Sáng ngày 09/11/2019 (nhằm ngày 13/10/Kỷ Hợi), Pháp hội Địa Tạng cầu siêu chư hương linh sản nạn, thai nhi vô danh năm 2019 tổ chức tại Tổ đình Long Khánh, Tp. Quy Nhơn đã được khai diễn trong không khí trang nghiêm và long trọng.
Quang lâm chứng minh và cử hành nghi lễ niêm hương, bạch Phật, khai đàn: HT. Thích Nguyên Phước, Viện chủ Tổ đình Long Khánh; ĐĐ. Thích Quảng Duy, Trú trì Tổ đình Long Khánh; ĐĐ. Thích Nhuận Tín, Trú trì chùa Thiên Sanh, Phù Mỹ; ĐĐ. Thích Quảng Nhơn, Trú trì chùa Long Sơn, Phù Cát; ĐĐ. Thích Quảng Hiển, Trú trì chùa Hưng Thạnh, Quy Nhơn; ĐĐ. Thích Nhuận Nghĩa, Trú trì chùa An Thái, Hoài Nhơn cùng chư Tôn thiền đức Tăng các tự viện trong thành phố và tại bổn tự, tham dự cầu nguyện có rất đông chư Thiện tín Phật tử xa gần.
Pháp hội Địa Tạng tại Tổ đình Long Khánh được tổ chức hằng năm vào dịp Rằm tháng Mười âm lịch. Năm nay, lần thứ 9 Pháp hội diễn ra từ ngày 09 – 11 tháng 11 (nhằm ngày 13 – 15/10/Kỷ Hợi). Pháp hội là ngày giỗ hội chung của tất cả chư hương linh sản nạn, thai nhi vô danh. Dù con người được sinh ra hay chưa thì tâm thức vẫn tồn tại, vẫn có những mối dây liên hệ với người thân. Những thai nhi không được chào đời, bị cha mẹ chối bỏ là những dạng chết đi mà không cam lòng, không chấp nhận nên không thể siêu thoát. Cầu siêu có ý nghĩa chung là người sống dùng sự thành tâm, sự sám hối, dùng công đức hồi hướng cho người đã mất, để cho những vong hồn sớm được siêu thoát.
Khi vong linh đứa trẻ không siêu thoát, niềm oán hận không được giải trừ thì người còn sống không được thanh thản, cuộc sống cũng sẽ gặp nhiều trắc trở. Trong quan niệm của nhà Phật, đến với nhau là một niềm duyên. Tạo ra một đứa trẻ mà vứt bỏ đi thì vô tình người làm cha mẹ đã tạo ra một niềm oán đối với những người thân yêu nhất. Bậc làm cha mẹ nên hiểu được điều này để giữ gìn, không làm điều sai. Còn khi lỡ rồi thì phải đối mặt để giải quyết, sám hối, ăn năn cho mình, cho người. Điều đó không chỉ có ý nghĩa đối với một gia đình mà còn có ý nghĩa đối với một xã hội, một quốc gia.
Với tấm lòng từ bi, thương cảm với các hương linh thai nhi và hiểu sự ray rứt, ân hận của các bậc cha mẹ, Đại Đức Trú trì Tổ đình Long Khánh đã tổ chức Đàn tràng cầu siêu thai nhi lần đầu tiên vào năm 2011 với khoảng hơn 3000 gia đình đăng ký cầu siêu. Trải qua 9 năm tổ chức, năm nào cũng rất đông Phật tử, các bậc cha mẹ về chùa đăng ký, là nơi các hương linh thai nhi được có tên, nhận được sự quan tâm của cha mẹ vì nhiều lý do vô tình hay hữu ý, đã từ bỏ đi giọt máu của mình.
Sau khi chư Tôn thiền đức tác pháp khai diễn Pháp hội, nhờ sự gia tâm cầu nguyện của chư Tăng, sự thành tâm hồi hướng của Phật tử đồng tụng kinh Địa Tạng Bồ tát Bổn nguyện do Đại Đức Trú trì chủ trì khóa lễ. Buổi chiều hằng ngày là khóa lễ dâng sớ kỳ siêu. Trong tối ngày 14 âm lịch là lễ sám hối, tối ngày rằm là lễ Thắp nến cầu siêu.
Dù bão số 6 chuẩn bị đổ bộ vào tỉnh Bình Định, ngoài trời đã có mưa gió nhưng cũng không thể nào ngăn được những bước chân về chùa, sám hối, ăn năn lỗi lầm mà mình từng đã phạm phải. Chư Tăng cùng Phật tử đã cùng thành tâm trì niệm danh hiệu chư Phật, chư Bồ tát cầu nguyện cho bão số 6 suy yếu, tránh gây những thiệt hại và tổn thất nặng nề cho các tỉnh miền Trung và tỉnh Bình Định, cầu nguyện quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa.
Những hình ảnh được ghi nhận lại:
Quảng Tiến