biết vận dụng truyền thông, công nghệ trong thời đại công nghệ số. Ban Hoằng pháp nên quản lí tốt nhân sự, chỉ việc, giao việc, phân bổ, luân chuyển giảng sư, tránh tình trạng thiếu giảng sư tại các địa phương.
2. Đa dạng hóa, đa phương thức trong công tác hoằng pháp:
Phẩm Hộ Trì Chánh Pháp thuộc kinh Đại Bi và giáo lí Ngũ minh khuyến khích người con Phật vận chuyển bánh xe pháp bằng nhiều phương thức, dưới nhiều dạng thức. Giảng sư, trong thời đại ngày nay, không chỉ giảng nói mà còn viết lách, dịch thuật, ấn tống pháp bảo, cúng dường kinh tượng, xây dựng chùa tháp, làm từ thiện, chăm lo sức khỏe cộng đồng, mở rộng lễ hội, tổ chức khóa tu, hội trại hè, sinh hoạt câu lạc bộ cho từng lứa tuổi, tổ chức hội thảo, tọa đàm để đưa giáo lí lan tỏa rộng rãi.
Chư tôn đức Tăng Ni Ban Hoằng Pháp tỉnh Bình Định tham dự Hội thảo
3. Tận dụng tối đa các kênh truyền thông để hoằng pháp:
Một trong những lĩnh vực hoằng pháp cực kỳ quan trọng trong thời đại ngày nay là công nghệ thông tin với hệ thống các trang mạng, facebook, Twitter, Tumblr, Zalo, youtube, email, viber, line, facetime,…Việc tận dụng các phương tiện công nghệ để đưa Phật pháp đến cư dân mạng phải được xem là một trong những ưu tiên hàng đầu của ngành hoằng pháp. Do vậy, các vị giảng sư cần tự mình làm và khuyến khích cộng đồng tu sĩ, tín đồ, người có cảm tình với đạo Phật lập nhiều tài khoản mạng xã hội, tham gia vào nhiều nhóm (group) để tự mình viết hoặc like, share các kinh sách, video thuyết giảng, bài giáo lí, những Phật sự, hình ảnh, sự kiện tốt đẹp của đạo Phật; phản biện, điều hướng dư luận những thông tin xấu, gây ảnh hưởng đến Phật giáo. Ban Hoằng pháp cần phối hơp với Ban Thông tin Truyền thông để dấn thân hoạt động thật hiệu quả trong lĩnh vực này.
4. Đẩy mạnh hoằng pháp vào lĩnh vực giáo dục:
Điều 55 của Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2018 quy định tôn giáo: “Được tham gia các hoạt động giáo dục, đào tạo, y tế, bảo trợ xã hội, từ thiện, nhân đạo theo quy định của pháp luật có liên quan”. Do vậy, Phật giáo nên tận dụng cơ hội này để mở các trường từ cấp Mầm non Tư thục đến Đại học do Phật giáo quản lí. Trong các trường này, Ban giáo dục Phật giáo sẽ chịu trách nhiệm quản lí và đào tạo, nhưng không thể không có hoạt động hoằng pháp, tổ chức khóa tu cho học sinh, sinh viên. Do vậy, Ban Hoằng pháp cần có hướng đào tạo chuyên sâu nguồn nhân sự có trình độ chuyên môn nhằm cung ứng giảng sư cho Phật sự này.
Ngoài ra, Ban Hoằng pháp T.Ư cần chủ động liên hệ với Bộ Giáo dục để Phật giáo góp phần chung tay giáo dục đạo đức cho học sinh, sinh viên, giải quyết tệ bạo lực học đường. Nên chăng cần phải biên soạn giáo trình giảng dạy đạo đức cho thanh thiếu niên theo quan điểm Phật giáo.
5. Đưa Phật pháp đến với mọi tầng lớp xã hội:
Hoằng pháp là trách nhiệm chính, nhiệm vụ chung và thiêng liêng của người con Phật. Do vậy, Ban Hoằng pháp T.Ư cần khuyến khích mỗi vị trụ trì các cơ sở tự viện phát huy vai trò của mình trong hoằng pháp. Mỗi vị trụ trì cần dấn thân, hi sinh, tổ chức các khóa tu, duy trì ít nhất hai thời thuyết giảng trong mỗi tháng. Đưa người có niềm tin Phật giáo thành người Phật tử quy y Tam Bảo thực thụ, thực hiện chương trình Phật hoá gia đình thông qua việc hành đạo của các vị trụ trì bằng cách cung cấp các chương trình, tài liệu và phương hướng thực hiện cho mỗi vị. Cần có hình thức khen thưởng, khuyến khích đối với các vị trụ trì đã có những nỗ lực lớn trong việc giáo hóa, độ sanh, quản lí, quan tâm, giúp đỡ tín đồ một cách thường xuyên và chặt chẽ.
