Tang lễ Đại tướng Lê Đức Anh theo nghi thức Quốc tang

Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có thông tin chính thức về lễ tang nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh. 

Chutich Le Duc Anh.jpg
Đại tướng Lê Đức Anh và lãnh tụ Cuba Fidel Castro 
trong chuyến thăm hữu nghị chính thức Cộng hoà Cuba (12 - 17-10-1995) - Ảnh: TTXVN

Theo đó, tang lễ nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh tổ chức theo nghi thức Quốc tang và Quốc tang hai ngày: 3 và 4-5-2019 do Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban lễ tang.

Được biết, Đại tướng Lê Đức Anh - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nguyên Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam qua đời tại Hà Nội tối 22-4-2019 do bệnh nặng, hưởng thọ 99 tuổi.

Linh cữu Đại tướng Lê Đức Anh quàn tại Nhà Tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. 

Lễ viếng bắt đầu từ 7 - 11 giờ ngày 3-5-2019; lễ truy điệu từ 11 giờ cùng ngày tại Nhà Tang lễ quốc gia (Hà Nội). Lễ an táng từ 17 giờ ngày 3-5-2019 tại Nghĩa trang TP.Hồ Chí Minh.

Cùng thời gian này, tại Hội trường Thống Nhất TP.HCM, Hội trường Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế cũng tổ chức lễ viếng, lễ truy điệu Đại tướng Lê Đức Anh.

Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam sẽ tường thuật trực tiếp các buổi lễ tại Hà Nội, TP.HCM.

Trong hai ngày Quốc tang, các công sở, các nơi công cộng treo cờ rủ và ngừng các hoạt động vui chơi giải trí.

 

Dấu ấn của Đại tướng Lê Đức Anh

Ông Lê Đức Anh được thăng quân hàm Đại tướng năm 1984. Trong cuộc đời binh nghiệp của mình, Đại tướng Lê Đức Anh đã chiến đấu hơn 30 năm trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, và 10 năm trên chiến trường nước bạn Campuchia giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng Khmer Đỏ.

Ong Le DucAnh.jpg
Chân dung Đại tướng Lê Đức Anh

Tại thời điểm cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968, ông Lê Đức Anh là tham mưu trưởng Bộ chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam. 

Đến chiến dịch Hồ Chí Minh tháng 4-1975, ông là phó tư lệnh Bộ chỉ huy chiến dịch, kiêm tư lệnh Đoàn 232 - cánh quân hướng Tây - Tây Nam đánh vào nội đô Sài Gòn - Gia Định.

Đại tướng Lê Đức Anh giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng từ năm 1987 đến năm 1991, sau đó là chức vụ Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam cho đến tháng 9-1997, có vai trò quan trọng trong việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Đại tướng Lê Đức Anh chính là người đề xuất việc phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng. Ngày 29-12-1994, lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng Việt Nam, hàng trăm Mẹ Việt Nam anh hùng ở tuổi ngoài 70 đã cùng duyệt hàng quân danh dự với người đứng đầu Nhà nước - Chủ tịch nước Lê Đức Anh, trong khuôn viên Phủ Chủ tịch.

Sau khi nghỉ hưu (từ tháng 4-2001), Đại tướng Lê Đức Anh vẫn quan tâm đến thời cuộc và tình hình đất nước, ông trăn trở nhiều về bộ máy công quyền, mối quan hệ giữa Nhà nước, trong đó có quân đội, với nhân dân.

An Lạc tổng hợp
 
Nguồn: giacngo.vn

Tin cùng chuyên mục