Quý vị biết không: “Bởi trong quá trình dòng nước chảy về phía trước, nó sẽ gặp phải vô số chướng ngại vật, thậm chí có những cản trở không thể vượt qua. Vì thế, nó chỉ còn cách chọn đường vòng để chảy tiếp. Cũng nhờ đi đường vòng, dòng sông sẽ tránh được các chướng ngại vật khác nhau và cuối cùng sẽ đến được biển lớn”.
Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta cũng gặp phải những trắc trở gập ghềnh trên đường đời. Chúng ta cũng xem đó như một trạng thái bình thường của cuộc sống, chớ bi quan thất vọng, đừng than ngắn thở dài, cũng đừng ngưng trệ làm gián đoạn công cuộc tiến về phía trước.
Hãy coi việc đi đường vòng là một hình thức, một phương cách khác để chúng ta tiếp tục bước đi. Như thế, tất cả chúng ta sẽ có thể như những dòng sông chảy vòng vo uốn khúc kia, cuối cùng vẫn sẽ đến được với biển lớn.
Coi việc đi đường vòng là một trạng thái bình thường, hãy dùng một trái tim bình thản để nhìn nhận những gập ghềnh, trắc trở trên con đường tiến về phía trước, rồi chúng ta sẽ đạt được những mục tiêu lớn của cuộc đời.
Có một số người khi gặp những khó khăn thử thách trước mặt họ không đủ kiên nhẫn hay nghị lực để trải qua. Khi đó, sự sân hận dâng lên cách tột độ, cuối cùng dẫn đến những hậu quả không thể lường.
Một thời Thế Tôn trú ở Baranasi, tại vườn Nai, Ngài dạy các thầy Tỳ Kheo:
Này các Tỳ Kheo, có ba hạng người này xuất hiện ở đời. Thế nào là ba? Hạng người như chữ viết trên đá, hạng người như chữ viết trên đất, hạng người như chữ viết trên nước.
Thế nào là hạng người như chữ viết trên đá? Này các Tỳ Kheo, có người luôn luôn phẫn nộ và phẫn nộ của người này lâu dài. Ví như viết chữ trên đá không bị gió hay nước tẩy xóa nhanh chóng, được tồn tại lâu dài.
Và này các Tỳ Kheo, thế nào là hạng người viết chữ trên đất? Ở đây này các Tỳ Kheo, có người luôn luôn phẫn nộ và phẫn nộ của người này không tiếp tục lâu dài. Ví như chữ được viết trên đất bị gió hay nước tẩy xóa mau chóng, không tồn tại lâu dài.
Thế nào là hạng người như chữ viết trên nước? Này các Tỳ Kheo, có người dẫu bị nói một cách kịch liệt, bị nói một cách ác độc, bị nói một cách thô lỗ, tuy vậy, vẫn dễ dàng hòa hợp, thân thiện và hoan hỷ. Ví như chữ viết trên nước được mau chóng biến mất, không còn tồn tại lâu dài.
Trong cuộc sống, đôi khi có những điều làm trái ý nghịch lòng, hoặc không đáp ứng được những nhu cầu hằng ngày làm cho ta bực tức, nóng giận, biểu hiện sự giận dữ khó chịu…
Có hạng người rất dễ sân hận mà khó nguôi. Sự nóng giận tồn tại lâu dài, chỉ cần trái ý một tí là họ đùng đùng nổi giận, mặt đỏ, mắt trợn lên…chẳng ai dám đến gần. Những lời nói, hành động của họ làm tổn thương đến những người xung quanh, nên ít ai dám tiếp xúc, xem họ như rắn độc. Hạng người này Đức Phật ví như hạng người viết chữ trên đá.
Còn hạng người cũng hay nóng giận, nhưng họ không để bụng, mau quên, giận rồi chỉ một hay vài ngày sau thì họ quên mất, xem như bình thường, không có chuyện gì xảy ra. Giống như ta viết chữ trên đất, mưa gió dễ dàng xóa đi. Nên Đức Phật ví như hạng người này viết chữ trên đất.
