Tham luận của TT.Thích Đức Thiện tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp mặt và biểu dương các tôn giáo

Sáng nay ngày 9/8/2019, tại Hội trường chính Furama Resoft, số 105 đường Võ Nguyên Giáp, phường Mỹ Khuê, quận Ngũ Hành Sơn, Thành phố Đà Nẵng đã diễn ra Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp mặt và biểu dương chức sắc, chức việc tôn giáo có đóng góp tiêu biểu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với các tổ chức tôn giáo do Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ Nội vụ tổ chức.

 

 

 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng các vị lãnh đạo Chính phủ chủ tọa hội nghị

 

HT.Thích Thiện Nhơn – Chủ tịch HĐTS làm trưởng đoàn đại biểu Phật giáo tham dự hội nghị

 

Thay mặt Trung ương GHPGVN Hoà thượng Thích Thiện Nhơn – Chủ tịch HĐTS GHPGVN cùng 23 thành viên đại diện GHPGVN tham dự Hội nghị.

Tại hội nghị, thay mặt Trung ương GHPGVN, TT.Thích Đức Thiện – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HĐTS, Trưởng ban Phật giáo Quốc tế GHPGVN đã có bài phát biểu tham luận với đề tài: “HOẠT ĐỘNG QUỐC TẾ VÀ SỰ NGHIỆP CHĂM LO NGƯỜI VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI CỦA PHẬT GIÁO GÓP PHẦN TĂNG CƯỜNG NGOẠI GIAO NHÂN DÂN, THAM GIA BẢO VỆ VÀ XÂY DỰNG ĐẤT NƯỚC“. Phật Sự Online xin đăng lại toàn văn bài tham luận này:

 

TT. Thích Đức Thiện phát biểu tham luận

HOẠT ĐỘNG QUỐC TẾ VÀ SỰ NGHIỆP CHĂM LO NGƯỜI VIỆT NAM
Ở NƯỚC NGOÀI CỦA PHẬT GIÁO GÓP PHẦN TĂNG CƯỜNG NGOẠI GIAO NHÂN DÂN,
THAM GIA BẢO VỆ VÀ XÂY DỰNG ĐẤT NƯỚC

Thượng tọa, Tiến sĩ Thích Đức Thiện
Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký GHPGVN

Kính bạch Quý Hòa thượng, và các vị chức sắc các tôn giáo;

Kính thưa Ngài Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên BCT, Thủ tướng Chính phủ;

Ngài Trương Hòa Bình, Ủy viên BCT, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ;

Kính thưa………;

Thưa toàn thể quý vị.

Hôm nay trong những ngày tháng Tám mùa thu lịch sử của dân tộc, cả nước hướng về kỷ niệm 74 năm ngày Quốc khánh mùng 2/9, tại Thành phố Đà Nẵng tươi đẹp, nơi đáng sống nhất Việt Nam, thành quả của sự nghiệp đổi mới đất nước, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì hội nghị gặp mặt các chức sắc tôn giáo thể hiện sự quan tâm của Thủ tướng Chính phủ không chỉ tập trung phát triển kinh tế, mà còn tập trung phát triển văn hóa, xã hội, đời sống tâm linh của đồng bào có đạo và nhân dân.

Kính thưa quý vị,

Phật giáo là một tôn giáo trong cộng đồng các tôn giáo anh em, đã có nhiều đóng góp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nhận định về vai trò và những đóng góp của Phật giáo Việt Nam đối với cách mạng và dân tộc trong bài phát biểu tại buổi tiếp đại biểu Hội nghị thống nhất Phật giáo Việt Nam năm 1981 tại Phủ chủ tịch rằng: “Trong quá khứ, Phật giáo Việt Nam đã gắn chặt với dân tộc trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Lịch sử đã xác nhận Phật giáo Việt Nam là một tôn giáo, từ bản chất, bản sắc, từ trong thực tiễn hoạt động của mình, biểu hiện truyền thống yêu nước, gắn bó chặt chẽ với dân tộc, với Tổ quốc. Trong sự nghiệp cao cả của dân tộc ngày nay, Phật giáo đã góp phần xứng đáng. Đối với Việt Nam, nói đến tôn giáo là người ta nghĩ ngay đến Đạo Phật, đến những việc làm quý báu, đẹp đẽ của đông đảo Tăng Ni, Phật tử. Đạo Phật ở Việt Nam đã mang màu sắc dân tộc Việt Nam rõ rệt. Có thể nói rằng Phật giáo Việt Nam đã góp phần làm sáng ngời lý tưởng dân tộc, và trưởng thành cùng dân tộc”.

