GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM TỈNH BÌNH ĐỊNH

An Nhơn: Đoàn hành đạo Giáo đoàn III ghé thăm tịnh xá Ngọc Duyên

Chiều ngày 15/03/2024 (nhằm mùng 6/02 năm Giáp Thìn) chư Tôn đức lãnh đạo Giáo đoàn III đã ghé thăm tịnh xá Ngọc Duyên (P. Đập Đá, TX. An Nhơn) do ĐĐ. Giác Phước trụ trì.

 

 

Đoàn hành đạo do HT. Giác Hùng - Phó Trưởng ban Giáo phẩm Hệ phái, Đệ nhất chứng minh kiêm Trị sự trưởng Giáo đoàn III hướng dẫn. Cùng đi trong đoàn có HT. Giác Phùng - Giáo phẩm Hệ phái, Tri sự phó Thường trực Giáo đoàn III; HT. Giác Trong - Giáo phẩm Hệ phái, Tri sự phó kiêm Trưởng ban Hoằng pháp Giáo đoàn III;  HT. Giác Minh - Giáo phẩm Hệ phái, Tri sự phó kiêm Trưởng ban Nghi lễ Giáo đoàn III.

Sau khi tác bạch vấn an chư Tôn đức, ĐĐ. Giác Phước đã trình bày về đường hướng sinh hoạt tu tập của tịnh xá Ngọc Duyên. Theo đó, tịnh xá vẫn giữ vững các thời khóa hành trì tu tập theo truyền thống Hệ phái Khất sĩ, đồng thời tổ chức cúng hội 2 kỳ hằng tháng, vào ngày 15 và 30 ÂL; thực hiện định kỳ khóa tu Bát Quan Trai niệm Phật vào 23 ÂL. Ngoài ra, đạo tràng cũng thường tổ chức phát cơm từ thiện hằng tháng cho bà con trong khu vực.

Chia sẻ tại buổi thăm hỏi, HT. Giác Hùng cho biết đã từng có cơ hội lưu trú tại đây từ thuở khai sơn, do đó Hòa thượng sách tấn chư Tăng tịnh xá Ngọc Duyên: “Là người tiếp nối con đường Tổ Thầy đã đi, tiếp nối thành quả các bậc khai sơn đã để lại, chư Tăng cần duy trì, giữ gìn và phát huy ngôi tịnh xá cho rạng rỡ và tốt đẹp hơn, làm nơi nương tựa tâm linh cho quần chúng nhân dân. Muốn được vậy, mỗi người phải giữ đạo hạnh, giới hạnh cho nghiêm trang, tạo niềm tin vững chắc cho Phật tử”.

Sau đó, ĐĐ. Giác Phước đã chí tâm đảnh lễ tiếp thu lời giáo dưỡng của chư Tôn đức, đồng thời, thành kính cung thỉnh Tăng đoàn vào sáng ngày 16/03/2024 dự lễ Tưởng niệm Trưởng lão ân sư Đạo hiệu Giác Dưỡng tròn 30 năm viên tịch (07/02 ÂL, 1994 – 07/02 Giáp Thìn, 2024).

Nhân chuyến thăm và dừng chân nghỉ ngơi tại tịnh xá Ngọc Duyên, TT. Giác Phổ cũng đã có thời pháp thoại đến đạo tràng tịnh xá vào lúc 19g00 cùng ngày.

 

 

Tại buổi pháp thoại, Thượng tọa mở đầu bằng việc nhắc lại lời dạy của Đức Tổ sư Minh Đăng Quang: “Vui đạo lý vĩnh viễn hơn vui thiện, vui thiện nhẹ cao hơn vui ác, vui ác vui vật chất là gốc khổ sầu tai hoạ”. Phật tử trong đời sống, thụ hưởng niềm vui nào nhiều nhất? Cái vui đó đang đem lại khổ đau, hay an lạc, hay đang tắm mình trong đạo lý? Cần hiểu rằng, dẫu đang thụ hưởng niềm vui nào, đó nhất định phải là niềm vui thiện, chứ không được bất thiện. Niềm vui của thế gian phần lớn đều xuất phát từ sự say mê trong ngũ dục, đó chính là nguồn gốc đưa tới khổ đau, phiền não. Như Tổ sư dạy: ‘vui ác, vui vật chất là gốc khổ sầu tai hoạ’. Những niềm vui khiến không bảo vệ được mình, không bảo vệ được gia đình, không bảo vệ được tài sản, nếu phân tích kỹ ta sẽ thấy rõ như uống rượu, chơi bời sa đoạ… tuy vui nhất thời nhưng đã làm bao nhiêu thứ khổ đau phiền luỵ khác kéo theo sau”.

Từ đó, Thượng tọa khuyên: “Mỗi Phật tử nên cố gắng đại hùng đại lực vượt lên chính mình, thắng phục tâm trí mình ra khỏi những niềm vui vật chất, vui ác.

‘Vui thiện nhẹ cao hơn vui ác’ - Vui thiện bằng cách tu tập, ăn chay, khoan dung độ lượng, làm lành lánh dữ, chia sẻ, tạo phúc cho đời mình cho tha nhân … đó là vui thiện. ‘Vui đạo lý vĩnh viễn hơn vui thiện’ - Hằng ngày chúng ta tu tập, học hỏi giáo lý, tụng kinh niệm Phật, quay về với Tam Bảo, quay về với mình trong giáo pháp… đó là niềm vui đạo lý.

