Lãnh đạo ICDV, đại biểu quốc tế nói gì về Đại lễ Vesak 2019?

Với 1.650 đại biểu quốc tế đến từ 112 quốc gia và vùng lãnh thổ cùng hàng chục ngàn đại biểu, Phật tử trong nước, Đại lễ Phật đản - Vesak Liên Hiệp Quốc (LHQ) 2019 đã trở thành ngày hội không chỉ để tôn vinh Đức Phật mà còn là nơi kết nối cộng đồng Phật giáo thế giới.

Nhân dịp hội ngộ đặc biệt này, PV Giác Ngộ đã có dịp tiếp xúc và ghi nhận ý kiến của chư tôn giáo phẩm, đại biểu lãnh đạo Phật giáo khắp các châu lục về công tác tổ chức của nước chủ nhà và giá trị của Đại lễ.

HT.GS.TS.Phra Brahmapundit, Thành viên Hội đồng Tăng-già Tối cao Vương quốc Thái Lan, Chủ tịch sáng lập Ủy ban Tổ chức quốc tế Đại lễ Vesak LHQ (ICDV), Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học Phật giáo trên thế giới:

H1.JPG
HT.GS.TS.Phra Brahmapundit

“Với những gì được biểu hiện tại Việt Nam, chúng ta dễ dàng nhận thấy, Đại lễ Vesak thực sự là một địa chỉ tin cậy mang tính kết nối hết sức giá trị đối với cộng đồng Phật giáo thế giới thông qua sự bảo trợ của LHQ. Nơi đây vừa là diễn đàn kết nối, vừa lan tỏa các giá trị nhân bản của đạo Phật và vừa là nơi trao đổi học thuật Phật giáo nhằm cung ứng các phương pháp giải quyết các vấn nạn toàn cầu.

Chúng ta thực sự tin tưởng rằng, Đại lễ Vesak 2019 đạt được các mục tiêu quan trọng khi tạo nên những hiểu biết giữa các cộng đồng Phật giáo trên toàn thế giới, để xây dựng nền hòa bình và ổn định cho nhân loại trong thời kỳ kỹ thuật số với nhiều thách thức, khó khăn. Hy vọng rằng, những gì được tiếp nhận từ Đại lễ sẽ là năng lượng vô biên để mỗi đại biểu tham dự nuôi dưỡng trí tuệ và thiết lập tình thương nhằm xiển dương giáo lý của Đức Phật.

Đối với nước chủ nhà Việt Nam, tôi chân thành gởi đến lời chúc mừng đến các bạn về sự thành công của Đại lễ. Nếu như lần thứ nhất vào năm 2008, Chính phủ Việt Nam đăng cai và Giáo hội là đơn vị cùng tham gia; lần thứ hai được tổ chức năm 2014 là sự tiếp cận của GHPGVN trong thế chủ động thì lần ba này cho thấy sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chư tôn đức giáo phẩm lãnh đạo và thế hệ Tăng sĩ trẻ để tạo nên những điều mới mẻ, thu hút và ấn tượng".

H2.JPG
TT.TS. Tampalawela Dhammaratana

TT.TS. Tampalawela Dhammaratana, Phó Chủ tịch ICDV, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phật học quốc tế Paris, Pháp:

“Tôi có thể nói một từ là tuyệt vời trước sự chuẩn bị chu đáo và những gì diễn ra mấy ngày qua tại Việt Nam. Tôi quan sát dường như tất cả các đơn vị, thành viên của ICDV được thiết lập đêể có sự hướng tâm trọn vẹn vào sự kiện này.

Về phương diện học thuật, với một lượng lớn các bài tham luận được gởi đến thông qua chủ đề chính của Đại lễ "Cách tiếp cận của Phật giáo về lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững" cho thấy cộng đồng Phật giáo thế giới, những nhà nghiên cứu, học giả quan tâm đến nội dung này như thế nào. Tôi tin rằng các kiến giải và những chia sẻ tại các diễn đàn hội thảo nhân Đại lễ đã thực sự hữu ích đối với các nhà lãnh đạo chính trị, các vị lãnh đạo cộng đồng Phật giáo trên thế giới cùng những người yêu hòa bình trong việc tìm kiếm các giải pháp khẩn cấp và hiệu quả nhằm khắc phục nhiều vấn đề khó mà thế giới đang đối mặt".

H3.JPG
HT.TS. Chao Chu

HT.TS. Chao Chu, Phó Chủ tịch ICDV, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phật giáo Los Angeles, Hoa Kỳ:

“Lần trở lại Việt Nam này, tôi thật sự xúc động và hoan hỷ khi đất nước các bạn đã có những tiến bộ vượt bậc trong công tác tổ chức Đại lễ Phật đản Vesak LHQ. Tất nhiên, mỗi thời kỳ có những khó khăn, thuận lợi riêng nên không thể so sánh và đưa ra cách bình luận nhưng có một điều phải thừa nhận là những nỗ lực của GHPGVN đã được đền đáp bởi sự hài lòng của hầu hết các đại biểu quốc tế.

Nhìn cách thức tổ chức của Việt Nam kỳ này, tôi như nhận thấy sự kết hợp nhuần nhuyễn, hài hòa giữa các cơ quan nhà nước, tổ chức Giáo hội và cộng đồng xã hội trong đó nổi lên là vai trò của chư Tăng Ni, Phật tử trẻ. Đây sẽ là bài học kinh nghiệm cho nhiều quốc gia khác khi họ quyết định đứng ra đăng cai Đại lễ.

