Sáng nay ngày 9/8/2019, tại Hội trường chính Furama Resoft, số 105 đường Võ Nguyên Giáp, phường Mỹ Khuê, quận Ngũ Hành Sơn, Thành phố Đà Nẵng đã diễn ra Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp mặt và biểu dương chức sắc, chức việc tôn giáo có đóng góp tiêu biểu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với các tổ chức tôn giáo do Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ Nội vụ tổ chức.
Tại hội nghị, ông Vũ Chiến Thắng – Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ đã có bài phát biểu trước các đại biểu, Phật Sự Online xin giới thiệu toàn văn bài phát biểu này:
BÁO CÁO
Những đóng góp nổi bật của các tổ chức tôn giáo
trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
(Đ/c Vũ Chiến Thắng – Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ trình bày tại cuộc gặp mặt của Thủ tướng Chính phủ với chức sắc, chức việc các tôn giáo vào ngày 09/8/2019 tại thành phố Đà Nẵng)
– Kính thưa đồng chí Nguyễn Xuân Phúc – Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
– Kính thưa các đồng chí Lãnh đạo Chính phủ; Lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và thành phố Đà Nẵng;
– Kính thưa các vị chức sắc, chức việc các tôn giáo;
– Thưa toàn thể quý vị khách quý.
Quan tâm và tôn trọng quyền tự do, tín ngưỡng tôn giáo của mọi người dân là chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta. Trong thời gian qua, các tôn giáo ở Việt Nam luôn phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, gắn bó đồng hành cùng dân tộc, sẻ chia trách nhiệm với xã hội và đất nước, tích cực hưởng ứng và tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do các ban, ngành, đoàn thể phát động. Giá trị nhân văn tôn giáo đã góp phần làm nên bản sắc văn hóa của dân tộc, và sẽ tiếp tục góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ban Tôn giáo Chính phủ kính báo cáo Thủ tướng Chính phủ và toàn thể Hội nghị vai trò và đóng góp của các tổ chức Tôn giáo tham gia sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam trong tôn giáo qua tóm tắt như sau:
Tính đến tháng 8/2019, nhà nước ta đã công nhận và cấp đăng ký hoạt động cho 43 tổ chức tôn giáo thuộc 16 tôn giáo với khoảng 26 triệu tín đồ; gần 56.000 chức sắc, 145.721 chức việc, 29.396 cơ sở thờ tự tôn giáo; khoảng 45.000 cơ sở tín ngưỡng, trong đó có hơn 3000 di tích gắn với cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, một số di tích được UNESCO công nhận là di sản thế giới.
Với vai trò là một thành tố cấu thành của văn hóa, tôn giáo đã góp phần lưu giữ, bồi đắp và làm phong phú những giá trị truyền thống văn hóa, mang giá trị nhân văn, hướng thiện có ảnh hưởng tích cực trong đời sống xã hội, thông qua giáo lý khuyên răn con người sống hướng thiện, vị tha, bác ái… Những giới điều trong giáo lý các tôn giáo mang giá trị đạo đức và nhân văn sâu sắc, góp phần điều chỉnh hành vi ứng xử của con người. Nhiều khu dân cư có đông đồng bào theo tôn giáo trở thành điểm sáng về phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy và các tệ nạn xã hội khác, giữ gìn tốt an ninh trật tự, an toàn xã hội. Tín đồ, chức sắc tích cực tham gia phát triển kinh tế xã hội, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong thời kỳ đổi mới của đất nước. Dù mỗi tôn giáo đều có đường hướng và phương châm hành đạo riêng nhưng đều chung một định hướng là sống “Tốt đời, đẹp đạo” gắn bó đồng hành với dân tộc, với đất nước.
Các tôn giáo tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cùng chính quyền và Mặt trận Tổ quốc các cấp xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế xã hội; đặc biệt là cùng chung tay với nhà nước cứu trợ thiên tai, chăm lo giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn, giúp đỡ tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, dạy nghề, văn hóa,… những điều đó được thể hiện trên một số lĩnh vực cụ thể như sau:
Một là: Tôn giáo tham gia góp phần phát triển kinh tế xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.