‘Đệ tử Gotama / luôn luôn tự tỉnh giác / bất luận ngày hay đêm / thường tưởng niệm Phật Đà’ (Kinh Pháp Cú) - Các Phật tử nên nhớ nghĩ niệm danh hiệu chư Phật, chư đại Bồ tát, sâu hơn là người có tỉnh thức, sáng - trưa - chiều - tối sống trong tỉnh thức là đang niệm Phật, vì Phật là tỉnh thức. Vậy làm thế làm để có tỉnh thức? Buổi sáng nghĩ điều lành, nói điều lành, hành động điều lành, buổi trưa nghĩ điều lành, nói điều lành, làm điều lành. Bốn thời như vậy là người tỉnh thức. Hiểu sâu hơn niệm Phật là như vậy. Sống trong đời sống tỉnh thức là tu tập mỗi hành động, lời nói, suy nghĩ, sinh hoạt hằng ngày, từ quét nhà, rửa chén… sống đời sống khoan dung độ lượng, khiêm hạ, không ỷ lại mình, niệm trong tỉnh giác, sống trong tỉnh giác, tam nghiệp (thân, khẩu, ý) trong cái thiện, gieo nhân thiện rồi nuôi dưỡng duy trì sẽ gặt hái những điều tốt đẹp.

‘Thân trong sạch ấy là xứ Phật, miệng trong sạch ấy là Pháp Phật, ý trong sạch ấy là con Phật, tâm trong sạch ấy là đức Phật’ (Tổ sư Minh Đăng Quang dạy), người nào thân khẩu ý trong sạch người đó cảnh giới tương ưng với cảnh giới chư Phật. Không nhất thiết phải đợi Phật rước về với cảnh giới của Phật, mà làm được như vậy thì cảnh giới của 10 phương chư Phật có mặt trong ta ở cõi ta bà này. Điều đó chỉ xảy ra khi và chỉ khi chúng ta biết tu tập giữ tâm ý mình được trong sạch, thanh tịnh. Hướng về chư Phật bằng cách tự mình bước đi, tự quy y chính mình, trong ta cũng có Phật, Pháp, Tăng. Cho nên phải nỗ lực tu tập làm sáng sạch trong lòng ba ngôi Tam Bảo để cảnh giới của Phật ở mãi trong ta, làm lợi ích cho mình và tha nhân. Nương tha lực nhưng cũng phải tự lực.

Giờ phút tưởng niệm chánh pháp là những lời dạy của Đức Phật, người Phật tử thọ học đầu tiên là Quy y Tam bảo, thọ trì Ngũ giới. Đây là những pháp căn bản, giúp hành giả tu tập bỏ ác làm lành, bỏ phàm tục đạt thành bậc Thánh. Ngoài ra, còn nhiều pháp như tụng kinh, niệm Phật, ăn chay, ngồi thiền, sám hối… Mỗi người chọn một pháp tương ưng với mình mà tu tập, cũng không nên phân biệt, không nên có sự khen chê. Bởi lẽ, pháp là phương tiện nhưng đều hướng về một đích đến. Giống như Phật tử đến Tịnh xá có người đi bộ, đi xe máy, ôtô, nhưng cũng đều hướng tới một nơi là Tịnh xá, nên phải trân trọng mọi pháp dù pháp đó mình không hành trì.

Các Phật tử, Muốn tu tập hoà hợp với đại chúng thì Phải quy y Tăng, tưởng niệm Tăng, Tăng có nghĩa là hoà hợp chúng, nên khi chúng ta sống chung với mọi người cùng nhau hoà hợp hướng tới con đường an vui, hạnh phúc, giải thoát, giác ngộ, như vậy mới trọn vẹn quy y Tăng. Cần hiểu rằng, không phải Tăng là một vị thầy nào đó nhất định, mà tất cả Tăng đều là thầy của mình, quy y Tăng là quy y với đoàn thể Tăng già, khi tu tập không chỉ tu cho chính mình mà còn phải cùng nhau tu tập. Pháp cùng nhau tu tập là Pháp Lục hoà (sáu pháp hoà kính): Thân cùng nhau hoà hợp ở chung, Miệng không tranh đua cãi lẫy, Ý ưa nhau không trái nghịch, Giới luật đồng cùng nhau tu theo, Kiến thức chuyên chỉ giải cho nhau, Lợi ích chia đều với nhau”.    

Ngoài ra, TT. Giác Phổ còn khuyên nhắc Phật tử phải niệm giới bằng cách giữ giới. Giới của người Phật tử tại gia là 5 giới (không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu) để hoàn thiện nhân cách của một con người lương thiện, từ đó, dần dần bước lên con đường thân cận gần gũi chư Phật, chư Bồ-tát, chư Thánh hiền. Bên cạnh việc giữ giới, Phật tử còn phải thực tập những pháp trợ duyên khác là những pháp tu như đã nói. Vui cái vui bố thí, vui với cái hạnh khoan dung độ lượng, vui với cái từ bi hỷ xả, vui với cái niềm vui hoà hợp chúng… Đó là những niềm vui trong đạo lý mà Tổ sư đã dạy”.

Cuối cùng Thượng tọa giảng sư đã chúc các Phật tử luôn sống trong niềm vui của đạo lý, luôn an lạc trong chánh pháp. Buổi pháp thoại khép lại trong niềm hoan hỷ thọ nhận giáo pháp của đại chúng.

Hình ảnh ghi nhận:

 

 

 

 

 

Giác Phước/Ban TT-TT PG Bình Định

Lên đầu trang