Sám hối trong đạo Phật có ý nghĩa như thế nào?

Sám hối theo nghĩa thông thường là xin lỗi. Xét về mặt xã hội, xin lỗi là một hành vi đạo đức của con người, khi họ đã gây ra những lỗi lầm và muốn được người bị tổn thương tha thứ. Xin lỗi là một hành động được ba mẹ, nhà trường dạy dỗ khi chúng ta còn bé và đó là điều cần thiết trong cuộc sống.

Sám hối là gì?

Trong Kinh Pháp Bảo Đàn nói: “Sám giả Sám kỳ tiền khiên, Hối giả hối Kỳ hậu quá”, nghĩa là: Ăn năn lỗi trước, chừa bỏ lỗi sau. Vậy Sám hối đúng nghĩa theo Chánh Pháp là nhận biết được lỗi đã gây tạo, ăn năn sửa lỗi và hứa không làm những điều này về sau.

Sám hối theo nghĩa thông thường là xin lỗi. Xét về mặt xã hội, xin lỗi là một hành vi đạo đức của con người, khi họ đã gây ra những lỗi lầm và muốn được người bị tổn thương tha thứ. Xin lỗi là một hành động được ba mẹ, nhà trường dạy dỗ khi chúng ta còn bé và đó là điều cần thiết trong cuộc sống. Các bậc Thánh hiền xưa đã dạy rằng: “Nếu mắc lỗi lầm thì công khai nhận lỗi đó, rồi tìm ra biện pháp và quyết tâm để sửa chữa. Thái độ đối với lỗi lầm như thế là thước đo một người chân chính, trung thực đáng cho mọi người tin cậy và kính trọng”.

 

 

Thế nhưng con người thường rất e dè trước lời xin lỗi bởi họ bị gắn chặt bởi chấp thủ và chấp ngã. Chấp thủ chính là việc gì cũng cho mình là đúng, người khác sai. Đó còn gọi là tính bảo thủ. Chấp ngã là đề cao cái tôi của mình, dù có biết lỗi nhưng không nhận lỗi vì sợ làm mất giá trị của bản thân, người khác coi thường. Vì thế nên đối những người này hai từ xin lỗi thường nặng nề và không được sử dụng đến.

Tại sao phải sám hối?

Chúng ta tạo tội rất nhiều trong đời sống, chúng ta cứ tiếp nối hết đời này sang đời kia như xâu chuỗi dài vô tận. Trong mỗi đời từ sinh tới chết tạo tội thêm mãi từ cái lỗi nọ cho tới cái lỗi kia trong mười điều ác. Ba điều về thân “sát sinh, trộm cướp, tà dâm”, bốn điều về miệng “nói dối, nói hai lưỡi, nói thêu dệt, nói ác”, và ba điều về ý “tham lam, sân giận hận thù, si mê tà kiến”; những lầm lỗi này tạo thành sức mạnh gọi là “nghiệp lực”, nghiệp lực đưa chúng ta vào đường khổ não tức phải gánh quả báo của tội lỗi.

Trong Kinh Lăng Nghiêm, đức Phổ Hiền Bồ Tát nói: “Nếu tội lỗi của chúng sanh có hình tướng, tất cả hư không cũng không chứa hết”; tội lỗi gây ra bởi chúng sanh từ vô thủy đến nay biết bao nhiêu, kể sao cho xiết.

 

 

Đức Phật dạy: “Tất cả chúng sanh trong sáu cõi (Trời, Thần, Người, Ngạ quỷ, Súc sinh, Địa ngục) không loài nào hoàn toàn trong sạch, không giống nào dứt hết tội lỗi”. Riêng đối với con người, chúng ta thấy lòng “tham, sân, si” che khuất tất cả, nó làm tăng trưởng lòng dục vọng, từ ý nghĩ lời nói đến hành động thường hay gây tội lỗi; muốn xóa bỏ tội lỗi, Phật giáo có cách tẩy trừ nó bằng cách sám hối, nhưng khi sám hối rồi, không còn tái phạm nữa mới đúng với ý nghĩa của sám hối.

Ý nghĩa sám hối trong đạo Phật?

Đức Phật nói “Ý dẫn đầu các pháp” nên “Tội từ tâm sanh, tội từ tâm diệt”. Chúng ta thấy, ý thức của mình là sợi dây kéo những hành động, lời nói sai lầm. Cũng có nghĩa là những tội lỗi đều do thân, khẩu, ý mà gây tạo. Bởi chúng ta còn là người phàm luôn bị chi phối bởi nghiệp lực và sống trong sự vô minh tăm tối nên luôn có những ý nghĩ và hành động sai trái, gây tổn thương cho mọi người xung quanh. Không những trẻ con gây lỗi lầm mà chính người lớn cũng thường mắc phải những lỗi lầm.

Tuy nhiên, đạo Phật có cách nhìn xa hơn là những tội nghiệp chúng ta gây tạo thường không phải từ đời này mà nhiều đời nhiều kiếp trong quá khứ nên chúng ta luôn mãi luân hồi trong sanh tử để trả lại những tội nghiệp đã tạo lấy theo quy luật nhân quả. Do đó, là một người có đạo đức nói chung và là người Phật tử hiểu đạo nói riêng, sám hối là đều tất nhiên phải thực hiện.

