Đầu năm Hợi kể chuyện heo

Năm mới Kỷ Hợi đã về hơn nửa tháng. Hợi là con vật được xếp cuối cùng trong hệ 12 con giáp. Tương truyền, ngày xưa Ngọc hoàng mở đại hội, triệu tập 12 con giáp đến phân công việc. Chuột (Tý) đến sớm nhất nên đứng đầu bảng và heo (Hợi) có lẽ vì ủn ỉn, chậm chạp nên đến sau cùng phải đứng cuối bảng.
 
 
 
Tranh lon.jpg
 
 
Heo là một loài vật có hình dáng tròn trịa, mũm mĩm, béo tốt, khác với loài thú dữ khác như rắn, sư tử, cọp. Trong 12 con giáp, ba con vật cuối cùng gồm gà, chó và heo có mối liên hệ gần gũi với con người hơn các con vật khác như cọp, rắn, ngựa, khỉ... Heo là một con vật mà chỉ nói đến chúng ta đã thấy gần gũi. Trong tiếng Việt hàng ngày, heo cũng thường được nhắc đến, nào là mập như heo, ngu như heo, lười như heo, ăn như heo, ngủ như heo, sướng như heo, và dơ như heo… Nói chung là muốn so sánh để diễn tả một ai đó không làm gì cả, chỉ thích hưởng thụ, nhàn nhã là nghĩ đến con heo. Nhưng thật ra heo không hề tối dạ; trái lại, heo rất thông minh, dễ dạy, ngoan hiền và thân thiện.

Theo văn hóa Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung, heo là biểu trưng của tiền bạc, phồn thịnh, sung túc, tài lộc, nên nhiều nghệ nhân đã đúc tượng heo vàng, vẽ ảnh heo treo tường, nuôi heo đất tiết kiệm làm giàu, vẽ tranh dân gian về heo để thể hiện sự chúc tụng năm mới nhiều may mắn, con cháu đông vui, sanh sôi nảy nở, phúc lộc dồi dào phong phú. Heo cũng còn là biểu tượng của vật tế lễ cúng bái như sính lễ kết hôn, đám giỗ, tạ lễ sau khi thành công ở thương trường buôn bán, sanh con, cúng tế thần linh, lễ khai trương…

Trong Phật giáo, nhất là hệ thống kinh điển Pāḷi, hình ảnh con heo ít được nhắc đến. Hiếm hoi lắm, chúng ta mới thấy nhắc đến con heo mập béo nhưng lại bị so sánh với hình ảnh một người ham ăn mê ngủ. Đức Phật dạy rằng, người thiểu trí, tham ăn, thích ngủ, ngã lăn nằm dài như con heo to mà người ta nuôi bằng thức ăn thừa - người ấy sẽ tái sanh trở đi trở lại mãi mãi triền miên.

Người ưa ngủ, ăn lớn      

Nằm lăn lóc qua lại

Chẳng khác heo no bụng

Kẻ ngu nhập thai mãi 1.

Hình ảnh con heo chính là hậu quả của việc làm bất thiện. Một hôm, Đức Thế Tôn vào thành Vương Xá (Rājagaha) khất thực, gặp một con heo nái tơ. Ngài mỉm cười, và do nhân duyên Thế Tôn cười ấy, Đại đức Ānanda đã bạch hỏi nguyên nhân. Thế Tôn liền thuật lại rằng: Vào thời Đức Phật Kakusandha, con heo tơ này là một gà mái ở gần thiền đường nọ. Gà thường chăm chú nghe một vị Tỳ-khưu niệm đề mục thiền tu chứng Tuệ giác. Chỉ nghe những âm thanh kia thôi, sau khi chết, gà mái được tái sinh vào cung vua, làm công chúa tên Ubbarī. Một hôm công chúa đi vào nhà xí, thấy đống giòi. Liền tại chỗ ấy, chăm chú quan sát đám giòi, tâm định tĩnh, cô nhập Sơ thiền. Sau khi mãn kiếp làm công chúa, cô được sanh vào dòng dõi Bà-la-môn. Từ giai cấp Bà-la-môn, do tạo nghiệp ác trong kiếp ấy, bây giờ cô lại tái sinh làm con heo nái tơ này 2

