Ngày nay, Phật tử chúng ta không còn xa lạ những trang web Phật giáo, như trang chính thức của Giáo hội PGVN, trang của các cơ quan truyền thông Phật giáo như Giác Ngộ, Đạo Phật Ngày Nay, trang Phật
giáo có nhiều người truy cập như Phật tử Việt Nam, Thư viện Hoa Sen… những website Phật giáo ở nước ngoài, và kể các trang mạng của các chùa. Hơn thế nữa, truyền thông mạng còn có các hình thức đơn giản và thân thiện với người dùng như blog, và các mạng xã hội: Facebook, Twitter…
Hiển nhiên, các tôn giáo khác cũng khai thác tính năng và tác dụng của các phương tiện truyền thông hiện đại trong việc giảng đạo, đoàn kết tín đồ, rao giảng đức tin, và phổ biến thời sự tôn giáo. Tạp chí tôn giáo của Pháp: Le Monde des religions, đã đăng một bài phản ánh việc sử dụng internet và các phương tiện truyền thông hiện đại như thế nào, với nhan đề: Plongée dans la religion 2.0, ngày 29/11/2013 của Brice Perrier.
Nội cái nhan đề cũng nói lên tác dụng lớn lao cũng như tính hấp dẫn của những thứ ma lực truyền thông đi vào thế kỷ 21 này. Lao vào tôn giáo 2.0, câu dịch nhan đề trên chẳng ổn chút nào, nhưng hình ảnh lao vào nói lên chuyện say mê hết mình thế giới ảo. Còn religion 2.0? Phải chăng đó là “phiên bản” của religion 1.0, và religion 1.0 là tôn giáo thực ngoài đời, còn religion 2.0 là tôn giáo trên mạng?
Xưa nay, mọi hình thái sinh hoạt tôn giáo được thể hiện trên văn bản, trên tranh ảnh, ca nhạc, tượng, kiến trúc, điện thờ, trên phim, trên sự cầu nguyện, giảng giáo lý, lễ nghi, cúng bái… vậy thì nơi đâu có đầy đủ hết thảy những thứ như thế, nếu không phải trên thế giới mạng, dầu cho đó là ảo? Suy cho cùng, ảo đó là phản ánh, là bản sao của thực mà thôi, và một sinh hoạt thực được phiên bản không biết bao nhiêu là ảo. Những công cụ của thế giới ảo đó càng ngày càng phong phú và càng nhiều tính năng, tất cả kết hợp với nhau, làm thu hẹp không gian và thời gian, khiến các phương tiện nghe, nhìn gắn bó với nhau: internet, mạng không dây, smartphone, laptop, máy tính bảng… Trên những công cụ đó là những mối liên lạc bốn phương trời, trao đổi tự do nhờ các mạng xã hội, thư điện tử… Do đó, không lạ gì khi thế giới ảo cũng là vùng đất mênh mông cho tôn giáo.
Đối với tôn giáo độc thần, có gì ra khỏi quyền lực của thượng đế? Ngày 28-9-2013, tại nhà thờ Saint- Pierre-d’Arène ở Nice (miền Nam nước Pháp), Linh mục Gil Florini đã chúc phúc smartphone (điện thoại thông minh) và máy tính bảng, và hai “con chiên” này được đặt dưới sự bảo trợ của Tổng lãnh thiên thần Gabriel; vị được xem như là thánh chủ của hệ thống viễn thông (dĩ nhiên đó là chuyện riêng của chức sắc và tín đồ tôn giáo này) vì Thiên Chúa đã chọn thánh Gabriel để truyền tin cho Đức Trinh Nữ Maria về mầu nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa. Tuy có một số người bảo thủ trong tín đồ đạo Chúa dè dặt với việc hàng giáo phẩm sử dụng các công cụ truyền thông hiện đại, nhưng “có gì tốt khi chống đối một cuộc cách mạng tất yếu? Vậy thì hay hơn là chúc phúc những thứ đó, mục đích là khiến chúng phục vụ tốt”, Linh mục Florini trần tình, và như thế, cùng với nhiều triệu người thực hành, ông trở thành tín đồ cốt cán của Religion 2.0. Ngay cả Giáo hoàng François cũng lấy bản thân ngài làm ví dụ. Giáo hoàng đã có một tài khoản trên mạng xã hội Twitter để hàng ngày ban những lời tốt đẹp đến hơn 10 triệu tín đồ thường truy cập vào mạng xã hội này.