(Trích kinh Tăng Chi bộ I, chương 3, phẩm Kusinara, phần chữ viết trên đá, trên đất, trên nước)
Ở trên đời chúng ta bị tam độc tham, sân, si chi phối, nên không ai mà không giận, ngoại trừ các bậc Thánh Nhân, vì các ngài đã đoạn tận mọi kiết sử, lậu hoặc. Nên Đức Phật ví các vị như người viết chữ trên nước.
Vậy làm thế nào để chế ngự sân hận? Đó là kham nhẫn, chịu đựng hay còn gọi là Nhẫn nhục, trước mọi hoàn cảnh trái ý nghịch lòng, cũng như những tham muốn dục vọng của ta không thỏa mãn được.
Thời Đức Phật tại thế, có rất nhiều nhà ngoại đạo không thích Ngài, họ tìm đủ mọi cách để hạ bệ, sỉ nhục Ngài. Một hôm Đức Phật đi khất thực có một vị ngoại đạo theo sau Ngài nói lời thô tục, mắng chửi đức Phật. Vị này đi theo chửi mãi nhưng Thế Tôn không nói gì, hắn mệt quá mới nói: “Này Sa Môn Cồ Đàm kia, sao ta mắng nhiếc nhục mạ ngươi mà ngươi im lặng không nói gì vậy?”
Lúc này Đức Phật trả lời :
“Ví như nhà của ngươi có đám giỗ, ta đến dự, ngươi biếu cho ta quà bánh, ta không nhận thì quà bánh đó thuộc về ai?
Hắn đáp: Tức nhiên là tôi rồi, sao ông hỏi kỳ quá vậy?
Đức Phật nói tiếp: Cũng như vậy, ngươi theo ta, mắng chửi, nhục mạ ta, những lời nói đó ta không nhận thì nó thuộc về ngươi rồi.
Hắn chợt tỉnh, cảm phục Đức Phật, xin quy y làm đệ tử Ngài.
Qua câu chuyện trên chúng ta thấy, trong đời sống hằng ngày, không phải ai cũng mến, cũng thương mình, đôi lúc cũng có kẻ ghét, vậy nên chúng ta đối xử với họ như thế nào?
Hãy bắt chước Đức Phật, kham nhẫn chịu đựng, đừng thọ nhận những lời nói cay đắng, khó nghe mà sinh phiền não, có như vậy chúng ta mới có được cuộc sống an lạc ngay trong hiện tại và cả tương lai.
Đức Phật dạy chúng ta có những lợi ích của sự kham nhẫn (kinh Tăng Chi Bộ II, Chương 5, Phẩm Mắng Nhiếc)
1. Quần chúng ái mộ và ưa thích
2. Không có nhiều người hận thù
3. Không có nhiều người tránh né
4. Khi mạng chung tâm không bị mê loạn
5. Sau khi thân hoại mạng chung được sinh vào thiện thú, thiên giới.
Đây chính là bí quyết của việc tu tập kham nhẫn để vượt qua nghịch cảnh, chướng duyên, nhằm đem lại sự bình an, hòa hợp, hạnh phúc và an vui trong đời sống của người con Phật.
Như trong kinh Pháp Cú, Đức Phật có dạy:
“Bỏ phẫn nộ, ly mạn,
Vượt qua mọi kiết sử,
Không chấp trước danh sắc,
Khổ không theo vô sầu.”
Dòng sông sẽ không bao giờ chảy về biển lớn theo một đường thẳng. Nó biết tùy duyên, thích ứng để đạt đến kết quả cuối cùng. Cũng vậy, một hành giả tu hành trên con đường chứng đạt quả vị giác ngộ giải thoát. Chúng ta phải trải qua muôn ngàn khó khăn, thử thách, đây được xem như những tác nhân giúp ta phát khởi từ tâm, tu tập kham nhẫn để vượt qua những nghịch cảnh đó. Hy vọng mỗi người phát khởi tâm bồ đề dõng mãnh niềm tin kiên cố nơi giáo pháp mới có thể đủ sức chèo chống con thuyền tuệ giác vươn ra biển lớn.
Tâm Độ