Phật giáo đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững

Trong lần sang dự Hội nghị lần thứ nhất của Ủy ban Tổ chức Quốc tế Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc (ICDV) với GHPGVN và đại diện Ban Tôn giáo Chính phủ tại Hà Nội trung tuần tháng 10 vừa qua, HT.GS.TS Brahmapundit, Chủ tịch ICDV, đã dành thời gian trả lời phỏng vấn của Báo Giác Ngộ. Hòa thượng chia sẻ: 
 
- Được sự chấp thuận của Chính phủ Việt Nam tại công văn của Ban Tôn giáo Chính phủ; căn cứ công hàm của Bộ Ngoại giao Việt Nam, ngày 22-9-2018 tại Hội nghị mở rộng của ICDV ở Ayutthaya (Thái Lan) đã chính thức quyết định để GHPGVN đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc (LHQ) 2019. Đại lễ Vesak năm tới diễn ra tại Việt Nam từ 12 đến 14-5-2019, dự kiến sẽ thu hút sự tham gia của 10.000 người, trong đó có 1.500 chức sắc và lãnh đạo các Giáo hội, hệ phái Phật giáo, các nhà nghiên cứu… đến từ 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới. 
 
HTBrahmapundit.jpg
HT.GS.TS.Brahmapundit
 
Sau 2 lần tổ chức thành công Đại lễ Vesak LHQ tại Việt Nam vào năm 2008 và năm 2014, chúng tôi thấy được sự chân thành cũng như nhiệt huyết của GHPGVN và Chính phủ Việt Nam. Trước đây, Đại Lễ Vesak LHQ chỉ được tổ chức tại Thái Lan. Từ khi Việt Nam tham gia đăng cai tổ chức Vesak, thì LHQ đã nhận ra vai trò quốc tế quan trọng của ICDV vào các nhiệm vụ thúc đẩy kinh tế xã hội toàn cầu. Nhờ đó từ năm 2013, LHQ đã chính thức đưa ICDV trở thành tổ chức trực thuộc Ủy ban Kinh tế - xã hội của LHQ. Sự kiện trọng đại này được cộng đồng Phật giáo thế giới xem là cơ hội quý báu để truyền bá thông điệp từ bi, trí tuệ, hòa bình, tinh thần bất bạo động của Đức Phật trên khắp thế giới. 
 
Vesak LHQ năm 2019 hướng đến những chủ đề gì, thưa Hòa thượng? 
 
- Chúng ta đã có vị trí ở trong LHQ, vì vậy ICDV phải báo cáo các hoạt động với Ủy ban Kinh tế-Xã hội của LHQ. Tổ chức Vesak, chúng ta phải tư duy rất thận trọng. Đây không chỉ là sự kiện mà mọi người đến tập trung vui vẻ với nhau, mà chúng ta mong muốn phải đạt được kết quả thật tốt đẹp sau sự kiện trọng đại này, đóng góp vào nền hòa bình và thịnh vượng của thế giới. ICDV và GHPGVN đã cùng bàn bạc, đưa ra chủ đề của Đại lễ Vesak LHQ 2019, đó là: “Cách tiếp cận của Phật giáo về lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững”. 
 
Tại Hội nghị Thượng đỉnh LHQ về phát triển bền vững diễn ra tại New York (Hoa Kỳ) vào tháng 9-2015, 193 quốc gia đã thông qua chương trình nghị sự toàn cầu về phát triển đến năm 2030, với 17 mục tiêu phát triển bền vững. Trong 15 năm qua, chúng tôi đã đa dạng hóa những nội dung hoạt động Phật giáo nói chung, Đại lễ Vesak nói riêng, hướng vào các lĩnh vực: giảm nhẹ biến đổi khí hậu, giải quyết ô nhiễm môi trường, tham gia vào giáo dục, xây dựng nền hòa bình. Vesak 2019 nói riêng, các giáo lý Phật giáo nói chung là nền tảng cho tất cả mọi người trên thế giới có thể cùng nhau chung tay giải quyết các vấn đề toàn cầu. Các học giả, các nhà lãnh đạo, chư Tăng đến Vesak không chỉ nói, tuyên bố, mà mỗi cá nhân khi trở về, họ phải có trách nhiệm thực hiện những tuyên ngôn, các giải pháp đó. 
 
Trên thế giới, xung đột tôn giáo vẫn còn xảy ra ở một số nơi. Phật giáo luôn chủ trương hòa bình, bất bạo động và hài hòa, thế nhưng mới đây, tại Myanmar đã xảy ra hiện tượng xung đột giữa một nhóm Phật tử với tín đồ Hồi giáo. Quan điểm của Hòa thượng như thế nào về vấn đề này? 
 
- Trên thế giới, cộng đồng người theo Phật giáo rất ít gây ra xung đột, vì họ thấm nhuần giáo lý đạo Phật, sống từ tâm, từ ái, khoan dung. Sự việc xảy ra tại thành phố Mandalay (Myanmar) chỉ là cá biệt. Ngay sau đó, tại Myanmar và Thái Lan, đã có những nỗ lực chung của cả Phật giáo và Hồi giáo để vượt qua sự chia rẽ giữa hai tôn giáo, chống lại những nhận thức sai lầm và hiểu lầm về nhau. Chư Tăng tại địa phương đã khuyên nhủ, vận động người dân, Phật tử nên sống hòa bình với nhau bằng cách mỗi người tự kiểm soát hành động, lời nói và tâm trí của mình. 
 