Không những chỉ là chuyện chức sắc tôn giáo trao đổi với những tín đồ trên mạng, mà nhiều website được lập ra như là những nhà thờ ảo để tín đồ cầu nguyện trên mạng trong trường hợp có khó khăn khi đi lễ nhà thờ. Trong trung tâm tâm linh ảo đó, lời kinh hay một bài giảng được trình bày như một tác phẩm nghệ thuật, một ấn phẩm hay một phim video thời sự. Đối với người ẩn cư, hàng ngày, không rời khỏi chỗ ở, họ truy cập mạng và có mặt trước màn hình trong thời gian tĩnh tâm, trước khi chia sẻ ở đó kinh nghiệm tâm linh bằng cách gởi đi một thông điệp trên diễn đàn. Xem như họ lui về tu trong một tu viện biệt lập.
Trong cuộc sống hiện đại, không chỉ người ẩn cư vì khó khăn địa lý, mà còn có những người có khuynh hướng thu về bản thân, và chọn lối sống tâm linh của người ẩn cư, tham dự các hình thức sinh hoạt lễ nghi và thực tập tôn giáo tại nhà của mình. Tuy nhiên, những người đơn lẻ đó cùng gặp nhau trên mạng, cùng có vị thầy chung, nên kết thành cộng đồng. Một người Côte d’Ivoire (châu Phi) đã lập một nhóm trên mạng xã hội Facebook để phổ biến thông điệp của Phúc Âm (Evangile) cho biết: “Từ 15 người bạn, rất nhanh tôi có 2.000 người bạn, rồi 5.000, và ngày nay tôi đã kết với 70.000 người trong một cộng đồng ảo”. Họ chia sẻ tâm tư tình cảm, giao lưu trên mạng, đặt câu hỏi, nghe giải đáp của thầy, trong một tương quan bình đẳng. Tôn giáo 2.0 trên mạng phải chăng là có nhiều hứa hẹn phát triển trong tương lai không xa?
Đó là chuyện sử dụng công nghệ truyền thông hiện đại vào việc hành đạo và chia sẻ tâm linh của những chức sắc và tín đồ đạo Chúa. Một hiệu quả phi thường của rao giảng đức tin trên mạng! Thế thì Phật giáo đã khai thác internet và các mạng truyền thông như thế nào? Phần trên tôi đã đề cập đến các trang mạng Phật giáo tiếng Việt, phần lớn trên đất nước ta. Đó đều là những hình thức đơn giản, chưa thể là phương tiện tâm linh sâu sắc; chỉ trừ website của Làng Mai, hướng dẫn người xem vào thế giới của Làng Mai với hiệu ứng nghe nhìn thật tuyệt vời!
Trở lại bài báo trên tạp chí Le Monde des Religions đề cập ở trên. Ngoài phần lớn nội dung nói đến thế giới mạng của những người theo đạo Chúa, tác giả còn viết thêm một chút về Phật giáo, cụ thể là một chương trình thực tập trên mạng cho những tín đồ gần xa của một vị lạt-ma Tây Tạng, Denys Rinpoché. Ngài đã thành lập tu viện Karma-Ling, một trung tâm Phật giáo trên miền núi Savoie (Pháp). “Tôi không thấy sự khác nhau giữa thực tập trên mạng của tôi và thực tập thực trong cộng đồng của tôi”, Jean-Claude, kỹ sư, thành viên của viện Karma- Ling, cho biết như thế. Từ một năm nay, vị lạt-ma, thầy Denys Rinpoché của ông, đề nghị mỗi buổi chiều những học trò của mình một giờ thực tập có kết nối mạng, tiếp theo buổi giảng. “Tôi nối máy vi tính của tôi với hệ thống âm thanh hi-fi, và nó giống như khi tôi ở tại chỗ với những người khác”, Jean-Claude nói tiếp, dầu ông sống trong vùng Paris, xa thầy của mình. “Tôi nghe nhóm hát, nghe tiếng chuông, và tôi được dẫn dắt bởi âm điệu của thiền. Thật là tài tình bởi vì trước đó, để theo được một buổi dạy, tôi phải sắp đặt vào cuối tuần hoặc trong hè để đến nơi thực tập. Bây giờ, tôi kết nối nhiều lần trong tuần mà cứ ở nhà, và thầy là ở đó, thầy nghe những câu hỏi của tôi”. Còn thầy thì sao? Denys Rinpoché nói đùa về quyền lực của internet và vị lạt-ma đáp lại những đệ tử của mình: “Vị đại sư theo gốc truyền thống của chúng tôi có những quyền lực phi thường, và phần đông học trò mong muốn xem sự phi thường đó như thế nào. Ngài hứa hẹn với 108 đệ tử sẽ đến thăm trong cùng một ngày, cùng một giờ, tại những nơi rất xa của Tây Tạng. Ngài đã chứng tỏ được như thế, nhờ vào quyền năng của ngài. Còn tôi, tôi không được phú cho quyền năng ấy, nhưng nhờ internet, tôi cũng có thể xuất hiện cùng một lúc bên 108 đệ tử của tôi”.
