Công bố chương trình chi tiết Đại lễ Vesak LHQ 2019

Chiều nay, 18-4, tại Hà Nội, GHPGVN tổ chức họp báo công bố chương trình chi tiết Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc (LHQ) 2019, và thông tin về công tác chuẩn bị Đại lễ đến thời điểm hiện tại.

TT.Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HĐTS cho biết, Đề án Tổng thể Vesak LHQ 2019 và Hội thảo Khoa học quốc tế tổ chức tại Hà Nam đã được Thủ tướng Chính phủ chính thức phê chuẩn vào ngày 8-4-2019. Qua văn bản thông báo của Văn phòng Chính phủ số 853/VPCP, sẽ có hơn 500 phái đoàn quốc tế, với 1.500 đại biểu từ 105 quốc gia và vùng lãnh thổ đến Việt Nam tham dự Vesak 2019. 

 

IMG_8104.jpg

TT.Thích Quang Thạnh điều phối chương trình họp báo

Đảm bảo đón tiếp hàng chục ngàn đại biểu

Thành phần đại biểu quốc tế bao gồm: các Tăng vương, Tăng thống, Chủ tịch và lãnh đạo các giáo hội, hệ phái Phật giáo, các giáo sư, tiến sĩ, nhà nghiên cứu, nhân sĩ trí thức học giả Phật giáo. 

Vesak 2019 sẽ có sự hiện diện của các nguyên thủ quốc gia: Tổng thống Myanmar, Thủ tướng Nepal, Phó Tổng thống Ấn Độ, Chủ tịch Thượng viện Bhutan, Phó Tổng Thư ký LHQ, các quan chức Bộ trưởng… của nhiều quốc gia đến tham dự Đại lễ. Cùng với đó, sẽ có khoảng 60 đại sứ và đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam tham gia.

Về phía Việt Nam sẽ có Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; lãnh đạo các ban, bộ ngành trung ương, đại diện các tỉnh, thành phố trong cả nước.

GHPGVN sẽ có sự hiện diện của: Đức Pháp chủ, các Phó Pháp chủ HĐCM, Chủ tịch HĐTS; thành viên HĐCM, HĐTS, lãnh đạo các BTS Phật giáo 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, các Tăng Ni tiêu biểu. Cùng với đó là đông đảo các Phật tử trong nước, đại diện các Hội Phật tử Việt Nam ở nước ngoài, những Phật tử Việt kiều tiêu biểu. Dự kiến số người đến dự Đại lễ sẽ lên tới 15.000 - 20.000 người. Theo Thượng tọa Tổng Thư ký, tính đến hôm nay, Ban Tổ chức cũng đã nhận được sự xác nhận tham dự Đại lễ của 1.405 đại biểu quốc tế đến từ 105 quốc gia.

Thượng tọa thông tin, chủ đề chính của Vesak LHQ 2019 là “Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững”. Ban Tổ chức đã nhận được 398 bài tham luận bằng tiếng Anh của các học giả quốc tế và 110 bài tham luận bằng tiếng Việt của các học giả trong nước.

Chương trình Hội thảo tại Vesak sẽ tổ chức nhiều phiên diễn đàn, với các chủ đề: Sự lãnh đạo có trách nhiệm vì xã hội bền vững; Cách tiếp cận của Phật giáo về gia đình hòa hợp; Cách tiếp cận của Phật giáo về giáo dục; Phật giáo và cách mạng công nghiệp 4.0; Cách tiếp cận của Phật giáo về tiêu thụ có trách nhiệm. 

IMG_8133.jpg

Các nhà báo tham dự buổi họp

Ngoài ra, rất nhiều hoạt động văn hóa tâm linh sẽ diễn ra tại khu vực chùa Tam Chúc (Điện Tam Thế, Điện Thích Ca, Điện Quan Âm, Quảng trường Tam Quan), gồm: Lễ tắm Phật truyền thống; Đàn lễ cầu nguyện âm siêu dương thái, quốc thái dân an, đất nước hội nhập phát triển theo nghĩ lễ ba miền Bắc - Trung - Nam; Đêm hoa đăng cầu nguyện hòa bình thế giới; Các triển lãm ảnh chùa Di sản thế giới và Việt Nam, Triển lãm cổ vật Phật giáo tại điện Tam Thế và Tòa nhà Hội thảo quốc tế.

Về chỗ ăn nghỉ cho các đại biểu, TT.Thích Đức Thiện cho hay, Công ty Lữ hành Viettravel được GHPGVN tin tưởng giao nhiệm vụ chăm lo về lưu trú và vận chuyển các đại biểu trong suốt thời gian Đại lễ. Các đại biểu chính thức tham dự sẽ được Ban Tổ chức sắp xếp ăn nghỉ tại các khách sạn ở Hà Nam, Hà Nội và Ninh Bình. Ban tổ chức cũng tài trợ 3 tour du lịch miễn phí cho các đại biểu quốc tế đến: Tràng An - Bái Đính, Yên Tử - Hạ Long, Fansipan - Sapa. 

 

IMG_8122.jpg

HT.Thích Gia Quang phát biểu khai mạc

Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam giúp đỡ phối hợp với các Đoàn Thanh niên các trường Đại học bố trí lực lượng hàng nghìn sinh viên tình nguyện phục vụ lễ tân đón, tiễn các đại biểu. Ngoài ra, còn có hàng nghìn Phật tử trẻ đến từ các đạo tràng Phật giáo toàn quốc phát tâm tham gia phục vụ Đại lễ. Hàng nghìn Phật tử và tình nguyện viên từ khắp các địa phương sẽ tham gia công tác ẩm thực.