Kể từ khi được công nhận, các tổ chức tôn giáo đã hòa mình cùng với dân tộc và có nhiều đóng góp trong lịch sử cũng như trong hiện tại vào công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay các tổ chức tôn giáo luôn khẳng định rõ tinh thần yêu nước, vận động tín đồ chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật của nhà nước, không nghe theo luận điệu kích động chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, hoạt động tôn giáo ổn định góp phần đảm bảo xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư phục vụ yêu cầu hội nhập phát triển đất nước. Bên cạnh đó, thông qua các hoạt động tôn giáo, các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam đã tranh thủ vận động các tôn giáo trên thế giới ủng hộ Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ chủ quyền Quốc gia, điều đó tiếp tục khẳng định truyền thống đoàn kết, yêu nước của đồng bào tôn giáo luôn được vun bồi, phát huy và tỏa sáng trong lòng dân tộc Việt Nam. Nhiều hoạt động đối ngoại tôn giáo đã góp phần giới thiệu về đất nước, con người, lịch sử, văn hóa của Việt Nam đến với bạn thế giới, khẳng định chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
Trong xây dựng và phát triển đất nước, các tổ chức tôn giáo đóng vai trò quan trọng góp phần đưa chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đi vào cuộc sống. Thông qua các sinh hoạt tôn giáo, chức sắc, chức việc các tôn giáo đã hướng dẫn tín đồ cách làm giàu, vươn lên thoát nghèo, đời sống vật chất từng bước được cải thiện, nêu cao tinh thần yêu nước, ý thức tự lực tự cường, chung sức đồng lòng cùng với Đảng, Nhà nước bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Trong các phong trào thi đua yêu nước, đồng bào các tôn giáo luôn hưởng ứng nhiệt tình, tích cực đóng góp sức người, sức của và đã xuất hiện những tấm gương chức sắc, chức việc, tín đồ tiêu biểu có những sáng kiến hay thúc đẩy sản xuất kinh doanh, làm giàu; nhiều tín đồ tôn giáo là nhà khoa học, doanh nhân tiên phong trên mặt trận kinh tế, góp phần tạo ra của cải vật chất cho xã hội và công ăn việc làm cho hàng triệu lao động; đồng thời tự nguyện hiến công sức để xây dựng các công trình dân sinh (cầu, đường, trường học…) phục vụ cho nhân dân, trong đó có con em đồng bào có đạo. Những việc làm đầy ý nghĩa và nhân văn đó đã thể hiện tinh thần yêu thương, phục vụ con người, sự gắn bó, chia sẻ của các tôn giáo đối với nhà nước, củng cố niềm tin của đồng bào có đạo với Đảng, Nhà nước ta và nhân dân.
Trong xây dựng chính quyền, đoàn thể: Các tổ chức tôn giáo tích cực tham gia vào đời sống chính trị xã hội, nhiều vị chức sắc, chức việc tôn giáo có uy tín, có đạo hạnh được quần chúng nhân dân bầu chọn vào cơ quan quyền lực nhà nước, các đoàn thể chính trị xã hội ở Trung ương và địa phương; hiện có 06 vị là Đại biểu Quốc hội khóa XIV và hàng nghìn vị trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021 (Công giáo khoảng hơn 200 vị; Phật giáo khoảng 4.000 vị); là thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp (Phật giáo 17 vị tham gia Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc; khoảng 6.500 vị tham gia Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh, huyện xã). Chức sắc các tôn giáo đã tích cực tham gia các Hội, đoàn thể khác như Hội người cao tuổi Việt Nam; Hội người bảo trợ người khuyết tật và trẻ em mồ côi Việt Nam, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam… Điều này khẳng định đóng góp to lớn của các tổ chức tôn giáo đối với dân tộc, góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam, “nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”; đồng thời nêu cao vai trò trách nhiệm của các tôn giáo luôn gắn bó đồng hành cùng các tầng lớp nhân dân và là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với chức sắc, tín đồ các tôn giáo trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, đồng bào các tôn giáo là bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn thách thức, đặt ra trong quá trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường…có những nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp từ ảnh hưởng, tác động tiêu cực của kinh tế thế giới, các tổ chức tôn giáo đã cùng với nhà nước vận động, giải thích để mọi người dân nói chung, đồng bào tôn giáo nói riêng hiểu và chia sẻ khó khăn chung, cùng nhau khắc phục, vượt qua trở ngại để xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh giàu mạnh. Với tỷ lệ đồng bào tôn giáo gần 1/3 dân số cả nước, tín đồ các tôn giáo là lực lượng lao động sản xuất đông đảo, đã và đang trực tiếp tạo ra của cải vật chất, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.