Phật giáo trên thế giới phải cùng đoàn kết, tăng cường hiểu biết lẫn nhau, khỏa lấp khoảng cách với các tôn giáo khác, hướng tới cõi hài hòa, hòa bình. Năm 2000, LHQ cũng đã mời 1.000 lãnh đạo các tôn giáo đến gặp gỡ tại New York. Chúng tôi cũng may mắn được song hành cùng các nhà lãnh đạo tôn giáo trong phiên họp chung đó. Tại sự kiện này, các nhà lãnh đạo tôn giáo cùng thống nhất, khẳng định trên thế giới sẽ không bao giờ còn xảy ra cuộc chiến tranh tôn giáo nào nữa. Các tôn giáo không được phép có hành động nào làm phương hại đến nền hòa bình toàn cầu. Chúng ta - những người theo Phật giáo không bao giờ muốn tạo ra, hay là nguyên nhân của những xung đột. Tất cả những ai theo Phật giáo đều phải tuân thủ nguyên tắc đó. 
 
Vesak Mahachula.jpg
Chư Tăng Ni tham dự Vesak tại đại học Mahachulalongkornrajavidyalaya
 
Xin Hòa thượng cho biết những giải pháp thực hành để tinh thần bất bạo động thực sự đem lại hiệu quả giải quyết các xung đột, thực sự đem lại hòa bình cho thế giới? 
 
- Người ta đã nói nhiều về sự đóng góp của Phật giáo vào hòa bình thế giới. Đưa ra tinh thần bất bạo động, không phải là lý thuyết viển vông, mà Phật giáo đề ra những chiến lược cụ thể giúp mang lại hòa bình trên thế giới, thông qua 4 bước. 
 
Thứ nhất, ngăn ngừa không cho xung đột, hay chiến tranh xảy ra. Phật giáo đã thúc đẩy tinh thần khoan dung, đây chính là chìa khóa để ngăn ngừa xung đột. Chiến lược này được hiện thực hóa qua hoạt động hoằng pháp, giáo dục. Việc các chư tôn đức, Tăng Ni Phật giáo đi hoằng pháp, giảng dạy, diễn bày những nguyên tắc về lòng khoan dung, đã khích lệ mọi người thay đổi cách hành xử trong cuộc sống, từ ái hơn. Chư tôn đức, chư Tăng Ni phải thực sự có lòng khoan dung, phải sống hài hòa với các triết lý của các tôn giáo khác: Hồi giáo, Thiên Chúa giáo… Khi chúng tôi giáo dục được như vậy, là chúng tôi đã xây dựng được nền văn hóa hòa bình trên thế giới thông qua lòng khoan dung. 
 
Thứ hai, giải quyết những xung đột đang diễn ra. Nếu như có mâu thuẫn, có xung đột xảy ra, chúng ta phải làm thế nào giải quyết được một cách dung hòa. Dĩ nhiên, Phật giáo không can thiệp trực tiếp vào các xung đột, mà chúng tôi tư vấn cho các nhà lãnh đạo chính trị. Chúng tôi thuyết pháp cho các nhà lãnh đạo chính trị nghe, để họ hiểu được về các vấn đề khác nhau, để họ hiểu được những điều hay lẽ thiệt, những mất mát khi xảy ra xung đột, chiến tranh. Cùng với đó, Phật giáo đã tham gia rất tích cực vào các cuộc đối thoại liên tôn giáo khác nhau trên toàn thế giới. Chúng tôi có những bạn bè thân thiết ở trong Cơ Đốc giáo, trong truyền thống Hồi giáo, trong Thiên Chúa giáo… Chúng tôi từng đến thăm trường đại học Hồi giáo ở Ai Cập, thăm Tòa thánh Vatican. Chúng tôi đến đó để chia sẻ quan điểm của Phật giáo với các cộng đồng tôn giáo khác trên thế giới. 
 
Thứ ba, chúng ta hòa giải bằng cách tha thứ, quên đi những hận thù trong quá khứ. Sẽ là một vòng luẩn quẩn khi chúng ta cứ sát sinh, chúng ta cứ chém giết nhau rồi chúng ta lại bị người khác chém giết, chiến tranh cứ xảy ra triền miên. Chúng ta phải tránh vòng luẩn quẩn đó. Đức Phật đã nói: Với lòng thù hận, không bao giờ lấy lòng thù hận mà đáp lại được đâu. Phải dùng sự tha thứ bởi lòng yêu thương để đáp lại lòng thù hận, thì mới hóa giải được sự thù hận. 
 
Thứ tư, chúng ta duy trì được nền hòa bình một cách bền vững trên thế giới này. Chúng tôi mời tất cả những người có kinh nghiệm trong việc duy trì nền hòa bình ở khắp nơi trên thế giới đến tham dự Vesak, cùng ngồi lại với nhau để bàn bạc các giải pháp xây dựng nền văn hóa hòa bình. Làm sao để thế giới này sống yêu thương nhau hơn trong nền tảng của cộng đồng quốc tế. Khi phong trào của chúng ta đủ mạnh, tiếng nói của chúng ta đủ lớn để cả thế giới nghe được, thì chúng ta hoàn toàn có thể sinh sống với nhau một cách hòa bình trên thế giới này. 
 
Chu Minh Khôi thực hiện
Theo giacngo.vn

Tin cùng chuyên mục