Ban Tổ chức đã bố trí một khu riêng biệt rộng hơn 4.000 m2 dành riêng cho đầu bếp chế biến nấu các món chay. Một khu nhà ăn rộng 3.200 m2 dành cho tiệc buffet cho các đại biểu chính thức trong suốt 3 ngày diễn ra Đại lễ. Với các Phật tử và nhân dân tham dự Đại lễ sẽ được Ban tổ chức phát cơm hộp tại khu vực chùa Tam Chúc.

An ninh được coi trọng hàng đầu

Đối với công tác hậu cần an ninh, Bộ Công an và các Cục chức năng, Công an các tỉnh Hà Nam, Hà Nội, Ninh Bình đã có kế hoạch, phương án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn, phòng chống cháy nổ… cho Đại lễ. Các đơn vị chức năng của Bộ Công an đã hỗ trợ, giúp đỡ in ấn, phát hành, quản lý các loại thẻ như: thẻ đại biểu, thẻ Ban tổ chức, thẻ phóng viên, thẻ phục vụ, và các loại phù hiệu. Ban tổ chức sẽ thiết lập Trung tâm điều hành an ninh tại khu vực trước Hội trường Trung tâm Hội nghị quốc tế Tam Chúc (Tòa nhà thủy đình). 

IMG_8127.jpg

TT.Thích Đức Thiện thông tin tới báo chí về Đại lễ

Bộ Y tế giúp đỡ Ban Tổ chức trong công tác chăm sóc sức khỏe và an toàn thực phẩm cho Đại lễ. Về công tác thông tin, truyền thông, trong thời gian Đại lễ, Ban Tổ chức thiết lập Trung tâm báo chí tại khu vực trước Hội trường Hội nghị quốc tế Tam Chúc (Tòa nhà thủy đình).

Các chương trình khai mạc, bế mạc: Giao hưởng “Hào quang Giác ngộ”; Giao lưu nghệ thuật quốc tế đêm khai mạc 12-5 và màn bắn pháo hoa sẽ được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam. 

 

Các chương trình chính trong khuôn khổ Đại lễ

  • Ngày 10 và 11-5-2019: đón tiếp các đại biểu quốc tế tại sân bay, bố trí nghỉ ngơi tại các khách sạn.
  • Tối 10-5-2019: Khai mạc Hội chợ Văn hóa Phật giáo tại chùa Tam Chúc. Chiều 11- 5: Khai mạc Triển lãm Mỹ thuật Phật giáo Việt Nam và thế giới. Vào 15 giờ chiều cùng ngày: Diễu hành xe hoa từ TP.Phủ Lý về chùa Tam Chúc. Lúc 17 giờ 30: Tiệc chiêu đãi đại biểu nguyên thủ quốc gia, lãnh đạo Phật giáo thế giới, các trường đoàn VIPS tại Trung tâm Hội nghị quốc gia (Hà Nội).
  • Ngày 12-5-2019, Đại lễ chính thức diễn ra tại Hội trường chính, với các chương trình: Tuyên đọc Thông điệp của Đức Pháp chủ GHPGVN, Phát biểu của Chủ tịch Ủy ban Tổ chức Vesak Quốc tế 2019;  Phát biểu của lãnh đạo, Đảng, Nhà nước Việt Nam; Tuyên đọc thông điệp của Tổng Thư ký LHQ; Phát biểu của Tổng thống Myanmar; Phát biểu của Thủ tướng Nepal; Thuyết trình chính của Phó Tổng thống Ấn Độ; Thuyết trình của các lãnh đạo Phật giáo các nước trên thế giới, các chính trị gia…
  • Tối 12-5 diễn ra các hoạt động: Thuyết pháp ý nghĩa Phật đản; Chương trình giao lưu biểu diễn nghệ thuật quốc tế, kết thúc là màn bắn pháo hoa trong 15 phút.
  • Ngày 13-5 tại các Hội trường ở chùa Tam Chúc sẽ diễn ra nhiều phiên hội thảo. Tối 13-5 có Lễ hội hoa đăng và tụng kinh tại Đại lễ cầu quốc thái dân an, hòa bình thế giới.
  • Ngày 14-5: Chương trình nghệ thuật Đại lễ bế mạc chào mừng thành công Vesak 2019; phát biểu của đại diễn lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ; Báo cáo Tổng kết Đại lễ và Tuyên bố chung Vesak 2019, chuyển giao đăng cai Vesak 2020.
  • Từ chiều 14-5 đến hết ngày 15-5: các đại biểu quốc tế tham quan Yên Tử, Fansipan, Tràng An…
 
 
 
 
IMG_8144.jpg
 
TT.Thích Nhật Từ, thành viên BTC Đại lễ trả lời câu hỏi
 
IMG_8157.jpg
 
Ông Bùi Hữu Dược, Vụ trưởng Vụ Phật giáo - Ban Tôn giáo Chính phủ phát biểu
 
IMG_8137.jpg
 
Một nhà báo đặt câu hỏi 
 
IMG_8162.jpg
 
HT.Thích Huệ Thông, Phó Tổng Thư ký HĐTS chia sẻ thông tin
 
Chu Minh Khôi
Nguồn: giacngo.vn
 

Tin cùng chuyên mục