Hai là: Tôn giáo tham gia xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở
Việt Nam là đất nước đa tín ngưỡng, đa tôn giáo, và tín ngưỡng, tôn giáo không chỉ đơn thuần là vấn đề đời sống tâm linh, tinh thần mà còn là vấn đề văn hóa, đạo đức, lối sống. Các tôn giáo ở Việt Nam thông qua đường hướng hoạt động, qua giáo lý và giáo luật, luôn huấn giáo tín đồ mở rộng tình yêu thương, sống vị tha, bác ái, bao dung làm cho giá trị văn hóa, đạo đức, nhân văn đã kết tinh ở các tôn giáo qua hàng ngàn năm lịch sử được lan tỏa trong đời sống xã hội, góp phần loại bỏ một số hủ tục, tập quán lạc hậu, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo. Một mặt, tôn giáo góp phần chăm lo đời sống tinh thần, giải quyết nhu cầu tâm linh của tín đồ, góp phần hạn chế nảy sinh các loại hình tín ngưỡng mang tính mê tín dị đoan. Mặt khác, giáo lý, giáo luật các tôn giáo đều khuyên răn tín đồ và quần chúng nhân dân tuân thủ pháp luật, không làm những việc trái với đạo đức xã hội góp phần tạo môi trường văn hóa lành mạnh, hướng thiện, sống tương thân, tương ái. Văn hóa đạo đức tôn giáo cũng là nhân tố tích cực góp phần làm cho văn hóa Việt Nam ngày càng phong phú, đa dạng.
Trong cuộc vận động“toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động, các tổ chức tôn giáo đã thực hiện tốt việc tuyên truyền, vận động tín đồ tích cực hưởng ứng và đạt nhiều danh hiệu “ Cơ sở tôn giáo văn hóa”, “ Chùa tinh tiến” gia đình văn hóa, sống “Tốt đời – Đẹp đạo”, chấp hành pháp luật và làm tròn nghĩa vụ công dân; giữ gìn vệ sinh môi trường sống, đẩy mạnh các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; đấu tranh với các hoạt động lợi dụng tôn giáo hoạt động trái pháp luật, mê tín dị đoan. Do đó, ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đã xây dựng được những làng văn hóa, khu phố văn hóa với nét sinh hoạt đạo – đời hòa hợp. Từ trong các phong trào thi đua yêu nước đó, đã xuất hiện ngày càng nhiều gương người tốt, việc tốt, tấm gương điển hình tiên tiến, xuất sắc trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế, giúp nhau xóa đói, giảm nghèo… Các tổ chức tôn giáo ở nhiều tỉnh, thành phố đã có nhiều mô hình hay và cách làm sáng tạo như: phong trào thi đua xây dựng “Xứ họ đạo tiên tiến”; “Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền”; “Đẹp xóm làng, đẹp xứ họ, đẹp nhà cửa, đẹp ruộng đồng”, “Tết của người nghèo”, “Gia đình Công giáo gương mẫu thực thi tân phúc âm hóa gia đình” v.v… Các phong trào tốt đời đẹp đạo, lan tỏa trong đời sống xã hội đã góp phần làm phong phú bản sắc văn hóa dân tộc, đạo đức truyền thống nhân văn của con người Việt Nam ngăn ngừa tình trạng suy thoái đạo đức, lối sống thực dụng, vô cảm, thờ ơ của con người trong bối cảnh toàn cầu hóa và tác động mặt trái của kinh tế thị trường.
Ba là: Tôn giáo góp phần đảm bảo an sinh xã hội qua các hoạt động từ thiện xã hội, tham gia chủ trương xã hội hóa, y tế, giáo dục
Với tinh thần đạo đức hướng thiện là nội dung tiêu biểu của các tôn giáo, thực hiện chủ trương chung của Đảng, Nhà nước ta về xã hội hóa Giáo dục và Y tế, trong những năm qua nhiều cơ sở y tế, giáo dục, bảo trợ xã hội do chức sắc tôn giáo thành lập hoạt động vì mục đích nhân đạo, phi lợi nhuận, chủ yếu giúp đỡ những người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn.