Ban Hoằng pháp các tỉnh, thành cần chú trọng tiếp cận đưa Phật pháp đến tầng lớp trí thức, doanh nhân, chính trị gia, các vùng sâu vùng xa, thường xuyên tổ chức các lớp giáo lí tại các đơn vị Phật giáo cấp huyện, xã. Ngoài ra, các nhà Hoằng pháp cần xin phép Chính quyền để thường xuyên thăm viếng, tặng quà, giảng nói, nâng cao đạo đức cho tù nhân và trẻ em phạm pháp.
Theo bản báo cáo của HĐTS, trong nhiệm kì VII (2012-2017), Ban TTXH T.Ư đã thực hiện công tác từ thiện với tổng kinh phí là 6.837.413.176.000 đ. Như vậy, Phật giáo Việt Nam đã đóng góp rất lớn cho việc từ thiện, cứu trợ nhân đạo, an sinh xã hội. Tuy nhiên, chúng ta thấy có ít các hoạt động hoằng pháp thông qua hoạt động cứu trợ. Do vậy, Ban Hoằng pháp cần kết hợp với Ban TTXH đưa hoạt động hoằng pháp luôn luôn song hành cùng với hoạt động cứu trợ. Việc chia sẻ pháp thí thông qua tài thí, khuyến khích người nhận quy y Tam bảo sẽ mang đến lợi lạc cả vật chất lẫn tinh thần và làm con số tín đồ Phật giáo tăng lên một cách đáng kể.
6. Tăng cường giao lưu quốc tế:
Ban Hoằng pháp cần thường xuyên thực hiện các chuyến hoằng pháp tại hải ngoại để tổ chức khóa tu và thuyết giảng cho kiều bào và người nước ngoài. Ở chiều ngược lại, chúng ta cần thỉnh mời các vị sư nước ngoài đến để tổ chức khóa tu, thuyết giảng và hướng dẫn tu tập cho các đạo tràng, cộng đồng Phật tử trong nước. Ban Hoằng pháp cũng nên tổ chức các hội thảo, tọa đàm mang tính quốc tế để học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác hoằng pháp giữa các quốc gia trên thế giới.
Thay lời kết:
Trên đây là vài suy nghĩ về thực trạng, những thành tựu, hạn chế và những đề xuất cho công tác hoằng pháp hoằng pháp trong thời đại kỹ nghệ số 4.0. Thời đại công nghiệp lần thứ tư 4.0 và sự ra đời của Luật Tín ngưỡng & Tôn giáo đã mở ra cơ hội và thách thức cho Phật giáo. Sự thành công hay thất bại đều nằm trong tư duy, cách thức tiếp cận và phương thức ứng dụng những cơ hội đó của các nhà hoằng pháp. Do vây, việc đổi mới tư duy, nắm bắt sự phát triển nhanh lẹ của thế giới, những thành tựu khoa học để ứng dụng cho việc truyền bá Chánh pháp một cách sâu rộng và hiệu quả phải là ưu tiên hàng đầu của ngành hoằng pháp.
Thư mục tham khảo chính:
1. Thích Minh Châu (dịch), Tương Ưng Bộ I, VNCPHVN ấn hành, 1993.
2. Thích Nhật Từ & Nguyễn Công Lý (chủ biên), Giáo hội Phật giáo Việt Nam – 35 năm Hình thành và Phát triển, NXB Hồng Đức, 2016.
3. Cơ sở dữ liệu số Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Tổ Thông tin Tuyên truyền Văn phòng II Trung ương thực hiện, lưu hành từ ngày 08 tháng 08 năm 2018.
4. Tài liệu Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh Bình Định lần thứ VI – nhiệm kỳ 2017-2022, văn phòng BTS GHPGVN tỉnh Bình Định ấn hành, 2017.