Lợi ích của việc sám hối là gì?

Chuyển hóa nghiệp lực, tiêu trừ tội lỗi trong quá khứ/ hiện tại mang đến cho cuộc sống ngày càng thăng hoa, tiến bộ hơn và cũng đem lại những lợi ích không thể nghĩ bàn.

Lợi ích này vào thời Đức Phật có thể thấy rõ qua hình ảnh của vua A Xà Thế vốn mang tội ngũ nghịch vì giết cha. Nhưng nhờ Đức Phật giáo hóa, vua đã biết ăn nan hối cải, sám hối trước Đức Phật và hóa giải được những sân hận trong lòng mình. Vì thế, vua A Xà Thế sau đó đã quy y Tam Bảo, trở thành Phật tử tại gia, phụng hành Chánh Pháp, làm nhiều phước thiện để chuyển hóa nghiệp xấu.

Diệt trừ những tánh xấu ngăn chặn những lỗi mới phát sinh trong tương lai.

 

Hình ảnh tướng cướp Angulimala Vô Não là minh chứng. Vì sự hiểu lầm và nghe lời xúi giục của kẻ xấu mà ông Angulimala, từ một dòng dõi quý tộc đáng kính trở thành một tướng cướp khát máu, luôn giết người để đạt được 1000 ngón tay. Khi đã lấy được 999 ngón tay, vì do duyên lành kiếp trước, ông đã gặp được Đức Phật.

Nhờ vào lòng từ bi và đức hạnh cao quý, Đức Phật đã giáo hóa và xóa sạch sự vô minh đang hiện diện trong ý nghĩ của ông, khiến ông quay đầu và trở thành một bậc Thánh sau thời gian tu hành. Có thể nói, nếu không gặp được Phật, nếu Vô Não không nhận ra lỗi sai thì ông sẽ tiếp tục làm những tội ác hại mạng người.

Đem lại hạnh phúc an vui cho cuộc sống hiện tại và là điều kiện căn bản để đi đến chỗ giải thoát rốt ráo.

Những người gây tội lỗi thường cảm thấy không yên ổn trong cuộc sống bởi lương tâm ray rứt hoặc sau đó gặp những chuyện không may xảy ra. Vì thế, chỉ cần sám hối một cách thành tâm sẽ làm cho tâm hồn được an tịnh.

Tính thực tiễn của sám hối

Nói đến tính thực tiễn của cái gì là nói đến những lợi ích thiết thực mà nó đem lại. Bất kỳ một pháp gì tồn tại đều có tác dụng của nó, cũng như một người đi thì phải có đi đâu, làm thì phải có làm gì. Sám hối cũng vậy, cũng mang đến những lợi ích thiết thực cho người thực hành. Vậy sám hối có những ích lợi gì? Trước hết, sám hối có tác dụng tích cực như là một phương pháp tu tập xét trên bình diện tâm linh. Thứ đến, sám hối có tác dụng chữa trị thuộc lãnh vực tâm lý.

Về mặt tâm linh, sám hối đóng vai trò như một pháp môn tu tập giúp hành giả đạt được những bước tiến trên con đường giác ngộ giải thoát.

Trong lĩnh vực tu tập mà mọi người đều thấy là khôi phục giới thể thanh tịnh cho người phạm giới. Nếu một người phạm các điều khoản của giới mà không phát lộ sám hối trước Tăng, tức là sám hối theo chế giáo nghi, thì giới thể bị ô nhiễm. Kinh nói giới có thanh tịnh thì mới phát sinh thiền định, có thiền định mới có trí tuệ. Giới thể này là năng lực phòng phi chỉ ác được phát sinh trong quá trình cầu thọ giới, nó có chức năng ngăn không cho các pháp hữu lậu xâm nhập vào tâm. Chỉ có sám hối mới có khả năng khiến cho giới thể đã bị nhiễm ô trở lại thanh tịnh.

Trong lĩnh vực tâm linh là tiêu trừ nghiệp. Xét hành vi phạm giới có hai yếu tố, đó là phạm giới đối với Tăng - tức là đi ngược lại với những giao ước sống chung của Tăng, và phạm nghiệp đạo. Yếu tố phạm giới thì trên đã nói, nó chỉ giới hạn ở hàng ngũ xuất gia. Yếu tố phạm nghiệp đạo thì bao quát cả Tăng lẫn Tục. Sám hối theo chế giáo nghi thì giới thể được thanh tịnh trở lại, thế nhưng nghiệp đạo đã phạm vẫn không mất, bởi vì chế giáo căn cứ trên tướng. Chỉ có sám hối theo hóa giáo nghi thì nghiệp đã tạo mới được tiêu trừ do hóa giáo thuộc phạm trù tánh. Vì vậy, thực hành các phương pháp sám hối theo Kinh Luận (hóa giáo nghi) như tụng kinh, bái sám, quán tưởng sẽ giúp hành giả dần dần tịnh hóa nghiệp của mình.

Yến Nguyễn (Tổng hợp)

Nguồn: baomoi.com

 

Tin cùng chuyên mục