Tuy trong hệ thống Chánh tạng không nhắc đến hình ảnh con heo nhiều, nhưng trong các mẩu chuyện tiền thân (Jātaka) thuộc hệ thống Chú giải (Aṭṭhakathā) có nhiều mẩu chuyện về tiền kiếp của Đức Bồ-tát nói đến hình ảnh những chú heo thông minh, tài trí, biết tri ân…

Điển hình là chú heo của người thợ mộc trong câu chuyện sau đây. Khi ấy, có người thợ mộc cứu một con heo rừng con bị rớt xuống hố. Ông đem về nuôi và đặt cho tên Tacchasūkara (heo rừng của thợ mộc). Heo lớn lên, nó thường giúp ông trong công việc hàng ngày như lấy cái cưa, cái đục, cái bào cho ông dùng. Lúc heo đủ lớn, thợ mộc thả heo về rừng. Heo về rừng họp bầy với heo rừng khác. Bầy heo thường bị cọp rượt bắt mỗi ngày. Tacchasūkara liền lập kế, cho đào hố và huấn luyện bầy heo đối phó với cọp. Dưới sự chỉ huy của Tacchasūkara, bầy heo chiến thắng cọp. Diệt trừ cọp xong, bầy heo nghĩ đến việc trừ tên đạo sĩ giả danh từng lợi dụng cọp bắt heo để ông có thịt ăn. Bầy heo đến nơi trú ẩn của đạo sĩ. Tên đạo sĩ giả danh sợ hãi leo lên cây sung, nhưng không thoát khỏi vì bầy heo ủi lật gốc sung. Ông rớt xuống và bị bầy heo xé xác. Do chiến thắng ấy, Tacchasūkara được bầy heo tôn làm vua ngay dưới gốc cây sung 3

Một câu chuyện khác. Khi ấy, Đức Bồ-tát sanh làm con sư tử sống trong một hang động trên Tuyết Sơn. Trên bờ hồ gần động ấy có nhiều heo rừng và ẩn sĩ sinh sống. Một hôm, sau khi ăn xong, sư tử xuống hồ uống nước. Thấy con heo rừng to, sư tử nghĩ thầm nên tránh nó để hôm sau dễ bắt nó ăn thịt hơn. Heo rừng thấy vậy tưởng sư tử sợ mà tránh mình nên ngẩng đầu lên thách thức. Sư tử liền hứa rằng: hai bên sẽ tranh tài vào tuần sau. Heo rừng mừng lắm, đi khoe với dòng họ mình. Khi nghe tin ấy, bà con heo hoảng sợ dùm cho nó và khuyên nó nên đến bãi phân của các nhà tu khổ hạnh, lăn lộn trên phân trong bảy ngày, phơi cho khô, đến ngày thứ bảy tắm ướt, và khi đến chỗ hẹn đứng trên đầu gió. Heo làm y lời khuyên. Sư tử gặp heo, ngửi mùi hôi từ thân heo và bỏ đi vì sư tử có tánh ưa sạch. Nhờ đó mà heo được thoát chết 4.  Con heo rừng ở câu chuyện này vì tánh ngạo mạn và không biết lượng sức mình nên chút nữa là phải nộp mạng cho sư tử.

Tiếp, chuyện kể rằng: Thuở xưa, có hai chú heo con bị heo mẹ bỏ rơi được một bà già đem về nuôi như con. Bà đặt con heo anh tên là Mahātuṇḍila và con heo em tên là Cullatuṇḍila. Một hôm, bà già bị bọn nhậu đến gạ bán heo; bà không chịu bán nên bọn chúng dụ bà uống say rồi định bắt heo em Cullatuṇḍila. Hoảng sợ, Cullatuṇḍila chạy đến anh và được anh nói rằng số phận heo là bị xẻ thịt, vậy em hãy can đảm nhận lấy cái chết của mình. Trong khi heo anh khuyên heo em như người vậy, dân chúng hiếu kỳ trong kinh thành Bārāṇasī kéo đến xem đông nghẹt. Vua Bārāṇasī tôn kính mời heo anh lên vương tọa, ban cho bà cụ nhiều vinh hiển, và truyền tắm hai chú heo với nước tẩm hương, mặc lễ phục, trang điểm vàng ngọc trên cổ, ban cho địa vị như các vương tử. Vì thế, vua bảo vệ hai chú heo với một đoàn quân hộ tống đông đảo. Sau đó nhà vua nhận hai chú heo làm dưỡng tử 5.