Các hoạt động Phật sự hoằng dương chính pháp, lợi lạc quần sinh, công tác từ thiện an sinh xã hội, các Phật sự hướng dẫn đồng bào Phật tử tinh thần đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo, xiển dương giáo lý từ bi, trí tuệ, tương thân tương ái, quan tâm và phụng sự cộng đồng, sống và làm việc theo pháp luật, xa rời các tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, góp phần xây dựng đời sống văn hóa, văn minh tại khu dân cư cùng nhau làm đẹp nền đạo đức xã hội, góp phần gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc vốn chứa đựng trong di sản văn hóa Phật giáo trước sự tiếp biến văn hóa trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

 Trong suốt hơn 38 năm qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đặc biệt coi trọng công tác đối ngoại Phật giáo và quan hệ quốc tế trong sự nghiệp đồng hành cùng dân tộc, qua đó thể hiện tinh thần nhập thế sâu sắc của Phật giáo Việt Nam.

Ngay từ khi mới thành lập, GHPGVN được thừa hưởng mối bang giao quốc tế của chư vị tiền bối với tư cách là thành viên sáng lập hội Liên hữu Phật giáo Thế giới (World Buddhist Fellowship – WFB), thành viên tích cực tham gia vào tổ chức Phật giáo quốc tế như Tổ chức Phật giáo châu Á vì Hòa bình (Asian Buddhist Confference for Peace – ABCP)…Từ chỗ không chủ động trong các mối quan hệ bang giao Phật giáo quốc tế, GHPGVN đã tích cực thể hiện sự chủ động và khẳng định vai trò chủ đạo của mình trong hội nhập quốc tế. Giáo hội tham gia sáng lập và là thành viên tích cực các tổ chức Phật giáo lớn trên thế giới: Liên Minh Phật giáo Thế giới (International Buddhist Confederation – IBC), Thượng đỉnh Phật giáo Thế giới (World Buddhist Summit – WBS),  Ủy ban Quốc tế Vesak Liên hợp quốc (International Committee for the United Nations Day of Vesak – ICDV), Hiệp hội các Đại học Phật giáo Thế giới (International Association Buddhist Universities – IABU) , Hiệp hội Nữ giới Phật giáo Quốc tế Sakyadhita ( Sakyadhita: International Association of Buddhist Women)…

Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã thiết lập và có mối quan hệ hữu nghị mật thiết, thân hữu với tổ chức Phật giáo các nước: Lào, Campuchia, Thái Lan, Myamar, Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippine, Ấn Độ, Srilanka, Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Hàn Quốc, Mông Cổ, Nepal, Bangladesh, Bhutan…, các tổ chức Phật giáo ở châu Âu: Pháp, Đức, Séc, Ba Lan, Hungary, Nga…, các tổ chức Phật giáo ở Mỹ, Úc, châu Phi: Angola, Mozambique…

Hàng năm, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức nhiều phái đoàn đi thăm hữu nghị Phật giáo các nước, cũng như đón tiếp các phái đoàn Phật giáo các nước thăm GHPGVN nhằm tăng cường tình hữu nghị và làm sâu sắc mối quan hệ quốc tế. Chư tôn đức Tăng Ni Ban Phật giáo Quốc tế và các Ban, Viện của Giáo hội đã tích cực tham gia các diễn đàn, hội nghị, hội thảo quốc tế, các đối thoại tôn giáo thế giới vì hòa bình trong khuôn khổ của Liên hợp quốc, của diễn đàn đa phương Á – Âu…Đặc biệt, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã chủ động các hoạt động giao lưu quốc tế thường xuyên với Phật giáo Lào, Campuchia trong khuôn khổ hợp tác Phật giáo ba nước Đông Dương; với Diễn đàn Phật giáo thế giới của Hiệp hội Phật giáo Trung quốc.

Hòa chung cùng sự hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước, nhằm khẳng định truyền thống lịch sử của Phật giáo trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, cũng như để tăng cường mối quan hệ giữa Giáo hội Phật giáo Việt Nam với Giáo hội và các truyền thống Phật giáo các nước trên toàn thế giới, khẳng định vai trò, vị thế của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Giáo hội đã đăng cai và tổ chức thành công ba kỳ Đại lễ Vesak Liên hợp quốc vào các năm 2008 (tại trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội) và năm 2014 (tại chùa Bái Đính, tỉnh Ninh Bình), và lần thứ ba từ ngày 12 – 14/5/2019 (tại chùa Tam Chúc, tỉnh Hà Nam) với sự tham dự của hơn 100 quốc gia và các vùng lãnh thổ trên thế giới, đạt nhiều thành quả tốt đẹp qua cái nhìn đầy khâm phục của bạn bè, các tổ chức Phật giáo các nước và các tổ chức quốc tế về Việt Nam nói chung, GHPGVN nói riêng. Đây là thành tựu nổi bật nhất trong sứ mệnh hội nhập quốc tế của GHPGVN.

