Triều Lý ở nước ta tôn sùng đạo Phật, từ đời Lý Nhân Tông, sử sách đã chép việc nhà vua bãi việc ăn Tết Trung nguyên vào rằm tháng 7 để làm lễ Vu Lan bồn.
Lễ Vu Lan đầu tiên được ghi nhận trong sử Việt diễn ra năm Mậu Tuất, niên hiệu Hội Tường Đại Khánh năm thứ 9 (1118). Đại Việt sử ký toàn thư viết: Mùa thu, tháng 7, vua Lý Nhân Tông bãi ăn Tết Trung nguyên vì gặp ngày Lễ Vu Lan bồn, cầu siêu cho Linh Nhân Hoàng thái hậu (tức Thái hậu Ỷ Lan), người vừa qua đời tháng 8 năm trước.
Sau khi vua Lý Nhân Tông qua đời, Lý Thần Tông nối ngôi, năm Mậu Thân, niên hiệu Thiên Thuận thứ nhất (1128), vào Tết Trung nguyên rằm tháng 7, vua ngự điện Thiên An, các quan dâng biểu mừng. Vì hôm ấy là ngày lễ Vu Lan bồn cầu siêu cho vua Nhân Tông nên không đặt lễ yến.
Như vậy, lễ Vu Lan bồn ở thời Lý thường cũng chỉ được các vị vua tiến hành khi vừa có Tiên vương hay Thái hậu qua đời, còn thông thường, rằm tháng 7, triều đình vẫn tổ chức ăn Tết Trung nguyên.
Ngược về thời Đinh và Tiền Lê, dù triều đình đều tôn sùng đạo Phật, từng phong sư Ngô Khuông Việt làm Tăng thống, rồi Quốc sư, nhưng chưa thấy tổ chức lễ Vu lan. Sử viết vào năm Thiên Phúc thứ 6 (985), tháng 7 âm lịch, ngày rằm là ngày sinh của vua Lê Đại Hành, nên vua sai người làm thuyền giữa sông, lấy tre làm núi giả đặt trên thuyền, gọi là Nam Sơn, rồi bày lễ vui đua thuyền, về sau thành thường lệ đến hết thời Tiền Lê.
Sang đến thời Hậu Lê, Đại Việt sử ký toàn thư chép sự kiện năm Giáp Dần, niên hiệu Thiệu Bình năm thứ nhất (1434), tức ngay năm sau khi Lê Thái Tổ qua đời, vua thứ hai của nhà Lê là Lê Thái Tông, ngày rằm tháng 7 đã mở hội Vu Lan, tha tù tội nhẹ 50 người, cúng dường các Sư tụng kinh 220 quan tiền.
Trong thời kỳ Trịnh – Nguyễn phân tranh, ở Đàng trong các chúa Nguyễn cũng tôn sùng đạo Phật, trong đó vị chúa thứ hai là Nguyễn Phúc Nguyên được dân chúng gọi là chúa Sãi, chúa Bụt hay chúa Phật. Tuy nhiên, từ thời vua Minh Mạng trở đi, mới thấy những ghi chép về việc nhà vua tổ chức lễ Vu Lan.
Sách Châu bản triều Nguyễn, sử liệu Phật giáo qua các triều đại nhà Nguyễn 143 năm, từ Gia Long 1802 đến Bảo Đại 1945 (Lý Kim Hoa dịch, NXB Khoa học Xã hội, 2004), cho biết: Năm Canh Dần (1830) ngày Vu Lan – rằm tháng 7, vua Minh Mạng cho mở đại trai đàn ở chùa Thiên Mụ, Huế; cho triệu tập chư Tăng các tỉnh về dự. Sau trai đàn, vua giao cho Bộ Lễ tổ chức sát hạch chư Tăng để cấp độ điệp và giới đao, tuyển chọn được 50 nhà Sư.
Bộ quốc sử của triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Đệ nhị kỷ, tập trung chép về việc vua Minh Mạng lập đàn chay ở chùa Thiên Mụ để cúng các chiến sĩ trận vong trong dịp rằm tháng 7. Sách viết: “Vua thương nhớ các tướng sĩ trận vong từ trước và tất cả những ma vô tự, sai lập đàn chay phổ độ thủy lục (dưới nước, trên cạn) ở chùa Thiên Mụ”.