– Về y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng:
Phát huy truyền thống tương thân tương ái, các tổ chức tôn giáo đã tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội, công tác từ thiện, nhân đạo luôn là điểm sáng trong phong trào thi đua yêu nước, thu hút được đông đảo cá nhân, tập thể tham gia. Hoạt động xã hội hóa về y tế, giáo dục và từ thiện nhân đạo được các tổ chức tôn giáo triển khai theo hai hình thức chủ yếu là hoạt động thường xuyên và hoạt động không thường xuyên.
Những hoạt động thường xuyên: Theo thống kê hiện nay trên địa bàn cả nước có trên 500 cơ sở y tế, phòng khám chữa bệnh từ thiện do các tổ chức tôn giáo thành lập dưới nhiều hình thức như: Tuệ Tĩnh Đường, trạm xá, phòng khám đa khoa, phòng chẩn trị đông y, phòng thuốc nam, tủ thuốc… (Công giáo có khoảng gần 150 trạm xá; Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam có 210 hội quán và cũng là phòng thuốc nam phước thiện; Phật giáo có khoảng trên 130 phòng khám đông y, 10 phòng khám Tây y; Cao Đài 93 cơ sở…). Mỗi năm các cơ sở y tế, phòng khám chữa bệnh của các tôn giáo đã khám và bốc thuốc cho hàng vạn lượt bệnh nhân, trong đó ưu tiên khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc miễm phí cho những người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt là bệnh nhân nghèo ở vùng sâu, vùng biên giới, với tổng kinh phí hàng trăm tỷ đồng, đã góp phần cùng với chính quyền các cấp chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được tốt hơn.
Những hoạt động không thường xuyên: Hàng năm các tổ chức tôn giáo còn phối hợp với Hội Chữ thập đỏ, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo, Y học cổ truyền, và đoàn thể các cấp trong việc hỗ trợ các chuyến xe chuyển bệnh, bữa ăn miễn phí cho bệnh nhân nghèo tại các bệnh viện, cấp thuốc miễn phí, xây dựng nhà Đại Đoàn kết như giáo hội Phật giáo Hòa Hảo, Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam; đăng ký tham gia hiến giác mạc, theo đó hằng năm có hàng trăm tín đồ chức sắc đăng ký hiến tặng. Kết quả này đã được Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Bộ Y tế, Ngân hàng Mắt Việt Nam đánh giá cao. Tại các bệnh viện như Bệnh viện Mắt Hà Nội, Bệnh viện Việt Nam- Cu Ba, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Từ Dũ – Chợ Rãy, Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, các tuyến bệnh viện ở Trung ương và địa phương… hàng ngày những nồi cháo tình thương, những bữa cơm miễn phí do các chức sắc, tín đồ các tôn giáo đảm nhiệm vẫn được duy trì đều đặn, nhằm chia sẻ, động viên, giúp đỡ bệnh nhân nghèo yên tâm điều trị.
– Về giáo dục: Các cơ sở giáo dục do tổ chức tôn giáo thành lập chủ yếu tham gia giáo dục mầm non và dạy nghề. Tính đến nay, cả nước có khoảng 300 trường mầm non, 2.000 lớp học tình thương; 12 cơ sở dạy nghề thuộc các tổ chức tôn giáo bao gồm: 2 trung cấp nghề và 10 trung tâm dạy nghề, tuyển sinh, đào tạo hệ trung cấp và dạy nghề ngắn hạn.Hàng năm, các cơ sở dạy nghề tuyển sinh đào tạo nghề và hướng nghiệp cho hàng nghìn người là con em các gia đình nghèo, người dân tộc thiểu số. Sau khi tốt nghiệp ra trường đa số các học viên đều có việc làm ổn định, mức thu nhập khá, người lao động học từ các cơ sở dạy nghề của tôn giáo được chủ sử dụng lao động đánh giá cao về kỹ năng lao động, trách nhiệm và kỷ luật lao động tốt…Ngoài ra nhiều tổ chức tôn giáo có quỹ học bổng để hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó; vận động học sinh đến trường nên tình trạng bỏ học ở nhiều nơi đã chấm dứt. Điển hình như: Đạo Cao Đài, đạo Công giáo; Phật giáo… Việc học hành của con, em các tín đồ, giáo dân được các tổ chức tôn giáo, chức sắc quan tâm do đó tỷ lệ học sinh tiên tiến, học sinh giỏi ở các ngày càng tăng.