Hoạt động Phật sự đối ngoại của Giáo hội Phật giáo Việt Nam góp phần tăng cường các mối quan hệ hợp tác chiến lược giữa Việt Nam và các nước thông qua việc Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã chủ động mời và nhận được sự tham dự Vesak 2014 tại chùa Bái Đính của Thủ tướng Srilanka; Thủ tướng cộng hòa Ấn Độ Narendra Modi thăm trụ sở Trung ương GHPGVN tháng 9/2016 và trong tuyên bố chung của Thủ tướng 2 nước đã có điều khoản Ấn Độ cấp học bổng cho Tăng Ni giáo hội Phật giáo Việt Nam học tập và nghiên cứu tại Ấn Độ qua đó khẳng định vai trò của GHPGVN trong hoạt động đối ngoại nhân dân. Sự tham dự Vesak 2019 tại chùa Tam Chúc, tỉnh Hà Nam của Tổng thống Myanmar, Thủ tướng Nepal, Phó Tổng thống – Chủ tịch Thượng viện Ấn Độ, Chủ tịch Thượng viện Bhutan, và Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc càng khẳng định vị thế của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong đối ngoại quốc tế, đồng hành với sự hội nhập quốc tế của đất nước.

 

 

Hoạt động đối ngoại nhân dân của Giáo hội Phật giáo Việt Nam còn được thể hiện qua việc Chư tôn đức Lãnh đạo GHPGVN đã tham gia hoạt động đối ngoại tham gia đoàn Lãnh đạo Đảng, Nhà nước thăm hữu nghị chính thức các nước như tham gia đoàn của Chủ tịch nước thăm hữu nghị chính thức Campuchia năm 2014; tham gia đoàn của Tổng Bí Thư thăm chính thức Hợp Chủng quốc Hòa Kỳ năm 2015; tham gia đoàn Chủ tịch nước thăm Ấn Độ, và Nhật Bản năm 2018.

Trong nhiều năm qua, thực hiện chính sách của Nhà nước ta về công tác Việt kiều là luôn quan tâm tới cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã thành lập các tổ chức cơ sở của mình hình thành Hội Phật tử Việt Nam ở nước ngoài nhằm thực hiện sự nghiệp chăm lo cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Đến nay đã có Hội Phật tử Việt Nam tại các nước châu Âu như Nga, Pháp, Đức, Ba Lan, CH Séc, Ucraina, Hungary, Hy lạp, Slovakia…; và các nước Đông Á: Nhật Bản, Hàn Quốc…; tại châu Phi: Mozambique, Angola. Giáo hội đã ký kết văn bản trong phối hợp công tác với Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài thuộc Bộ Ngoại giao để thực hiện tốt hơn nữa công tác chăm lo đời sống văn hóa tâm linh cho bà con Việt Kiều. Các chuyến hoằng pháp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại hải ngoại đã hướng bà con về với cội nguồn tổ tiên, quê hương đất nước thông qua các hoạt động Phật sự có ích, các sinh hoạt văn hóa, lễ hội, công tác từ thiện xã hội… Các hoạt động Phật sự thực sự đã đem lại sự đoàn kết cộng đồng, làm cho cộng đồng yêu thương nhau hơn, phát triển mạnh mẽ hơn trong lòng xã hội nước sở tại. Các hoạt động Phật sự phải duy trì, tiếp nối nguồn mạch văn hóa dân tộc Việt Nam, gìn giữ, phát huy các tinh hoa văn hóa Việt thông qua chữ viết, ngôn ngữ…tiếp thu sự tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến, văn minh của thế giới. Đồng thời giới thiệu với bạn bè quốc tế tại các nước hiểu hơn về văn hóa, đất nước, con người Việt Nam làm tăng cường hơn tình hữu nghị giữa các dân tộc trên thế giới vì hòa bình nhân loại.