Vấn đề hiện tại là cần xiển dương các kết quả của Đại lễ, làm cho giáo lý của Đức Phật thực sự hiện diện trong giải quyết các vấn đề xã hội hiện tại. Và trách nhiệm của chúng ta là thúc đẩy, đem giáo lý của Đức Phật đến với mọi người, đến với bất cứ nơi này cần sự chia sẻ, lắng nghe và hành trình để mang lại an lạc cho cá nhân cũng như cộng đồng".

H4.JPG
TT.GS.TS. Jinwol Lee

TT.GS.TS. Jinwol LeePhó Chủ tịch ICDV, Viện chủ tu viện Daegaksa, Hàn Quốc:

"Cùng đồng hành với các thành viên trong ICDV của Việt Nam từ ngày GHPGVN khởi xướng việc tiếp nhận đăng cai, trải qua nhiều phiên họp và đến nay là sự kiện được tổ chức thành công mỹ mãn, tôi biết Giáo hội, chư Tăng Ni, Phật tử Việt Nam đã cố gắng hết mực. Qua đó, tôi cũng nhận thấy sự hỗ trợ tận tâm của Chính phủ và các cơ quan liên hệ tại Việt Nam để Đại lễ Vesak 2019 thực sự đạt được các kết quả như mong muốn.

Trong xu hướng Phật giáo tại các nước châu Á cần phải thực hiện nhiều điều chỉnh để có thể thích ứng với xã hội hiện đại thì việc đất nước Việt Nam tổ chức thành công Đại lễ là một điểm sáng, tạo cảm hứng cho cộng đồng Phật giáo thế giới nói chung và tại châu Á nói riêng trên con đường truyền bá chánh pháp, mang đến các phương thức phù hợp trên căn bản của Phật giáo làm cho xã hội ngày càng an lạc và phồn vinh hơn".

H5.JPG
ĐĐ.Buddharakkhita

ĐĐ.Buddharakkhita, Chủ tịch Trung tâm Phật giáo Uganda:

Không biết nói gì hơn ngoài sự cảm ơn sâu sắc khi tôi được hiện diện tại đây để cùng những người con Phật khắp các châu lục kỷ niệm ngày Đản sanh, Giác ngộ và nhập Niết-bàn của Đức Thế Tôn cũng như tôn vinh những lời dạy của Ngài đã hiện diện gần 2.600 năm nhằm tạo dựng con đường thiện lành cho nhân loại. Thông qua Đại lễ, tôi đã kết nối với nhiều người đồng đạo và học hỏi được rất nhiều từ họ để có thể có thể đóng góp, giữ gìn các giá trị trí tuệ của đức Phật cũng như ứng dụng nhiều phương pháp mới trên con đường truyền bá Chánh pháp ở châu Á xa xôi.

Một lần nữa xin được chúc mừng Giáo hội, chư Tăng Ni, Phật tử và người dân Việt Nam đã tổ chức thành công Đại lễ Vesak LHQ 2019 mang lại sự gắn kết trong cộng đồng Phật giáo thế giới trên nhiều phương diện khác nhau, giúp định hình hướng đi của cộng đồng Phật giáo trong tình tình mới đầy biến động của nhân loại”.

H6.JPG
ĐĐ. Pannabodhi

ĐĐ.Pannabodhi, Chủ tịch Cộng đồng Phật giáo Congo 

“Tôi là đại diện duy nhất của đất nước Congo và cũng là vị Tăng sĩ Phật giáo duy nhất đang hành đạo tại đất nước của mình do vậy cũng chưa có nhiều dịp tiếp xúc với các sinh hoạt Tăng đoàn rộng lớn như những ngày ở Việt Nam. Do vậy, tôi thực sự ấn tượng khi được tham dự và chứng kiến những gì diễn ra ở đất nước các bạn, được thực hiện bởi chư Tăng Ni và cộng đồng Phật tử.

Mọi hoạt động diễn ra trong 3 ngày qua tại Tam Chúc, Hà Nam mang đến cho tôi nhiều trải nghiệm đặc biệt và đáng nhớ để tự tin tiếp tục hành trình đầy khó khăn tại đất nước của mình, nơi mà Phật giáo còn quá mới và yếu thế. Từ những gì tiếp nhận, tôi như tăng cường thêm năng lực và hiểu biết để xây dựng cộng đồng Phật giáo quê nhà ngày càng lớn mạnh”.

H7.JPG
Cư sĩ Dorji Dukpa

Cư sĩ Dorji Dukpa, Thư ký Hoàng thái hậu Bhutan Dorji Wangmo, Vương quốc Bhutan 

“Lần đầu tiên đặt chân đến Việt Nam lại được vinh hạnh đại diện cho Hoàng Thái hậu Vương quốc Bhutan Dorji Wangmo tham dự Đại lễ Vesak LHQ 2019 do đất nước GHPGVN đăng cai, tôi trải qua từ cung bậc cảm xúc này đến cảm xúc khác mà trên hết đó là sự gắng kết của cộng đồng Phật giáo thế giới hiện diện tại Tam Chúc những ngày qua.

Những gì mà GHPGVN chuẩn bị và tổ chức không thể hoàn hảo hơn bởi ai cũng đã nỗ lực bằng tâm thành dâng lên Đức Phật, từ người hướng dẫn, điều hành cho đến người thực hiện. Tôi hy vọng, Đại lễ đã mang đến cơ hội hoàn hảo để tất cả những người con Phật dốc sức truyền bá thông điệp từ bi, trí tuệ và khoan dung của Đức Thế Tôn trên khắp thế giới vì lợi ích của tất cả mọi người”.

Bảo Thiên (thực hiện)

Nguồn giacngo.vn

 

Tin cùng chuyên mục