Với việc đưa cơ sở giáo dục đào tạo mầm non và dạy nghề vào hệ thống giáo dục của giáo hội đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho xã hội khẳng định xu hướng đồng hành cùng dân tộc của các tôn giáo ở Việt Nam. Đây cũng là việc làm quan trọng thể hiện giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng.
– Về công tác bảo trợ xã hội:
Ngoài hai lĩnh vực hoạt động là y tế và giáo dục, các tôn giáo còn triển khai các hoạt động xóa đói giảm nghèo như xây dựng quỹ tình thương, nhà tình thương, làm đường… Hiện nay, cả nước hiện có gần 800 cơ sở bảo trợ xã hội của các tổ chức Phật giáo, Công giáo, Cao đài… đang nuôi dưỡng trên 12.000 trẻ em mồ côi, trẻ tàn tật, người già cô đơn, bệnh nhân tâm thần, HIV/AIDS, tiếp nhận nhiều nhóm đối tượng có hoàn cảnh khó khăn góp phần chia sẻ với Nhà nước trong việc chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội. Nhiều cơ sở tôn giáo là địa chỉ từ thiện xã hội giúp đỡ những mảnh đời khó khăn, bất hạnh trong cuộc sống và tổ chức các lớp học tình thương bậc tiểu học, hỗ trợ sách, vở, xe đạp, học bổng cho học sinh; thành lập các tủ thuốc nhân dân, tặng xe lăn cho người khuyết tật, phối hợp với các y, bác sỹ tổ chức các đoàn khám, phát thuốc, chữa bệnh miễn phí; tặng nhà, tặng bể nước, tặng bảo hiểm y tế, chăn, áo ấm…
Kinh phí chi cho hoạt động của các cơ sở giáo dục, cơ sở y tế, cơ sở bảo trợ xã hội và các hoạt động từ thiện xã hội của tôn giáo hàng ngàn tỷ đồng. Qua tổng hợp, chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2019, các tổ chức tôn giáo đã đóng góp cho xã hội hơn 1.000 tỷ đồng. Nguồn kinh phí này đều được xã hội hóa từ đóng góp của chức sắc tín đồ, các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất…Những việc làm thiện nguyện, nhân văn tốt đẹp ấy thể hiện vai trò của tôn giáo trong truyền thống đoàn kết thương yêu, đùm bọc lẫn nhau với tinh thần “lá lành đùm lá rách” của dân tộc Việt Nam khẳng định chính sách tôn giáo đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta.
Bốn là: Quan hệ đối ngoại tôn giáo và đối ngoại nhân dân
Các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam đều có mối quan hệ với các tôn giáo nước ngoài. Nhiều năm qua bằng các hoạt động giao lưu với các tổ chức tôn giáo đồng đạo trên thế giới như trao đổi đoàn ra nước ngoài học tập, dự hội nghị, hội thảo, tham gia các diễn đàn tôn giáo thế giới và khu vực; đăng cai, phối hợp tổ chức các Hội nghị, diễn đàn tôn giáo trong khuôn khổ Liên Hợp quốc, ASEAN, quốc tế… đã góp phần tăng cường vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế và thúc đẩy ngoại giao nhân dân. Tại các diễn đàn song phương, đa phương các tổ chức tôn giáo Việt Nam đã thể hiện rõ tinh thần yêu chuộng hòa bình và lòng tự hào dân tộc, tích cực ủng hộ và đóng góp sáng kiến vào các tuyên bố chung, góp phần xây dựng thế giới hòa bình, giảm xung đột, bạo lực và chiến tranh vì lý do tôn giáo, sắc tộc.