Ngoài những câu chuyện về chú heo lanh trí, còn có những chú heo ngây ngô, dễ thương và phải nhờ đến sự trợ giúp của người khác. Khi ấy, Đức Bồ-tát sanh làm ẩn sĩ sống trên Tuyết Sơn. Gần chòi lá của ngài là cái hang thủy tinh, trong ấy có 30 con heo rừng sanh sống. Lúc ấy, có con sư tử lai vãng quanh hang nên bóng của nó phản chiếu lên thủy tinh làm bầy heo lo sợ ăn ngủ không yên. Bầy heo bèn đem bùn trét để thủy tinh hết phản chiếu, nhưng lông heo cọ xát làm thủy tinh chiếu sáng hơn. Bầy heo không biết phải tính sao, liền đến hỏi vị ẩn sĩ kia cách nào để làm dơ bẩn thủy tinh. Bồ-tát hướng dẫn bầy heo nên dời đi nơi khác thì sẽ an toàn và không phải lo sợ nữa 6.

Chỉ một số hình ảnh về heo trong kinh điển Pāḷi kể cả Chánh tạng và Chú giải nhưng đã cho chúng ta thấy được hình ảnh chú heo cũng rất dễ thương, lanh trí và nhất là đặc tính ham ăn, mê ngủ. Ngoài hệ thống kinh điển, Trư Bát Giới trong bộ tiểu thuyết Tây du ký mang thân hình người với khuôn mặt con lợn đã đi vào lòng người hâm mộ bao thế hệ. Lão Trư là hậu kiếp của Thiên Bồng Nguyên soái nhưng phạm sai lầm nên bị đày xuống trần và đi theo Đường Tăng để thỉnh kinh. Tên của Bát Giới chính là Trư Ngộ Năng do Quan Thế Âm Bồ-tát đặt cho, nghĩa là: cần giác ngộ, thấy rõ và chiến thắng bản năng phàm tục của mình. Tam Tạng đặt tên là Bát Giới với ý nghĩa là Tám ranh giới bị kiềm chế, vậy mà lão Trư nhà ta luôn vi phạm vào những điều giới ấy. Bát Giới cũng luôn đẩy những người đồng hành vào rắc rối bởi sự lười biếng, thói háu ăn và háo sắc.

Tóm lại, heo là con vật thuộc 12 con giáp, rất thân thiện và gần gũi với con người. Nó sướng nhất vì chỉ ăn và ngủ, không lo lắng điều gì. Loài heo vốn nhàn nhã, vô tư, không lo nghĩ, phúc lộc nên mọi người quan niệm năm Hợi sẽ mang nhiều niềm vui, vận may, tụ tài lộc, lợi nhuận sung túc, thoải mái cả tinh thần và vật chất đến với mọi người. Tết đến, năm mới Kỷ Hợi sắp về, chúc mọi người một cuộc sống nhàn nhã, không lo lắng, chẳng bận lòng, luôn thuận duyên trong cuộc sống và an lạc trong Chánh pháp.

 Bhik.Samādhipuñño Định Phúc

----------------------

1  Pháp cú kinh, kệ 325 (Dhp.325).

2 Chú giải Pháp cú, câu chuyện Con heo nái tơ (DhpA.iv.47).

3 Chuyện Bổn sanh, Heo rừng Taccha – Tacchasūkarajātaka (J.492; JA.iv.342ff). Chuyện Bổn sanh, Con heo rừng của người thợ mộc - Vaḍḍhakīsūkarajātaka (J.283; JA.ii.403ff) cũng có nội dung câu chuyện tương tự như vậy.

4 Chuyện Bổn sanh, Con heo rừng – Sūkarajātaka (J.153; JA.ii.9ff).

5 Chuyện Bổn sanh, Con heo Tuṇḍila - Tuṇḍilajātaka (J.388; JA.iii.286ff).

6 Chuyện Bổn sanh, Ngọc Ma-ni và heo rừng - Maṇisūkarajātaka (J.285; JA.ii.415ff).

 

Tin cùng chuyên mục