Về phần tôi, một Phật tử bình thường ở Việt Nam, tôi chưa tiếp cận với hình thức tu tập được hướng dẫn bởi một vị thầy uy tín như vị lạt-ma Tây Tạng. Tôi chỉ biết các website Phật giáo, và thỉnh thoảng vẫn truy cập để đọc bài và biết thêm thời sự về đạo Phật trong nước và nước ngoài. Lợi ích của các website này là rõ ràng.
Tuy nhiên, thế giới ảo là thế giới quá tự do: Làm website, đâu có khó, mở tài khoản trên Facebook vô cùng dễ, tạo diễn đàn để mình trình ra thiên hạ những nội dung viết, họa, nhạc, ảnh, và giao lưu cùng bạn bốn phương trời, cũng không có gì khó khăn… cho nên trăm hoa đua nở trên không gian ảo. Rồi góp ý bình luận thì tha hồ, có người thì xây dựng, có người thì ném đá. Cái tốt tất nhiên là hiển hiện; cái không tốt, cái tưởng là tốt thì khó thấy hơn, và đó chính là vấn đề.
Trước khi có internet, không gian chùa và thế giới bên ngoài chùa có phân định rạch ròi, dầu cho quý Tăng Ni đi vào xã hội để hoằng pháp, làm lễ hoặc tham gia công tác văn hóa, giáo dục, thì chiếc áo cà-sa rất được quy ngưỡng. Ngày nay internet và thế giới ảo đã phơi bày hoạt động khắp nơi nơi, quý Tăng Ni cũng được đưa lên diễn đàn, nhà chùa cũng bị lên công luận.
Trong khi đó, lãnh vực công nghệ thông tin và truyền thông của Phật giáo là đang bị bỏ ngỏ, các trang mạng Phật giáo thiếu sự lãnh đạo của Giáo hội và cũng không có sự phối hợp với nhau. Đòi hỏi một sự quản lý chặt chẽ của Giáo hội thì thật là vô cùng khó, nhưng dầu sao, Giáo hội nên xem xét thấu đáo việc truyền thông về Phật giáo trên mạng. Nên chăng Giáo hội cần có hội thảo đánh giá tình hình khai thác mạng và diễn đàn, cái gì thích hợp với hoằng pháp, cái gì là lợi ích nhất thời, cái gì là vô bổ, để định hướng hoạt động và chấn chỉnh cho đúng Chánh pháp, giúp đỡ thiết thực cho quần chúng Phật tử học Phật và nắm thông tin trong đạo được chính xác, và chỉ những thông tin cần thiết. Hàng năm Giáo hội nên chủ trì cuộc họp như thế, và đó là cơ hội để ban biên tập các trang mạng, các diễn đàn Phật giáo phối hợp hoạt động với nhau, học hỏi lẫn nhau, cập nhật tiến bộ trong công nghệ và phát huy sáng tạo, và nhất là đánh giá tác dụng hoằng pháp (có hay không, mức độ như thế nào?). Trang mạng Phật giáo thì rất nhiều, hầu như chỉ để Phật tử thâm niên xem, chứ không thấy trang mạng nào ưu tiên tạo một địa chỉ gặp gỡ cho những người trẻ muốn thâm nhập đạo Phật, một cách vui tươi, cũng như tạo thuận lợi cho những người đứng tuổi, từ lâu chưa tu học vì bận công việc, nay muốn làm quen chốn thiền môn và bước đầu học Phật, có hướng dẫn đàng hoàng.
Ngày nay, các cơ quan truyền thông trên mạng có tác dụng vô cùng to lớn đối với dư luận. Các báo, các đài phát thanh nổi tiếng và lâu đời trên thế giới đều có phiên bản online, và tất nhiên các tôn giáo cũng xuất hiện online một cách hấp dẫn, quyến rũ và có định hướng. Giáo hội Phật giáo tất nhiên không đứng ngoài cuộc, nhưng phải chăng cứ để hình thức tự phát? Chắc là không nên bỏ phí vùng đất vô cùng vô tận này, dầu là ảo.
Trang mạng Phật giáo hoàn toàn không dẫn dắt người xem vào thế giới huyền ảo, linh thiêng, như tôn giáo khác. Phật tử chỉ mong vào trang mạng Phật giáo với hình thức trang nhã, đảm bảo chất từ bi và trí tuệ, trong tâm thế nhẹ nhàng, thanh tịnh, hầu tăng thêm kiến thức, vững thêm niềm tin hoặc bước đầu xây dựng niềm tin; ngoài ra, trong một số trường hợp nào đó, các trang mạng này giúp Phật tử và mọi người có thông tin đúng đắn về những hiện tượng gây ảnh hưởng không tốt đến Phật giáo nói chung và Phật giáo nước nhà.
Cao Huy Hoá
Nguồn: Văn hoá Phật giáo số 210.