Trong quá trình đổi mới, hội nhập của đất nước, hoạt động quốc tế của các tôn giáo diễn ra sôi động ở nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Hoạt động quốc tế của các tôn giáo, gia tăng về số lượng, phong phú về đối tác, đa dạng về nội dung, hình thức góp phần giới thiệu hình ảnh, đất nước con người Việt Nam ra thế giới; đặc biệt là hình ảnh của một quốc gia yêu chuộng hòa bình, quốc gia đa tín ngưỡng, tôn giáo, qua đó tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè thế giới với công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Bên cạnh đó, thông qua các hoạt động tôn giáo, các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam đã vận động các tôn giáo đồng đạo trên thế giới ủng hộ Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ chủ quyền Quốc gia, điều đó tiếp tục khẳng định truyền thống đoàn kết, yêu nước của đồng bào tôn giáo luôn được vun bồi, phát huy và tỏa sáng trong lòng dân tộc Việt Nam.
Nổi bật như các hoạt động: Giáo hội Phật giáo tổ chức thành công Đại lễ Phật đản Vesak Liên Hợp quốc năm 2019 tại chùa Tam Chúc, tỉnh Hà Nam (tháng 5/2019) với sự tham dự của trên 3000 đại biểu chính thức (trong đó có 570 đoàn quốc tế với 1.650 đại biểu đến từ 112 quốc gia và vùng lãnh thổ); giáo hội Công giáo tổ chức Tổng hội Dòng Đa minh thế giới tại Đồng Nai (tháng 7/2019), với đại biểu của hơn 80 Quốc gia và vùng lãnh thổ tham; Hội đồng Giám mục Việt Nam tổ chức hội nghị Giám mục Á châu; Giáo hội Tin lành đã tổ chức thành công lễ kỷ niệm 500 năm cải chánh đạo Tin lành (tháng 12/2017). Ngoài ra, các sự kiện tôn giáo lớn thu hút sự quan tâm, tham dự của chức sắc, tín đồ tôn giáo ở trong và ngoài nước như: Hội yến diêu trì cung của Cao Đài tổ chức hàng năm; Đại hội La Vang của Công giáo; … Những hoạt động nêu trên đã góp phần giới thiệu về đất nước, con người, lịch sử, văn hóa của Việt Nam đến với bạn thế giới khẳng định chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; quy tụ kiều bào có tín ngưỡng, tôn giáo trong nước và ngoài nước đoàn kết để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đấu tranh phản bác thế lực, luận điệu xấu tuyên tuyền, xuyên tạc chủ trương chính sách tôn giáo của Việt Nam.
Trong những năm qua được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, các tôn giáo luôn khẳng định và phát huy tinh thần yêu nước, hoạt động tôn giáo tốt đời, đẹp đạo gắn bó đồng hành với dân tộc, giá trị đạo đức của tôn giáo lan tỏa trong đời sống xã hội góp phần quan trọng tích cực xây dựng và phát triển đất nước.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, để tiếp tục phát huy vai trò của các tôn giáo đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Ban Tôn giáo Chính phủ mong rằng:
– Lãnh đạo các giáo hội và chức sắc tôn giáo sẽ tiếp tục phát huy đường hướng gắn bó, đồng hành cùng nhân dân cả nước trong công cuộc xây dựng đất nước. Chức sắc tôn giáo nêu gương và vận động tín đồ tích cực tham gia sản xuất; thực hiện nếp sống văn minh, văn hóa ở cơ sở thờ tự; chấp hành pháp luật nhà nước, không tin, không nghe những luận điệu xuyên tạc của thế lực xấu, lợi dụng tôn giáo hoạt động mê tín dị đoan, trục lợi, kích động chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo, tin tưởng và ủng hộ Đảng, Nhà nước trong các hoạt động đối nội, đối ngoại, bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
– Các bộ, ngành chức năng rà soát, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đảm bảo tương đồng với Luật tín ngưỡng, tôn giáo nhằm tạo cở sở pháp lý vững chắc đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và công ước quốc tế về quyền con người; phát huy nguồn lực tôn giáo tham gia chủ trương xã hội hóa về Y tế, xã hội, Dạy nghề phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống cho đồng bào có đạo; kịp thời biểu dương và khen thưởng các chức sắc tôn giáo có thành tích tiêu biểu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trên đây là báo cáo kết quả nổi bật về việc các tổ chức tôn giáo đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ban Tôn giáo Chính phủ trân trọng báo cáo Thủ tướng Chính phủ và toàn thể quý vị đại biểu khách quý. Chúc quý vị đại biểu sức khỏe, thành công.
BAN TÔN GIÁO CHÍNH PHỦ