Phương hướng hoạt động Phật sự đối ngoại của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong những năm tới được Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII vạch ra như sau:

Mở rộng các hoạt động đối ngoại đa phương theo định hướng ngoại giao nhân dân, ngoại giao văn hóa. Chủ động và tích cực trong quan hệ đối ngoại với các tổ chức Phật giáo và tổ chức tôn giáo thế giới; với các hệ phái, truyền thống và Giáo hội Phật giáo của các nước trên thế giới. Tăng cường và làm sâu sắc mối quan hệ hợp tác hữu nghị với cộng đồng Phật giáo thế giới, với Phật giáo các nước châu Á, cộng đồng Phật giáo các nước Asean. Chủ động tích cực tham gia với tư cách thành viên, thành viên sáng lập của các tổ chức Phật giáo quốc tế: Phật giáo châu Á vì hòa bình ABCP, Hội Liên hữu Phật giáo thế giới, Ủy ban tổ chức Đại lễ Vesak Liên hợp quốc, Liên minh Phật giáo toàn cầu…góp phần tham gia giải quyết các vấn đề toàn cầu vì hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới. Thường xuyên trao đổi đoàn đi thăm các nước, tham gia hội thảo quốc tế, cũng như đón tiếp các phái đoàn quốc tế, các tổ chức Phật giáo và tổ chức tôn giáo thế giới, các hệ phái, truyền thống và Giáo hội Phật giáo của các nước trên thế giới đến thăm Việt Nam theo đường lối ngoại giao văn hóa, ngoại giao nhân dân, và mong muốn là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các nước.

Quan tâm sâu sắc và đổi mới phương thức lãnh đạo, kết nối chặt chẽ với các Hội Phật tử Việt Nam ở nước ngoài nhằm nâng cao hiệu quả phục vụ cộng đồng bà con Việt kiều tại Hải ngoại. Tiếp tục thành lập các Hội Phật tử Việt Nam tại tất cả các nước có cộng đồng người Việt Nam sinh sống, lao động và học tập để gìn giữ truyền thống văn hóa dân tộc và hướng lòng yêu nước về Tổ quốc Việt Nam thân yêu.

Để thực hiện thành công mục tiêu hoạt động đối ngoại như trên, Giáo hội Phật giáo Việt Nam kính đề nghị sự quan tâm giúp đỡ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ một số vấn đề như sau:

  • Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ Ngoại giao và các Ban, Bộ ngành trung ương tiếp tục giúp đỡ Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong các hoạt động đối ngoại đa phương, các hoạt động đối ngoại nhân dân.
  • Bộ Ngoại giao chỉ đạo Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài phối hợp cùng với Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức tổng kết công tác phối hợp trong 10 năm qua, và tiến hành ký kết chương trình phối hợp công tác phù hợp với thời kỳ mới.
  • Làm sâu sắc và thiết thực hơn nữa chương trình phối hợp, sự giúp đỡ lẫn nhau giữa Bộ Ngoại giao, các vụ chuyên môn, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, các Đại sứ quán Việt Nam ở các nước với Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong việc giúp cho Giáo hội tổ chức đoàn, cử Tăng Ni sang hoằng pháp phục vụ bà con Việt Kiều. Giúp đỡ Giáo hội Phật giáo Việt Nam xây dựng các ngôi chùa kiến trúc thuần văn hóa Việt tại các nước nơi có cộng đồng người Việt sinh sống, học tập và lao động.
  • Các Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài có sự phối hợp chặt chẽ, cụ thể với Giáo hội Phật giáo Việt Nam về tình hình thực tiễn, nhu cầu thực tiễn của bà con Việt Kiều ở các nước sở tại. Phối hợp với Giáo hội trong việc cử Tăng Ni đi ra nước ngoài phục vụ bà con Việt Kiều theo nhiệm kỳ phải được coi là nhiệm vụ.
  • Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam cần mở rộng, nâng cao hơn nữa vai trò và tạo cơ hội, cơ cấu Tăng Ni Giáo hội Phật giáo Việt Nam tham gia tích cực vào các Hội hữu nghị Việt Nam với các nước.

Xin trân trọng cám ơn Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc,

Kính chúc Ngài Thủ tướng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ………………….. và quý vị sức khỏe, trí tuệ lãnh đạo đất nước phồn vinh, thịnh vượng, nhân dân ấm no, hạnh phúc như nguyện ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong di chúc của Người cách đây 50 năm.

Xin được kính chúc sức khỏe và thành tựu sự nghiệp của Quý chức sắc các tôn giáo trong tình bằng hữu, đoàn kết.

Chúc hội nghị đạt kết quả tốt đẹp.

 

Xem thêm một số hình ảnh ghi nhận tại Hội nghị:

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

PSO

 
 

Tin cùng chuyên mục