Khi nhà vua đến xem đàn chay, đã bảo các quan đi theo rằng: “Đặt đàn chay chưa biết những u hồn ở âm phủ có được thấm ơn không, chỉ là để tỏ ý trẫm thương nhớ bề tôi mà thôi”.
Đại Nam thực lục cũng viết về việc Bộ Lễ sát hạch các nhà Sư sau đàn chay, lấy năm chục người khá thông và hơi thông cho đãi tiệc chay, bạc lạng cùng giới đao và độ điệp rồi cho về.
Rằm tháng 7 năm Minh Mạng thứ 16 (1835), nhà vua lại mở trai đàn ở chùa Thiên Mụ, để tế các tướng sĩ hy sinh khi đánh dẹp ở miền núi phía Bắc và đánh quân Xiêm ở Chân Lạp. Vua sai quyền thự Thống chế Bùi Công Huyên và Biện lý Công bộ Nguyễn Đức Trinh trông coi việc lập đàn. Ngày lễ, vua đến chùa Thiên Mụ, tới trước đàn thờ các tướng sĩ, chính tay rót rượu, sai các quản vệ dâng tế. Thống chế Phạm Văn Điển, Chưởng cơ Lê Văn Thuỵ, trước đây đều đã cầm quân đi đánh dẹp, nên vua sai họ chia nhau dâng rượu các đàn thờ.
Đại Nam thực lục viết: Vua truyền cho các Sư tập họp ở chùa Thiên Mụ lập đàn tràng thuỷ lục 21 ngày (gọi là tam thất, tức là ba nhân bảy) để siêu độ vong hồn những quan quân ta đã chết vì việc nước. Vua nói: “Phật giáo tuy huyền vi, chưa chắc đã hiển ứng rõ rệt, nhưng lòng ta nhớ nghĩ đến tướng sĩ, không lúc nào quên. Việc lập đàn chay này cũng là một cách ngụ ý thương xót, chứ chẳng phải dốc lòng mê tín đạo Phật đâu”.
Năm sau, cũng vào tết rằm tháng 7, vua Minh Mạng lại cho đặt một đàn chay thuỷ lục ở chùa Thiên Mụ để siêu độ cho vong linh các quan quân chết trận ở các đạo quân Bắc Kỳ mới được 7 ngày. Sau đó cho bày thêm bài vị, tiếp tục làm chay siêu độ cho các tướng biền, binh lính vì đánh dẹp Phiên An mà chết trận, chết bệnh. Vua Minh Mạng cũng ra lệnh cho quan tỉnh Gia Định sắm nhiều bò, lợn, giấy tiền, mọi thứ lễ phẩm, ban một đàn tế tướng sĩ hy sinh ở đó để tỏ đạo trung hậu.
Sang đến đời vua Thiệu Trị, ngay từ năm Thiệu Trị thứ nhất, nhà vua cũng mở trai đàn không chỉ ở chùa Thiên Mụ mà còn ở các chùa Giác Hoàng ở kinh đô và chùa Quốc Ân Khải Tường ở Gia Định. Sử nhà Nguyễn ghi vào dịp rằm tháng 7 các năm sau, vua Thiệu Trị còn mở trai đàn thủy lục bạt độ ở các chùa Thánh Duyên hoặc chùa Diệu Đế.
Sau khi vua Tự Đức lên ngôi, vào rằm tháng 7 năm đầu tiên đã mở trai đàn ba tuần lễ ở chùa Thiên Mụ để cầu siêu cho vua cha là Thiệu Trị vừa được mai táng trước đó.
Năm Tự Đức thứ 31 (1878), vào rằm tháng 7, vua thiết lễ Vu Lan bồn rất lớn ở chùa Thiên Mụ. Bộ Lễ tâu vua: “Theo lệ đã đến kỳ mở đại trai đàn để chúc hỗ nhà vua”. Nhà vua bảo: “Chúc một người sống lâu không bằng cứu vớt một người chết oan”.
Sau đó vua ra lệnh triệu tập chư Tăng từ trong Nam ra tới Quảng Bình về kinh đô, lên chùa Thiên Mụ mở hội Vu Lan bạt độ và vua ra lệnh cho các quan ở Thừa Thiên lấy ngày Trung nguyên tức ngày rằm tháng 7 năm đó, khai kinh phổ tế các tướng sĩ trận vong khắp cả Trung Nam Bắc kể từ năm Tự Đức đầu tiên đến lúc đó (1848-1878).
Lê Tiên Long
Theo: http//new.zing.vn